Giải quyết khó khăn

img detail
19/11/2020 Giải quyết khó khăn

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, có rất nhiều thực tập sinh và du học sinh người Việt bị mắc kẹt tại Nhật Bản và không thể về nước. Tuy nhiên, quy trình về nước đang dần dần trở nên nhanh chóng, thuận tiện hơn. Ngày 9/11 vừa qua, chị Ngọc (21 tuổi), thực tập sinh kỹ năng tại thành phố Nagoya, đã về được Việt Nam trên chuyến bay tự trả phí cách li của hãng VietJet.


Chị Ngọc (bên phải) thời còn đang thực tập kỹ năng 〈Năm 2019〉

Về nước bằng chuyến bay tự trả phí cách li xuất phát từ Kagoshima

Chị Ngọc thực tập kỹ năng tại một nhà máy ở thành phố Nagoya. Tháng 7 năm nay, chị đã hoàn thành chương trình thực tập kỹ năng, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chị đã không thể về nước và ở lại nhà máy để làm các công việc như hướng dẫn cho thực tập sinh lứa sau… Khi biết thông tin trên trang web của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản rằng chuyến bay tự trả phí cách li từ Kagoshima về Việt Nam đang nhận đơn đăng ký, chị đã ghi tên ngay. Ngày 6/11, chị nhận được thông báo từ Đại sứ quán rằng mình sẽ được về nước. Sau đó, tối ngày 9/11, chị đã từ Kagoshima bay về sân bay Vân Đồn ở phía Bắc và hiện tại đang cách ly tại một khách sạn trông ra biển.


chuyến bay tự trả phí cách li hạ cánh tại sân bay Vân Đồn〈Ngày 9/11/2020〉

Chi phí về nước và cách ly

Dưới đây là chi phí về nước và cách ly (đã bao gồm thuế). Toàn bộ tiền vé máy bay của chị Ngọc do công ty tiếp nhận thực tập chi trả. Trước khi xuất phát, chị Ngọc đã chuyển khoản toàn bộ các chi phí cho hãng hàng không và khách sạn.

  • 1Tiền vé máy bay từ Nagoya đến Kagoshima: 16.240 yên
  • 2Tiền vé máy bay từ Kagoshima đến sân bay Vân Đồn: 12.900.000 đồng (khoảng 58.800 yên)
  • 3Chi phí cách ly tại khách sạn ở Hạ Long (2 tuần): 18.700.000 đông (khoảng 85.300 yên)
  • 1Tiền vé máy bay từ Nagoya đến Kagoshima: 16.240 yên
  • 2Tiền vé máy bay từ Kagoshima đến sân bay Vân Đồn: 12.900.000 đồng (khoảng 58.800 yên)
  • 3Chi phí cách ly tại khách sạn ở Hạ Long (2 tuần): 18.700.000 đông (khoảng 85.300 yên)


Vé điện tử chuyến bay VietJet của chị Ngọc (ảnh chụp màn hình điện thoại)

Giấy tờ cần thiết khi về nước

Khi về nước, chị Ngọc được công ty tiếp nhận thực tập và đoàn thể quản lý (nghiệp đoàn) chuẩn bị sẵn cho các giấy tờ như “Giấy chứng nhận hoàn thành thực tập kỹ năng”, “Giấy chứng nhận đóng bảo hiểm lương hưu”… Dường như phía công ty tiếp nhận muốn chị Ngọc ở lại Nhật Bản lâu thêm một chút nữa, nhưng chị Ngọc đã nhờ Hiệp hội thực tập kỹ năng quốc tế (OTIT) chỉ đạo, nhờ đó, trước khi chị lên đường về nước, công ty tiếp nhận đã chuẩn bị sẵn các hồ sơ cho chị. Theo quy định về chế độ thực tập kỹ năng, công ty tiếp nhận thực tập phải thanh toán toàn bộ tiền vé máy bay sang Nhật và về nước của thực tập sinh. Vì vậy, nhờ chỉ đạo của OTIT mà chị đã được công ty tiếp nhận thanh toán toàn bộ tiền vé máy bay.


