Blog

Việt Nam OK, Nhật Bản DAME_24: Cẩn thận với những đụng chạm cơ thể

常識・非常識24-7
09/12/2021

Một cái ôm mà nhiều người Việt coi là thể hiện sự thân thiện có thể sẽ không được hiểu là “thân thiện” ở Nhật đâu nhé. Trong số này, hãy tìm hiểu cách tiếp nhận kiểu chào bằng cách ôm ra sao, văn hóa cúi người để chào và cách chào khi tiễn nhau của người Nhật như thế nào nhé.

Người Nhật không thích ôm nhau khi chào

Hãy tưởng tượng một tình huống thế này:

Bạn đi du lịch và chọn việc trải nghiệm cuộc sống cùng người bản địa. Sau 1 tuần được chủ nhà tiếp đón nồng hậu, bạn rất cảm động. Giờ chia tay đã đến và bạn cảm thấy cần phải làm điều gì đó để thể hiện lòng biết ơn của mình trước tấm thịnh tình của gia chủ.

Ở Việt Nam, do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây nên một cái ôm tặng gia chủ là hoàn toàn bình thường. Thậm chí trong quá trình trải nghiệm cuộc sống cùng chủ nhà, bạn có thể khoác vai thân mật một chút với chủ nhà trong lúc đôi bên đang nhâm nhi vài chén rượu hoặc đơn giản là dùng chung bữa tối.

Tuy nhiên, đừng làm điều tương tự với người Nhật nhé. Dù có thân thiết tới đâu thì người Nhật cũng ít chào nhau bằng cách ôm hoặc không bá vai bá cổ nhau khi ăn uống. Ngoài vợ chồng, người yêu của nhau hoặc người trong gia đình ra, người Nhật ít khi bắt tay hoặc ôm hôn để bày tỏ tình cảm. Đây là văn hóa của Nhật Bản. Có nhiều trường hợp một cái ôm như vậy có thể bị coi là không đúng cách.

Khu vực Nakasu

Để tôi kể thêm cho bạn một câu chuyện:

Tại một hostel có tên Hana nằm ở khu Nakasu Kawabata (thành phố Fukuoka), trong cả phòng thay đồ và nhà vệ sinh đều có dán tấm bảng bằng tiếng Anh ghi thông điệp: In Japan, we don’t hug. We say Thank you (Arigatou gozaimasu) nghĩa là “Nếu bạn vui vẻ, hãy nói cảm ơn, đừng ôm. Chúng tôi không quen với những cái ôm”.

Hỏi ra mới biết, 3 nữ tiếp tân làm việc tại đây thường xuyên phải từ chối khéo những cái ôm từ các vị khách phương Tây, đặc biệt là khách nam. Không phải họ chảnh hay xa cách đâu, mà trong văn hoá Nhật Bản thì những cử chỉ dẫn tới quá nhiều đụng chạm cơ thể sẽ gây sự mất tự nhiên, đặc biệt với phụ nữ.

Văn hóa cúi chào của người Nhật

Từ câu chuyện trên, hẳn nhiều người sẽ thắc mắc: Không ôm hôn, vậy người Nhật tạm biệt nhau một cách trịnh trọng bằng cách nào? Câu trả lời là: Họ cúi chào. Ngôn ngữ của sự cúi chào ở Nhật rất đa dạng. Tùy độ cúi chào cao thấp mà ý nghĩa khác nhau.

Nếu như ở Việt Nam có văn hoá gặp nhau là bắt tay, uống xong một ly với nhau cũng bắt tay thì ở Nhật, dù cũng có bắt tay nhưng đã phần thì mọi người cúi chào nhiều hơn.

Cách cúi chào của người Nhật có 4 cấp độ khác nhau. Cụ thể như sau:

  • Cúi người ở góc khoảng 15 độ: Một lời chào thông thường.
  • Cúi người thấp hơn, ở góc khoảng 30 độ: Thêm một chút trịnh trọng cho lời chào
  • Cúi gập người ở góc 45 độ: Thể hiện lòng cảm tạ và sự tôn trọng
  • Cúi gập hơn 45 độ: Là lời cảm tạ và tôn trọng sâu sắc nhất

Ngoài việc bày tỏ sự “Cảm tạ”, “Tôn trọng” , việc cúi chào còn thể hiện sự “Xin lỗi”. Trường hợp xin lỗi thì càng cúi gập người bao nhiêu, càng tỏ ý chân thành bấy nhiêu.

