Kinh nghiệm của tôi (Du học - Nhân lực chất lượng cao)

vol.74-img1
By KOKORO(Báo Mainichi+VAIJ;Đơn vị hỗ trợ: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, v.v.)
 

Sau khi tốt nghiệp đại học ở Việt Nam và đi du học tại một trường Nhật ngữ ở Hokkaido, Quỳnh đã vào làm việc tại một nghiệp đoàn hỗ trợ thực tập sinh kỹ năng. Công việc tại nghiệp đoàn của Quỳnh là trao đổi các ý kiến về công việc, đời sống của các bạn thực tập sinh kỹ năng, và đôi khi là thương lượng với công ty để cải thiện chế độ đãi ngộ cho họ. Quỳnh có mong muốn sống ở Nhật càng lâu càng tốt.

Gặp gỡ sempai số này

Đoàn Thị Ngọc Quỳnh

  • Năm 2011Tốt nghiệp trung học phổ thông (tỉnh Ninh Thuận)
  • Năm 2015Tốt nghiệp trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh
  • Năm 2016Nhập học trường Nhật ngữ (Hokkaido)
  • Năm 2018Nhập học trường Đại học Seisa Dohto
  • Năm 2018Thôi học Đại học, làm việc tại Nghiệp đoàn hỗ trợ thực tập sinh kỹ năng (Hokkaido)
  • Năm 2019Đỗ N1 Kỳ thi năng lực tiếng Nhật (JLPT)
(Sinh năm 1993, tại Ninh Thuận)

Công việc hỗ trợ thực tập sinh kỹ năng

Các thực tập sinh kỹ năng mà mình đang phụ trách

Mình hiện đang làm phiên dịch tại đoàn thể quản lý thực tập sinh kỹ năng (nghiệp đoàn). Công việc của mình là truyền tải những băn khoăn, lo lắng và nguyện vọng của các bạn thực tập sinh đến công ty, đồng thời phiên dịch lại nội dung của công ty khi hướng dẫn các thực tập sinh. Trước khi dịch Corona bùng phát, nghiệp đoàn của mình đã gửi khoảng 600 thực tập sinh Việt Nam đến hơn 80 nơi làm việc trên khắp khu vực Hokkaido. Các ngành nghề đa dạng, bao gồm nông nghiệp, chăn nuôi bò sữa, xây dựng, làm bánh mì, đóng sách và chế biến thuỷ sản.

Các phiên dịch của nghiệp đoàn như tụi mình (4 người Việt Nam, 2 người Trung Quốc, 2 người Indonesia) sẽ chia nhau ra để đến thăm tất cả các nơi làm việc mỗi tháng một lần cùng với nhân viên người Nhật. Chúng mình cũng phải lái xe ô tô.

  • ・Thảo luận với các bên doanh nghiệp và người quản lý
  • ・Thảo luận với các thực tập sinh (phiên dịch)
  • ・Ngoài ra, phiên dịch viên sẽ tự mình đến thăm ký túc xá của các công ty mỗi tháng 1 lần.
  • ・Phiên dịch viên dù ngoài thời gian đến thăm vẫn phải luôn sẵn sàng tư vấn cho các thực tập sinh trên SNS.

Đồng hành cùng các thực tập sinh tham gia kỳ thi “kiểm tra tay nghề”

Mình sẽ trao đổi với các bạn thực tập sinh, và nếu có vấn đề phát sinh hoặc nếu mình không thể gặp được họ, thì sau đó mình sẽ phải gọi điện hoặc đến thăm ký túc xá vào ngày nghỉ của thực tập sinh.

  • ・Các nội dung cần được giải quyết nhiều nhất là các vấn đề giữa các thực tập sinh với nhau, chẳng hạn như phân chia công việc dọn vệ sinh, thứ tự sử dụng máy giặt và tắm rửa.
  • ・Cũng có trường hợp thực tập sinh muốn đi bệnh viện nhưng không thể nói trực tiếp với công ty mà chỉ trao đổi với chúng mình. Trong trường hợp đó, tụi mình sẽ nói với công ty và cùng thực tập sinh đi đến bệnh viện với tư cách là phiên dịch.
  • ・Các trao đổi về vấn đề tăng lương. Cũng có trường hợp nghiệp đoàn yêu cầu công ty đáp ứng nguyện vọng của thực tập sinh và tăng lương.

Tụi mình được các bạn thực tập sinh gọi là "Sensei (cô giáo)" và nhận được nhiều vấn đề cần tư vấn khác nhau. Đôi khi cũng nhận được các lời mời từ thực tập sinh như là: "Tụi em đã nấu một món ăn ngon, cô có thể cùng ăn với tụi em không?"

