Blog
Việt Nam OK – Nhật Bản DAME_15: Xin đừng quăng dép lung tung
Bạn sẽ phải chịu những cái cau mày của người Nhật nếu bước vào nhà mà vứt giày dép lộn xộn, thản nhiên hút thuốc ở bất cứ chỗ nào. Câu chuyện sẽ còn tệ hại hơn cả cái cau mày nếu bạn không biết cách phân loại rác.
【Thạch Long】
Giày dép xin đừng để lộn xộn
Hãy thử lục lại trí nhớ xem có đúng là hồi bé đọc Doraemon, mẹ Nobita thường xuyên mắng anh chàng hậu đậu này vì vội vội vàng vàng chạy vào nhà mà không sắp xếp giày dép cho gọn gàng hay không? Tôi cá với bạn là không dưới một lần tình tiết đó xuất hiện trong bộ manga huyền thoại này.
Ở Việt Nam, bạn cởi đôi giày ra bước từ ngoài đường vào nhà có thể thoải mái vứt chiếc chân phải ở đằng Đông, chân trái ra đằng Tây, cái hướng mũi vào trong nhà, cái lại hướng mũi ra ngoài cửa. Ôi dào chả ai hơi đâu lại cúi xuống xếp gọn gàng làm gì.
Nhưng ở Nhật, bạn sẽ bị coi là vô cùng bất lịch sự nếu bước vào nhà mà mỗi chiếc giày lại nằm một xó khác nhau. Người Nhật có một nguyên tắc bất thành văn là: Khi bước vào nhà, hãy cởi giày và xếp chúng gọn gàng, với phần mũi giày hướng ra ngoài cửa. Tôi cá là sau khi tháo giày bước vào nhà một người Nhật, bạn sẽ thấy đôi dép đi trong nhà của họ được xếp cạnh nhau và mũi dép hướng vào trong nhà.
Để làm gì? Để chúng ta có thể xỏ đôi giày, đôi dép một cách thuận tiện mà không cần phải xoay nó lại hoặc xoay người lại. Người Nhật rất ám ảnh chuyện gọn gàng, ngăn nắp nên thôi chúng ta cứ nhập gia tuỳ tục vậy.
Ở gần như tất cả các nơi trên đất Nhật bạn sẽ thấy giày dép được người Nhật sắp xếp gọn gàng và theo đúng chiều thế này.
Đừng vứt tất cả các loại rác vào một túi
Ở Việt Nam, bạn có thể thoải mái tận dụng một cái túi nilon ngoài siêu thị làm túi rác và nhét trăm thứ bà giằn vào đó: nào là thức ăn thừa, vỏ chai lọ, cốc thuỷ tinh vỡ vân vân. Ở Nhật làm thế là phiền to đấy nhé. Ở mỗi tỉnh thành sẽ có sự khác nhau nhưng về cơ bản thì rác ở Nhật sẽ chia làm 4 loại: Rác có thể đốt, rác không thể đốt, rác tái chế và rác cỡ lớn (ví dụ như xe đạp, máy giặt, tivi, tủ lạnh…). Mỗi loại rác này sẽ được đựng trong những túi rác khác nhau và được đổ vào những ngày khác nhau.
Tài liệu hướng dẫn phân biệt rác của địa phương
Cá biệt với loại rác cỡ lớn như đồ điện tử, xe đạp… nếu tự động vứt ra sẽ không được thu gom. Bạn cần phải liên hệ với cơ quan thu dọn rác ở địa phương, hẹn ngày, giờ. Nếu rác lớn phải mua tem trả tiền, dán vào đồ định vứt rồi mới được thu gom. Tùy nơi mà chi phí để vứt những đồ không quá lớn, ví dụ một chiếc bàn để là quần áo chẳng hạn là từ 200 trở lên. Còn nếu thuê công ty thu gom đến nhà chở đi thì cũng tốn vài nghìn yên. Nên trước khi vứt rác, các bạn hãy tìm hiểu cho kỹ nhé. Thêm một chi tiết đáng chú ý: Nếu như ở Việt Nam, bạn có thể thoải mái vứt túi nilon rác ra gốc cây và nhân viên vệ sinh môi trường sẽ ném nó lên xe rác giúp bạn thì ở Nhật, mỗi căn hộ/khu chung cư sẽ có một địa điểm bỏ rác tuân theo quy chuẩn.
