Văn hoá

img detail
20/11/2019 Văn hoá

 Mùa hè này, mình và ông bạn người Nhật chung công ty đã cùng đi phượt với nhau từ Tokyo đến bán đảo Izu. Và địa điểm hẹn nhau lần này là trạm dừng chân Ebina, nếu ai hay đi đường cao tốc sẽ biết đến trạm nghỉ này. Chẳng giấu gì các bạn, ngoài đam mê xe pháo ra mình còn khoái chụp ảnh nữa. Mình rất thích chụp con gái xinh và bọn con nít dễ thương, cho dù ảnh mình chụp không thực sự xuất sắc cho lắm. Vì đến sớm hơn một chút, nên trong lúc chờ anh bạn kia đến mình lôi máy ảnh ra, làm sương sương vài chục nháy…Vừa mới gặp bạn kia, mình lôi luôn ra chỗ bàn cà phê để bàn về lộ trình, cũng như là cho xem ảnh mấy em xinh tươi mình mới chụp được. Thề là quả đấy rất bực mình, đã không tán thưởng thì thôi, cu cậu còn mắng mình vài câu, kêu bên này chụp mà không xin phép là không được, có ngày vào tù đấy ông. Định bụng là kệ ông ý kiến ý cò, mình chụp kệ mình, lần sau không cho xem nữa. Nghĩ thì nghĩ thế thôi, chứ hôm đấy về lữ quán cũng lôi di động ra tìm hiểu một chút về vụ này, té ra là Nhật Bản khá là quyết liệt trong chuyện này thật. Sau đây mình xin chia sẻ một số thứ liên quan đến vấn đề này mà mình cho là hữu ích cho các tay nháy đang tác nghiệp tại Nhật Bản.

 Đọc đến đây sẽ có nhiều bạn thắc mắc, tại Việt Nam chụp ảnh con-anh-chị-em-bạn-dì nhà người ta không xin phép cũng được hử. Dĩ nhiên là KHÔNG. Trong pháp luật Việt Nam, cá nhân có quyền sở hữu hình ảnh cá nhân của mình. Không ai có quyền chụp ảnh người khác khi không có sự đồng ý của họ, cũng như là sử dụng hình ảnh đấy đăng lên mạng xã hội, website dù là có mục đích thương mại hay không.

 Tuy nhiên mình nghĩ đa số người Việt Nam chúng ta không có mấy quan tâm đến vấn đề này. Có khá nhiều người đăng ảnh người khác lên các phương tiện thông tin đại chúng rất thoải mái. Ảnh người công nhân đang làm việc, những cô gái xinh xắn, những đứa trẻ dễ thương…cứ vô tư chụp và hầu hết đều không có bất cứ vấn đề lớn nào xảy ra. Ngược lại, nhiều khi hướng máy ảnh về phía các nhân vật trên, ta còn thấy họ vui vẻ tạo dáng cho mình chụp. Tại Nhật Bản thì ngược lại hoàn toàn, bạn có thể bị khởi kiện vì xâm phạm quyền bảo vệ hình ảnh cá nhân. Trong thực tế, đã có trường hợp số tiền phạt lên đến 10 triệu yên.

 Vậy, quyền hình ảnh cá nhân là gì? Làm sao để tránh vi phạm quyền này? Theo mình nghiên cứu thì quyền hình ảnh cá nhân là quyền bảo vệ hình ảnh, dung mạo của mình, nghiêm cấm các hành vi chụp ảnh và đăng lên các phương tiện truyền thông đại chúng từ người khác. Tức là, các bạn phải xin phép một cách đường hoàng khi chụp ảnh, trong trường hợp người bị chụp là nhân vật chính hay có khuôn mặt nhân vật thể hiện rõ ràng trong bức ảnh. Trong lúc mở lời nên nói rõ mục đích sử dụng cũng như chắc chắn là bạn nhận được sự cho phép trước khi chụp.

 Nguyên tắc thì như thế. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp mà có thể du di một chút được. Cụ thể là khi chụp ảnh phong cảnh, chắc không ít lần bạn gặp tình huống kiểu gì cũng dính người vào bức ảnh của mình. Trong trường hợp này, từ khoá là làm sao để cho những nhân vật phụ này có vào trong bức ảnh cũng không xác định rõ ràng là ai thì OK. Có thể chụp ở khoảng cách xa để cho sự hiện diện của họ là thực sự không đáng để ý, cũng có thể mở khẩu lớn để làm mỏng đi độ sau của trường ảnh…Đấy là một trong hai cách để né luật của mình.

 Ngoài ra, mình cũng thấy nhiều bạn post hình đồ ăn thức uống của các cửa hàng lên Facebook hay Instagram. Về cơ bản thì đồ ăn, đồ uống không có dính quyền hình ảnh cá nhân nên không có vấn đề gì. Tuy nhiên có một số cửa hàng họ cấm quay phim chụp ảnh cho nên cứ hỏi nhân viên một câu cho nó chắc nhé.

 Bởi vậy, khi các bạn chụp ảnh, quay phim người lạ, đặc biệt ở Nhật, thì nên xin phép họ. Trong cửa hàng, quán ăn thì nên hỏi qua nhân viên trong quán. Tại Nhật Bản, mình biết có rất nhiều tay máy hàng “xịn” người Việt Nam, nhưng mình không chắc bao nhiêu trong số các bạn ấy đã tìm hiểu về quyền hình ảnh cá nhân. Mong các bạn chịu khó để ý một tí để có những hành trình nhiếp ảnh vui vẻ, bổ ích và đặc biệt là không xảy ra sự cố đáng tiếc về luật pháp nào.