Kinh nghiệm của tôi (Du học - Nhân lực chất lượng cao)

vol3_02
By KOKORO(Báo Mainichi+VAIJ;Đơn vị hỗ trợ: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, v.v.)

Người đàn chị lần này

Nguyễn Thị Lụa

Sinh năm 1992, quê ở Thái Bình
Tháng 6/2010: Tốt nghiệp trường trung học phổ thông Vũ Thư
Tháng 1/2013: Thực tập sinh tại tỉnh Hiroshima
Tháng 1/2016: Trở về Việt Nam
Tháng 10/2017: Nhập học khoa tiếng Nhật trường Mirainomori
Tháng 3/2019: Tốt nghiệp khoa tiếng Nhật trường Mirainomori
Tháng 4/2019: Nhập học đại học công lập Miyagi

Giới thiệu

Để học tại trường đại học ở Nhật, thí sinh nước ngoài phải dự kỳ thi “Du học Nhật Bản” (EJU) do Tổ chức hỗ trợ du học Nhật Bản (JASSO) tổ chức, và nộp kết quả cho trường đại học. Tôi xin chia sẻ làm thế nào tôi đã đỗ vào 1 trường đại học công lập của Nhật Bản, những trải nghiệm trong học tập và cuộc sống, những chuyến du lịch cùng bạn bè người Việt khi còn học trong trường Nhật ngữ, và những may rủi trong thời kỳ là thực tập sinh.

Nhập học vào trường đại học công lập Nhật Bản

Tháng 4/2019, tôi vào học tại trường đại học Miyagi. Hiện nay, tôi đang học về quan hệ kinh doanh tại khoa thiết kế dự án. Hàng ngày, tôi đến lớp, tự học tại trường, làm thêm, nấu cơm, mua sắm. Vào đợt nghỉ dài, tôi đi du lịch với bạn bè. Ước mơ của tôi là tốt nghiệp đại học sau 4 năm, sau đó làm việc tại Nhật.

Đại học Miyagi. Đây vẫn còn là một công trình mới, hiện đại và phong cách. [Ảnh chụp vào tháng 7 năm 2019]

Trong giờ nghỉ trưa, căng tin của trường đại học chật kín sinh viên.

Ngoài thư viện, đại học Miyagi còn có không gian miễn phí để tự học gần quán cà phê.

Cuộc sống tại Nhật Bản và việc làm thêm

Tại các nhà hàng nơi làm thêm thường hay có những bữa ăn giá rẻ.

Nếu nói được tiếng Nhật ở một trình độ nhất định thì sẽ có rất nhiều lựa chọn việc làm thêm. Tôi đang làm thêm tại quán rượu (tiếp khách, pha chế đồ uống) và tại cửa hàng tiện lợi (thanh toán, lấy hàng). Tôi luôn tuân thủ pháp luật Nhật Bản về thời gian lao động cho du học sinh (28 giờ/tuần, và trong kỳ nghỉ dài là 40 giờ/tuần).

Sau đó, tôi nhận được học bổng (Quỹ hỗ trợ du học sinh nước ngoài của Bộ Giáo dục) thông qua Tổ chức hỗ trợ du học sinh Nhật Bản (JASSO). Học bổng này giúp ích cho tôi rất nhiều. Tôi không dư giả tiền và vẫn đang cố gắng tiết kiệm chi tiêu trong cuộc sống. Đây là khoảng thời gian cần phải kiên nhẫn, vì sau này có việc làm thì sẽ có lương.

[iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Về học bổng dành cho du học sinh

Sổ chi tiêu của tôi (Trung bình 1 tháng)

※ 100 yên = 21.590 đồng (tính đến ngày 25/9/2019)

Thu nhập (tổng cộng 98.000 yên đến 178.000 yên)

Làm thêm (cửa hàng tiện lợi và quán rượu) 50.000 ~ 130.000 yên
Khi có kỳ nghỉ dài tại trường (ví dụ nghỉ hè) thì có thể làm thêm nhiều hơn.
Khi có kỳ kiểm tra tại trường đại học hoặc khi tạm về nước thì không thể làm thêm nhiều
Học bổng từ chính phủ Nhật Bản 48,000 yên

支出(合計 93,800円~105,300円)

Tiền nhà 5.000 yên
* Sống 1 mình
* Một phòng, có nhà vệ sinh, nhà tắm và bồn tắm khép kín
* Phòng trọ hơi cũ nhưng nội thất đã được sửa sang. Chủ nhà là người từng làm tình nguyện ở nước ngoài nên cho sinh viên nước ngoài thuê với giá rẻ. Tôi được anh chị khóa trước người Việt giới thiệu đến đây.
Tiền điện nước 7.000 yên
* Bao gồm tiền điện, nước, gas
Tiền Internet 4.300 yên
Tiền điện thoại di động 5.000 yên
Tiền ăn, các chi phí khác 25.000 ~ 35.000 yên
* Đôi khi được ăn với giá rẻ ở chỗ làm thêm
* Thường xuyên mang cơm hộp đến trường ăn để tiết kiệm tiền ăn trưa
* Đã bao gồm tiền ăn tối, quần áo, tiền sách giáo khoa
Học phí 45.000 yên
Tiền xăng xe 2.500 ~ 4000 yên
* Lấy được bằng lái xe bên Nhật và đi lại bằng xe máy mini

Chênh lệch (tiền tiết kiệm được): trung bình 30.000 ~ 40.000 yên

* Đôi khi đến kỳ kiểm tra tại trường đại học dẫn đến không làm thêm được nhiều và khi phát sinh khoản chi gấp thì phải lấy tiền tiết kiệm ra để tiêu (= Số tiền chênh lệch trong tháng đó là âm).
* Không phải gửi tiền về Việt Nam. Tiền tiết kiệm được chủ yếu để đi du lịch hoặc về nước, mua bảo hiểm.

Một căn hộ tuy cũ nhưng sạch sẽ và giá rẻ.

Chủ nhà cho du học sinh người nước ngoài thuê với giá rẻ.

May mắn khi có môi trường làm việc như một gia đình (Thời kỳ thực tập kỹ năng)

Khi thực tập tại tỉnh Hiroshima, cuối tuần tôi thường cùng các bạn thực tập sinh người Việt đến chơi nhà Bố Mẹ Nhật.

Năm 2013, lần đầu tiên tôi đến Nhật Bản theo diện thực tập kỹ năng vì bản thân tôi muốn đi Nhật theo diện này, và cũng đã nghe được một bạn nữ nói rằng “đã được làm ở một công ty tốt, mức lương cũng tốt”. Tôi thực tập tại Công ty TNHH Seien chuyên sản xuất ống ở thành phố Kure của tỉnh Hiroshima, tại đó có khoảng 30 người. Công việc chủ yếu của tôi là kiểm tra sản phẩm.

[iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Công ty Seien

Mọi người ở công ty Seien đều rất tốt, luôn chỉ bảo tôi rất thân thiện. Những khi tôi mắc lỗi thì họ nhắc nhở rất nhẹ nhàng. Sau khi trừ tiền thuế, bảo hiểm xã hội, phí ký túc xá, số tiền lương (= lương thực nhận) là khoảng 100.000 ~ 150.000 yên/tháng. Để có tiền trả cho công ty phái cử, khi còn ở Việt Nam tôi đã vay khoảng 300 triệu đồng (tương đương 1.400.000 yên) nhưng sau khi đến Nhật 1 năm thì tôi đã trả được nợ.

Tuy nhiên, trong môi trường thực tập kỹ năng cũng có may rủi. Bạn thân thủa nhỏ của tôi có mức lương thực nhận là 70.000 ~ 110.000 yên/tháng. Cậu ấy vay tiền của tôi và đồng nghiệp, nhưng phải 1 năm rưỡi sau mới trả được. Môi trường làm việc của cậu ấy cũng không tốt, cách chỉ bảo của cấp trên thì thô bạo.