Địa điểm đó phải giữ một khoảng cách nhất định với nhà dân và phải được che chắn bằng lưới cẩn thận. Tại sao lại phải che chắn cho rác? Ở Nhật rất nhiều quạ, nên nếu rác không được che chắn kỹ càng, lũ quạ sẽ xé toang đống rác của bạn tìm thức ăn, khiến bao nhiêu thứ bẩn thỉu vương vãi ra khắp nơi. Cạnh nhà tôi có một quán nhậu. Chỉ vì nhân viên quên mất không chặn hòn gạch vào tấm lưới che rác mà chỉ sau vỏn vẹn 20 phút đã bị lũ quạ phá tan tành. Nhân viên phải cặm cụi nhặt từng thứ vương vãi trong phạm vi lên tới 5 mét để bỏ lại vào túi mới.
Đừng hút thuốc bừa bãi
Ở Việt Nam, những địa điểm cấm hút thuốc được quy định bằng tấm biển “Cấm hút thuốc” treo trên tường. Thật ra thì ở Nhật cũng vậy. Chỉ có điều, xã hội Nhật đã thống nhất một bộ quy tắc ứng xử ràng buộc những người hút thuốc không được (hoặc không nên) nhả khói ở một số địa điểm công cộng.
Biển báo khu vực cấm cấm hút thuốc trên đường
Nếu vừa đi vừa hút thuốc trên đường phố sẽ bị phạt 2.000 yên (tương đương 400.000 đồng)
Theo tôi được biết ở Nhật Bản, quy định “chỉ được hút thuốc ở nơi quy định” đang ngày càng trở nên phổ biến. Ở những tòa nhà lớn thì người ta có thể đặt địa điểm hút thuốc ngay bên trong nhưng đa phần nơi hút thuốc được đặt ở bên ngoài. Việc hút thuốc lá bị cấm ở những địa điểm như bến chờ xe bus, bên trong nhà ga xe điện hoặc trên đường đi… Ở những khu phố buôn bán sầm uất, trung tâm thương mại… nơi có nhiều người qua lại bạn cũng được khuyến khích không nên hút thuốc. Lý do là bạn không có quyền khiến những người không hút thuốc rơi vào trạng thái “hút thuốc thụ động”.
Ngoài ra, để phòng tránh tình trạng bị hút thuốc thụ động (tức là hít phải khói thuốc lá), từ tháng 4/2020, luật bảo vệ sức khỏe đã được sửa đổi một phần. Theo luật này, hút thuốc hay không, không còn là “cách cư xử” nữa mà đã trở thành “quy định” . Về nguyên tắc các nhà hàng phải cấm hút thuốc và phải quy định nơi hút thuốc trong cửa hàng. Tùy quy mô của cửa hàng hoặc chính quyền địa phương mà việc xử lý có khác nhau nhưng nếu phát hiện ra sai phạm, có thể bị phạt tối đa là 500.000 yên (tương đương với khoảng trên 100 triệu đồng).
Nước Nhật, nơi các bạn đang làm việc và học tập, những nơi được phép hút thuốc đang ngày càng ít đi. Kinh nghiệm của cá nhân tôi là ở những khu phố đông khách du lịch, trong đền/chùa hoặc trung tâm thương mại lớn kiểu gì cũng sẽ có những phòng hoặc khu vực cho phép hút thuốc. Đừng ngại hỏi người dân ở đó và hút thuốc đúng nơi quy định bạn nhé.
Một địa điểm hút thuốc tại cơ quan