Văn hoá

img detail
08/08/2022 Văn hoá
Đến mỗi dịp hè vào tháng 8 chắc các bạn ở Nhật sẽ có nhiều dịp nghe về từ Obon. Vào dịp này thường xảy ra tình trạng kẹt xe, kẹt tàu, vé máy bay mắc hơn do mọi người đổ xô về quê, du lịch….Tuy nhiên, khi tìm hiểu kĩ về Obon và ý nghĩa của dịp lễ này mình không khỏi bồi hồi, xúc động và có chút ấm áp. Vậy Obon là gì? Trong lòng người Nhật thì Obon có ý nghĩa như thế nào? Chúng ta tìm hiểu về dịp lễ này nhé.
   


Lễ hội múa Bon-odori đông đúc ở Shibuya, Tokyo ⒸBáo Mainichi

  
Obon(お盆)tên đầy đủ là Urabone (盂蘭盆会), là phong tục được duy trì từ hơn 1400 năm trước tại Nhật Bản. Tương truyền rằng các vong linh sẽ quay trở về nhân thế vào dịp này (tương tự dịp rằm tháng 7 âm lịch tại Việt Nam). Còn theo truyền thống của Nhật Bản, thời gian của lễ Obon sẽ là lúc gia đình tổ chức lễ để đón ông bà, tổ tiên Shoryo Mukae (精励迎え) đã khuất về nhà.

Thời điểm

Diễn ra trong 3 hoặc 4 ngày nhưng thời điểm bắt đầu sẽ khác nhau.
▪ Hachigatsu bon (八月盆) hay còn gọi là kyubon (旧盆): 13-16/8, diễn ra tại nhiều vùng trên toàn quốc.
▪ Shichigatsu bon (七月盆), hay còn gọi là shinbon (新盆): 13-15/7, một số vùng khu vực xung quanh Tokyo…

Ngoài ra, Kyureki bon (旧暦盆) diễn ra ngày 15/7 âm lịch tại Okinawa và một số vùng khác. Và có một số vùng và một số chùa sẽ tổ chức theo lịch riêng.

Thật ra ngày xưa, thời Nhật còn dùng âm lịch thì Obon sẽ diễn ra vào dịp rằm tháng 7 âm lịch. Tuy nhiên, thời Minh Trị đã đổi từ lịch âm sang dùng lịch dương nên nếu vẫn diễn ra đúng ngày 15/7 theo lịch dương thì đây là thời điểm nông dân đang bận rộn với vụ mùa (khi đó 80% dân số Nhật là nông dân), vì vậy lễ Bon dời sang tháng 8 dương lịch để người dân tận hưởng niềm vui bên tổ tiên được trọn vẹn.

Các hoạt động chính vào dịp lễ Obon

▪ Chiều tối ngày 13: Lửa đón linh hồn Mukaebon/Mukaebi (迎え盆・迎え火)
Ngày này sẽ đón ông bà về, gọi là Shoryo Mukae (精霊迎え). Đa phần người ta sẽ đốt Ogara – lõi của thân cây đay phơi khô, bày những con vật Shoryo Uma (精霊馬) làm từ trái dưa leo, cà tím. Dưa leo tượng trưng cho ngựa (キュウリの馬) với mong muốn khi về với con cháu linh hồn tổ tiên đi ngựa cho nhanh. Cà tím tượng trưng cho bò (ナスの牛) là để khi trở về mộ thì quyến luyến không nỡ chia xa nên cưỡi bò cho để kéo dài thời gian bên nhau. Có vùng lại thắp đèn hoa đăng từ mộ về đến cửa nhà để dẫn lối ông bà. Có những nơi người nhà bận áo Yukata ra tận mộ đốt Ogana để đón tổ tiên.

▪ Từ ngày 13-15
Dâng ngũ phẩm (hương, hoa, đèn, nước, thức ăn) thể hiện lòng tôn kính và cùng ông bà, tổ tiên ôn lại kỉ niệm xưa.

▪ Tối ngày 15 hay 16: Lửa tiễn linh hồn Okuribon/Okuribi (送り盆・送り火)
Ngày này sẽ tiễn ông bà, tổ tiên đi, gọi là Shoryo Okuri (精霊送り). Vùng gần sông thì có lễ hội Shoryo Nagashi (精霊流し) để thả thuyền, thả hoa đăng, đèn lồng như lễ hội ở tỉnh Nagasaki.

