Blog

Ý nghĩa của việc treo cờ cá chép (Koinobori)

189473_s
29/04/2021

Mấy năm đầu khi mới du học Nhật Bản, cứ đến dịp cuối tháng 4 đầu tháng 5, tôi thường thấy cảnh những con cá chép bằng vải sặc sỡ nhiều màu tung bay trên các góc nhà cao tầng từ các căn hộ hay trên ban công hoặc vườn nhà của những ngôi nhà ở Nhật và tôi thường tự hỏi không hiểu việc này có ý nghĩa ra sao. Sau này khi kết hôn (chồng tôi là người Nhật) và có con trai tôi mới được biết những chú cá chép vải đó là “Koinobori”, được treo lên trong ngày Kodomo-no-hi ( Ngày trẻ em ), một ngày nghỉ lễ ở Nhật Bản.

1. Lịch sử của ngày Kodomo-no-hi

 

Ngày lễ “Kodomo-no-hi” của Nhật Bản cũng tương tự như ngày Tết thiếu nhi 1/6 ở Việt Nam, ngày thể hiện tình yêu thương của mọi người đối với trẻ em. Ngày 5 tháng 5, vốn là tiết Tango no sekku (端午 の 節 句), tức “Tiết Đoan Ngọ” ở Trung Quốc, được tổ chức để chúc phúc cho các bé trai và sau đó được du nhập vào Nhật từ thời kỳ Nara. Năm 1948, chính phủ Nhật đổi tên chính thức thành “Ngày trẻ em- Kodomo no hi” với ý nghĩa là “Cầu mong cho sự trưởng thành và sức khỏe của trẻ em” và ngày này trở thành ngày nghỉ lễ của Nhật Bản. Tuy nhiên, hầu hết người Nhật vẫn coi ngày này là “Ngày của bé trai”. Có lẽ là do ngày 3 tháng 3 hàng năm, các bé gái được toàn xã hội nâng niu kỷ niệm trong dịp Hinamatsuri – Lễ búp bê dành cho bé gái rồi.

2. Ý nghĩa của việc treo cờ cá chép Koinobori

Cờ cá chép do học sinh tiểu học địa phương vẽ, được treo tại trung tâm mua sắm (4/2021, Quận Nakano, Tokyo)

Tại sao “Cờ cá chép- Koinobori” lại là biểu tượng của ngày lễ này? Điều này cần quay ngược lại với câu chuyện văn hóa được lưu truyền và lan tỏa vào Nhật Bản từ thời xa xưa. Cá chép được coi là biểu tượng của sự cố gắng nỗ lực và cả sức mạnh bền bỉ qua câu chuyện truyền thuyết của Trung Quốc “ Cá chép hóa rồng”. Trong văn học Việt Nam cũng có câu chuyện du nhập tương tự về “ Vượt vũ môn” này. Câu chuyện kể rằng, một đàn cá hỗn hợp đã cố gắng chiến đấu để vượt lên một thác nước gọi là “Ryumon” (龍門- Cổng rồng). Trong khi tất cả những con cá khác bỏ cuộc và trôi dạt về phía hạ lưu, những con cá chép vẫn cố gắng, và khi vào trong Ryumon, chúng đã biến thành rồng. Do câu chuyện cổ này mà trong tiếng Nhật một câu tục ngữ “Koi no taki-nobori- 鯉 の 滝 登 り”, để chỉ sự “nỗ lực bền bỉ” hoặc “thăng tiến”. Dần dà, để cầu mong cho sức khỏe cũng như sự trưởng thành và tương lai của bé trai, người dân thường treo cờ cá chép Koinobori và những chú cá chép bằng vải lụa nhiều màu sắc, một truyền thống trong tháng của Nhật Bản cũng trở nên nổi tiếng thế giới này.

3. Người Nhật làm những gì trong dịp Kodomo-no-hi

 

Ngoài treo cờ cá chép, các gia đình Nhật Bản cũng bày những búp bê tướng quân mặc giáp sắt, hoặc mũ tướng quân. Gia đình tôi khi sinh con trai, cũng được ông bà nội tặng một bộ trưng bày ngày lễ Kodomo no hi, mô hình mũ tướng quân và một bức tranh rất đẹp. Những sự động viên tinh thần mang tính biểu tượng này khiến tôi cảm nhận những thông điệp tinh tế của việc chúc phúc và trân trọng nhau.

