Kinh nghiệm của tôi (Du học - Nhân lực chất lượng cao)

vol92_1
By KOKORO(Báo Mainichi+VAIJ;Đơn vị hỗ trợ: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, v.v.)

Vào những năm 1990, khi vẫn còn rất ít người đi du học nước ngoài thì chị Nhiên đã sang Nhật du học. Chồng chị cũng đi du học và ở lại Okinawa làm việc nên vợ chồng chị đã gắn bó với mảnh đất Okinawa cho tới nay. Chị đã dịch rất nhiều tiểu thuyết văn học Nhật Bản và xuất bản những tác phẩm ấy ở Việt Nam. Gần đây, ngoài công việc biên dịch, chị còn dành thời gian hỗ trợ các bạn thực tập sinh tại Okinawa.

Gặp gỡ sempai số này

Nguyễn Đỗ An Nhiên

  • Năm 1994Nhập học vào Khoa Đông Phương học, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh
  • Năm 1997Du học trao đổi tại Đại học Meio 〈Okinawa, 1 năm〉
  • Năm 1999Tốt nghiệp Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh
  • Năm 1999Làm giảng viên tiếng Nhật tại Khoa Đông phương học, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh 〈2 năm〉
  • Năm 2001Nhập học thạc sĩ tại Đại học Meio
  • Năm 2003Tốt nghiệp thạc sĩ
  • Năm 2003Làm nghiên cứu viên tại Trung tâm văn học thiếu nhi quốc tế tỉnh Osaka 〈6 tháng〉
  • Năm 2004Làm giảng viên tiếng Việt tại Khoa Đông phương học, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh
  • Năm 2004Biên phiên dịch tiếng Nhạt tại Nhà xuất bản Trẻ 〈4 năm〉
  • Năm 2011Làm thêm ở thư viện của Đại học Meio 〈5 năm〉
  • Năm 2011Làm giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Meio 〈Đến nay〉
  • Năm 2022Làm giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Okinawa 〈Đến nay〉
〈Sinh năm 1976, quê ở TP Hồ Chí Minh〉

Du học trao đổi tại Okinawa

Trải nghiệm mặc kimono ở Kyoto, tại nhà của một người Nhật được quen trước đó (Tháng 1/1998)

Tôi thi rớt khoa Y trong kì thi tuyển sinh đại học nên quyết định vào khoa nào đó mà tôi có thể vào rồi tiếp tục ôn thi, và thế là tôi đã vào khoa Đông phương học. Trong một giờ học hồi cấp ba, tôi được đọc một tác phẩm của nhà văn Kawabata Yasunari bằng tiếng Việt. Tôi đã nghĩ rằng một ngày nào đó mình sẽ đọc chúng bằng tiếng Nhật. Vì vậy tôi đã chọn khoa Đông Phương học - một khoa mới được thành lập, tôi trở thành sinh viên khóa 2. Sau khi vào đại học, tôi từ bỏ ý định thi vào khoa Y và quyết tâm học tiếng Nhật.

Trong thời gian học đại học, 4 sinh viên có thành tích xuất sắc trong khoa được đi du học trao đổi tại Đại học Meio. Tôi là một trong những sinh viên đã được chọn. Chính phủ Nhật Bản đã chi trả toàn bộ học phí tại Nhật, vé máy bay, sinh hoạt phí hàng tháng (80,000 yên). Hồi đó, vẫn còn rất ít trường đại học ở Nhật liên kết với đại học ở Việt Nam và chúng tôi được chỉ định đi học ở trường Meio.

Du học lần thứ hai theo chương trình của Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản

Trả lời phỏng vấn của đài truyền hình nhân một sự kiện của Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản

Sau khi kết thúc chương trình du học trao đổi, tôi về Việt Nam. 1 năm sau đó - năm 1999 tôi tốt nghiệp khoa Đông phương học và trở thành giảng viên tiếng Nhật tại khoa. Năm 2001, Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản mở đơn đăng ký chương trình học bổng nghiên cứu dành cho giảng viên trẻ nên tôi đã ứng tuyển và trúng tuyển. Trong 1 năm, tôi được chi trả toàn bộ học phí học cao học và được hỗ trợ 240,000 yên hàng tháng.