[show_more more=▼Đọc tiếp less=▲Đóng align="center" ]

Giám đốc công ty Seien hiểu hoàn cảnh kinh tế của chúng tôi, hàng ngày cho chúng tôi làm thêm tối thiểu 1 giờ. Những khi bận, thời gian làm thêm trung bình tăng lên 2 giờ, cũng có khi làm việc cả thứ 7 (từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều). Nhờ đó, lương của tôi cũng tăng đáng kể.

Mặt khác, công ty còn cho chúng tôi sử dụng máy tính sau giờ làm việc để nghe đĩa CD giáo trình tiếng Nhật. Mỗi khi đến kỳ thi tiếng Nhật (JLPT), em trai của giám đốc lại lái xe đưa chúng tôi đến điểm thi mất 3 tiếng cả đi và về.

Tôi luôn cảm nhận được suy nghĩ của giám đốc và các nhân viên người Nhật rằng “Các bạn từ một đất nước xa xôi đến đây làm việc cho chúng tôi, nên chúng tôi sẽ trân trọng các bạn”. Một môi trường ấm cúng như gia đình. Tất cả thực tập sinh ở đây đều cảm nhận được điều đó và mọi người làm việc rất hào hứng.

Bố và mẹ ở Nhật.

Có một phụ nữ lớn tuổi làm cùng công ty luôn mời chúng tôi về nhà chơi. Chúng tôi luôn gọi bác là “Mẹ”, gọi bác trai là “Bố”. Tuần nào cũng có vài người đến nhà của Bố Mẹ, cùng nấu cơm, xem tivi và trò chuyện. Ngoài ra, Bố hay lái xe đưa chúng tôi đi mua sắm và du lịch. Đó thực sự là những ngày rất thú vị.

Giám đốc cũng là một người rất tốt. Khi chúng tôi kết thúc 3 năm thực tập và chuẩn bị về nước, giám đốc đã mua tặng mỗi người một chiếc máy tính (hàng mới) và nói: “Hãy sử dụng để học tập và làm việc nhé”. Bây giờ, tôi vẫn đang dùng chiếc máy tính đó.

[/show_more]

Đây là máy tính cá nhân giám đốc đã mua cho từng người chúng tôi trước khi về nước với lời dặn “hãy sử dụng để học tập và làm việc trong tương lai nhé”. Hiện tôi vẫn đang sử dụng thật cẩn thận.

Sự tương phản ở chỗ làm của người bạn thủa nhỏ

Trước khi sang Nhật, tôi vay 300 triệu đồng, chủ yếu để trả cho người môi giới đến công ty phái cử ở Hà Nội (đại lý môi giới) là khoảng 30 triệu đồng, trả cho công ty phái cử các khoản phí như học phí, tiền sách giáo khoa, phí ký túc xá, thủ tục xuất cảnh, vé máy bay…Ngoài ra, khi đi Nhật, tôi phải nộp cho công ty phái cử 100 triệu đồng “tiền bảo đảm”. Số tiền này sẽ bị tịch thu nếu thực tập sinh bỏ việc hoặc bỏ trốn trong thời gian thực tập tại Nhật Bản. Sau khi hết 3 năm thực tập, tôi đã được hoàn trả 100 triệu đồng này.

【Tư vấn từ bộ phận biên tập】

Trong chế độ thực tập sinh kỹ năng, việc công ty phái cử cho phép trung gian (đại lý môi giới) can thiệp hoặc nhận phí môi giới đã bị cấm. Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam kêu gọi bạn liên hệ trực tiếp với công ty phái cử (qua điện thoại, e-mail, v.v.), không thông qua trung gian. Nếu không thể liên hệ trực tiếp, bạn có thể chọn công ty phái cử khác.

