Kinh nghiệm của tôi (Du học - Nhân lực chất lượng cao)

vol801
By KOKORO(Báo Mainichi+VAIJ;Đơn vị hỗ trợ: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, v.v.)
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Lợi đã học tiếng Nhật khoảng một năm rưỡi tại một trường dạy tiếng ở Nam Định do chị gái giới thiệu. Nhờ đó, Lợi đã có thể bắt đầu học đại học ngay sau khi qua Nhật, và sau khi tốt nghiệp, Lợi trở thành nhân viên chính thức tại một trang trại trồng cây ăn quả ở Nhật Bản. Lợi muốn học thêm thật nhiều về kỹ thuật canh tác trong quá trình làm việc, tiết kiệm tiền để thực hiện ước mơ mở một trang trại ở quê nhà trong vài năm tới.

Dương Thị Lợi

Dương Thị Lợi

  • Năm 2016 Tốt nghiệp cấp 3/span>
  • Năm 2016  Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hoá Nhật Bản tại Tp Nam Định (1 năm rưỡi)
  • Năm 2018  Đại học Minami Kyushu〈Tỉnh Miyazaki〉
  • Năm 2022  Bắt đầu công việc tại Nông viên Sakura〈Tỉnh Kagoshima〉
〈Sinh năm 1998, tại tỉnh Bắc Ninh〉

Những ngày học tiếng Nhật tại Trung tâm

Ảnh chụp khi Tốt nghiệp THPT(Mình ở ngoài cùng bên phải)

Hai chị gái của mình hiện đang làm việc cho một công ty Nhật Bản tại Việt Nam. Vì sử dụng được tiếng Nhật nên cả hai chị đều nhận được mức lương trên mức trung bình. Chị cả của mình học tiếng Nhật tại Trường cao đẳng, sau đó trở thành Thực tập sinh Kỹ năng (3 năm) tại Nhật Bản. Sau khi trở về nước, chị đã theo học tại Trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Nhật Bản tại Nam Định, và chị đã có thể sử dụng thành thạo tiếng Nhật. Chị hai mình tốt nghiệp đại học và đi làm, nhưng trong quá trình làm việc, chị nhận thấy mức lương của những nhân viên biết ngoại ngữ cao hơn, nên chị hai đã quyết định giống chị cả, trở thành Thực tập sinh kỹ năng tại Nhật Bản trong ba năm. Trong khoảng thời gian đó, chị ấy đã học tiếng Nhật và đã đỗ Kỳ thi năng lực Tiếng Nhật (JLPT) N3.

Sau khi tốt nghiệp THPT, mình muốn theo học ngoại ngữ tại Đại học Hà Nội, nhưng điểm thi đầu vào của mình hơi thấp nên mình đã quyết định học tiếng Nhật tại Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hoá Nhật Bản tại Nam Định, nơi chị gái mình đã theo học.

Quãng thời gian học tại Trung tâm Nam Định(Ảnh trên cùng bên trái được chụp trong giờ tự học)

Mình nhập học tại Trung tâm NN&VH Nhật Bản Nam Định vào tháng 10/2016 ngay sau khi tốt nghiệp cấp 3, và thi đỗ JLPT N3 vào tháng 12/2017. Tại Trung tâm, lịch trình hàng ngày của mình bao gồm các lớp học vào buổi sáng (khoảng 4 giờ), sau đó là tự học vào buổi chiều (khoảng 4 giờ) và tự học sau bữa tối (khoảng 3 giờ). Cho dù thứ bảy và chủ nhật, mình cũng học nhóm với bạn bè khoảng 10 tiếng. Tuy nhiên, đôi khi để giảm bớt căng thẳng học tập, mình cùng các bạn học đi du lịch đến những nơi như Đà Lạt và Phú Thọ, và để lại rất nhiều kỷ niệm đẹp.

Mình sống trong một căn hộ cho thuê giá rẻ ở Nam Định. Mỗi tháng một lần, mình sẽ về nhà ở Bắc Ninh, và mất khoảng 4h đi xe khách . Học phí hàng tháng là 2.000.000 VND, phần lớn là được chị gái mình chi trả.

