Kinh nghiệm của tôi (Thực tập kỹ năng - Kỹ năng đặc định)

kiji17
By KOKORO(Báo Mainichi+VAIJ;Đơn vị hỗ trợ: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, v.v.)

Gặp gỡ sempai số này

Lê Thường Tín

Sinh năm 1991 tại Nghệ An
Tháng 7/2013: Tốt nghiệp trường THPT VTC
Tháng 10/2014: Bắt đầu thực tập kỹ năng tại Công ty Thương mại Shin Nippon
Tháng 10/2017: Kết thúc chương trình thực tập kĩ năng và về nước
Tháng 10/2017: Trở thành Trưởng Văn phòng đại diện Công ty Thương mại Shin Nippon tại thành phố Hồ Chí Minh
Tháng 10/2019: Thành lập công ty TNHH Thương mại Shin Nippon Việt Nam và trở thành giám đốc công ty

Lời giới thiệu

Khi sang Nhật Bản thực tập kĩ năng ngành xây dựng, anh Lê Thường Tín là người nước ngoài duy nhất tại nơi làm việc. Tất cả những người làm việc cùng anh đều là người Nhật. Chủ công ty nơi anh Tín thực tập thấy anh có khả năng nên sau khi về nước, đã giao cho anh đảm nhận thành lập công ty con tại Việt Nam. Ở công ty, anh được mọi người yêu mến. Cứ đến cuối tuần, anh lại cùng bạn bè là thực tập sinh kĩ năng ở công ty khác tận hưởng cuộc sống ở Nhật Bản. Vừa làm việc, anh Tín vừa cố gắng dành thời gian cho việc học tiếng Nhật. Nỗ lực ở Nhật của anh đã được đền đáp, anh đã trở thành giám đốc công ty con tại Việt Nam của công ty mà anh thực tập ở Nhật Bản. Hiện nay, anh Tín đang vận dụng chính kĩ năng và vốn tiếng Nhật tích luỹ được trong thời gian ở Nhật Bản vào công việc. Chúng tôi xin giới thiệu câu chuyện kinh nghiệm thực tế của anh Tín.

Nhờ bạn người Việt sống ở ngoại ô Tokyo dẫn đi du lịch Tokyo (Ga Shinjuku, tháng 8/2016)

Công ty phái cử

Tôi đã sang được Nhật Bản thực tập kĩ năng chỉ với chi phí thấp. Đó là nhờ chế độ phái cử thực tập sinh kĩ năng thông qua việc thi tuyển do Trung tâm lao động ngoài nước, cơ quan phái cử của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, tổ chức trong khuôn khổ chương trình thực tập dựa trên biên bản thoả thuận được kí kết giữa bộ và Tổ chức phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan).

[iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Trang web của IM Japan

Thông tin về buổi giới thiệu chương trình thực tập được đăng trên báo, và tôi đã đến tham dự buổi giới thiệu tổ chức vào tháng 2/2014 ở thành phố Vinh. Nguyên nhân là do thời gian đó, công việc liên quan đến nghề sơn mà tôi làm đang nhàn rỗi nên tôi đi tìm một công việc mới. Sau đó, tôi dự kì thi tổ chức tại Hà Nội và trúng tuyển. Từ tháng 3, tôi bắt đầu quá trình học tập 7 tháng ở Trung tâm lao động ngoài nước. Cho đến lúc sang Nhật, số tiền tôi chi trả bao gồm tiền kí túc xá và tiền ăn, tổng cộng chỉ có 20.000.000 VND, ngoài ra, tôi không mất thêm bất kì chi phí nào khác. Vì vậy, để đi Nhật tôi không phải vay nợ đồng nào.

[iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Đây là ví dụ về một trang thông báo tuyển thực tập sinh kĩ năng theo chương trình IM Japan.

