Văn hoá

img detail
28/07/2020 Văn hoá

     Gần 4 năm trước, một ngày giữa tháng 8, Nhật nắng chói chang. Sau một chặng đường dài từ sân bay Narita về ký túc xá, tôi mệt mỏi thở dài: “Khát nước ghê!”. Vừa than vãn, người chị khóa trên hướng dẫn đoàn tân sinh viên đã dúi ngay vào tay tôi một chai nước mát lạnh. Đầy bất ngờ, tôi hỏi: “Ở chỗ hoang vắng như thế này, chị mua ở đâu vậy ạ?”. Chị cười, “Ở kia đó”, rồi chỉ về hai chiếc máy bán hàng tự động nằm yên ắng bên đường ray, giữa con đường hẻo lánh.

     Nhớ ngày cấp 3, cả trường tôi đã từng hò reo hứng khởi khi thấy ở sân bóng của trường xuất hiện một chiếc máy bán hàng tự động. Buồn một nỗi, tiền cho vào máy rồi, nhưng chai nước không “xuất đầu lộ diện”. Ở Nhật thì khác, dù có ở nơi nào, hẻo lánh đến mấy, bạn cũng sẽ tìm được một chiếc máy bán hàng tự động. Có khi còn tìm được cả dãy máy, và tất nhiên chiếc máy nào cũng vận hành rất mượt mà.

     Tuy Mỹ là đất nước có nhiều máy bán hàng tự động nhất trên thế giới, nhưng xét về mật độ máy bán hàng tự động, không đâu bằng được nước Nhật. Cứ 23 người sẽ có 1 máy bán hàng tự động. Hàng năm, doanh thu từ những chiếc máy bán hàng tự động này là 5 tỷ yên, tương đương hơn 1 nghìn tỷ Việt Nam đồng, giúp Nhật trở thành quốc gia có doanh thu từ máy bán hàng tự động cao nhất thế giới.

     Nhịp sống hối hả ở Nhật khiến những chiếc máy bán hàng tự động vận hành 24/7 trở thành một phần quan trọng không thể thiếu. Sáng sớm chưa kịp bỏ gì vào bụng, chạy vội vào ga cho kịp chuyến tàu đến công ty hay trường học, mua ngay được cái bánh ngọt ở chiếc máy bán hàng tự động đặt dưới ga tàu. Thế là ấm bụng!

     Những chiếc máy bán hàng tự động ở Nhật, đương nhiên cũng rất “Nhật”, đầy sáng tạo và tiện nghi. Tuy khởi điểm được phát minh ở Anh vào thế kỷ 19, dùng để bán thuốc lá, bánh kẹo, chiếc máy bán hàng tự động lâu đời nhất ở Nhật Bản, có từ năm 1904, là máy dùng để bán tem và bưu thiếp. Đặc biệt hơn cả, chiếc máy ấy không chỉ bán bưu thiếp và tem, mà còn cho phép bỏ thư từ vào để gửi đi, như một chiếc bốt bưu chính thu nhỏ.

     Đến giờ, người Nhật vẫn tiếp tục sáng tạo đủ kiểu với những chiếc máy bán hàng tự động của mình. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy những chiếc máy bán hàng tự động bán những món cực đặc biệt như súp ngô, chuối, bánh ngọt, oden (một thức ăn truyền thống của Nhật Bản), trứng lòng đào, kem hay pizza. Bên cạnh đó, máy bán đồ uống ở Nhật có chia hai loại nước: lạnh và ấm. Chỉ cần mua một chai nước chanh mật ong ấm nóng từ máy bán hàng tự động ở nhà ga để mân mê là vừa đủ để xua đi mùa đông lạnh giá. Vẻ ngoài của những chiếc máy bán hàng tự động ở xứ sở hoa anh đào cũng rất đa dạng và thú vị. Có chiếc khoác lên mình chiếc áo Pikachu vàng ruộm. Có chiếc lại tự tin tỏa sáng với hình hài chú robot đỏ rực.

     Những chiếc bán hàng tự động ở Nhật, với tôi, không đơn giản chỉ là những chiếc máy bán hàng, mà còn là những sứ giả kết nối yêu thương. Nhớ một lần, giữa ngày đông 0 độ C, đi làm về mệt quá, tôi ngủ quên trên chuyến tàu cuối. Tàu bon bon chạy đến bến cuối cùng. Đến lúc mở mắt thì tàu hết, không về được nhà. Ga đó hẻo lánh, không có lấy một cửa hàng mở 24 giờ, xung quanh tối đen như mực. Tôi đã nghĩ mình sẽ co ro đến hết đêm ở sân ga, trong sự đơn độc, lạnh giá và sợ hãi.

     Nhưng một bác người Nhật cũng kẹt lại khi ấy đã đưa tôi một chai trà nóng mua ở máy bán hàng tự động gần đó và mấy miếng bìa bác xin được ở cửa hàng tiện lợi. Chai trà dù nhỏ bé thôi, nhưng sự quan tâm của một người xa lạ, ở một nơi chốn chẳng mấy thân quen, làm tôi không thôi cảm động. Sự ấm áp truyền đến nơi bàn tay, nơi cổ họng, cũng từ đó được lan truyền đến trái tim, làm tôi thêm yêu nước Nhật, con người Nhật, và cũng yêu hơn những chiếc máy bán hàng tự động ở nơi đây.