Nỗ lực học tiếng Nhật và trở lại Nhật Bản

Tôi đã học tiếng Nhật trong 7 tháng ở công ty phái cử tại Hà Nội. Sau khi đến Nhật tôi cũng đặt mục tiêu cho mình là học tiếng Nhật. Tôi học tiếng Nhật từ 9 giờ tối đến 12 giờ tối các ngày thứ 2 đến thứ 6 và cả ngày thứ 7. Sau đó, tôi đỗ N3 kỳ thi năng lực tiếng Nhật (JLPT) vào năm thứ nhất, và đỗ N2 vào năm thứ hai. Đến năm thứ ba, tôi thi trượt N1, nhưng sau khi quay lại Nhật vào năm 2017, tôi đã đỗ N1 ở lần thi đầu tiên.

Sau khi về Việt Nam, tôi làm giáo viên tiếng Nhật tại trung tâm tiếng Nhật của công ty phái cử một thời gian. Nhờ 3 năm thực tập ở Nhật rất vui và đã cố gắng học tiếng Nhật, nên tôi nói được tiếng Nhật đáng kể, và tôi rất muốn được sang Nhật Bản một lần nữa. Huệ, người bạn thân cùng đợt tại công ty phái cử và làm việc gần chỗ tôi, đã cùng tôi quay lại Nhật.

[show_more more=▼Đọc tiếp less=▲Đóng align="center" ]

Lí do tôi chọn trường Nhật ngữ Mirainomori là vì nghe nói ở đây có thể dễ xin được visa du học cho những người từng là thực tập sinh kỹ năng. Anh chị khóa trước của tôi tại công ty Seien giới thiệu cho tôi biết về trường, sau đó tôi tự lên Internet ìm hiểu cách thức thi vào trường. Tôi đã được trường nhận sau khi thi tiếng Anh, toán, tiếng Nhật tại Hà Nội, và chấp nhận điều kiện rằng sau khi tốt nghiệp trường Nhật ngữ sẽ học tiếp lên đại học.

[iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Trường Nhật ngữ Mirainomori

[/show_more]

Học để thi vào đại học

Để học tại trường đại học ở Nhật, thí sinh nước ngoài cần tham gia kỳ thi du học Nhật Bản (EJU) (2 lần/năm) do Cơ quan Hỗ trợ du học sinh Nhật Bản (JASSO) tổ chức, và nộp kết quả đó cho trường đại học. Tôi đã thi tiếng Nhật, môn tổng hợp và toán, nhưng ban đầu kết quả không tốt lắm.

Tuy nhiên, 8 du học sinh người Việt chúng tôi đã tham gia học nhóm 2 buổi/tuần, sau nửa năm kết quả học tập tốt lên rất nhiều. Tôi và các bạn trong nhóm cũng đi ăn uống và du lịch cùng nhau. Sau khi nộp kết quả thi EJU, thi viết và phỏng vấn, tôi đã đỗ vào trường đại học Miyagi.

[iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] 「EJU」

[show_more more=▼Đọc tiếp less=▲Đóng align="center" ]

Về những người bạn học nhóm, chị khóa trên người Việt tại trường đại học đã dùng Facebook tổ chức giao lưu cho các sinh viên tại trường Nhật ngữ tuần 2 buổi tại phòng học công cộng của trung tâm quốc tế Sendai.

Mọi người trong nhóm đều đặt mục tiêu thi vào đại học công lập. Bình thường chúng tôi nói chuyện bằng tiếng Việt, nhưng khi học nhóm thì chỉ dùng tiếng Nhật. Các anh chị khóa trên người Việt chỉ bảo chúng tôi rất nhiều về tiếng Nhật, đóng vai người hỏi để luyện tập phỏng vấn…

Có rất nhiều trang Facebook trao đổi thông tin dành cho người Việt tại Nhật, nên sau khi đến Nhật bạn nên thử tìm hiểu các sự kiện như các buổi giao lưu…

[/show_more]

Quyển vở dùng để học thi N1. Tôi đã ghi lại những từ quan trọng trong giáo trình của trường Nhật ngữ.

Quá trình học “Bộ môn tổng hợp”phục vụ cho kỳ thi du học Nhật Bản.