Các giấy tờ cần thiết của chị Ngọc

Bay từ Nagoya đến Kagoshima và từ Kagoshima về Việt Nam

4 giờ sáng ngày 9/11, người phụ trách của đoàn thể quản lý đã tới đón chị Ngọc tại kí túc xá công ty và đưa chị ra sân bay quốc tế Chubu ở Nagoya (sân bay Centrair) bằng xe ô tô. Máy bay xuất phát lúc 6 giờ 30 phút sáng từ sân bay Centrair và hạ cánh tại sân bay Kagoshima lúc 8 giờ sáng. Vì thủ tục check-in bắt đầu từ lúc 11 giờ trưa nên chị ngồi chờ ở sân bay. Trong thời gian chờ đợi, chị đã gặp một thực tập sinh nam của một công ty khác từng làm việc trong nhà máy ở gần Nagoya. Ngọc và bạn thực tập sinh này đã từng gặp nhau nhiều lần trong các buổi liên hoan nhóm thực tập sinh trong khu vực, nhưng vì đã lâu không liên lạc với nhau nên khi gặp ở đây, cả hai đều rất bất ngờ.

11 giờ trưa, thủ tục check-in bắt đầu. Sau khi hoàn thành các thủ tục kiểm tra xuất cảnh, khi tới cửa ra máy bay, tất cả mọi người đều được phát quần áo bảo hộ và mặc ngay vào. Cùng lên chuyến bay này có rất nhiều thực tập sinh khác.


Tại sân bay Kagoshima, chị Ngọc gặp lại một thực tập sinh làm việc ở nhà máy gần nơi chị thực tập〈Ngày 9/11〉

Việt Nam sau 3 năm xa cách!

Đêm đó, máy bay hạ cánh xuống sân bay quốc tế Vân Đồn. Chị Ngọc vẫn phải mặc nguyên quần áo bảo hộ làm thủ tục nhập cảnh rồi lên xe buýt. Xe chạy khoảng 1 tiếng đồng hồ thì về tới khách sạn trong thành phố Hạ Long. Chị Ngọc ở trong phòng khách sạn rất đẹp cùng một phụ nữ lớn tuổi hơn. Người phụ nữ này nói rằng mình đi sang thăm cháu từ tháng 3 năm nay và có thời hạn lưu trú 6 tháng, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên đã không thể về nước.


Bữa sáng tại khách sạn hôm sau khi về nước〈Ngày 10/11〉

Bữa sáng hôm sau khi về nước có món phở. Khi cách ly tại khách sạn, không ai được phép ra hành lang, ăn uống ngay tại phòng. Mặc dù không được ra khỏi phòng như vậy cũng bất tiện, nhưng từ cửa sổ phòng khách sạn, chị Ngọc có thể trông thấy biển và đường phố nên vẫn có thể ngắm cảnh. Dự định tối ngày 23/11, gia đình chị ở Hải Dương sẽ đến khách sạn để đón chị về. Vì đã xa nhà 3 năm 4 tháng nên chị Ngọc đang đếm từng ngày để được gặp lại gia đình.


Phong cảnh nhìn từ phòng khách sạn〈Thành phố Hạ Long, ngày 10/11〉

Khi gặp khó khăn, trước hết, hãy trao đổi với OTIT

Khi chị Ngọc bắt đầu chuẩn bị về nước, công ty tiếp nhận thực tập của chị đã không chuẩn bị ngay tiền vé máy bay và giấy tờ cho chị. Ngày 6/11, khi nhận được thông báo từ đại sứ quán cho biết mình được bay chuyến thuê bao về nước, chị đã nghỉ làm để đi đến văn phòng của OTIT tại Nagoya. Trước đó, chị đã nhận tư vấn từ các đoàn thể hỗ trợ ở Nagoya như Hội hỗ trợ thực tập sinh người nước ngoài (Gaikokujin Jissyusei Shien)… và chuẩn bị sẵn một lá thư đơn giản để mang đến văn phòng OTIT. Trong thư có ghi tên tuổi, số thẻ lưu trú và ngày giờ với nội dung: “Tôi là thực tập sinh kỹ năng ở thành phố Nagoya. Tháng 7 vừa qua, tôi đã kết thúc quá trình thực tập nhưng do dịch COVID-19, tôi đang mắc kẹt lại Nhật Bản”, và “Tôi đã đặt được vé máy bay về nước, nhưng công ty không trả ngay tiền vé máy bay cho tôi”… Sau khi đưa thư này cho văn phòng OTIT, có hai người phụ trách bộ phận đến gặp và lắng nghe chị trình bày sự việc.