Còn vùng núi thì có những hoạt động đốt lửa thành chữ như lễ hội Kyoto Gosan Okuribi (京都五山送り火). Lễ hội đốt lửa tiễn linh hồn diễn ra hằng năm ngày 16/ 8 tại 5 triền núi. Lửa sẽ đốt tại 5 địa điểm, trong đó có những chữ Hán như chữ 大(đại), chữ妙 (diệu) và chữ 法 (pháp) và hình chiếc thuyền, cổng Torii – biểu tượng của các ngồi đền.


Thả hoa đăng trong lễ hội Shoryo Nagashi ở tỉnh Wakayama ⒸBáo Mainichi

Có những vùng thì tổ chức múa Bon-odori. Tương truyền, điệu múa này được bắt đầu vào đêm trăng rằm tháng 7 âm lịch, sau khi tiễn ông bà, tổ tiên đi, mọi người tập hợp nhảy múa để ăn mừng việc đã kết thúc Obon suôn sẻ.

Cho dù là sông, núi hay đồng bằng thì các hoạt động của lễ Obon đều gắn liền với lửa, đèn lồng vì người Nhật tin rằng chính ánh sáng để dẫn lối cho ông bà, tổ tiên đi lại giữa 2 cõi trần gian và u minh. Tuy nhiên do đại dịch vi-rút corona mà năm nay quy mô các hoạt động này đều bị thu hẹp lại.

Sự khác biệt giữa Obon (お盆) và Ohigan (お彼岸)

Có nhiều người hay nhầm lẫn giữa Obon và Ohigan. Nhân đây mình cũng chia sẻ sự giống nhau và khác biệt giữa 2 lễ hội này.

Cả 2 dịp lễ đều giống nhau ở chỗ là con cháu sẽ đi viếng mộ ông bà tổ tiên nhưng khác nhau ở số lần và mục đích. Obon thì 1 năm diễn ra chỉ 1 lần vào 13-16/ 8 (hoặc tháng 7) để đón linh hồn ông bà, tổ tiên về nhà cùng đoàn tụ. Ohigan thì tương tự như lễ thanh minh ở Việt Nam, 1 năm 2 lần vào tháng 3 (dịp Xuân phân) và tháng 9 (dịp Thu phân) để tảo mộ.

Ý nghĩa lễ Obon trong lòng người Nhật

Với người Nhật theo truyền thống Obon, lễ Tết là những dịp lễ rất đáng trân trọng và mong đợi. Với những người trẻ, thì Obon là dịp để họ về quê, đoàn viên với gia đình hay là dịp họ đi du lịch để thư giãn sau những ngày làm việc vất vả.

Với mẹ chồng mình, bà cố gắng nuôi dưỡng con cái, chăm sóc thật tốt để tới dịp này bà không hổ thẹn với tổ tiên nhà chồng. Đồng thời, vào dịp này bà cũng dọn bàn thờ thật sạch, dâng ngũ phẩm để thể hiện sự tôn kính với tổ tiên nhà chồng. Với ba chồng mình, ông mong ngóng tới dịp lễ này để được cùng tổ tiên ngồi nhâm nhi li bia lạnh, tỉ tê tâm sự về những cố gắng của ông trong năm qua.

Lời kết

Sống ở Nhật Bản, lắm lúc cảm thấy người Nhật đặt công việc hàng đầu, đặt trên cả gia đình. Tuy nhiên, khi nghe ba mẹ chồng nói về Obon, về những cố gắng của người còn sống để không phụ lòng người đã mất, mình thấy được tình cảm yêu thương gia đình, tổ tiên một cách sâu lắng, nhẹ nhàng. Tình thương với người quá cố, đôi khi thể hiện bằng cách sống thật tốt, trân trọng sinh mệnh, dòng máu tổ tiên đã ban cho. Tình thương với ông bà, tổ tiên thể hiện bằng sự cố gắng hằng ngày.

Tình thương với người đã khuất, đôi khi chỉ là sự mong đợi mùa Obon sau sẽ tái ngộ, hàn huyên. Chỉ nhẹ nhàng vậy thôi.