Blog

img detail
18/10/2019 Blog

Fujita Hironobu

    Tại Nhật Bản Thiên hoàng là biểu tượng của quốc dân và mỗi khi Thiên hoàng mới lên ngôi thì niên hiệu cũng thay đổi theo.

    Ngày 1/5/2019, Thiên hoàng Akihito của thời đại “Heisei” (Bình Thành) thoái vị, hoàng thái tử Naruhito lên ngôi và niên hiệu được đổi thành “Reiwa” (Lệnh Hòa). Sau khi thoái vị, Thiên hoàng Akihito trở thành “Jyoko” tức “Thượng hoàng”.

    Về ý nghĩa của niên hiệu mới “Reiwa”, Thủ tướng Abe Shinzo đã phát biểu trong cuộc họp báo như sau: “Sau những ngày Đông tháng giá, mùi hương thơm của hoa mai nở báo hiệu Xuân sang. Chúng ta mong rằng Nhật Bản sẽ là một nước mà ở đó, mỗi người dân như những bông hoa mai kiêu hãnh sẽ nở rộ cùng với hy vọng về tương lai.”

    Niên hiệu “Reiwa” khá khó hiểu đối với người nước ngoài, nên Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã chỉ thị cho đại sứ quán Nhật Bản tại các nước trên thế giới giải thích với chính phủ các nước khác rằng niên hiệu này có nghĩa là “Beautiful Harmony, nghĩa là sự hài hòa tốt đẹp”.

    Trong “Lễ đăng quang” của Thiên hoàng, sẽ có các buổi quốc lễ từ ngày 22 đến ngày 31/10. “Lễ đăng quang tại chính điện” để thông báo với toàn thể dân chúng Nhật Bản và thế giới về việc Thiên hoàng đăng quang sẽ kéo dài độ 30 phút, từ 1 giờ chiều ngày 22/10. Sau khi Thiên hoàng đọc chiếu chỉ tuyên bố lên ngôi, thì Thủ tướng Abe Shinzo sẽ đọc lời đáp lễ gọi là “Yogoto”, tiếp đến tất cả mọi người tham dự buổi lễ sẽ đồng thanh hô to “Banzai” (Vạn tuế) 3 lần. Cách bài trí cung điện và trang phục của Thiên hoàng và Hoàng hậu trong buổi lễ đều được tuân thủ theo truyền thống. 

   Lễ “Đăng quang tại chính điện” được tổ chức vào ngày 22/10, nên ngày này sẽ là ngày nghỉ lễ của Nhật Bản. Theo dự định “Nghi lễ diễu hành” bằng xe ô-tô mui trần của Thiên hoàng và Hoàng hậu sau lễ đăng quang sẽ được tổ chức sau “Lễ Đăng quang tại chính điện” nhưng vì nhiều khu vực trong nước Nhật còn đang chịu nhiều thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 19, nên buổi diễu hành được hoãn lại tới ngày 10/11.