Văn hoá

img detail
08/05/2020 Văn hoá

     Diễn ra từ ngày 29/4 đến 5/5 hàng năm, Tuần lễ Vàng (Golden Week) là kỳ nghỉ dài nhất trong năm của người Nhật. Năm nay, do dịch bệnh do vi-rút corona chủng mới, nên người dân được khuyến cáo hạn chế đi ra ngoài. Nhân dịp này chúng ta cùng tìm hiểu về lịch sử, ý nghĩa và các hoạt động phổ biến của người Nhật trong dịp này.


Nhật Bản đang kêu gọi người dân thực hiện “hạn chế ra ngoài”
và “ở nhà Tuần lễ vàng” để ngăn sự lan tràn của đại dịch COVID-19

Tại sao gọi là tuần lễ vàng?

Vào tháng 7/1948, Nhật Bản ban hành đạo luật “Ngày lễ quốc gia” bao gồm 16 ngày lễ trong năm, trong đó có 4 ngày lễ nối tiếp nhau trong 1 tuần (từ 29/4 đến 5/5) tạo nên 1 tuần nghỉ ngơi cho người lao động Nhật Bản. Chính phủ Nhật với mong muốn tạo điều kiện cho người dân đi du lịch nghỉ ngơi giải trí nên đã tạo thêm một ngày nghỉ nằm giữa 4 ngày trên, làm thành kỳ nghỉ dài nhất trong năm tại Nhật.

Một tuần thoát khỏi nhịp công việc hối hả và căng thẳng thúc đẩy người Nhật dành toàn bộ thời gian cho các hoạt động giải trí mà thông thường chỉ có thứ Bảy và Chủ Nhật thôi thì không thể thực hiện được. Đây cũng là dịp hốt bạc của 2 ngành công nghiệp phim ảnh và du lịch. Vào năm 1951, bộ phim Jiyu Gakko (Trường học tự do) bán được số lượng vé cao kỷ lục trong dịp Tuần lễ vàng (nhiều hơn cả dịp Năm mới và lễ Obon).

Xuất phát từ việc này, Giám đốc của hãng phim Daiei Film đã gọi 7 ngày nghỉ lễ này là Tuần lễ vàng. Cách gọi này dựa theo tiếng lóng “giờ vàng” thường xuất hiện trên sóng phát thanh Nhật. Tuy nhiên, ai cũng hiểu đơn giản rằng, 7 ngày nghỉ kéo dài từ 29/4 đến 5/5 hàng năm là thời cơ hốt vàng hốt bạc của các ngành dịch vụ Nhật.

Từ năm 2007 trở đi, tuần lễ vàng của Nhật bao gồm 4 ngày lễ sau:

  • 1Ngày 29/4 là Ngày Showa, ngày sinh của Thiên Hoàng Showa.
  • 2Ngày 3/5 là Ngày kỷ niệm Hiến pháp.
  • 3Ngày 4/5 là Ngày Xanh.
  • 4Ngày 5/5 là Ngày lễ Thiếu nhi

Tên gọi của những ngày lễ đều có nguồn gốc của nó.

– Ngày 4/5 vốn là ngày thường, nhưng do nằm kẹp giữa 2 ngày lễ 3/5 và 5/5 nên từ năm 1985, theo Luật ngày nghỉ lễ sửa đổi của Nhật Bản, ngày này được gọi là “Ngày nghỉ lễ quốc dân”.

– Ngày 29/4 vốn là sinh nhật thiên hoàng Showa. Năm 1989, thiên hoàng Showa qua đời ngày này được đặt tên là “Ngày xanh” do sinh thời “Thiên hoàng Showa vốn là người hiểu biết sâu rộng về thực vật và rất yêu thích thiên nhiên”. Sau đó, năm 2007 với cách diễn giải “Thời kỳ Showa là thời kỳ trải qua nhiều biến động nhưng đã thực hiện được việc khôi phục và đảm bảo cho tương lai của đất nước” nên từ năm 2007, ngày 29/4 được đổi tên là “Ngày Showa”. Cũng nhân dịp này, ngày “Ngày nghỉ lễ quốc dân” vào ngày 4/5 được đổi thành “Ngày Xanh”.

