Blog

img detail
24/12/2019 Blog

 Khác với Việt Nam, người Nhật Bản đón Năm mới theo dương lịch. Chính vì vậy khi thấy người Nhật “Đón Xuân” khi đang vào độ giữa Đông, người Việt Nam chúng ta từ nước nhiệt đới tới, chắc không khỏi cảm thấy lạ lẫm. Vậy người Nhật đón Năm mới ra sao, chúng ta cùng xem thử nhé.

   Năm mới ở Nhật Bản là dịp để gia đình gặp lại nhau. Hiện nay, cũng có nhiều người đi nghỉ ở trong và ngoài nước vào dịp Năm mới, nhưng phần lớn đối với những người làm việc và sinh sống xa nhà thì đây là dịp quan trọng để họ trở về quê thăm gia đình. Việc chuẩn bị đón Năm mới cũng có nhiều bận rộn, nhưng cũng là thời điểm vui vẻ. Người ta tất bật đi mua quà cuối năm, tiếng Nhật gọi là “Osebo” để tặng cho những người đã giúp đỡ mình trong một năm qua, rồi dọn dẹp vệ sinh, lau chùi nhà cửa, chuẩn bị nấu món ăn osechi… Vào dịp cuối năm, nếu có dịp tới các cửa hàng siêu thị hoặc cửa hàng Bách hóa Tổng hợp, chắc các bạn sẽ thấy nhiều nơi bày những chiếc hộp hình vuông bày các món Osechi mẫu. Đó là vì hiện có người vẫn tự mình nấu những món ăn Osechi, nhưng cũng có nhiều người đặt mua món Osechi từ cửa hàng về để đỡ phải nấu nướng.

 Trong những món ăn mừng Năm mới của người Nhật thì món không thể thiếu được là mochi, tức là bánh dày. Tuy nhiên cách ăn thì lại không giống với người Việt Nam mình. Người Nhật thường nướng bánh dày rồi cho vào bát canh nấu với rau và thịt gọi là ozoni, hoặc bánh dày nướng, chấm với shoyu, tức xì dầu/nước tương, rồi bọc lá rong biển nori. Hoặc bánh dày nướng rồi chấm với củ cải mài trộn xì dầu/nước tương. Nhân tiện kể luôn, mình rất thích ăn bánh dày nướng, kẹp phô mai rồi chấm với xì dầu.

 Đêm tất niên, nhiều người đến chùa để đợi tới giao thừa để cùng đánh 108 tiếng chuông trừ tịch theo, tiếng Nhật gọi là Joya no kane mà theo đạo Phật là để xóa đi nhưng nỗi khổ ải của con người. Ngày đầu năm, mọi người cùng nhau đi lễ ở đền và chùa trên khắp nước Nhật. Ở Việt Nam mình cũng thế nhỉ.

   Nếu như ở Việt Nam thì ngày Tết, bà con bạn bè đi tới nhà chúc Tết lẫn nhau. Nhưng ở Nhật thì không thế. Thay vào đó họ gửi thiệp chúc mừng năm mới, tiếng Nhật gọi là “Nengajo”. Hàng năm cứ đến ngày 1/11 là Bưu điện Nhật Bản bắt đầu bán loại thiệp Nengajo này. Nhiều người chờ đợi ngày bắt đầu bán thiệp nên đã xếp hàng từ sáng sớm để mua. Thiệp năm mới này có loại đã in sẵn hình ảnh và lời chúc, nhưng cũng có loại để trống để mọi người tự in ảnh hoặc vẽ tranh và ghi lời chúc của mình vào đó. Trung bình mỗi người Nhật mỗi năm gửi đi 50 tấm thiệp như vậy. Gần gây, do mạng internet phổ biến nên nhiều bạn trẻ không gửi thiệp Nengajo nữa là gửi thư điện tử hoặc tin nhắn chúc mừng năm mới. Thiệp Nengajo còn in kèm cả số mở thưởng. Vào ngày 15/1 bưu điện sẽ công bố kết quả trúng thưởng, như vậy những ai gửi và nhận thiệp Nengajo lại có thêm niềm vui nữa. Năm tới, Nhật Bản là nước đăng cai Thế vận hội Tokyo 2020, nghe nói giải thưởng cho xổ số thiệp Nengajo có cả vé xem thi đấu Thế vận hội nữa.

   Vài nét giới thiệu về cách đón Năm mới ở Nhật Bản. Sau cùng xin chúc các bạn khỏe mạnh và đón Năm mới ở Nhật Bản vui vẻ nhé.