Quá trình học “Bộ môn tổng hợp”phục vụ cho kỳ thi du học Nhật Bản. ↓Tôi đã sử dụng tài liệu này để học “Bộ môn tổng hợp”
https://www.ask-books.com/jp/eju/

Vào đêm tốt nghiệp trường Nhật ngữ, một buổi liên hoan chúc mừng đã được tổ chức tại quán rượu và karaoke cùng bạn học người Việt Nam. Đó là những người bạn tuyệt vời. [Tháng 3/2019 tại thành phố Sendai]

Tận hưởng quãng thời gian ở Nhật qua những chuyến đi

Sau khi trở lại Nhật du học, tôi thường cùng bạn bè đi du lịch. Ở trường Nhật ngữ, do vướng kỳ thi vào đại học nên tôi không thể đi du lịch dài ngày, nhưng tôi đã chinh phục được rất nhiều địa điểm du lịch lân cận. Trong đó có thị trấn “Zao” nơi tôi hằng muốn đến, “Suối nước nóng Ginzan” có phong cảnh hữu tình, lá đỏ ở chùa “Yamadera”, biển xanh… Các bạn hãy xem chi tiết ở các bức ảnh bên dưới nhé (^_^)

Lái xe đến Zao, tỉnh Yamagata với người bạn thân nhất của tôi là Huệ và một người bạn Nhật [tháng 6/2018]

Chuyến đi trong ngày đến làng Yamadera ở thành phố Yamagata bằng tàu điện với Huệ, người bạn thân nhất của tôi. Mùa thu của vùng Tohoku thật tuyệt vời. [Tháng 11/2018]

Tới bờ biển thành phố Natori, tỉnh Miyagi cùng bạn bè trong nhóm học tập tại trường Nhật ngữ [Tháng 8/2018]

Chuyến đi qua đêm đến suối nước nóng Ginzan ở tỉnh Yamagata với 3 sinh viên Nhật Bản cùng làm thêm tại quán rượu. Chúng tôi thường xuyên đi uống sau khi kết thúc giờ làm. [Ảnh chụp vào tháng 3/2019]

Tương lai muốn làm việc lâu dài tại Nhật Bản

Trước đây, tôi đến Nhật theo diện thực tập sinh với mục đích để kiếm tiền, nhưng sau 3 năm tôi thực sự rất yêu mến Nhật Bản, nên rất muốn quay lại đây. Từ lúc du học đến lúc đi làm sẽ cần thời gian, tuy nhiên nếu tốt nghiệp trường chuyên môn và đại học rồi có việc làm, thì có thể được cấp visa “Kỹ thuật/Nhân văn xã hội/Nghiệp vụ quốc tế”, sẽ không bị giới hạn về số năm làm việc. Điều này cũng có thể áp dụng với những bạn đã tốt nghiệp cao đẳng trở lên tại Việt Nam.

Thực tập kỹ năng thì có nhiều may rủi tuỳ vào nơi thực tập (công ty tiếp nhận). Tôi nghĩ mình rất may mắn đã được vào một môi trường làm việc tốt. Tuy nhiên, nếu làm việc với visa “Kỹ thuật/Nhân văn xã hội/Nghiệp vụ quốc tế” thì có thể chọn chỗ làm phù hợp với bản thân, đôi khi cũng có thể chuyển việc.

Tôi rất thích nước Nhật, nên luôn mong có thể sống ở Nhật lâu dài. Huệ, bạn thân của tôi đang học đại học ở Kobe, cũng có suy nghĩ như vậy. Hiện tại cả hai ở cách xa nhau, nhưng chúng tôi mơ ước sau này có thể làm việc tại cùng một vùng ở Nhật Bản.

Hai bức ảnh với Huệ (trái), bạn thân nhất của tôi kể từ khi cùng vào công ty phái cử. Trong tương lai, ước mơ của chúng tôi là tìm được công việc ở cùng một khu vực ở Nhật Bản. [Ảnh chụp tại Sendai vào tháng 12/2018]