Kinh nghiệm của tôi (Thực tập kỹ năng - Kỹ năng đặc định)

000:トップ
By KOKORO(Báo Mainichi+VAIJ;Đơn vị hỗ trợ: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, v.v.)
Chị Vân đi thực tập kỹ năng ở Nhật với mục đích “học tiếng Nhật thông qua việc giao lưu với người Nhật”. Khi ở Nhật, chị đã tích cực tận dụng “Lớp dạy tiếng Nhật tình nguyện”. Chị cũng thường giao lưu với bạn bè ở nơi làm việc nên sau 3 năm ở Nhật chị đã có N2 (JLPT).

Gặp gỡ sempai số này

Hồ Thị Thúy Vân

  • Năm 2009Tốt nghiệp THPT 〈Hồ Chí Minh〉
  • Năm 2012Tốt nghiệp trường nghề trực thuộc Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh
  • Năm 2012  Vào làm việc tại công ty Nikken Seimitsu 〈Hồ Chí Minh〉
  • Năm 2015Sang Nhật với tư cách là thực tập sinh kỹ năng 〈Osaka〉
  • Năm 2018Về Việt Nam
  • Năm 2019Làm việc ở phòng Kinh doanh của công ty của Nhật Bản 〈Hiện nay〉
〈Sinh năm 1991, quê Hà Tĩnh〉

Lý do quyết định đi Nhật

Ảnh chụp cùng đồng nghiệp ở công ty ở Hồ Chí Minh

Sau khi tốt nghiệp trường nghề (ngành Kế toán), tôi làm Kế toán cho một công ty sản xuất linh kiện của Nhật, có văn phòng ở TP Hồ Chí Minh. Nơi làm việc của tôi có 2 người Nhật, 4 người Việt nhưng ngoài tôi ra thì 3 người Việt còn lại đều nói được tiếng Nhật, nên chỉ có mình tôi trong công việc phải nhờ đồng nghiệp phiên dịch và biên dịch giúp

Tôi cảm thấy buồn vì điều đó nên tôi đã đi học tiếng Nhật ở một trung tâm tiếng Nhật nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh (từ thứ hai đến thứ sáu, mỗi ngày 2 tiếng). Thế nhưng tiếng Nhật của tôi lại không tiến bộ như tôi mong muốn, vì thế tôi muốn học tiếng Nhật nhiều hơn và tìm hiểu văn hóa Nhật Bản kỹ hơn nữa. Khi ấy tôi biết tới chế độ thực tập kỹ năng. Tôi nghĩ rằng “mình không có nhiều tiền đến mức có thể đi du học nhưng cũng có rất nhiều người trong 3 năm đi thực tập kỹ năng thì tiếng Nhật của họ đã giỏi lên rất nhiều, mình cũng muốn thử sức” nên tôi đã đăng ký đi thực tập kỹ năng.

Công ty phái cử có chất lượng tốt, chi phí thấp

Ảnh chụp cùng giáo viên và các bạn học cùng ở CICS (tôi ở phía trước bên phải)

Tôi đã chọn công ty phái cử ở TP Hồ Chí Minh có tên là CICS Bạn của bạn tôi đã từng học ở đây, khi xem kết quả đánh giá về công ty thì tôi cũng thấy đây là công ty có chương trình đào tạo tốt nên tôi đã chọn công ty này. Các buổi học tiếng Nhật ở CICS thường kéo dài 8 tiếng mỗi ngày, sau giờ học còn có 2 tiếng tự học. Sau nửa năm học như vậy, tôi đã sang Nhật để làm việc tại một nhà máy ở Osaka.

CICS là 1 trong những công ty phái cử tuân thủ quy định về phí dịch vụ phái cử do Chính phủ Việt Nam đưa ra. Với khoản tiền tiết kiệm khi đi làm ở TP Hồ Chí Minh, tôi đã có thể chi trả các chi phí cần thiết cho CICS.

Lớp dạy tiếng Nhật tình nguyện

Ảnh chụp cùng các bạn người nước ngoài ở hành lang của lớp tiếng Nhật

Ở Nhật, tôi đã theo học “lớp dạy tiếng Nhật tình nguyện” khoảng 2 năm rưỡi.Nơi làm việc của tôi ở thành phố Ibaraki, Osaka, còn lớp tiếng Nhật thì ở Suita - bên cạnh Ibaraki. Đây là lớp học do Hội giao lưu quốc tế Suita tổ chức, tuần học 2 buổi, học phí mỗi tháng chỉ khoảng 500 yên. Vào thứ tư, tôi học 1-1 với một thầy giáo đã về hưu, còn thứ bảy thì 4-5 người chúng tôi học giao tiếp với vợ của thầy giáo hoặc giáo viên khác.

