Giải quyết khó khăn

Sổ tư vấn file 08: Chi trả tiền vé về nước

【相談】技能実習の1年目、寮に突然やって来た
02/07/2021

Sau khi kết thúc quá trình thực tập kỹ năng, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên người xin tư vấn không thể về nước, anh ấy tiếp tục làm ở công ty mình thực tập. Thế nhưng, khi anh ấy định tự mình đặt vé máy bay để về nước thì công ty lại nói rằng “Chúng tôi chỉ trả 50.000 yên tiền vé máy bay thôi”. Anh ấy đã xin OTIT tư vấn, OTIT đã chỉ đạo nghiệp đoàn nên anh ấy đã nhận được toàn bộ tiền vé máy bay. Bài viết này sẽ giới thiệu về thư mà anh ấy đã gửi cho OTIT, v.v.

MụcLao động, thực tập kỹ năng

【Người xin tư vấn】
・ Từng là thực tập sinh kỹ năng
・ Nam giới người Việt, trong khoảng 20~30 tuổi
・ Nơi thực tập: tỉnh Aichi

Có nhiều bạn đã kết thúc chương trình thực tập kỹ năng tại Nhật, nhưng do ảnh hưởng của COVID-19 nên không thể về nước ngay. Các bạn ấy cũng không thể đặt vé máy bay thông qua Đại sứ quán, nếu đặt vé về bằng con đường khác thì có nhiều trường hợp nghiệp đoàn chỉ chi trả một phần tiền vé nên các bạn từng là thực tập sinh tại các địa phương đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, theo Luật pháp, nghiệp đoàn phải chi trả toàn bộ chi phí về nước. Bài viết này giới thiệu về câu chuyện của một sempai đã xin tư vấn của Hiệp hội thực tập kỹ năng quốc tế (OTIT) rồi nhận được toàn bộ tiền vé máy bay từ nghiệp đoàn.

Nghiệp đoàn không trả tiền vé máy bay

Danh sách những người đặt vé máy bay của Vietjet Air và giấy yêu cầu thanh toán từ công ty du lịch

Anh Trần Văn Phong đã kết thúc 5 năm thực tập kỹ năng vào tháng 1 năm 2021, nhưng vì không thể về nước ngay, anh ấy đã xin chuyển sang visa “Hoạt động đặc biệt” (特定活動) để tiếp tục làm việc tại nơi thực tập (nhà máy ở tỉnh Aichi).

Anh Phong đã xin công ty “cho phép nghỉ có lương ngày 22 tháng 4”. Anh còn rất nhiều ngày nghỉ có lương nhưng công ty không công nhận, cũng không chỉ định ngày nghỉ khác cho anh ấy nên ngày 22 tháng 4 anh ấy đã nghỉ mà không có sự đồng ý của công ty. Ngay sau đó, ngày 23, công ty đã nói sa thải anh ấy.

Anh Phong bị đuổi khỏi ký túc xá nên đã ở nhờ nhà bạn một thời gian, nhưng vì không còn thu nhập nên anh định tự mua vé máy bay rồi về nước.

Vì chờ mãi cũng không tới lượt mình được mua vé máy bay giá rẻ (hãng hàng không Việt Nam) đăng ký thông qua Đại sứ quán Việt Nam, anh Phong đã đăng ký chuyến bay của Vietjet Air (không cố định) và đã đặt được vé chuyến ngày 8 tháng 6. Tiền vé máy bay là 120.000 yên, khi anh yêu cầu nghiệp đoàn chi trả, nghiệp đoàn trả lời là “chúng tôi sẽ chỉ hỗ trợ 50.000 yên tiền vé máy bay về nước, sau khi về nước, chúng tôi sẽ trả thông qua công ty phái cử”.

Thế nhưng, với 50.000 yên thì không thể về nước. Hơn nữa, mấy tháng trước đó, một sempai cùng nghiệp đoàn đã về nước và cũng được trả lời như vậy, anh ấy đã tự trả trước rồi về nước nhưng đã 5 tháng trôi qua kể từ khi về, anh ấy vẫn chưa nhận được phần tiền còn lại từ công ty phái cử.

Điểm quan trọng: Tiền vé máy bay về nước và luật pháp

Vậy thì, những câu nói của nghiệp đoàn như “chỉ trả 50.000 yên tiền vé máy bay”, “sau khi thực tập sinh về nước, nghiệp đoàn sẽ trả tiền thông qua công ty phái cử” có đúng với Luật pháp Nhật Bản không? Câu trả lời là KHÔNG.

Quy định thi hành Luật liên quan đến thực tập kỹ năng như sau: Các đoàn thể quản lý (nghiệp đoàn v.v.) có nghĩa vụ “đưa ra biện pháp cần thiết để thực tập sinh kỹ năng sau khi kết thúc chương trình thực tập có thể về nước thuận lợi”. Việc chuyển đổi tư cách từ thực tập sinh kỹ năng sang hoạt động đặc biệt cũng như vậy.

Vì vậy, anh Phong đã nghe theo hướng dẫn của KOKORO, sau đó viết thư và mang đến văn phòng của OTIT ở Nagoya. Anh ấy đã viết một bức thư bằng cả tiếng Việt và tiếng Nhật, nhưng nếu chỉ viết tiếng Việt thôi thì cũng không sao. Tại các cơ quan Chính phủ ở Nhật Bản, nếu đưa ra được các loại văn bản, giấy tờ thì khi giải thích sẽ có hiệu quả hơn là chỉ giải thích bằng miệng. Hơn nữa, cán bộ phụ trách cũng sẽ hiểu đúng tình hình hơn.