Đi ngắm hoa anh đào trong công viên ở thành phố Sendai. Chủ tịch công ty tôi thực tập cùng vợ ông đã chở tôi đi bằng xe ô tô. (Tháng 4/2015)

Thực tập kĩ năng tại công trường xây dựng

Sau khi bắt đầu học tập tại Hà Nội được khoảng 1 tháng, tôi phỏng vấn với Công ty Thương mại Shin Nippon (Thị trấn Misato, tỉnh Miyagi) và trúng tuyển. Tháng 10/2014, tôi sang Nhật Bản. Sau khoá huấn luyện 1 tháng tại IM Japan, tôi ở Tokyo khoảng 1 tuần để học về “tamagake" và thi lấy chứng chỉ tay nghề. “Tamagake” là thao tác móc và tháo móc các vật vào cần cẩu.

Khoá huấn luyện “tamagake” tại Tokyo. Ảnh chụp cùng các thực tập sinh cùng ngành đến từ Thái Lan và Việt Nam. (Tháng 11/2014)

Ở Công ty Thương mại Shin Nippon, ngoài tôi ra còn có 1 người Việt nữa cùng thực tập kĩ năng giai đoạn 1. Tuy nhiên, người kia sau 1 năm đã về nước, nên trong 2 năm còn lại, tôi làm việc trong môi trường chỉ có mình tôi là người nước ngoài. Sáng sáng, tôi thức dậy từ 5 giờ rưỡi để chuẩn bị cơm hộp, 7 giờ sáng bắt đầu ra khỏi nhà. Những hôm đi làm công trình ở xa, có lúc tôi phải ra khỏi nhà từ 4 giờ sáng. Tôi làm việc tại công trường từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều, sau đó về trụ sở chính công ty viết báo cáo trong ngày rồi đi về nhà.

Công trường đầu tiên tôi làm việc (Tỉnh Miyagi, tháng 12/2014)

Đối với công việc lắp giàn giáo, chúng tôi làm việc theo nhóm 3 người, còn công việc lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời thì chúng tôi làm việc theo nhóm từ 5 đến 10 người. Công việc xây lắp cống ven đường thì cần 5 người. Vì chỉ có một mình tôi là người nước ngoài nên tôi chẳng còn cách nào khác ngoài việc nâng cao trình độ tiếng Nhật của bản thân. Hằng ngày, tôi trò chuyện thật nhiều và mọi người cũng nói với tôi thật chậm rãi cho tôi dễ hiểu.

Công trường lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời (Tỉnh Miyagi, tháng 10 năm 2015)

Các tấm pin năng lượng mặt trời do chúng tôi lắp đặt. (Tỉnh Miyagi, tháng 10/2015)

Được mọi người giúp đỡ

Đi du lịch suối nước nóng Naruko cùng vợ chồng chủ tịch công ty (Tháng 1/2015)

Trước khi tôi về nước, không chỉ những người cùng làm việc với tôi ngoài công trường mà rất đông nhân viên công ty, cả ở bộ phận kinh doanh và văn phòng cùng tổ chức tiệc chia tay tôi. Cơ quan quản lý IM Japan cũng hỗ trợ chúng tôi chu đáo. Mỗi năm một lần, các thực tập sinh kỹ năng theo chương trình IM Japan ở tỉnh Miyagi lại tụ họp lại để tham dự Ngày hội an toàn vệ sinh. Ở đó, chúng tôi được huấn luyện về an toàn và trang bị kiến thức, và còn được liên hoan giao lưu nữa.

Buổi tiệc chia tay trước khi tôi về nước do công ty tổ chức (Tháng 10/2017)

“Ngày hội an toàn vệ sinh” do IM Japan tổ chức tại thành phố Sendai (Năm 2017)

Cuộc sống ở Nhật Bản

Vì không làm thêm ngoài giờ nên tiền lương về tay của tôi không cao, nhưng tôi không mất tiền thuê kí túc xá, công ty lại chi trả cả tiền ăn sáng và ăn tối nên sau 3 năm, tôi gửi được hơn 200 vạn yên về cho gia đình. Nhờ chương trình IM Japan nên tôi đã sang được Nhật Bản mà không phải vay nợ, nên toàn bộ số tiền tôi gửi về nhà đã trở thành tiền tiết kiệm.