Trước khi sang Nhật tôi đã được anh chị sempai cùng công ty phái cử chia sẻ về các “lớp học tiếng Nhật miễn phí” nhưng tôi không biết cách tìm kiếm, nên tôi đã nhờ đồng nghiệp nữ bằng tuổi mà tôi chơi thân ở nơi làm việc tìm giúp.5 giờ chiều là tôi hết giờ làm, tôi đạp xe ra ga, rồi đi tàu khoảng 30 phút để đến lớp học, 6 giờ chiều bắt đầu học.Vì đi làm về cũng khá mệt nên thỉnh thoảng tôi ngủ thiếp trên tàu và bị đi quá mất mấy ga.

external link KOKORO: Cách tìm lớp dạy tiếng Nhật tình nguyện

Giao lưu cùng người Nhật

Quyển sách mà thầy cô ở lớp tiếng Nhật tặng tôi

Điểm tốt của lớp dạy tiếng Nhật tình nguyện không chỉ nằm ở việc có thể học tiếng Nhật. Nếu chăm chỉ học tập, bạn sẽ tạo dựng được những mối quan hệ thân thiết với các thầy cô giáo. Thầy cô thường gọi tôi là “Vân chan”, còn tôi thì gọi thầy cô là “bố”, “mẹ”.

“Bố”, “mẹ” đã chỉ dạy cho tôi rất nhiều điều về cuộc sống ở Nhật. Hơn thế, thầy cô còn cho tôi cà chua, dưa chuột mà thầy cô tự trồng. Vào dịp tết, tôi được thầy cô mời tới nhà chơi. Sau khi về nước tôi vẫn giữ liên lạc với các thầy cô, thỉnh thoảng tôi vẫn liên lạc nhắn tin qua LINE để báo tình hình cho thầy cô biết.

Hơn nữa, ở nơi làm việc, tôi cũng chơi thân với một đồng nghiệp nữ bằng tuổi. Bạn ấy làm ở bộ phận khác nhưng khi gặp nhau ở công ty, lúc nào bạn ấy cũng mỉm cười với tôi nên tôi đã bắt chuyện và chúng tôi trở nên thân thiết. Sau khi làm việc xong, chúng tôi cùng nhau đi ăn, tôi cũng đã nấu ăn và ăn cơm ở nhà bạn ấy. Năm cuối cùng, chúng tôi làm chung bộ phận, tôi rất vui vì chúng tôi được làm việc cùng nhau.

Ngoài ra, vào giờ nghỉ giải lao, khi thấy tôi đang uống nước ở trước máy bán hàng tự động, một chị đồng nghiệp hơn tôi vài tuổi cũng thường bắt chuyện với tôi.Tôi nghĩ “để giỏi ngoại ngữ thì mình cần thực hành nói chuyện bằng tiếng Nhật thường xuyên” nên kể cả khi không hiểu tiếng Nhật mấy tôi cũng tích cực nói chuyện với chị ấy, thỉnh thoảng chúng tôi cũng đi ăn với nhau.

Học ở nhà ăn của trường đại học

Nhà ăn của trường đại học mà tôi ăn tối và học tiếng Nhật

Tôi đã có cơ hội giao tiếp với người Nhật ở lớp học tiếng Nhật và ở nơi làm việc nhưng để tăng vốn từ vựng thì không thể không học theo cách thông thường.Sau khi tan làm tôi đều tự học thêm tiếng Nhật. Nơi học của tôi chính là nhà ăn của trường đại học cách ký túc xá của tôi 30 phút đi xe đạp.Ở Nhật, nếu là trường đại học nhỏ thì có thể họ sẽ không cho người ngoài ra vào, nhưng ở những trường đại học lớn và truyền thống thì họ sẽ cho phép người ngoài vào một số khu vực trong khuôn viên trường (nhà ăn v.v.).

Tôi học ở nhà ăn của một trường tư nổi tiếng, “bố” ở lớp tiếng Nhật đã chỉ cho tôi nhà ăn này. Sau giờ làm, tôi đạp xe đến nhà ăn. Tôi gọi đồ ăn, tự làm bài tập tiếng Nhật, học tiếng Nhật thông qua việc nghe các bạn sinh viên ngồi nói chuyện gần mình. Cứ như thế, một năm sau khi sang Nhật, tôi đã đỗ N3 (JLPT), trong năm thứ 3 ở Nhật tôi đã đỗ N2. Sau khi về Việt Nam, tôi đang học để thi lấy N1.

Sổ tay chi tiêu của tôi (Trung bình 1 tháng)

※Sổ tay chi tiêu khi làm thực tập sinh kỹ năng

※100 yên = 17,328 VND (Tỷ giá ngày 14/1/2023)

Thu nhập: 108,000 yên
Lương 108,000 yên
*Lương về tay đã trừ các khoản như thuế, tiền bảo hiểm, tiền ký túc xá v.v.
Chi tiêu: 58,000 yên
Ăn ở ngoài (Nhà ăn của trường đại học) 10,000 yên
Ăn ở ngoài (Ăn cùng người Nhật ở nơi làm việc, bạn bè) 10,000 yên
Đồ ăn, đồ dùng sinh hoạt 20,000 yên
Khác (quần áo, mỹ phẩm, du lịch v.v.) 18,000 yên
Số tiền dư mỗi tháng: 50,000 yên

Nghiệp đoàn tốt bụng

Giao lưu cùng nhân viên của nghiệp đoàn và thực tập sinh của các công ty khác

Nghiệp đoàn của tôi là Trung tâm kỹ năng Tây Nhật Bản ở Osaka. Ngoài việc hỗ trợ chúng tôi trong việc học tiếng Nhật, nghiệp đoàn còn tổ chức các sự kiện giao lưu với thực tập sinh ở công ty khác, tư vấn cho chúng tôi rất tận tình khi chúng tôi gặp khó khăn.