– Ngày 3/5 là ngày kỷ niệm “Hiến pháp Nhật Bản” được ban hành ngày 3/5/1947, tức 1 năm trước khi luật Nghỉ lễ của Nhật chính thức có hiệu lực.

– Ngày 5/5 là “Ngày lễ Thiếu nhi”, được trở thành ngày nghỉ theo luật Ngày nghỉ lễ ban hành năm 1948. Theo luật này, ngày này là để “Bày tỏ sự tôn trọng nhân cách của trẻ em, mong muốn các em được hạnh phúc, đồng thời sự cảm tạ đối với người mẹ”. Ngày này vốn là tiết “Đoan ngọ” theo văn hóa Trung Hoa vốn để chúc phúc cho các bé trai nhưng cùng với việc ban hành đạo luật về ngày nghỉ lễ, ngày này được coi là ngày “chúc mừng sự trưởng thành và sức khỏe cho trẻ em”.

Vào ngày Tết Thiếu nhi, Nhật Bản treo cờ cá chép koinobori trên cây nêu dựng trong vườn với 3 chú cá chép bằng vải tượng trưng hạnh phúc. Còn tại sao lại là cờ cá chép? Vì trong truyền thuyết của Trung Quốc có sự tích cá chép vượt vũ môn hóa rồng, nên những lá cờ cá chép ở Nhật được tạo ra với khát vọng tương tự. Hiện nay do nhiều gia đình sống ở các căn hộ chung cư nên cũng có nhiều bộ cá chép nhỏ để có thể treo ngay trên ban công mỗi gia đình.


Cờ cá chép koinobori (trái) và búp bê võ sĩ (phải) trong ngày Tết Thiếu nhi

Quang cảnh tuần lễ vàng năm 2020: khu vui chơi đóng cửa và người dân hạn chế ra ngoài

Thông thường, vào dịp này, các khu vực công cộng ví dụ như công viên, Golden Week sẽ tô vào bầu không khí những sắc màu rực rỡ. Những tiếng cười giòn tan, những gia đình quây quần quanh bộ dụng cụ picnic, tận hưởng cuộc sống.

Đáng tiếc rằng, Tuần lễ Vàng năm 2020 rơi đúng vào thời điểm thế giới đang phải căng mình chống chọi với căn bệnh COVID-19 do vi-rút corona chủng mới gây ra. Nhiều địa điểm giải trí công cộng vắng bóng người. Chắc hẳn, năm nay, các gia đình chỉ quây quần bên nhau tại nhà hoặc tới các địa điểm như công viên để vui chơi.

Tuần lễ Vàng 2020, quang cảnh ở các địa điểm du lịch nổi tiếng của Nhật Bản đều khác biệt.

Thể theo tuyên bố tình trạng khẩn cấp của chính phủ Nhật Bản, chính quyền địa phương trên cả nước đều kêu gọi du khách hãy thực hiện giãn cách và không đến du lịch ở địa phương mình. Những khu vực nghỉ dưỡng suối nước nóng ở xung quanh núi Phú Sĩ cũng như những địa điểm nổi tiếng trong thủ đô Tokyo đều vắng lặng. Tình hình này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc kinh doanh nhà hàng, khách sạn, nhà trọ tại các địa điểm du lịch vốn đông khách hàng năm.


Đỉnh núi Takano-san ở Tokyo : quang cảnh nhộn nhịp vào tuần lễ vàng thường niên (trái) và vắng lặng khi các cửa hàng đều đóng của năm nay
ⒸẢnh của báo Mainichi

Đường cao tốc vắng xe do hạn chế ra ngoài

Cũng do tình trạng giãn cách xã hội mà hàng năm, cứ đến dịp Tuần lễ Vàng các tuyến đường cao tốc từ các trung tâm hướng ra địa phương thường tắc nghẽn trong những ngày đầu và từ địa phương về trung tâm thường tắc nghẽn vào những ngày cuối. Nhưng năm nay, các tuyến đường cao tốc cũng chỉ lác đác bóng xe ô tô mà thôi.


Đường cao tốc Toumei trước trạm dừng Kouhoku : cảnh tắc đường hàng năm (trái) và vắng xe năm nay (phải)
ⒸẢnh của báo Mainichi