Khi 2 người họ hàng của tôi sang Nhật để thực tập kĩ năng, tôi đã cùng em gái (ngoài cùng bên phải), lúc đó đang du học ở Tokyo, chỉ dẫn cho 2 người. (Tại tỉnh Saitama, tháng 8/2017)

Đi tắm biển cùng em gái và các du học sinh, bạn của em gái (Tháng 8/2017)

Sổ tay chi tiêu của tôi (Trung bình một tháng)

※ 100 yên = 21.706VND (Tỉ giá ngày 6/4/2020)

Thu nhập về tay (khoảng 105.000 yên)

Lương về tay 105.000 Yên
※ Đây là khoản tiền về tay bình quân sau khi đã trừ thuế và bảo hiểm xã hội
※ Không mất tiền kí túc xá và các chi phí điện, nước, ga (một phòng ở, nhà vệ sinh, nhà tắm và bếp dùng chung)
※ Ngoài khoản tiền trên, mỗi năm tôi được thưởng 2 lần (50.000 yên)

Các khoản chi (tổng cộng 45.000 yên)

Tiền ăn 15.000 yên
※ Bữa sáng và bữa tối công ty cấp miễn phí tại kí túc xá
※ Khoản này là tiền mua đồ ăn để làm cơm hộp và tiền nước hoa quả tại công trường
Chi phí lặt vặt 30.000 yên
※ Tiền mua quần áo, chi phí đi lại, tiền ăn ngoài, tiền mua sách

Khoản tiền chênh lệch (tiết kiệm được): Bình quân 60.000 yên

※ 3 tháng 1 lần gửi về nhà 18 vạn yên

Chủ Nhật hằng tuần, tôi đi từ thị trấn Misato lên thành phố Sendai để giao lưu với bạn bè. Ở đây, tôi có 6 người bạn cùng học hồi ở Trung tâm lao động ngoài nước (6 người này làm cùng trong một công ty xây dựng). Chúng tôi cùng ăn cơm với nhau trong kí túc xá của họ, và thỉnh thoảng còn đi hát karaoke. Thỉnh thoảng tôi lại tụ họp với các thực tập sinh khác đi thực tập cùng đợt ở tỉnh Miyagi. Những đợt nghỉ dài, chúng tôi cùng nhau đi chơi Tokyo, Hokkaido v.v…

Tụ họp với bạn bè người Việt tại nhà bạn ở thành phố Sendai, cùng nhau ăn tết Dương lịch Nhật Bản. (Mùng 1/1/2017)

Chụp ảnh cùng bạn người Việt trước cửa ga Sendai (Ngày 2/1/2017)

Học tiếng Nhật

Hồi ở Trung tâm lao động ngoài nước tại Hà Nội, giờ học tiếng Nhật trên lớp là 6 tiếng rưỡi một ngày. 4 giờ chiều tan lớp, sau khi ăn tối xong tôi lại tự học tiếp, nhưng vì có rất nhiều bài tập nên có hôm tôi làm đến tận 2 giờ đêm mới xong. Hồi đó, thành tích học tập của tôi là khoảng thứ 3, thứ 4 trên 100 học viên.