Cách tiễn khách lịch sự

Đó là lời chào. Còn khi người Nhật tạm biệt nhau thì sự khác biệt sẽ thế nào. Trong cuộc sống đời thường, bạn có thể tạm biệt bạn bè của mình theo bất kỳ cách nào: Vẫy tay, bye bye… tuỳ. Điều này cũng giống ở Việt Nam.

Nhưng trong văn hoá doanh nghiệp, nếu như Việt Nam sẽ thể hiện sự trịnh trọng bằng cách nhấn mạnh kính ngữ “Em chào anh ạ”, “Em xin phép về ạ”… thì người Nhật sẽ vừa nói và vừa cúi chào rất nhiều lần. Đối với người chức vụ càng cao thì mức độ cúi chào càng thấp hơn. Hoặc khi tiếp khách quan trọng, khi ra về, người ta sẽ tiễn ra tận thang máy hoặc cửa ra vào và cúi chào thật thấp. Và họ sẽ cúi chào cho tới khi cửa thang máy đóng lại mới thôi.

Đối với người được tiễn ra tận cửa thì sau khi cúi chào, sẽ đi vài bước rồi quay lại chào lần nữa và đi một đoạn cho tới lúc không nhìn thấy nhau nữa lại nhìn lại và cúi chào lần nữa mới đi và người đi tiễn thì đợi cho tới khi khách đi khuất mới quay trở vào.

Sống ở Nhật thì hãy làm quen với điều đó, đừng bye bye sếp rồi quay lưng đi ngay, như thế sẽ bị coi là bất kính đấy nhé.

Văn hoá cảm ơn, xin lỗi

Một blogger người Mỹ sống ở Tokyo từng live stream trên Facebook cá nhân về chủ đề “2 tuần đầu tiên trải nghiệm văn hoá Nhật Bản” nói vui rằng anh chưa từng sống ở đâu mà 2 từ “cảm ơn” và “xin lỗi” được nói nhiều như ở Nhật. Người Nhật cảm ơn và xin lỗi trong mọi tình huống diễn ra trong cuộc sống hàng ngày.

Có một số tình huống mà cá nhân tôi cảm thấy lời cảm ơn và xin lỗi hơi gượng gạo. Ví dụ như bạn đang đứng trong thang máy, cửa thang sắp đóng thì một người Nhật bước vào và bỗng dưng nói: Xin lỗi. Có lẽ anh ý cảm thấy rằng vì mình chạy bổ vào nên thang máy bị chậm một chút nhưng tôi không hiểu họ đang xin lỗi vì điều gì.

Trên khía cạnh này, đem người Nhật và người Việt lên bàn cân sẽ nhận ra sự khác biệt rất lớn khi người Việt thường bị chê là quá ít khi nói cảm ơn hoặc xin lỗi. Sự khác biệt này một phần do thói quen ứng xử mà thôi.

Trong khi người Nhật thường chọn những cách trịnh trọng và lịch sự để thể hiện sự biết ơn và ái ngại, thì người Việt lại có xu hướng chọn những cách ít trịnh trọng hơn để biểu đạt. Ví dụ, một cháu bé được người lớn tặng cho một cái kẹo. Ở Nhật bé sẽ nói “cảm ơn” rất trang trọng, còn người Việt thường hay nói: Em/con xin cô/chú ạ. Bạn chẳng may giẫm vào giày người lạ. Người Nhật sẽ ngay lập tức “xin lỗi”, còn người Việt có thể nói: “Ôi, tôi vô ý quá”.

Trong việc cảm ơn và xin lỗi, văn hóa Việt Nam và Nhật Bản có phần khác nhau. Chúng ta cùng tìm hiểu văn hóa của nhau, để có thể “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, hãy chọn cách ứng xử phù hợp nhé.