Văn hoá

img detail
04/09/2020 Văn hoá

Đừng ngạc nhiên nếu người Nhật hoàng hốt ngăn bạn cắt móng tay vào buổi tối hoặc tỏ ra ái ngại khi thấy bạn trộn thức ăn chung với cơm và thưởng thức ngon lành.

Không cắt móng tay vào buổi tối

Vào một buổi tối, chẳng cần biết là có mát trời hay không, bạn cảm thấy móng tay mình đã quá dài và muốn “xử lý” chúng. Nếu bạn đang ở Việt Nam thì xin mời, nhưng nếu đang ở Nhật và đặc biệt là nếu đang sống chung với một gia đình Nhật thì xin đừng.


Cắt móng tay vào buổi tối là việc kiêng kị ở Nhật. Ảnh: Livejapan

Có 2 lý do mà người Nhật rất kiêng kị việc cắt móng tay vào buổi tối. Thứ nhất, từ “móng tay buổi tối” trong tiếng Nhật sẽ phát âm là 夜爪 (yo-tsume). Từ này đồng âm với từ 世詰 (yo-tsume) có nghĩa là “rút ngắn tuổi thọ”. Vì thế việc cắt móng tay vào buổi tối làm người ta liên tưởng tới việc “chết sớm”.

Thứ 2 là vào thời kỳ Edo, người ta cho rằng “Móng tay móng chân là một phần của cơ thể do cha mẹ truyền lại nên nếu cắt móng trong lúc tối trời thì sẽ không được nhìn thấy lúc cha mẹ qua đời” và việc này được coi như hành động bất hiếu. Cách suy nghĩ này được truyền tới tận bây giờ.

Lý do của cách suy nghĩ này có thể là do vào thời Edo (1603-1868), người Nhật cắt móng tay bằng… dao găm. Mà thời đó thì đã làm gì có điện, nên khi mặt trời khuất núi là nhà cửa tối mù tối mịt. Cắt móng tay vào buổi tối bằng dao, trong điều kiện không có ánh sáng khác nào tự sát. Vì vậy cha mẹ muốn tránh không để xảy ra nguy hiểm nên mới dùng cách nói “chết sớm” hoặc “không được nhìn thấy lúc cha mẹ qua đời” để răn con cái chăng.

Không được làm gãy lược


Người Nhật rất quý trọng chiếc lược của họ. Ảnh: Nomakenolife

Làm vỡ gương ở Việt Nam được coi là điềm xấu, còn ở Nhật thì vai trò tạo ra điềm xấu của chiếc gương được chuyển sang cái lược. Người Nhật sẽ rất sợ hãi khi chẳng may làm gãy những chiếc răng lược. Tại sao?

Điều này liên quan tới một câu chuyện thần thoại về thủy thần Izanagi. Trong quá trình bị kẻ thù truy đuổi, thủy thần Izanagi đã ném chiếc lược làm bằng tre xuống đất và những chiếc răng lược mọc lên thành một rừng măng tre. Tận dụng lúc kẻ thù mải ăn những búp măng ấy, Izanagi đã kịp chạy trốn. Câu chuyện này truyền miệng qua nhiều đời, lâu dần khiến người ta tin rằng chiếc lược là vật cứu mạng.

Ngoài ra còn một lý do khác là ngày xưa chiếc lược được coi là vật quý giá. Những cô con gái đi lấy chồng thường được mẹ tặng lược coi như kỷ vật. Vì giá trị của nó mà người Nhật rất quý trọng chiếc lược của mình.

Phải tắm sạch trước khi ngâm bồn

Các gia đình Việt Nam ít có thói quen sử dụng bồn tắm. Nhưng ở Nhật, bạn sẽ thấy sự xuất hiện của bồn tắm ở bất kỳ đâu, từ hộ gia đình cho tới phòng khách sạn.

Tôi đã gặp nhiều bạn Việt Nam vào tắm bồn ngay sau khi xả đầy nước nóng. Nhưng đây là cách sử dụng bồn tắm sai hoàn toàn trong mắt người Nhật. Điều này có thể khiến họ cảm thấy khó chịu.

Thường thì nhà tắm ở các căn hộ truyền thống của Nhật sẽ có cấu trúc thế này: một chiếc ghế nhựa thấp đặt cạnh vòi hoa sen để bạn tắm thật sạch sẽ. Sau khi cơ thể đã được gột rửa bạn mới bước vào bồn tắm để thư giãn. Người Nhật rất chú trọng vệ sinh bồn tắm của họ nên đừng sử dụng sai mục đích của nó nhé.


Phòng tắm trong một căn hộ truyền thống ở Nhật

Không trộn thức ăn và nước xốt với cơm

Đối với thế hệ 8x Việt Nam trở về trước, khi ăn những món ăn đi kèm nước xốt (thịt kho tàu, thịt/cá xốt cà chua…), chúng ta thường có thói quen chan nước xốt vào cơm rồi trộn thức ăn, nước xốt với cơm và bắt đầu thưởng thức. Thật ra cá nhân tôi cho rằng cách ăn này rất ngon.

Tuy nhiên, trong lần mời một gia đình Nhật tới nhà dùng bữa, họ rất ngạc nhiên khi tôi làm vậy. Phải rất thân thì người bạn Nhật mới nói với tôi rằng, người Nhật coi việc trộn lẫn như vậy là… bẩn.


Người Nhật sẽ chấm cơm vào nước xốt chứ không tưới nước xốt vào cơm

Người Nhật có một số món ăn Donburi – các món trộn cơm với thức ăn và nước xốt như cơm bò (Gyudon), cơm gà trứng (Oyakodon), hay cơm hải sản (Kaisen don). Tuy nhiên, với những món ăn mặn vốn được dọn riêng, người Nhật sẽ gắp từng món vào bát và ăn riêng chứ không trộn lẫn vào nhau. Khi ăn cơm ở Nhật, đừng biến bát cơm của mình thành một “khối thống nhất” giữa cơm và nước xốt bạn nhé.