Blog

Việt Nam OK – Nhật Bản DAME_21: Đừng mặc đồ chơi bóng rổ khi chạy

242096791_4123328401112917_8394576280619735178_n
09/09/2021

 
Trong văn hoá Nhật, những câu trả lời quá trực tiếp sẽ gây tổn thương và bị coi là bất lịch sự. Ngoài ra, chuyện bắt taxi ở Nhật cũng khác rất nhiều ở Việt Nam. Chúng ta cùng Kokoro tìm hiểu về việc này nhé. 〈THẠCH LONG〉

Tránh những câu trả lời trực tiếp – Mỹ đức của người Nhật

Người Việt Nam chúng ta thường ít dùng cách nói mơ hồ, gián tiếp. Chúng ta bắt đầu bằng một ví dụ thế này: Hãy tưởng tượng bạn đang ngồi café với một người bạn. 2 người trò chuyện quá say sưa và bạn bắt đầu thấy đói bụng. Ở Việt Nam, sẽ là hoàn toàn bình thường nếu bạn nói thẳng với người bạn của mình rằng: “Tôi đói quá, chờ tôi đi kiếm cái gì ăn đã nhé”. Nhưng nếu ở Nhật, câu trả lời của bạn sẽ rất khác. Thường thì người Nhật sẽ nói một cách tế nhị thế này: “Ồ, có vẻ như đã đến giờ ăn tối rồi đấy nhỉ”. Bạn phải tự suy luận rằng họ bắt đầu thấy đói. Đây là cách diễn đạt vấn đề gián tiếp rất phổ biến của người Nhật Bản mà nhiều người nước ngoài ở Nhật Bản hay gặp phải.

Luôn để ý tới người đối diện khi nói chuyện

Những người bạn nước ngoài của tôi ở Nhật thường nói “Người Nhật thường nói vòng vo tam quốc”. Người Nhật thường sẽ không bao giờ nói huỵch toẹt ra những gì mình đang nghĩ hoặc đang cảm thấy. Do văn hóa nói gián tiếp mang nhiều ẩn ý nên người Nhật thường có những câu trả lời gián tiếp và mong đợi ở chúng ta tự hiểu câu trả lời cuối cùng.

Sở dĩ người Nhật tránh cách nói trực tiếp là do văn hóa “Vừa nói chuyện vừa lưu ý tới trạng thái của người đối diện”. Ví dụ nếu nói thẳng là “Tôi đói bụng” thì đa phần người Nhật sẽ nghĩ rằng như vậy là “không để ý tới trạng thái của người đối diện mà chỉ nghĩ tới bản thân” và như vậy là ích kỷ. Để tránh bị nghĩ là ích kỷ nên tự nhiên, người ta chọn cách nói gián tiếp và coi đó là một việc làm lễ nghĩa.

Khi người Nhật nói “Đến giờ ăn tối rồi nhỉ” thì câu nói này thường hàm nghĩa “Sắp tới bữa tối rồi, bạn có đi ăn cùng tôi không”. Chúng ta nên nhớ cách nói này nhé.

Chuyện đi taxi ở Nhật Bản

Tiếp theo là chuyện đi tắc-xi. Khi tới các bến xe ở Việt Nam, ngay khi bạn đặt chân xuống xe đã nhanh chóng bị “bao vây” bởi những lái xe taxi chào mời bạn đi xe của họ. Bạn có thể lựa chọn đi xe của hãng A thay vì hãng B, vì giá rẻ hơn, xe mới hơn, to hơn chẳng hạn.

Nhưng ở Nhật, tại toàn bộ các nhà ga, sân bay, địa điểm du lịch… taxi sẽ được bố trí đỗ theo hàng lối vô cùng ngay ngắn. Những bến đỗ xe tắc-xi thường do cơ quan hành chính địa phương hoặc công ty đường sắt quản lý. Người bắt xe taxi cũng phải xếp hàng để lên xe ở những địa đón-trả khách. Xe tắc-xi và khách đi đều tuần tự đợi tới lượt mình để đón khách và lên xe.

Tuy nhiên cũng có những ngoại lệ. Ví dụ người sử dụng vé tắc-xi (loại vé đi tắc-xi được chỉ định, dùng trước thanh toán sau) hoặc người có vé muốn đợi tới lúc có xe tắc-xi để có thể sử dụng vé hoặc loại tắc-xi mà họ ưa thích thì khi xếp hàng nếu chưa có loại xe đó, họ sẽ nhường chỗ cho người khác.