Hơn nữa, anh Phong đã đi cùng một người bạn giỏi tiếng Nhật, nhưng nếu bạn không có người bạn nào như vậy, OTIT sẽ sắp xếp phiên dịch viên hỗ trợ cho bạn.

Thư mà Phong đã đưa cho OTIT

Đừng quên viết tên người nhận, ngày gửi, và ký tên

Bức thư mà Phong đã đưa cho OTIT có nội dung như dưới đây. Anh ấy đã photo thẻ lưu trú ở cửa hàng tiện lợi, rồi viết thư vào khoảng trắng phía dưới tờ giấy đó. Làm như vậy thì có thể biết rõ rằng ai đã viết bức thư đó. Ngoài ra, ở đầu bức thư anh ấy đã ghi địa chỉ người nhận là “Văn phòng OTIT Nagoya”, cuối thư có ghi ngày tháng và tự ký tên.

【Nội dung bức thư】

Tôi đã hoàn thành chương trình thực tập sinh 5 năm vào tháng 1 năm 2021 tại công ty ⚫⚫ ở thành phố Chiryu. Sau đó, do dịch corona tôi không thể về nước ngay nên đã tiếp tục làm việc tại công ty.

(1)Tôi có 17.5 ngày nghỉ có lương nên hôm 20/4 tôi xin nghỉ có lương cho ngày 22/4. Công ty không chấp nhận. Tôi đã nghỉ ngày 22/4 như thông báo. Ngay sau đó, từ ngày 23/4 công ty đuổi việc tôi nên từ đó không có thu nhập. Tôi rất khó khăn. Tôi nghĩ là vi phạm pháp luật, mong mọi người giúp đỡ.

(2)Ngoài ra, tại nơi làm việc của tôi, tiền vé máy bay do nghiệp đoàn ⚫⚫ trả, tôi nhận thấy có một số vấn đề như sau.
・⚫⚫ nói “Do corona giá vé tăng, nên sẽ chi trả 50.000 yên”.
・Tôi được thông báo rằng 50.000 yên chỉ được nhận từ công ty phái cử sau khi đã về tới Việt Nam”.

Tôi cho rằng việc nhận lại tiền vé máy bay tại Việt Nam là vi phạm pháp luật. Ngoài ra, tôi không thể về Việt Nam được chỉ với 50.000 yên. Xin hãy giúp tôi.

OTIT chỉ đạo nghiệp đoàn

Ký tên vào giấy biên nhận toàn bộ tiền vé máy bay từ nghiệp đoàn

Ngày 25 tháng 5 anh Phong đã đến văn phòng của OTIT tại Nagoya và sau khi đưa bức thư cho ban lễ tân, anh đã được nói chuyện với người phụ trách. Người phụ trách sau khi lắng nghe câu chuyện của Phong, đã trả lời là “sẽ thử hỏi nghiệp đoàn”.

Sau đó, để cho chắc chắn, anh Phong đến thành phố Nagoya gặp ông Kurematsu (榑松) – người đang quản lý tổ chức hỗ trợ có tên là “Hỗ trợ thực tập sinh người nước ngoài” (外国人実習生支援). Sau khi viết giấy ủy quyền cho ông Kurematsu, ngay ngày hôm sau, ông ấy đã gọi điện thoại cho OTIT để xác nhận tình hình. Hội “Hỗ trợ thực tập sinh người nước ngoài” (外国人実習生支援) có Facebook nên bạn cũng có thể xin tư vấn từ xa thông qua Messenger.

external link “Hỗ trợ thực tập sinh người nước ngoài 外国人実習生支援”(FB)

Sau đó, dựa trên Luật pháp, OTIT đã chỉ đạo nghiệp đoàn trả tiền cho anh Phong và nghiệp đoàn đã chịu toàn bộ chi phí về nước của anh ấy. Cụ thể là tiền đi lại từ Nagoya đến sân bay Narita và vé máy bay từ Narita đi Đà Nẵng (120.000 yên), còn phí cách ly tại khách sạn ở Đà Nẵng là 150.000 thì do Phong tự chi trả.

Về nước thuận lợi

Chuyến bay về nước của Vietjet Air mà anh ấy đã đi

Anh Phong đã nhận toàn bộ tiền vé máy bay từ nghiệp đoàn theo chỉ đạo của OTIT, tối ngày 7 tháng 6, anh đã lên xe ô tô do nghiệp đoàn chuẩn bị trước và đi đến sân bay Narita (cùng đi với anh có khoảng 15 thực tập sinh khác). Ngày hôm sau (8/6), anh lên chuyến bay của Vietjet Air xuất phát từ Narita và về tới Đà Nẵng cùng ngày hôm đó. Tại Đà Nẵng, anh phải cách ly ở khách sạn trong 3 tuần (2 người 1 phòng), ngày 29/6 anh đã đi qua Hà Nội và trở về quê hương Nam Định của mình.

Tổng kết

Phòng anh Phong đã ở và cảnh nhìn từ phòng ấy〈Đà Nẵng 6/2021〉

Nghiệp đoàn phải chi trả chi phí về nước của thực tập sinh kỹ năng (trừ chi phí khách sạn sau khi về nước). Điều này được quy định trong luật pháp. Nếu nghiệp đoàn không trả cho bạn khoản chi phí này, bạn hãy xin tư vấn từ OTIT tại các địa phương. Khi đi đến OTIT, bạn nên mang theo thư mình đã viết, như vậy sẽ có hiệu quả hơn. Bạn hãy tham khảo cách viết thư và các điểm chú ý, ví dụ trong bài viết này khi viết thư nhé.

external link Hiệp hội thực tập kỹ năng quốc tế 外国人技能実習機構(OTIT)

Bữa ăn ở khách sạn và cảnh nhìn từ cửa sổ