Cuộc sống - Visa

img detail
31/03/2020 Cuộc sống - Visa

 Đại dịch do vi-rút corona chủng mới (COVID-19) đang bùng phát trên toàn thế giới với 700.000 ca nhiễm và hơn 33.000 ca tử vong.

    Số người nhiễm vi-rút tại Nhật Bản (tính đến ngày 30/3 và kể cả số ca lây nhiễm trên du thuyền) là 2.674 người. Người dân đang được kêu gọi hạn chế ra đường, đặc biệt là tại khu vực Thủ đô Tokyo và các tỉnh lân cận là nơi có nhiều người nhiễm vi-rút.

    Để phòng ngừa dịch bệnh, Việt Nam cũng đã tạm ngừng cấp visa cho người nước ngoài kể từ ngày 18/3 và thắt chặt hạn chế nhập cảnh. Cũng giống như ở Nhật Bản, các trường tiểu học và trung học cơ sở tiếp tục đóng cửa, người đi làm được khuyến khích làm việc tại nhà.

《Đặc trưng và triệu chứng của bệnh truyền nhiễm do vi-rút corona chủng mới》

   Hầu hết người nhiễm vi-rút đều không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ giống như cảm lạnh rồi khỏi bệnh. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể bị sốt và các triệu chứng về đường hô hấp kéo dài trên dưới 1 tuần, có thể có cảm thấy vô cùng mệt mỏi, uể oải. Thậm chí có trường hợp chuyển biến thành viêm phổi nặng, cần phải điều trị tại bệnh viện lâu hơn so với cúm mùa.

    Đặc trưng của bệnh do vi-rút corona chủng mới là triệu chứng giống như cảm lạnh hay cúm mùa, nhưng những triệu chứng này kéo dài. Sốt cao, đau họng, sổ mũi, nhức đầu, đau cơ… kéo dài hơn 1 tuần là những biểu hiện giúp chúng ta phân biệt với cảm lạnh hay cúm.

《Vi-rút lây lan qua các con đường nào?》

  1. Nhiễm bệnh qua giọt bắn mang vi-rút: Khi người nhiễm vi-rút hắt hơi hay làm bắn nước bọt, các giọt bắn ra mang theo vi-rút. Người khác hít phải vi-rút này qua đường miệng hoặc mũi sẽ bị nhiễm bệnh.

  2. Nhiễm bệnh qua tiếp xúc: Người nhiễm bệnh khi hắt hơi hay ho, dùng tay che miệng, sau đó lại dùng tay cầm nắm vào các đồ vật khác khiến vi-rút dính lại trên bề mặt vật đó. Người chưa nhiễm bệnh khi chạm vào các đồ vật này sẽ bị dính vi-rút lên tay và nhiễm bệnh. Các đồ vật dễ là điểm truyền nhiễm bệnh gồm có: tay nắm trên tàu điện hay xe buýt, nắm đấm cửa, tay vịn trên thang cuốn, công tắc điện v.v…

    Do đặc trưng của bệnh là có triệu chứng nhẹ, nên người ta cho rằng người bị nhiễm bệnh thường không nhận ra là mình đã bị nhiễm và vô tình khiến bệnh lây lan rộng hơn. Do tỉ lệ các bệnh nhân trẻ tuổi chuyển biến nặng thấp nên hậu quả là khiến bệnh lây lan nhanh sang những người trung niên và cao tuổi.

《Các biện pháp phòng bệnh》

     Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản cũng như chính quyền các tỉnh đang kêu gọi người dân tránh 3 yếu tố: “Không gian kín”, “Địa điểm tập trung đông người”, “Tiếp xúc quá gần”.

    Các biện pháp để không làm tăng số người bị lây nhiễm mà chúng ta có thể thực hiện là tránh hết mức có thể các địa điểm có đủ 3 yếu tố nói trên. Ngược lại, những nơi thông thoáng, mọi người giữ khoảng cách với nhau hơn chiều dài một sải tay và không quá nhiều người trò chuyện thì được coi là tương đối an toàn.

   Ngoài ra, để phòng ngừa lây nhiễm qua đường giọt bắn hay lây nhiễm do tiếp xúc, hãy tuân thủ nguyên tắc lịch sự khi bị ho là đeo khẩu trang, khi bị sốt thì không đi ra khỏi nhà, cố gắng hạn chế chạm tay lên mặt và thường xuyên rửa tay, rửa kĩ cả các ngón tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy.

   Trong các biện pháp phòng bệnh, rửa tay đang được coi là biện pháp hữu hiệu nhất. Trình tự rửa tay đúng là xát xà phòng lên lòng bàn tay → chà xát mu bàn tay → chà xát đầu ngón tay và móng tay → chà xát kẽ ngón tay → rửa kĩ ngón tay cái và cổ tay → xả sạch tay bằng nước và lau khô. Xin xem tranh minh họa của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi sau đây.

https://www.mhlw.go.jp/bunya/kenkou/kekkaku-kansenshou01/dl/poster25b.pdf?fbclid=IwAR3ccB9wKybE_P6smrDZCIkogiGsioxBhOXRWqg-nnqTntL8qYWhHDts3X0

《Tác dụng của khẩu trang》

   Khẩu trang có tác dụng ngăn ngừa giọt bắn khi ho hoặc hắt hơi. Về mặt phòng bệnh, khẩu trang không có tác dụng ngăn ngừa vi-rút một cách tuyệt đối, nhưng ở những nơi không thoáng khí như chỗ đông người hay trên phương tiện giao thông, được coi là một trong các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm. Gần đây, hầu hết mọi người khi lên các phương tiện giao thông công cộng như tàu điện đều đeo khẩu trang. Giờ đây, đeo khẩu trang đã dần trở thành phép tắc khi đi ra đường, nên các bạn hãy chú ý đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.

《Về tình hình lây nhiễm ở nước ngoài》

   Trên thế giới, hiện nay số ca nhiễm ở Mỹ đã lên tới hơn 83.000 ca, vượt qua cả số ca nhiễm ở Trung Quốc, nơi khởi phát dịch. Thành phố New York đã ban bố sắc lệnh hành chính, yêu cầu người dân hạn chế ra đường. Ở châu Âu, số ca nhiễm vẫn đang gia tăng nhanh chóng, số người nhiễm vi-rút ở Ý, Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Anh, Thuỵ Sĩ v.v… đã vượt qua con số 10.000 người.

   Các biện pháp đối phó với dịch bệnh của các nước cũng rất khác nhau. Ở châu Á, rất nhiều nước đã áp dụng biện pháp cấm nhập cảnh đối với người dân hầu hết các quốc gia châu Âu. Ở Ấn Độ, mặc dù số ca nhiễm chưa lên tới con số 1.000, nhưng từ ngày 25/3 Thủ tướng Modi đã ban hành lệnh phong toả toàn quốc đối với toàn bộ 1,3 tỉ dân nước này trong vòng 3 tuần. Các cửa hiệu, cửa hàng ăn uống, nhà máy, công ty, chợ và các địa điểm tôn giáo cũng đã bị đóng cửa, xe buýt và tàu điện ngầm cũng ngừng hoạt động.

    Thông tin về số ca nhiễm vi-rút trên thế giới cũng như ở Nhật Bản được liên tục công bố hằng ngày trên báo chí và truyền hình. Các bạn hãy chú ý theo dõi những thông tin này, và thực hiện các biện pháp phòng bệnh để tự giữ an toàn cho mình nhé.