Ngoài ra, ở những khu vực đô thị đông dân và lưu lượng giao thông lớn thì ta cũng có thể vẫy xe tắc-xi trên đường giống như ở Việt Nam. Người Nhật gọi loại tắc-xi chờ đón khách ở các nhà ga là “tắc-xi đợi khách” còn loại tắc-xi có thể vẫy trên đường là “tắc-xi lưu động”. Hình thức gọi xe tắc-xi Grab qua mạng internet như ở Việt Nam thì chưa phổ biến ở Nhật. Lý do là vì việc sử dụng xe riêng vào mục đích vận chuyển lấy tiền là hành động vi phạm pháp luật.

Đa phần xe tắc-xi ở Nhật Bản đều thuộc những công ty vận hành tắc-xi, kể cả xe “tắc-xi cá nhân” cũng thuộc Hiệp hội xe Tắc-xi. Toàn bộ tắc-xi đều có gắn công tơ mét. Nếu ở cùng một khu vực và đi đoạn đường ngắn thì dù lên xe của hãng nào, giá cả cũng giống nhau. Nhưng có những công ty tắc-xi không áp dụng chế độ tăng cước phí khi đi xe vào giờ tối muộn hoặc nếu cước phí vượt quá mức độ nhất định thì phần vượt quá đó sẽ được giảm một nửa nên nhiều người Nhật khi dùng tắc-xi đi xa thường lựa chọn công ty phù hợp. Tuy nhiên một khi đã lên xe tắc-xi thì công tơ mét sẽ tính tiền rất chính xác theo đúng quy định do cơ quan hành chính cấp phép và không được mặc cả.

Khi lên xe tắc-xi ở Nhật, bạn đừng ngạc nhiên khi thấy cửa xe tự mở ra nhé. Mặc dù đôi khi cũng có những loại tắc-xi mà tài xế xuống mở cửa xe cho khách. Tài xế thường đeo găng tay trắng và phương thức trả tiền rất đa dạng, từ tiền mặt đến các loại hình thanh toán qua thẻ tín dụng, thẻ nạp tiền trước… và đừng quên rằng, lái xe taxi ở Nhật không nhận tiền boa (tiền tip) nhé các bạn.

“Tập thể dục” – Những điểm gì khác nhau

Thoạt nhìn thì chuyện tập thể dục ở Nhật cũng khá giống so với Việt Nam: Cũng là những người chạy bộ, hít đất, đu xà… Tuy nhiên, đi sâu vào thói quen của người dân thì lại có rất nhiều điểm khác biệt thú vị.

Đầu tiên là về cách nghĩ. Đối với một bộ phận người Việt thì giờ tập thể dục buổi chiều chính là thời khắc nhóm bạn tụ tập cùng nhau vận động, nói chuyện rôm rả, thậm chí là sau khi đổ chút mồ hôi thì cùng nhau đi làm cốc bia. Rủ nhau đi tập thể dục là một hoạt động diễn ra rất phổ biến ở Việt Nam. Nó thậm chí còn được coi là biểu hiện cho sự gắn kết, thân thiện của người Việt. Nhưng ở Nhật, người tập thể dục có xu hướng cá nhân hoá hoạt động này. Cũng có những nhóm thường có vài người chạy cùng nhau những về cơ bản người Nhật thường đi tập một mình. Đối với họ thì tập thể dục chỉ đơn thuần là tập thể dục mà thôi.

Người Nhật dùng quần áo và giày chuyên để chạy (ảnh chụp tại Tokyo)

Về trang phục cũng có sự khác biệt cực lớn. Người Việt có xu hướng chọn những bộ trang phục thoải mái nhất cho buổi tập vào cuối giờ chiều. Trang phục đi tập có thể là áo ba lỗ, quần đùi, hoặc thậm chí mặc những bộ đồ lụa ở nhà. Sự thoải mái và tiện lợi được đưa lên hàng đầu.

Người Nhật không nghĩ vậy. Trong một xã hội coi trọng quy tắc TPO (Time-Place-Occasion), người Nhật có xu hướng chọn trang phục hợp với hoạt động mà họ tham gia. Dù là lúc đi làm, tham dự các sự kiện hiếu hỉ hoặc đi chơi v.v. thì người Nhật cũng đều lựa chọn trang phục phù hợp với từng dịp. Khi tập thể dụng cũng vậy. Khi chạy bộ thì mặc đồ chạy, leo núi mặc đồ leo núi, tập gym sẽ mặc đồ gym v.v.

Vì vậy mà người Nhật không dùng giày dùng chơi bóng rổ khi chạy bộ hoặc giày chạy bộ thì không thể đi trên sân tennis được… Vì vậy sang tới Nhật, bạn đừng mặc bộ đồ đi đánh tennis để đi chơi bóng chày, và cũng đừng diện đồ bóng rổ để đi đá bóng nhé. Sẽ rất buồn cười đấy.