Văn hoá

img detail
03/11/2020 Văn hoá

Căng cơ bụng thì trùng cơ mắt. Nhưng điều đó chỉ được vui vẻ chấp nhận ở Việt Nam thôi chứ ở Nhật thì không nhé.

Để lộ ngón tay cái khi nhìn thấy xe tang

Khoảng hơn 1 năm trước, vào một ngày trời mưa, tôi mang ô đến trường cho con gái rồi nhân tiện cùng con đi bộ về nhà. Tôi đi phía sau, con gái cùng các bạn của cháu tung tăng phía trước.

Đột nhiên một cô bé hét toáng lên: “Giấu ngón tay cái đi” khi nhìn thấy một chiếc xe màu đen chuẩn bị đi ngang qua. Cô bé vội vàng giấu cả 2 bàn tay ra sau lưng, những cô bé khác cũng nhanh chóng làm theo. Chỉ có tôi và con gái ngơ ngác không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Hỏi ra mới biết, trẻ con Nhật được người lớn dạy phải giấu ngón tay cái khi nhìn thấy xe tang. Người Nhật coi mỗi ngón tay đại diện cho một thành viên trong gia đình và ngón tay cái chính là “ngón tay cha mẹ”. Vậy nên những trẻ em Nhật cảm thấy có trách nhiệm phải bảo vệ cha mẹ khi nhìn thấy xe tang, chiếc xe được coi là điều xui xẻo. Hơn nữa từ xưa, người Nhật cho rằng giấu ngón tay cái đi thì ma quỷ sẽ không thể nhập vào người được hoặc nắm ngón tay cái thì tinh thần được củng cố có thể tự bảo vệ mình. Trải qua năm tháng, việc giấu ngón tay cái đã khiến người ta liên tưởng tới “cha mẹ” và việc giấu ngón tay trở thành phong tục nhằm tránh việc “không được ở bên cha mẹ lúc lâm chung” hoặc “không khiến cha mẹ qua đời sớm”.

Tìm hiểu sâu hơn lại càng bất ngờ khi chuyện giấu ngón tay cái đã xuất hiện từ thời xa xưa. Trong truyện dân gian Nhật Bản từng đề cập chuyện trẻ em phải giấu ngón tay cái khi đi bộ vào buổi tối nếu không muốn bị lừa bởi một con cáo hoặc để tránh khỏi những dịch bệnh.

Ngày nay, có rất nhiều người Nhật Bản trưởng thành vẫn có thói quen giấu ngón tay cái một cách bản năng khi nhìn thấy xe tang. Có thờ có thiêng, có kiêng có lành mà.

Cọng trà trong cốc – điềm báo may mắn

Bạn pha một ấm trà ngon, rót ra chén, hít hà và thưởng thức. Đó là một quy trình đầy nghệ thuật, thanh tao, thư giãn. Ly trà thơm, bốc khói, xanh biếc, trong vắt thì còn gì tuyệt vời hơn?

Nhưng bỗng dưng trong ly trà của bạn xuất hiện một cọng trà nhỏ từ trong ấm rơi ra, bạn sẽ làm gì? Vớt nó lên và vứt đi chứ làm gì nữa.

Ở Việt Nam thì OK, nhưng ở Nhật thì đừng. Nếu bạn nhìn thấy trong chén trà của mình một nhánh trà thì nó được gọi bằng từ Chabashira. Nếu cọng trà đó nổi đứng trong tách trà, người ta nói “Chabashira ga tatsu – cọng trà đứng”.

Người Nhật coi nhánh trà có thể đứng trong cốc nước giống như một điềm báo may mắn, mang lại sự thịnh vượng và sức khỏe cho gia đình. Cũng có truyền thuyết cho rằng chuyện này bắt nguồn từ việc ngày xưa có người thương nhân không bán được hết loại trà kém chất lượng nên bịa ra chuyện chabashira để dễ bán hàng.

Còn nhớ mấy năm trước, có một đoạn phim quảng cáo trà có liên quan tới chabashira. Đoạn phim quay cảnh 2 vợ chồng già đang uống trà. Người chồng nhìn thấy cốc trà của mình có cọng chabashira, nhân lúc vợ không để ý, ông lặng lẽ chuyển cốc trà đó cho vợ. Cảnh người chồng quan tâm tới vợ trong đoạn phim quảng cáo thể hiện tình cảm vợ chồng thật cảm động.

Đừng ngủ sau khi ăn

Ở Việt Nam, chuyện căng cơ bụng kéo theo chùng cơ mắt diễn ra hàng ngày. Ngả lưng làm một giấc ngắn sau bữa cơm trưa thì còn gì tuyệt vời hơn. Nhưng ở Nhật, nhiều trẻ con tin rằng chúng sẽ bị biến thành một con bò nếu nằm ngủ ngay sau khi ăn.

Người Nhật dùng cách này để dạy trẻ em phép lịch sự. Đây là nét văn hóa được lưu truyền từ khá lâu.

Thời xa xưa, người Nhật ngồi bệt xuống sàn gỗ để dùng bữa nên chuyện ngả lưng ngay lập tức sau bữa ăn diễn ra tương đối thường xuyên. Rất nhiều người già coi đây là một hành động lười biếng và bất lịch sự. Vậy nên thế hệ trước mới nghĩ ra chuyện “biến thành bò” để đám trẻ con sợ và không lười biếng thả phịch xuống sàn sau bữa ăn.

Thời nay, chuyện ngủ ngay sau khi ăn còn được coi là hành động của những kẻ lười biếng và béo phì. Khá nhiều người nói rằng, hành động ngủ ngay sau khi ăn thuộc đặc quyền của những vận động viên Sumo – những người muốn tăng cân thật nhanh. Người Nhật rất chú trọng đến thể hình nên họ rất sợ việc lên cân.

(Thạch Long)