Cuộc sống - Visa

img detail
25/11/2020 Cuộc sống - Visa

Mấy ngày qua, dịch COVID-19 lại bùng phát mạnh ở Nhật Bản. Bài viết này sẽ tổng kết lại các biện pháp cơ bản và các điểm cần lưu ý để phòng tránh dịch bệnh trước khi thời tiết thực sự bước vào mùa Đông, mùa của bệnh dịch lây nhiễm hằng năm.

Đeo khẩu trang, rửa tay, khử trùng tay, súc miệng

Biện pháp phòng bệnh cơ bản nhất là đeo khẩu trang. Sử dụng siêu máy tính “Fugaku” để phân tích sự phát tán giọt bắn khi ho, người ta biết rằng dù đeo khẩu trang bằng vải không dệt hay khẩu trang vải thông thường đều có thể hạn chế 80% lượng giọt bắn. Mặt khác, cũng thông qua phân tích trên siêu máy tính “Fugaku”, người ta biết rằng kể cả khi đeo tấm chắn mặt thì một lượng lớn các giọt bắn nhỏ vẫn lọt ra ngoài qua các chỗ hở. Rửa tay, khử trùng tay và súc miệng cũng là các biện pháp phòng dịch rất quan trọng.

Không chạm tay vào mặt ngoài khẩu trang

Khi tháo hay điều chỉnh khẩu trang, đừng chạm tay vào mặt ngoài khẩu trang mà hãy cầm vào phần quai đeo. Ngoài ra, khi tháo khẩu trang xong thì hãy nhớ rửa tay sạch sẽ.

Theo trang web của viện nghiên cứu phòng chống vi-rút, vi khuẩn.
Theo trang web của viện nghiên cứu phòng chống vi-rút, vi khuẩn.

5 bối cảnh có nguy cơ lây nhiễm cao

“Ban cố vấn” gồm các chuyên gia đưa ra các lời khuyên cho Bộ Y tế Nhật Bản về biện pháp phòng chống dịch COVID-19 đã nêu ra “5 hoàn cảnh” có nguy cơ lây nhiễm cao như sau:

① Nhiều người cùng sống chung trong không gian chật hẹp

② Di chuyển từ nơi này sang nơi khác

③ Liên hoan, tiệc tùng có uống rượu bia

④ Ăn uống đông người trong thời gian kéo dài

⑤ Trò chuyện mà không đeo khẩu trang

Ví dụ về hoạt động ①: Kí túc xá của du học sinh hoặc thực tập sinh kỹ năng. Có một số trường hợp được cho là xảy ra lây nhiễm do nhiều người dùng chung phòng hoặc nhà vệ sinh kí túc xá.

Ví dụ về bối cảnh ②: Một số trường hợp bị nghi là lây nhiễm trong phòng nghỉ, phòng hút thuốc hoặc phòng thay đồ ở chỗ làm.

Ví dụ về bối cảnh ③: Khi đã uống say, bạn bè lại đông đúc thì dễ trò chuyện lớn tiếng khiến lượng giọt bắn tăng lên.

5 điểm cần lưu ý khi ăn liên hoan, tiệc tùng

Khi đã uống rượu, lại có đông bạn bè thì mọi người thường trò chuyện lớn tiếng, khiến lượng giọt bắn tăng lên. Hơn nữa, khi đi nhậu tiếp tăng 2, tăng 3 thì thời gian tiếp xúc dài hơn khiến nguy cơ lây nhiễm tăng lên. Vì vậy, thủ đô Tokyo đưa ra 5 đề xuất dưới đây khi liên hoan, tiệc tùng:

① Tổ chức liên hoan “ít người”

② Tổ chức liên hoan “thời gian ngắn”, (ví dụ như chỉ trong khoảng 1 tiếng đồng hồ)

③ “Nói chuyện nhỏ nhẹ” khi liên hoan

④ Chia đồ ăn thành các “đĩa nhỏ”

⑤ “Thường xuyên” rửa tay, khử trùng tay, đeo khẩu trang, thông khí

Cán bộ của Trung tâm Quốc gia về Y tế và Sức khỏe Toàn cầu của Nhật Bản chỉ ra rằng “Tiếp xúc với nhau trong thời gian dài, tháo khẩu trang ra để ăn uống trong thời gian dài, đi nhậu liên tiếp nhiều quán khác nhau, nói chuyện lớn tiếng v.v. là những hành vi có nguy cơ lây nhiễm cao.”


Lời kêu gọi “Đeo khẩu trang trước và sau khi ăn” của nhà hàng