Cơ duyên đi du học Nhật Bản

Tới Nhật lần đầu tiên khi tham gia chương trình JENESYS

Mình học thiết kế sân khấu và điện ảnh ở trường đại học. Vào tháng 3 năm 2014, khi mình đang học năm thứ hai, có tổng cộng 20 bạn sinh viên đến từ các trường đại học sân khấu - điện ảnh ở Hà Nội và Hồ Chí Minh đã tham gia “Chương trình giao lưu thanh niên Đông Á thế kỷ 21” (Chương trình JENESYS). Đây là một chương trình của chính phủ Nhật Bản mời thanh niên từ các nước Châu Á đến Nhật Bản. Mình cũng nằm trong số thành viên được chọn và đó là lần đầu tiên mình đến Nhật Bản. Mình đã ở Tokyo và Kyoto trong khoảng 10 ngày. Mình rất ấn tượng khi ngắm hoa anh đào, và với tất cả mọi thứ ở Nhật Bản, chẳng hạn như cảnh đẹp, giao thông phát triển và thói quen xếp hàng chờ đợi.

Sau khi tốt nghiệp đại học, mình muốn đến Nhật Bản một lần nữa và bắt đầu học tiếng Nhật. Trong thời gian vừa làm công việc thiết kế, mình đã vừa học tiếng Nhật tại trung tâm 3 tiếng mỗi tối và bắt đầu đi du học Nhật Bản sau khi tốt nghiệp một năm.

Các chi phí đã trả trước khi đi du học

Chị họ của mình đã đi thực tập kỹ năng ở Nhật Bản, và sau khi trở về nước, chị ấy lại tiếp tục sang Nhật Bản và du học tại một trường Nhật ngữ ở Hokkaido. Khi mình quyết định đi du học Nhật Bản, chị họ của mình đã kết hôn với người Nhật và vẫn đang ở Hokkaido, vì vậy mình quyết định đi học cùng trường với chị họ.

Trong 6 tháng trước khi đi du học, mình học tiếng Nhật 3 tiếng mỗi ngày tại trung tâm tiếng Nhật. Chi phí phải trả trước khi đi du học như trong bảng. Trong số này, chị họ của mình đã cho mình mượn tiền nhập học và học phí một năm để nộp cho trường Nhật ngữ. Vì không thể trang trải chi phí học tập và chi phí sinh hoạt chỉ với một công việc làm thêm nên mình đã vay tiền chị họ ngay cả sau khi đến Nhật Bản. Sau khi mình đi làm chính thức ở Nhật Bản, trong một năm mình mới trả lại hết tất cả số tiền mà mình đã vay từ chị họ (khoảng 1,1 triệu yên).

◆Trung tâm du học
*Phí giới thiệu, hoàn tất hồ sơ xin tư cách lưu trú
8,000,000 ₫
◆Học tiếng Nhật tại Việt Nam (6 tháng)
6,000,000 ₫
◆ Vé máy bay
9,000,000 ₫
◆Mua đồ (quần áo, gia vị, thực phẩm)
4,000,000 ₫
◆Tiền nhập học + Sách giáo khoa + Bảo hiểm cho trường Nhật ngữ
¥200,000
◆Học phí 1 năm của trường Nhật ngữ
¥630,000

Cuộc sống và chi phí khi đi du học

Cùng với các bạn trường Nhật ngữ ở nơi gần trường

Mình sống ở phòng bên cạnh phòng chị họ ở Hokkaido. Mình không nhận bất kỳ sự trợ giúp nào từ bố mẹ ở Việt Nam, nhưng mình không thể trang trải chi phí học tập và chi phí sinh hoạt của mình ở Nhật Bản chỉ với một công việc làm thêm. Điều này là do công việc làm thêm của du học sinh bị giới hạn trong 28 tiếng một tuần. Người quen của mình vì đã làm thêm hơn 28 tiếng một tuần nên đã không thể gia hạn tư cách lưu trú để tiếp tục du học, đành phải nghỉ học và trở về nước. Mình luôn đảm bảo thời gian làm thêm là 28 tiếng một tuần và mượn khoản thiếu hụt từ chị họ.

Mỗi ngày, mình học tiếng Nhật 4 tiếng ở trường và 3 tiếng ở nhà. Sau đó, mình sử dụng tiếng Nhật đã học để nói chuyện với các anh chị ở chỗ làm thêm, nhờ vậy mà khả năng hội thoại của mình đã tiến bộ rất nhanh chóng. Bằng cách này, mình đã đỗ JLPT N2 sau khi đến Nhật 1 năm rưỡi.

◇Chi tiêu của mình (Trung bình 1 tháng)

※Chi tiêu trong thời gian du học ở trường Nhật ngữ

※100 yên=17,050 VNĐ(tỷ giá ngày 30/06/2022)

Thu nhập:90,000 yên
Làm thêm 1 công việc (Bếp ăn bệnh viện) 90,000 yên
Chi tiêu:116,200 yên
Học phí 52,500 yên
Tiền nhà (Bao gồm tiền nước) 27,500 yên
※Phòng 1 phòng ngủ, sống 1 mình ※Sử dụng Wi-fi miễn phí của chị họ ở phòng bên cạnh
Tiền điện, ga 5,000 yên
Cước điện thoại 1,200 yên
Tiền ăn 20,000 yên
Chi phí khác 10,000 yên
Chênh lệch hàng tháng:-26,200 yên
※Vào kỳ nghỉ hè làm nhiều hơn một chút. ※Mượn số tiền thiếu hụt từ chị họ và trả lại sau khi đi làm.