Hội hỗ trợ thực tập sinh người nước ngoài(Facebook)
Trang tư vấn của OTIT

Sau khi nghe chuyện của chị Ngọc, hai cán bộ này đã liên lạc với công ty và đoàn thể quản lý để thúc giục các đơn vị này nhanh chóng giải quyết. Khi chị Ngọc quay về công ty, ngay trong ngày hôm đó chị nhận được đầy đủ giấy tờ cần thiết cũng như tiền vé máy bay để về nước.


Trong khách sạn cách ly〈Thành phố Hạ Long, ngày 10/11〉

Lời nhắn nhủ của chị Ngọc

Dưới đây là lời nhắn nhủ của chị Ngọc dành cho các độc giả người Việt.

Gửi các bạn thực tập sinh Việt Nam
Nếu may mắn, khi đến Nhật Bản, các bạn sẽ gặp được công ty và những người tốt. Tuy nhiên, không phải ai cũng có quá trình thực tập kỹ năng thuận lợi và may mắn. Vì vậy, những khi gặp khó khăn, khổ sở, hãy trao đổi với những người có thể trợ giúp các bạn. Tuyệt đối đừng im lặng mãi cho đến lúc không chịu đựng nổi lại bỏ trốn khỏi chỗ làm. Thay vào đó, hãy cố gắng tìm cách trao đổi và xin tư vấn của những người hoặc các đơn vị hỗ trợ hoặc OTIT, các bạn nhé!
Gửi các bạn thực tập sinh Việt Nam
Nếu may mắn, khi đến Nhật Bản, các bạn sẽ gặp được công ty và những người tốt. Tuy nhiên, không phải ai cũng có quá trình thực tập kỹ năng thuận lợi và may mắn. Vì vậy, những khi gặp khó khăn, khổ sở, hãy trao đổi với những người có thể trợ giúp các bạn. Tuyệt đối đừng im lặng mãi cho đến lúc không chịu đựng nổi lại bỏ trốn khỏi chỗ làm. Thay vào đó, hãy cố gắng tìm cách trao đổi và xin tư vấn của những người hoặc các đơn vị hỗ trợ hoặc OTIT, các bạn nhé!

Quá trình học tiếng Nhật của chị Ngọc

Lá thư chị Ngọc đưa cho OTIT được viết bằng tiếng Nhật. Chị Ngọc cũng giải thích toàn bộ tình hình cho cán bộ của OTIT bằng tiếng Nhật. Đúng là OTIT có nhân viên phiên dịch, nhưng không phải lúc nào họ cũng có mặt để hỗ trợ. Hơn nữa, khi có thêm người phiên dịch, để có thể trình bày được chính xác tình hình và được hiểu rõ hoàn cảnh sẽ mất rất nhiều thời gian. Chính nhờ năng lực tiếng Nhật mà OTIT đã giải quyết khó khăn cho chị nhanh chóng như vậy.

Chị Ngọc sang Nhật từ tháng 7/2017 và không lâu sau đó chị đăng ký học tiếng Nhật với tổ chức phi lợi nhuận “Lotus Works”, mỗi tuần học 2 lần qua Skype. Mỗi tuần, chị Ngọc luyện viết tiếng Nhật hơn 20 trang vở và nộp bài cho giáo viên của Lotus Works. Tháng 12/2019, chị đỗ kỳ thi năng lực tiếng Nhật (JLPT) trình độ N2, và khi được KOKORO phỏng vấn để viết bài trải nghiệm, chị cũng đối đáp trôi chảy bằng tiếng Nhật. Mặc dù đỗ vào trường đại học quốc lập danh tiếng, nhưng do hoàn cảnh gia đình, chị Ngọc đã không đi học đại học mà chọn sang Nhật Bản. Người viết bài này rất mong chị Ngọc có thể phát huy kinh nghiệm có được ở Nhật cũng như năng lực tiếng Nhật của mình để có thể mở ra một tương lai sáng lạm ở Việt Nam.

Lotus Works (2 thứ tiếng)
Bài viết “Kinh nghiệm của tôi” về chị Ngọc: “Thi đỗ trường đại học quốc lập nhưng sang Nhật làm thực tập sinh kỹ năng” (2 thứ tiếng)


Vở học tiếng Nhật của chị Ngọc