Blog

Nếu bạn được mời đi đám cưới ở Nhật Bản thì…?

blog_0402_img1
08/03/2021

Lễ cưới ở Nhật Bản và ở Việt Nam có nhiều điểm khác nhau. Thông thường, lễ cưới ở Nhật có 2 phần. Phần thứ nhất là Lễ thành hôn, tiếng Nhật là “Gishiki” và phần thứ hai là tiệc liên hoan, tiếng Nhật là “Hiroen”. Khi dự đám cưới, nam giới thường mặc lễ phục là comple đen, nữ giới thường mặc váy đẹp. Nếu các bạn được mời đi đám cưới ở Nhật, chắc cũng có khi băn khoăn nên chọn cà vạt màu gì, tiền mừng bao nhiêu hoặc khi tham dự lễ cưới thì phải làm gì. Chúng tôi xin giới thiệu qua những điểm chính của đám cưới ở Nhật.

【 Nguyễn Việt Hà 】

Người Nhật thường tổ chức đám cưới vào mùa nào?

Ở Việt Nam, các cặp đôi thường chọn làm lễ cưới vào dịp tháng 11-12, là khi vụ mùa đã thu hoạch và trước Tết. Thời tiết trong thời gian này cũng rất khô ráo và thuận tiện cho việc chuẩn bị cưới xin. Người Nhật thường hay chọn cưới vào mùa Xuân và mùa Thu, tránh mùa Hè nóng bức và mùa Đông lạnh lẽo.

Tháng 6 ở Nhật là vào mùa mưa “Tsuyu” nên thường không thích hợp với việc tổ chức lễ cưới. Nhưng có một lý do khác để nhiều người lại chọn tháng 6 để tổ chức đám cưới. Lý do là vì nhiều cô gái muốn được là “Cô dâu tháng Sáu”, tiếng Anh là “June Bride” vì tin rằng nếu kết hôn vào tháng 6 sẽ được hạnh phúc suốt đời. Vì theo thần thoại Hy Lạp, nữ thần Juno – thần bảo vệ phụ nữ, trẻ em và gia đình là nữ thần của tháng 6.

Lễ cưới ở Nhật rất đa dạng về hình thức

Một lễ cưới ở Nhật có thể diễn ra theo nhiều hình thức khác nhau tùy theo tôn giáo và sở thích của cô dâu chú rể, cũng như hoàn cảnh kinh tế của gia đình. Thường các cặp đôi Nhật tự mình lên kế hoạch, làm đám cưới theo ý muốn của mình mà ít gặp những ý kiến trái chiều của gia đình. Người Nhật quan niệm về chuyện tự lập của con cái rất rõ ràng- con cái sẽ tự quyết định những hướng đi tương lai, kết hôn với ai hay làm nghề gì.

Số khách mời dự đám cưới ở Nhật ngày càng giảm đi do thường người Nhật ít khi mời họ hàng sống ở xa, hoặc hàng xóm và bạn bè, đồng nghiệp không thân thiết lắm. Hiện nay, trung bình số khách mời chỉ độ từ vài chục tới 100 khách mời là bình thường tại Nhật. Theo một khảo sát của một trang mạng chuyên về tổ chức đám cưới thì số khách mời của một đám cưới trung bình là 67 người. So với đám cưới ở Việt Nam thì quá là nhỏ bé. Gần đây hình thức tổ chức đám cưới gọn nhẹ chỉ với vài người tới độ chục người trong gia đình họ hàng và bạn bè thật thân thiết cũng tăng lên. Những đám cưới quy mô nhỏ như vậy đôi khi được tổ chức tận Hawaii. Lý do là nhiều cô gái trẻ người Nhật rất thích Hawaii.

Chi phí tổ chức đám cưới

Chi phí cho việc tổ chức Lễ thành hôn – Gishiki tại các khách sạn hoặc trung tâm tổ chức đám cưới chỉ khoảng từ 100 nghìn đến 200 nghìn yên nhưng chi phí cho tổ chức tiệc liên hoan sau lễ thành hôn thì tốn kém hơn. Chi phí trung bình cho món ăn, đồ uống, quà mang về… cho một người khách là khoảng 25.000 yên. Vì vậy so với Việt Nam, số tiền mừng đám cưới cũng khá là cao. Chúng tôi sẽ nói kỹ hơn về số tiền mừng đám cưới ở phần sau.

Dù chỉ tổ chức lễ cưới với quy mô nhỏ trong phạm vi họ hàng thì sau đó cũng có người tổ chức một buổi tiệc liên hoan để mời bạn bè tham dự vào một ngày khác. Trường hợp đó, đa phần là tổ chức tại nhà hàng và thường do bạn bè của cô dâu và chú rể đứng ra tổ chức. Trường hợp này thì thường chi phí không quá đắt như việc tổ chức đám cưới ở khách sạn hoặc ở trung tâm tổ chức đám cưới và thường khách mời sẽ trả tiền theo kiểu “hội phí” được cho biết trước. Tùy vào quy mô mà số tiền hội phí này có khác nhau, nhưng trung bình thường là khoảng 10 nghìn yên.

Những hình thức Lễ thành hôn ở Nhật

Lễ thành hôn theo kiểu Thần đạo

Chúng tôi xin giới thiệu những hình thức tổ chức Lễ thành hôn ở Nhật Bản. Ở Nhật, đa phần người không theo đạo cũng có thể tổ chức theo hình thức này.