Ngoài việc học trong sách giáo khoa, cuối tuần, tôi lại học thêm qua Internet. Hồi đó tôi học theo kênh YouTube “Nihongo no Mori” và dùng phần mềm từ điển Mazii. Dùng phần mềm Mazii này, tôi có thể đọc được các bài báo đơn giản (có kèm phiên âm furigana), từ điển này còn có cả âm thanh nữa.

https://mazii.net/

https://mazii.net/search?hl=vi-VN

Sau khi sang Nhật, các buổi tối, tôi học từ 8 giờ đến 10 giờ, và sang đến năm thứ 2 ở Nhật, tôi đã đỗ Kì thi năng lực tiếng Nhật (JLPT) trình độ N2. Hồi đó, tôi dùng bộ sách Shin Kanzen Master (của 3A network) và học theo kênh YouTube “Nihongo no Mori" v.v... Từ vựng và ngữ pháp thì tôi học bằng cách lưu lại các trang học tiếng Nhật trên Facebook vào điện thoại, và tranh thủ thời gian nghỉ giải lao hay thời gian di chuyển trên xe ô tô để ghi nhớ. Thứ Bảy và Chủ Nhật, tôi dành khoảng 4 tiếng đồng hồ để học. Ngoài ra, tôi còn xem tin tức trên tivi và phim truyền hình nữa. Thời gian đầu, tôi không hiểu gì mấy, nhưng dần dần xem cũng hiểu được nhiều hơn. Sau khi về Việt Nam, khách hàng của tôi có hơn 60% là công ty của Nhật nên tôi vẫn tiếp tục nỗ lực học từ vựng qua Facebook.

Tôi lưu thông tin các trang Facebook học tiếng Nhật vào điện thoại di động để học

Góp sức thành lập công ty con tại Việt Nam và trở thành giám đốc

Sau khi kết thúc chương trình thực tập kĩ năng, ngày 20/10/2017 tôi về nước. Và từ ngày 1/11, tôi bắt đầu vào làm việc cho văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh của Công ty Thương mại Shin Nippon. Năm 2017, khi tôi đang thực tập năm thứ 3, tôi đã 2 lần cùng chủ tịch công ty đi về thành phố Hồ Chí Minh để điều tra thị trường và thành lập văn phòng đại diện. Hồi đầu năm ấy, chủ tịch bảo tôi: “Sau khi về nước, tôi muốn cậu giúp đỡ cho công ty ở Việt Nam", và tôi trả lời “Tôi hiểu rồi ạ”. Năm 2019, văn phòng đại diện chuyển thành công ty con tại Việt Nam và tôi được bổ nhiệm làm giám đốc công ty. Lương về tay hằng tháng của tôi là 22.000.000 VND.

Đi công tác tại Nhật Bản. Chụp ảnh tại Công ty Thương mại Shin Nippon cùng chủ tịch (bên phải) và trưởng văn phòng đại diện công ty tại Nepal. (Tháng 12/2019)

Khi mới bắt tay vào việc ở Việt Nam, tôi làm công việc nhập khẩu từ Nhật Bản vào Việt Nam các loại máy móc xây dựng cũ như máy xúc, cần cẩu. Ngoài ra, tôi còn nhận đơn đặt hàng lắp đặt và tháo dỡ giàn giáo, rồi thuê lại các công ty xây dựng tại địa phương làm thầu phụ. 60% khách hàng liên quan đến giàn giáo là các công ty của Nhật nên tôi sử dụng năng lực tiếng Nhật của mình để làm kinh doanh. Ngoài ra, đối với công việc lắp đặt và tháo dỡ giàn giáo, tôi áp dụng kinh nghiệm có được trong thời gian thực tập kĩ năng và làm luôn công việc quản đốc tại công trường.

Chụp tại văn phòng công ty con tại Việt Nam (Tháng 11/2019)

Sau khi về nước, được giao phó việc vận hành công ty như thế này, tôi rất phấn khởi. Tôi rất biết ơn giám đốc và chủ tịch Công ty Thương mại Shin Nippon. Mặc dù công ty chưa có nhân viên và tôi vẫn một mình làm mọi việc, nhưng trong tương lai gần, tôi dự định sẽ đưa thêm những người khác từng là thực tập sinh kĩ năng vào đội ngũ của công ty và nhận thêm nhiều đơn đặt hàng hơn nữa.

Cùng vợ sắp cưới và gia đình trong lễ ăn hỏi (Tại Nghệ An, tháng 12/2019)