Nơi làm việc không có người Việt Nam

Đi ăn với mọi người tại nơi làm thêm

Khí hậu ở Hokkaido tuy lạnh nhưng lòng người nơi đây rất ấm áp. Các tiền bối ở nơi mình làm thêm trong 2 năm lúc nào cũng đối xử thân thiện với mình. Công việc làm thêm của mình là chuẩn bị bữa ăn cho bệnh nhân nội trú ở bếp ăn của bệnh viện. Công việc này là do một tiền bối trong trường Nhật ngữ đã giới thiệu cho mình. Từ nhà mình đến đây đi mất một tiếng, nhưng mình quyết định làm thêm tại đây, vì có ít người Việt Nam.

Ở đây, mình là người Việt Nam duy nhất trong số 10 người cùng mình làm việc. Lúc đầu, mình không thể nghe được tiếng Nhật của mọi người, cuối cùng mọi người bắt đầu nói chậm lại để cho mình có thể hiểu. Trong giờ làm, vừa di chuyển đôi tay, mình vừa nói chuyện và tụi mình cũng có thể trò chuyện vui vẻ trong giờ giải lao. Nhờ mọi người chỉ dạy rất tận tình những từ mà mình không biết nên tiếng Nhật của mình đã không ngừng tiến bộ.

Khí hậu lạnh, nhưng con người ấm áp

Những món quà nhận được từ các cô cùng chỗ làm thêm

Những gì mà mình nhận được từ công việc làm thêm này không chỉ là cơ hội nói tiếng Nhật. Ở chỗ làm, có nhiều cô ở độ tuổi 60-70 và chỉ có mình là người nước ngoài nên ai cũng quý mình như cháu ruột.

  • ・Ở chỗ làm, có nhiều cô đã mua bánh kẹo đến cho mình mang về nhà.
  • ・Vào mùa đông đầu tiên khi mình đến Nhật Bản, có một cô đã nói “Ở Hokkaido lạnh lắm” và tặng cho mình găng tay, quần tất và chăn ấm.
  • ・Khi mình được chuyển đến bệnh viện khác cùng tập đoàn, mọi người đã tổ chức tiệc chia tay.
  • ・Ở bệnh viện thứ hai, mọi người cũng luôn đối xử tử tế với mình.

Thật là vui khi được trải qua quãng thời gian cùng với mọi người ở nơi làm thêm và nó giống như gia đình của mình vậy. Sau khi mình đi làm chính thức, mình đã chuyển đến sống ở một thị trấn khác, nhưng thỉnh thoảng mình vẫn gặp lại các cô khi đến Sapporo.

Trái: Món ăn của mình được giới thiệu trong bản tin ở chỗ làm thêm

Phải: Phiếu dự thi JLPT

Bỏ Đại học và làm việc ở Nhật Bản

Mình muốn học nhiều hơn nên sau khi tốt nghiệp trường Nhật ngữ, mình đã học tiếp lên trường Đại học Seisa Dohto ở địa phương. Tuy nhiên, một tháng sau khi nhập học, bà của mình ở Việt Nam bị ốm. Mình đã sống với bà nội và chị gái từ khi còn nhỏ nên bà là một phần gia đình không thể thay thế được. Mình muốn bà nhận được sự điều trị y tế tốt nhất có thể, vì vậy mình quyết định bỏ học đại học và đi làm. Vì mình đã tốt nghiệp đại học ở Việt Nam nên có thể xin visa làm việc mà không cần tốt nghiệp đại học Nhật Bản.

Mình tìm kiếm thông tin việc làm trên trang Facebook dành cho người Việt Nam, sau đó được một đoàn thể quản lý thực tập sinh kỹ năng (nghiệp đoàn) phỏng vấn và được tuyển dụng. Nhiều thực tập sinh kỹ năng không nói được nhiều tiếng Nhật sẽ trao đổi ​​với phiên dịch người Việt của nghiệp đoàn về công việc và cuộc sống. Mình chọn công việc này vì mình muốn giúp đỡ họ.

Mong muốn sống ở Nhật lâu dài

Đi du lịch cùng chồng (Ở Hakodate, Hokkaido, năm 2021)

Ở chỗ làm của mình có 8 phiên dịch người nước ngoài, vì vậy mọi người thỉnh thoảng đi ăn cùng nhau. Ngoài ra, sau khi đi làm, nhờ vào sự giới thiệu của một tiền bối người Việt Nam sống ở Nhật, mình đã quen một người Trung Quốc và kết hôn khoảng hai năm sau đó. Chồng mình cũng là một cựu du học sinh và có visa vĩnh trú. Hai vợ chồng mình nói chuyện với nhau bằng tiếng Nhật. Vào những ngày nghỉ, chúng mình sẽ đi du lịch và đi cắm trại cùng nhau.

Mình rất thích Nhật Bản và đang sống rất ổn định nơi đây, vì vậy mình không có kế hoạch về Việt Nam vào lúc này. Nếu có thể, mình muốn sống ở Nhật lâu dài.