⚫ Lễ thành hôn theo Thiên chúa giáo

Hôn lễ diễn ra tại nhà nguyện của khách sạn hoặc trung tâm tổ chức đám cưới. Nếu cả cô dâu và chú rể không theo đạo Thiên chúa thì phần lớn kiểu hôn lễ này được tổ chức theo phong tục của Đạo Tin lành. Mục sư sẽ tuyên bố cô dâu chú rể thành vợ thành chồng trước sự chứng kiến của gia đình, bạn bè. Hôn lễ diễn ra khá ngắn gọn, khoảng 20-25 phút. Sau đó, cô dâu chú rể bước ra ngoài để được mọi người chúc mừng, cô dâu sẽ tung bó hoa cưới cũng được tung lên để những bạn độc thân bắt lấy.

⚫ Lễ thành hôn theo kiểu Thần đạo

Hôn lễ thường được tổ chức tại chính điện của đền thờ hoặc điện thờ của trung tâm tổ chức đám cưới. Ở Nhật, nhiều khách sạn hoặc trung tâm tiệc cưới lớn có cả nhà nguyện và thần điện. Lễ thành hôn này có nghi lễ cô dâu chú rể uống chung chén rượu “San-san-ku-do”.

⚫ Lễ thành hôn theo kiểu Đạo phật

Là lễ Hằng thuận được tổ chức tại chùa. Đây là buổi lễ để hai vợ chồng cảm tạ đức Phật, tuyên thệ và báo cáo tổ tiên và xin chứng kiến cho mối lương duyên của họ.

⚫ Lễ thành hôn trước sự chứng kiến của bạn bè, gia đình

Đây là Lễ thành hôn không theo quy ước của bất cứ tôn giáo nào.Cô dâu chú rể cùng thề nguyện trước sự chứng kiến của những người tham dự.

Cô dâu chuẩn bị tung bó hoa cưới

Tôi có dịp được tham dự tất cả các hình thức Lễ thành hôn lễ kể trên, từ lễ nghi Thần đạo rất trang trọng đến lễ thành hôn tinh khôi trong nhà thờ hay đám cưới trong những nhà hàng Hawaii, trên bãi biển của khu resort… Tôi cũng đã được tham dự những đám cưới thuần Nhật, có đám cưới trong những khách sạn 5 sao lung linh hoàn hảo, có những đám cưới theo kiểu buffet (ăn tự chọn)… Tất cả đều đọng lại những ấn tượng rất sâu sắc. So với đám cưới ở Việt Nam thì đám cưới ở Nhật chỉ có ít người nên mọi người đều có nhiều cơ hội cùng nói những câu chuyện thân tình, những kỉ niệm với cô dâu chú rể.

Những điều phải chuẩn bị khi bạn được mời đi đám cưới

Nhanh chóng trả lời là có tham dự hay không

Nhanh chóng trả lời là có tham dự hay không

Thiếp mời thường được gửi khoảng 2-3 tháng trước đám cưới. Cô dâu chú rể muốn nắm vững số khách mời chắc chắn tham dự để báo lại cho phía tổ chức nên sau khi nhận được thiếp mời, ta hãy nhanh chóng trả lời.

Chi phí đi lại

Phí giao thông

Trường hợp ở quá xa, đi lại tốn kém, ta có thể trao đổi với cô dâu chú rể về chi phí đi lại. Thông thường khi đi dự đám cưới, khách sẽ mang theo tiền mừng nhưng cũng có trường hợp nếu địa điểm tổ chức cưới khá xa thì bên mời có thể đề nghị “Chúng tôi không nhận tiền mừng, thay vào đó bạn hãy tự trả chi phí đi lại nhé”. Các chi tiết như vậy thường được chu đáo gửi kèm, cùng với những hướng dẫn khác để người được mời dễ xét xem có sắp xếp đi được không.

Chuẩn bị tiền mừng

Chuẩn bị tiền mừng

Tiền mừng được cho vào phong bì dành riêng cho đám cưới, thường có bán ở những hiệu sách, cửa hàng bán đồ văn phòng hoặc cửa hàng tiện lợi. Tiền mừng nên dùng những tờ tiền mới. Với bạn bè thông thường là 30 nghìn để 50 nghìn yên, tùy theo mức độ thân thiết. Còn người thân trong gia đình thì tùy theo, có thể là 50 nghìn, 70 nghìn tới 90 nghìn yên. Nếu gia đình cô dâu chú rể trả tiền đi lại cho bạn mà bạn muốn trả một phần thì có thể mừng nhiều hơn mức thông thường.

Trang phục

Trang phục

Những đám cưới theo kiểu truyền thống của Nhật thì người thân trong gia đình thường mặc lễ phục: Nam giới là comple đen, nữ giới là váy đầm dài. Nam giới thắt cà vạt trắng. Đối với khách mời thì nam giới thường mặc comple lễ phục còn nữ giới thường mặc váy áo đẹp. Ta có thể mặc áo kimono truyền thống của Nhật Bản hay áo dài của Việt Nam đều được. Nếu không quyết định được, hãy trao đổi với cô dâu chú rể.

Tuyệt đối không nên đến muộn

Tuyệt đối không nên đến muộn

Đám cưới ở Nhật Bản luôn được tiến hành rất đúng giờ. Vì vậy việc đi muộn là không thể chấp nhận được.

Trên đây là một số điểm chính trong lễ cưới ở Nhật Bản. Chắc chắn có nhiều đặc điểm khác với lễ cưới ở Việt Nam. Nếu bạn được mời đi dự đám cưới ở Nhật, hãy tham khảo thông tin trong bài viết này nhé.