Du học theo lời khuyên của hiệu trưởng

Bạn bè tiễn mình lên đường sang Nhật Bản

Gia đình mình không có điều kiện, nên mình đã từng nghĩ mình sẽ không thể đi du học được. Tuy nhiên, khi mình trao đổi với hiệu trưởng rằng muốn làm việc tại một công ty Nhật Bản sau khi tốt nghiệp, thầy đã giới thiệu trường đại học Minami Kyushu ở tỉnh Miyazaki.Thầy đã giải thích với mình, tại Đại học Minami Kyushu, học phí dành cho sinh viên quốc tế chỉ bằng một nửa so với bình thường, vì vậy các anh chị Sempai của Trung tâm chi trả học phí bằng số tiền họ kiếm được từ thực tập kỹ năng và từ các công việc bán thời gian.

Sau khi tham khảo ý kiến của gia đình, mình quyết định theo học tại trường đại học này. Tại trường, có hai ngành là Phát triển thực phẩm và Nông nghiệp, do mình thích hoa và thiên nhiên, nên mình đã chọn học ngành Nông nghiệp. Sau đó, mình đã vượt qua kỳ thi đầu vào (thi tiếng Nhật, phỏng vấn) của Đại học Minami Kyushu được tổ chức tại Hà Nội, và bắt đầu đi du học vào tháng 4 năm 2018.

Cải thiện tiếng Nhật nhờ công việc làm thêm

Làm thêm tại nhà hàng Sushi có rất nhiều cơ hội giao tiếp

Học phí tại trường đại học, sau khi được giảm một nửa là 580,000 yên một năm. Bố mẹ đã giúp mình trang trải học phí trong năm đầu tiên, nhưng từ năm thứ hai trở đi, mình đã có thể tự chi trả phần lớn chi phí bằng công việc làm thêm. Mình duy trì công việc làm thêm của mình trong khoảng 28 giờ mỗi tuần theo đúng quy định của pháp luật, nhưng chi phí nhà ở tỉnh Miyazaki khá rẻ, vì vậy chỉ cần tiết kiệm một chút mình đã có thể sống khá thoải mái.

Công việc làm thêm chính của mình là tại nhà hàng sushi và cửa hàng tiện lợi. Mình đã tìm được công việc tại nhà hàng sushi bằng ứng dụng trên điện thoại (bằng tiếng Nhật) và tìm được cửa hàng tiện lợi có treo tấm biển "Tuyển nhân viên bán thời gian". Tại nhà hàng sushi, có nhiều khách hàng nhìn vào bảng tên của mình và hỏi: “Bạn đến từ đâu?” hoặc “Bạn sống ở Nhật Bản bao lâu rồi?”, đó thực sự là cơ hội tốt để luyện giao tiếp bằng tiếng Nhật. Ngoài ra, có những khách hàng đã viết trong Bản khảo sát của cửa hàng rằng "Tôi rất vui vì đã có thể nói chuyện với một người nước ngoài" hay "Hãy cố lên nhé".

Bức thư chúc mừng sinh nhật của giám đốc

Giám đốc, quản lý nhà hàng và nhân viên tại nhà hàng Sushi đều rất hòa thuận với nhau Sau giờ làm việc, khoảng 10 người chúng mình cùng nhau đi liên hoan, trong giờ nghỉ trưa vào các ngày làm việc cuối tuần, chúng mình vừa ăn vừa trò chuyện rất vui vẻ. Ngoài ra, mỗi khi vào dịp sinh nhật, giám đốc đã gửi cho mình một lá thư với những lời chúc mừng và động viên.

Mọi người trong quán đều rất thân thiện nên mình có nhiều cơ hội giao tiếp bằng tiếng Nhật. Nhờ đó, tiếng Nhật của mình đã tiến bộ rất nhiều.

Cuộc sống tiết kiệm khi du học

Ảnh bên trái phía trên là Phòng Giao lưu Du học sinh. Hai ảnh còn lại là tại khu đất của doanh nghiệp

Lý do mình có thể trang trải phần lớn chi phí du học từ năm thứ hai trở đi bằng công việc làm thêm, một phần là nhờ học phí được giảm một nửa, và một phần do sự cố gắng tiết kiệm của bản thân.