Về việc học tiếng Nhật, nghiệp đoàn chọn và cung cấp tài liệu học phù hợp với trình độ của chúng tôi. Hơn thế, vào giáng sinh và dịp tết thì nghiệp đoàn tổ chức các buổi tiệc và mời nhiều thực tập sinh ở các công ty tới. Vào mùa hè, chúng tôi được đến bãi biển và cùng nhau ăn BBQ (Mấy năm gần đây do ảnh hưởng của Covid-19 nên không có sự kiện này).

【Lời khuyên của ban biên tập】

  • Trong việc đào tạo thực tập kỹ năng, điều quan trọng là cơ quan phái cử, nghiệp đoàn, công ty tiếp nhận phối hợp với nhau và đưa ra những cách xử lý phù hợp nhưng thực tế lại không có nhiều sự phối hợp như vậy.
  • Vì vậy, thay vì tiếp cận với các cơ quan phái cử trước, bạn cũng có thể liên lạc với nghiệp đoàn được đánh giá tốt rồi nhờ họ giới thiệu cho công ty phái cử tốt. Khi đó, xác suất bạn được hỗ trợ bởi công ty phái cử tốt và nghiệp đoàn tốt sẽ cao hơn.
  • Nhân vật trong bài viết này đã sử dụng nghiệp đoàn “Trung tâm kỹ năng Tây Nhật Bản”.
    https://www.facebook.com/japanskill/
    ※Bạn có thể liên lạc bằng tiếng Việt.

Sự thân thiện của người Nhật

Khu vực gần ga tôi đã xuống nhầm

Trong 3 năm sống ở Nhật, tôi càng ngày càng yêu văn hoá Nhật Bản. Tôi cực kỳ ấn tượng với lòng tốt của người Nhật. Ví dụ, khi tôi mới sang được khoảng 1 tháng, tôi đi tàu điện và xuống nhầm ga, tôi không có điện thoại nên không thể tra bản đồ nên đã bị lạc. Vì thế, tôi đã đi vào đồn công an mà tôi tình cờ tìm thấy. Tôi hỏi chú công an bằng vốn tiếng Nhật ít ỏi của mình. Chú đã cho tôi biết là tôi xuống nhầm ga rồi còn dẫn tôi tới tận ga đó. Sau đó, tôi lên tàu, đi tới đúng ga cần xuống và đến được nơi tôi muốn đến.

Ngoài ra, ở những khu vực quanh ga tàu ở Nhật, nếu để xe đạp ở những nơi không được phép thì chính quyền ở đó sẽ cho xe đạp lên xe tải và đưa về nơi thu giữ xe đỗ trái quy định.Để lấy lại xe đạp thì bạn phải đến nơi đó và nộp một khoản phí. Tôi mới sang nên không biết điều đó, tôi để xe đạp trước ga và bị thu giữ. Tôi nghĩ mình đã bị lấy cắp xe đạp nên tôi đi tới đồn công an và xin tư vấn. Họ đã giải thích cho tôi rất tận tình về quy định thu giữ xe và hướng dẫn tôi cách đi tới nơi bãi tạm giữ xe.

Làm việc ở công ty của Nhật Bản sau khi về nước

Nơi tôi thực tập kỹ năng là một nhà máy sản xuất các sản phẩm bằng cao su. Tôi phụ trách kiểm tra sản phẩm, cắt nguyên liệu và quản lý tài liệu nội bộ v.v. Sau khi kết thúc 3 năm thực tập kỹ năng và trở về nước, tôi đã làm việc cho chi nhánh của công ty này trong 5 tháng, nhưng vì muốn sử dụng tiếng Nhật nhiều hơn nên tôi đã thử tìm kiếm các công việc ở mảng bán hàng và tiếp thị, tôi tìm việc trên các trang tuyển dụng và đã tìm thấy công ty hiện tại.

Nơi làm việc bây giờ của tôi là một công ty của Nhật Bản chuyên sản xuất linh kiện. Tôi làm việc tại Phòng kinh doanh, nên công việc hàng ngày của tôi là đến thăm các công ty, lập bảng báo giá v.v. Tôi yêu thích công việc này, cách suy nghĩ về công việc và năng lực tiếng Nhật mà tôi đã tích lũy được trong thời gian thực tập kỹ năng đã giúp ích cho công việc hiện tại của tôi.