Giải quyết khó khăn

img detail
01/09/2019 Giải quyết khó khăn

    Nếu bạn gặp khó khăn khi đến Nhật Bản xin hãy liên hệ ngay với quầy tư vấn của các cơ quan chức năng, chuyên gia, tổ chức tình nguyện, v.v.

   “KOKORO” có dự kiến sẽ giới thiệu nhiều quầy tư vấn khác nhau trên cả nước.

    Ngoài ra, chúng tôi sẽ liên tục đăng tải lời khuyên và câu trả lời tiêu biểu từ các chuyên gia đối với các câu hỏi của người nước ngoài đang sinh sống tại Nhật Bản. Vui lòng tham khảo trang này nếu bạn gặp phải bất kỳ vấn đề nào liên quan đến cư trú, việc làm, du học tại Nhật Bản.

Công ty không trả tiền làm thêm giờ

     Mỗi ngày tôi đều làm 11 tiếng, mỗi tuần làm 6 ngày nhưng không được công ty trả tiền làm thêm giờ.
(Anh A là người làm đầu bếp)

    Đối với phần thời gian làm việc hơn 8 giờ trong 1 ngày, hơn 40 giờ trong 1 tuần thì bạn sẽ được trả thêm 1.25 lần so với mức lương giờ làm việc bình thường.
    Để yêu cầu thanh toán tiền làm thêm giờ chưa được chi trả (phần tiền làm thêm chưa được chi trả trong khoản tiền làm thêm) thì bạn cần phải chứng minh thời gian lao động hoặc có thể sử dụng các chứng từ như thẻ chấm công, sổ tay tự ghi lại chính xác thời gian bắt đầu, kết thúc làm thêm giờ. Đối với phần tiền lương này, sau hai năm kể từ ngày chi trả lương hàng tháng, sẽ bị mất quyền yêu cầu thanh toán cho nên bạn hãy nhanh chóng yêu cầu thanh toán.
(Người trả lời: Hội nghiên cứu về lao động di dân)

Bị thương tại nơi làm

    Trong khi làm việc, tôi bị máy dập kẹp phải và mất 3 ngón tay nhưng công ty chỉ trả tiền chi phí điều trị, ngoài ra không trả thêm gì nữa.
(Thực tập sinh B)

    Nếu làm đơn xin bảo hiểm tai nạn lao động, bạn có thể được nhận 80% mức lương trong thời gian nghỉ không đi làm và viện phí cùng tiền trợ cấp một lần hay lương hưu trong trường hợp có di chứng để lại. Mặt khác, bạn cũng có thể yêu cầu công ty phải bồi thường thiệt hại cho mình. Chúng tôi khuyên bạn nên ủy nhiệm cho luật sư.
(Người trả lời: Hội nghiên cứu về lao động di dân)

Tử vong vì làm việc quá sức

    Hằng ngày bố tôi đều phải làm thêm ngoài giờ đến tối muộn, thậm chí cả thứ 7, chủ nhật cũng phải đi làm và tự nhiên mất vì suy tim.
(Người thân của anh C làm công việc sản xuất)

    Người lao động bình quân mỗi tháng làm việc ngoài giờ hoặc trong ngày nghỉ trên 80 tiếng khiến tử vong vì bệnh tim hoặc não thì có khả năng nguyên nhân là do làm việc quá sức. Nếu tử vong do làm việc quá sức thì người thân có thể nhận được một khoản tiền trợ cấp từ cơ quan bảo hiểm lao động, còn đối với công ty bạn cũng có thể yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại.
    Việc xác định tử vong do làm việc quá sức dựa trên tiêu chuẩn cặn kẽ, và cần phải thu thập bằng chứng để chứng minh thời gian làm việc nên chúng tôi khuyên bạn nên ủy nhiệm cho luật sư.
(Người trả lời: Hội nghiên cứu về lao động di dân)

Tôi bị công ty đuổi việc

     Tôi đang làm việc với tư cách lưu trú là hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật, tri thức con người, nghiệp vụ quốc tế . Hai tháng trước khi hết thời hạn lưu trú, đột nhiên tôi nhận được thông báo bị đuổi việc
(Anh D là người làm việc trong một công ty thương mại)

   Nếu để nguyên tình trạng như vậy thì bạn không có thu nhập, và cũng sẽ không thể xin gia hạn tư cách lưu trú được. Vì vậy bạn nên ủy nhiệm cho luật sư, luật sư sẽ nộp đơn xin bảo toàn vị trí như một giải pháp tạm thời và đưa ra tòa án lao động, trong thời gian ngắn nhất sẽ có phán quyết. Hơn thế nữa còn có một cách là nếu có vẻ sẽ tìm được công việc làm tiếp theo, thay vì nhận tiền giải quyết từ công ty thì bạn có thể dùng hình thức hòa giải bằng cách tự xin nghỉ việc.
(Người trả lời: Hội nghiên cứu về lao động di dân)

Kinh nghiệm của tôi

Con trai tôi mất vì bị tai nạn ô tô đâm
(Người thân của du học sinh E)

    Trong trường hợp người nước ngoài đã có tạm trú ở Nhật, các phương pháp tính toán bồi thường thiệt hại có thể khác với người Nhật. Trong trường hợp tai nạn tử vong còn có thêm vấn đề là dựa trên luật pháp của nước nào để quyết định ai thừa hưởng quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tốt nhất là bạn nên ủy nhiệm cho luật sư thông thạo về các vụ liên quan đến người nước ngoài để yêu cầu đàm phán hoặc đệ đơn ra tòa.
(Người trả lời: Hội nghiên cứu về lao động di dân)

Muốn ly hôn với chồng người Nhật

     Tôi đang nghĩ đến việc ly hôn với chồng là người Nhật. Mặc dù chúng tôi đã có 1 đứa con 1 tuổi nhưng sau khi ly hôn tôi muốn sống chung với con trai ở Nhật.
(Câu hỏi của chị F, người mang tư cách lưu trú là vợ của người Nhật)

     Để ở lại Nhật sau khi ly hôn, bạn phải có khả năng tự kiếm sống độc lập được, và phải đang nuôi dưỡng đứa con giữa bạn và chồng người Nhật, cho nên cần phải có việc làm và nhận được quyền nuôi dưỡng đứa trẻ.
    Ly hôn đối với người nước ngoài thường gặp rắc rối về vấn đề pháp lý và tư cách lưu trú, cho nên bạn hãy thảo luận cụ thể với luật sư chuyên xử lý các vụ liên quan đến người nước ngoài và chuẩn bị kỹ lưỡng.
(Người trả lời: Hội nghiên cứu về lao động di dân)