 

Bồn tắm có ngâm lá cây Shobu

Vào ngày này, các gia đình cũng hay làm những bữa ăn đặc biệt, giàu hương vị và màu sắc để chúc phúc cho bé trai, cầu mong cho bé sức khỏe. Người Nhật thường thả vào bồn tắm một ít lá “菖蒲 – Shobu”, một loại lá có mùi thơm và vì tên gọi của cây đọc lên trùng với từ “尚武 – shobu”- nghĩa là “chiến đấu” trong tiếng Nhật. Ngày lễ Kokomo-no-hi nằm trong Tuần lễ Vàng, dịp nghỉ lễ dài ngày ở Nhật, nên đây cũng là dịp để gia đình quây quần, chứng kiến sự trưởng thành mỗi năm của con cháu.

4. Món ăn trong ngày Kodomo-no-hi

Bánh dày nhân đỗ Kashiwa-mochi

Cũng giống như ở Việt Nam, ở Nhật Bản, mỗi dịp lễ lại đi kèm theo những loại món đặc biệt. Dịp lễ Kodomo-no-hi cũng không ngoại lệ. Người Nhật hay nấu xôi đậu đỏ sekihan, hoặc chimaki, một loại bánh ngọt làm từ gạo nếp, gói trong lá tre. Các cửa hàng thường bày bán Kashiwa-mochi (柏 餅), một món bánh nếp nhân đỗ ngọt bọc trong lá kashiwa – lá cây sồi. Cũng có nhà người mẹ tự làm lấy loại bánh này. Sở dỹ dùng lá kashiwa là do đặc tính cây kashiwa chỉ rụng lá già khi có chồi mới đâm ra, và khi bọc chiếc lá vào miếng bánh, trông chiếc lá rất giống hình mũ tướng quân thời xưa của Nhật Bản. Nếu bạn có dịp đi thăm gia đình người Nhật có bé trai dịp này thì tại sao lại không mua một hộp Kashiwamochi, chắc chắn người Nhật sẽ rất cảm động vì sự hiểu về văn hóa phong tục của bạn.

5. Tạo trải nghiệm trong ngày lễ Kodomo-no-hi

 

Dịp đầu tháng 5, năm tài chính mới bắt đầu được một tháng, các gia đình cũng bắt đầu quen với nhịp sống mới. Hơn nữa, đây là dịp nghỉ lễ dài ngày Golden Week – Tuần lễ vàng ở Nhật Bản. Mở đầu là ngày 29/4 là “Ngày Showa”, ngày 3/5 là “Ngày Hiến pháp”, ngày 4/5 là “Ngày Xanh” cộng thêm ngày thứ Bảy và Chủ Nhật xen vào giữa nữa. Vào dịp này, cùng với các gia đình bạn bè người Nhật và người nước ngoài tổ chức những sự kiện gia đình để các bé có những trải nghiệm khác nhau, ví dụ như vẽ cá chép bằng màu thật tại công viên với nhiều gia đình cả Nhật bản và Quốc tế là một trong những trải nghiệp rất vui của gia đình tôi. Bố mẹ con cái cùng nhau vẽ màu thật, trang trí con cá chép theo ý mình, và các bé được mang về nhà, như một cột mốc lớn lên. Tại các trường mẫu giáo ở Nhật, trước dịp lễ này, cũng luôn có những bài về nghệ thuật liên quan đến ngày này như gập origami mũ tướng quân, chơi trò tướng quân. Ở nhiều nơi, người ta còn treo hàng vài trăm cờ cá chép rực rỡ sinh động, rất đẹp mắt.

 

 

Năm nay do ảnh hưởng của đại dịch vi-rút corona nên nhiều hoạt động liên quan tới ngày lễ này bị hủy hoặc không tổ chức. Nếu ở Nhật, các bạn có thể đi chơi kết hợp check-in một số địa điểm với cá chép vải tung bay trên bầu trời Nhật Bản nhé.

Một số địa điểm nổi bật trang trí cờ cá chép Koinobori như sau

・ 333 cờ cá chép tại Tokyo Tower
・ Lễ hội “Koinobori no sato matsuri” (こいのぼりの里まつり) (Tỉnh Gunma, Kanra-machi)
・ Cờ cá chép thả trên sông Asanogawa (浅野川のコイ流し) (Tỉnh Ishikawa, Kanazawa-shi)
・ Lễ hội Koinobori ở Tsuetate Onsen (杖立温泉鯉のぼり祭り) (Tỉnh Kumamoto, Oguni-cho)

Xin được gửi lời chúc đến tất cả các gia đình có trẻ em nhân dịp ngày lễ Trẻ em 5/5.