  • Vào những ngày không có lịch làm thêm, mình học ở trường đến 10 giờ tối. Buổi sáng, mình làm thêm công việc tại một cửa hàng tiện lợi, vì vậy thời gian ở trong nhà của mình khá ít, tiền điện nước cũng được tiết kiệm.
  • Khi đi làm thêm, mình thường nhận được quần áo cũ từ những cô, chị người Nhật ở chỗ làm thêm và rất ít khi mua quần áo .
  • Mình đã tự trồng rau để ăn trên ban công căn hộ của mình trong quãng thời gian học đại học. Năm 3 và năm 4, mình cùng các bạn du học sinh trồng rau tại một khu đất nông nghiệp (rộng khoảng 700 mét vuông) thuộc sở hữu của một công ty liên kết với trường đại học. Ngoài dùng để ăn, chúng mình cũng bán cả trên Facebook nữa.

Chi phí sinh hoạt(Trung bình 1 tháng)

※Chi phí sinh hoạt trong khoảng thời gian học Đại học

※100 yên = khoảng 17,920 VND (Theo tỷ giá ngày 22/12/2022)

Thu nhập:100,000 Yên
Lương ¥100,000
※Tuỳ theo từng tháng, có thể từ 80,000 đến 110,000 yên
Chi tiêu:107,000 Yên
Học phí ¥48,000
Tiền thuê nhà ¥33,000
※Bao gồm Tiền nước và Wi-Fi
※Diện tích phòng: 28㎡
Tiền điện, tiền Gas ¥3,500
Tiền ăn(Chủ yếu là tự nấu) ¥15,000
※Tại cửa hàng tiện lợi nơi mình làm việc, mình có thể mua cơm hộp còn thừa với giá rẻ.
Tiền điện thoại ¥2,000
※Bắt đầu sử dụng từ khoảng cuối năm 3, để đi tìm việc 
※Mạng UQ mobile
Đồ dùng khác ¥5,500
Chênh lệch hằng tháng:▲7,000 Yên
※ Trong những kỳ nghỉ dài như nghỉ hè, mình làm việc nhiều giờ hơn và tiết kiệm tiền để bù vào khoản thiếu hụt hàng tháng.

Tìm kiếm công việc tại trang trại cây ăn quả ở Nhật Bản

Tiệc BBQ tại trang trại

Tại tỉnh Kagoshima có Thầy Yoshinobu Kanda, nguyên là giáo sư đại học, đồng thời là chủ tịch Trung tâm NN&VH Nhật Bản Nam Định. Vào mùa thu năm thứ hai Đại học (2019), thầy đã đưa khoảng 10 sinh viên (mọi người đều là cựu học sinh Trung tâm) đến thăm quan “Kirishima Sakura Fruit Land” ở thành phố Kirishima, tỉnh Kagoshima. Ở đây rộng khoảng 44ha, có nhiều cánh đồng trồng cây ăn quả (nho, lê, kiwi, đào, táo,...), và khoảng 100 nhà kính. Trái cây tươi và các sản phẩm chế biến từ trái cây được bán trong các quầy, nơi đây thu hút khoảng 70.000 đến 80.000 người ghé thăm mỗi năm.

Chúng mình được tham quan trang trại, và thưởng thức tiệc BBQ ngay tại vườn. Sau đó, khi mình đang bắt đầu đi tìm việc (Đi Shushoku) vào năm thứ tư đại học, Thầy Kanda đã khuyên mình nên làm việc tại trang trại này. Nhờ sự giới thiệu của Thầy, mình đã quyết định làm việc tại Nông viên Sakura.

Bắt đầu công việc tại Nông viên Sakura

Có khoảng 50 người làm việc tại Kirishima Sakura Fruit Land, trong đó có 13 người Việt Nam. Cụ thể hơn, có 3 thực tập sinh kỹ năng, 6 người theo dạng Kỹ năng đặc định (được thăng cấp từ Thực tập sinh kỹ năng ở đây), 1 cựu Thực tập sinh kỹ năng đã kết hôn với người Nhật (nữ), và 3 người có visa lao động, bao gồm cả mình. Sau 2 tháng nữa, sẽ có thêm 4 bạn Thực tập sinh mới sẽ qua Nhật làm việc cùng chúng mình.

Mình phụ trách công việc phiên dịch viên tại nơi làm việc, nhưng các bạn Thực tập sinh cũng đang rất cố gắng học tiếng Nhật. Mỗi tuần một lần, bên mình mời một số giảng viên người Nhật bằng chi phí của công ty để dạy tiếng Nhật cho các bạn. Mình cũng tham gia vào giảng dạy, và giải đáp các thắc mắc về tiếng Nhật.

