Cuộc sống - Visa

img detail
02/09/2020 Cuộc sống - Visa

Lời nói đầu

     Kỳ trước, chúng tôi đã giới thiệu các quy định của Cục Quản lý xuất nhập cảnh và lưu trú về làm baito. Trong số này, chúng tôi sẽ tập trung giải thích về hậu quả của việc không tuân thủ quy định của cơ quan này.

Cục Quản lý xuất nhập cảnh và lưu trú nghiêm khắc với việc làm quá giờ

     Về nguyên tắc, người nước ngoài được cấp phép “thực hiện hoạt động ngoài tư cách lưu trú” thì chỉ có thể làm việc không quá 28 tiếng mỗi tuần. Làm việc quá giới hạn này sẽ bị gọi là “over work” (làm quá giờ). Nếu làm quá giờ thì bạn sẽ gặp phải các hậu quả sau đây:
❶ Không gia hạn được tư cách lưu trú;
❷ Không chuyển được tư cách lưu trú để đi làm sau khi tốt nghiệp.

     Ví dụ, bạn A tốt nghiệp đại học tại Nhật Bản và dự định vào làm việc trong công ty về nghiệp vụ ngoại thương. Thời học đại học, trong hơn 1 năm, A liên tục làm baito hơn 200 giờ mỗi tháng. So với 112 giờ được phép làm thêm (28 giờ/tuần x 4 tuần) thì 200 giờ vượt giới hạn quá nhiều. Do bị phát hiện từng làm quá giờ như vậy, khi A xin chuyển tư cách lưu trú sang loại “Kĩ thuật – tri thức nhân văn – nghiệp vụ quốc tế” để đi làm thì bị từ chối. Kết cục là A không thể đi làm được và buộc phải về nước.

* Câu chuyện thực tế về du học sinh phải về nước do làm quá giờ:

https://www.kokoro-vj.org/vi/post_2589

Làm quá giờ sẽ bị lộ!

     Một số bạn có thể vẫn đang nghĩ rằng “làm quá giờ chẳng bị lộ đâu”.

     Tuy nhiên, khi các công ty Nhật Bản tuyển dụng người nước ngoài, họ phải nộp “Tờ khai tình trạng tuyển dụng” cho HelloWork (Cơ quan hỗ trợ tìm công ăn việc làm của chính phủ Nhật). Trong tài liệu này có ghi số thẻ cư trú của bạn. Khi bạn làm baito cho 2 công ty trở lên thì các công ty này đều phải nộp “Tờ khai tình trạng tuyển dụng” nên thông qua HelloWork, Cục Quản lý xuất nhập cảnh và lưu trú sẽ biết việc bạn đang làm tại 2 công ty. Ngoài ra, người ta còn xác định được chuyện bạn làm quá thời gian dựa trên giấy chứng nhận nộp thuế hoặc giấy báo khấu trừ thuế tại nguồn (gensen choshu).

     Cục Quản lý xuất nhập cảnh và lưu trú đang ngày càng nghiêm khắc hơn với việc làm quá thời gian nên cách suy nghĩ “làm quá thời gian hay làm nhiều việc một lúc không bị lộ” đã lỗi thời. Các bạn đừng nên chỉ nghe những lời dụ dỗ êm tai mà hãy cố gắng không vi phạm pháp luật nhé.

Chuyển tư cách lưu trú sang “Kỹ năng đặc định”

     Thời gian gần đây có trường hợp du học sinh chuyển tư cách lưu trú sang “Kỹ năng đặc định”. Trường hợp muốn chuyển sang tư cách lưu trú Kỹ năng đặc định thì khi làm baito cần phải lưu ý thêm nhiều điểm cần thiết.

     Khi chuyển tư cách lưu trú sang “Kỹ năng đặc định”, phải nộp các giấy tờ chứng minh việc đã nộp: ❶ Thuế quốc gia (kokuzei) ❷ Thuế địa phương (shiminzei) ❸ Bảo hiểm y tế quốc dân (kokumin kenho hoken) ❹ Bảo hiểm lương hưu quốc dân (nenkin). Cụ thế, các giấy tờ phải nộp bao gồm giấy chứng nhận nộp thuế hay giấy báo khấu trừ thuế tại nguồn… do chính quyền địa phương hoặc nơi làm việc cấp. Để nộp được đầy đủ các giấy tờ này thì bạn cần chú ý những điểm sau đây.

Mẫu giấy trừ thuế tại nguồn

Mẫu giấy trừ thuế tại nguồn

Kê khai thuế (kakutei shinkoku)
Nếu đồng thời làm baito tại nhiều nơi cùng lúc thì từ tháng 2 đến tháng 4 năm tiếp theo, các bạn nhớ hãy kê khai thuế ở cục thuế địa phương. Khi đó, bạn sẽ được nhận “bản sao tờ khai thuế”, hãy giữ giấy tờ này cẩn thận. Nếu không biết cách kê khai thuế, bạn có thể mang toàn bộ bảng lương trong 1 năm (từ tháng 1 – 12) đến cục thuế và trao đổi với nhân viên tư vấn.

Lưu giữ giấy khấu trừ thuế tại nguồn (gensen choshu)
Bạn sẽ được yêu cầu nộp cả giấy khấu trừ thuế tại nguồn. Giấy này sẽ được nơi bạn làm baito cấp cho mỗi năm 1 lần nên hãy lưu giữ cẩn thận, không được vứt bỏ.

Bảo hiểm lương hưu quốc dân (nenkin)
Du học sinh có thể được hoãn nộp bảo hiểm lương hưu quốc dân theo chế độ đặc biệt áp dụng cho học sinh. Thủ tục xin hoãn nộp này không quá phức tạp. Tuy nhiên, nếu bạn không làm thủ tục này thì sẽ bị coi là “chưa nộp” và có thể sẽ gặp bất lợi khi xin gia hạn hoặc chuyển tư cách lưu trú. Không chỉ riêng những ai muốn chuyển sang tư cách lưu trú “Kỹ năng đặc định” mà bất kỳ du học sinh nào có nguyện vọng làm việc ở Nhật đều nhất thiết phải thực hiện thủ tục xin hoãn nộp bảo hiểm lương hưu theo chế độ đặc biệt dành cho học sinh. Hãy trao đổi với trường của bạn hoặc văn phòng nenkin gần nhất để biết cách thực hiện thủ tục này.

〈Tác giả: Văn phòng luật Century – Luật sư Sugita Shohei〉