Tại công ty, mình trở thành cầu nối giữa người Nhật và các thực tập sinh kỹ năng để hướng dẫn chi tiết công việc. Song song với đó, mình cũng đang cố gắng học thêm nhiều về chuyên môn, kỹ thuật canh tác. Dưới đây là một ví dụ về công việc tại trang trại.

  • Loại bỏ những chồi không cần thiết (chẳng hạn như chồi kém phát triển) trong số những chồi nho mới lên. Điều này sẽ giúp chất dinh dưỡng tập trung vào các chồi còn lại và các chồi sẽ phát triển đồng đều.
  • Cố định(buộc) cành nho vào giàn
  • Tỉa nho, cắt bỏ những chùm nho có trái nhỏ. Điều này tập trung chất dinh dưỡng trong các hạt nho còn lại và tăng độ ngọt của nho.

Ông Setoguchi đang hướng dẫn kỹ thuật nông nghiệp

Câu chuyện của ông Mitsuhiro Setoguchi, quản lý trang trại

  • Mặc dù tất cả các trang trại đang gặp tình trạng thiếu hụt lao động, nhưng tại Nông viên Sakura, nhờ có đội ngũ nhân viên người Việt Nam, chúng tôi có thể thực hiện đầy đủ các quy trình canh tác cần thiết. Nhờ đó chất lượng trái cây của chúng tôi đã được cải thiện và ngày càng thu hút nhiều khách du lịch hơn.
  • Các Thực tập sinh kỹ năng có xu hướng làm mà không hiểu ý nghĩa của công việc, nhưng bạn Lợi hiểu rất rõ mục đích và quy trình công việc, đồng thời ghi nhớ rất nhanh, vì vậy chúng tôi muốn dạy cho bạn thật nhiều kiến thức hơn nữa.
  • Nhờ có Lợi mà tôi đã có thể truyền đạt chính xác quy trình, phương thức làm việc cho nhân viên người Việt Nam, vì thế số lượng sai sót trong công việc cũng được giảm đi. Ngoài ra, sự giao tiếp giữa người Việt Nam và người Nhật Bản ngày càng sâu sắc, giúp các Thực tập sinh người Việt dần làm quen và ổn định cuộc sống tại một đất nước xa lạ.
  • Chúng tôi có các trang trại liên kết ở nước ngoài và đang có kế hoạch nhập khẩu xoài. Tôi hy vọng rằng Lợi sẽ có thể giúp tôi sau khi bạn ấy trở lại Việt Nam.

Ước mơ mở một trang trại tại Việt Nam

Tổ chức tiệc tại ký túc xá của các Thực tập sinh Kỹ năng

Mình hiện đang sống trong ký túc xá của công ty bên trong Nông viên Sakura. Chi phí chỉ 27,000 yên mỗi tháng, đã bao gồm tiền thuê nhà (một nửa chi phí được công ty trợ cấp), tiền nước, tiền điện, gas, và Wi-Fi. Vì vậy, mình có thể tiết kiệm hơn 100,000 yên mỗi tháng sau khi trừ chi phí ăn uống và đi lại. Thêm vào đó, không giống như các Thực tập sinh kỹ năng, nhân viên chính thức sẽ có thêm tiền thưởng (Bonus) hai lần một năm. Sau khi làm việc ở Nhật Bản vài năm, ước mơ của mình là trở về Việt Nam và mở trang trại của riêng mình, vì vậy mình muốn sử dụng số tiền tiết kiệm được để làm vốn. Mục tiêu của mình là trồng cây ăn quả và rau hữu cơ thân thiện với môi trường.

Leo núi cùng các bạn Thực tập sinh kỹ năng tại trang trại

Trong buổi phỏng vấn việc làm tại Nông viên Sakura, mình đã nói rằng: "Sau khi làm việc ở Nhật Bản khoảng 5 năm, mình muốn trở về Việt Nam và mở trang trại của riêng mình", và được bên họ ghi nhận . Nếu mình có thể khởi nghiệp thành công tại Việt Nam, mình sẽ rất vui nếu có thể giúp Nông viên Sakura mở rộng ra nước ngoài.