Nhờ chương trình này, tháng 6 năm 2001, tôi đã trở thành nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu tổng hợp của Đại học Meio ( vừa là nghiên cứu viên vừa là nghiên cứu sinh cao học). Ban đầu tôi định học 1 năm rồi về nhưng giáo sư hướng dẫn đã khuyên tôi ở lại. Tôi đã học tiếp năm thứ 2 và sử dụng tiền tiết kiệm và tiền đi làm thêm để trang trải cuộc sống. Tôi đã nghiên cứu về Miyazawa Kenji (một nhà văn nổi tiếng của Nhật). Sau khi tốt nghiệp, tôi làm nghiên cứu viên tại Trung tâm văn học thiếu nhi quốc tế tỉnh Osaka trong nửa năm.

Cuộc sống du học

“Mẹ Nhật”, người đã yêu quý tôi như con gái khi tôi sống ở Osaka

Trong thời gian du học trao đổi và khi làm nghiên cứu sinh cao học năm thứ 2, tôi đã đi làm thêm. Những công việc tôi đã làm khi ấy là rửa bát đĩa trong quán ăn, thu ngân ở siêu thị, lễ tân ở thư viện v.v. Ngày ấy, internet chưa phổ biến nên nếu muốn đi làm thêm, mọi người sẽ tìm áp phích tuyển nhân viên làm thêm rồi gọi trực tiếp tới nơi đó.

Hồi là du học sinh trao đổi và khi học thạc sĩ ở trường, tôi sống ở ký túc xá của trường. Trong ký túc xá có cả du học sinh đến từ các nước khác nên chúng tôi cùng nhau ăn uống, giao lưu và tham gia các sự kiện do địa phương tổ chức. Ngoài ra, trong trường cũng có “Trung tâm hỗ trợ du học sinh”. Ở đó có phòng giao lưu nên tôi có thể giao lưu với du học sinh nước khác bằng tiếng Nhật. Tôi cũng tích cực bắt chuyện với các bạn người Nhật và luôn cố gắng tạo ra nhiều cơ hội nói chuyện với người Nhật.

Sổ tay thu chi của tôi (Trung bình 1 tháng)

※Sổ tay thu chi vào năm thứ hai thạc sĩ (năm 2001~2002)

※100 yên = Khoảng 17,435 đồng (Tỷ giá ngày 26/2/2023)

Thu nhập: 110,000 yên ~130,000 yên
Lương làm thêm 110,000 ~130,000 yên
※Hai công việc (thu ngân ở siêu thị, lễ tân ở thư viện)
Chi tiêu: 91,000 yên
Học phí 1 tháng (1 năm chia thành 2 lần đóng) 50,000 yên
Tiền thuê nhà 10,000 yên
※Ký túc xá đại học
Tiền điện, nước, gas 5,000 yên
Tiền ăn (chủ yếu là tự nấu)/td> 15,000 yên
Tiền điện thoại di động 1,000 yên
Các khoản khác 10,000 yên
※Đi ăn bên ngoài v.v.
Chênh lệch mỗi tháng: Trung bình khoảng 30,000 yên
※Nhờ tiền tiết kiệm trong năm 1 thạc sĩ và tiền đi làm thêm trong kỳ nghỉ hè v.v., tôi đã giải quyết được vấn đề thiếu hụt hàng tháng.

Sống ở Okinawa theo công việc của chồng

Thành phố Nago, tỉnh Okinawa nơi cả gia đình tôi sống lâu dài

Chồng tôi tìm được việc ở Okinawa nên chúng tôi cùng nhau sống lâu dài ở Okinawa. Anh ấy vốn là bạn học cùng với tôi ở khoa Đông phương học. Anh ấy học thạc sĩ ở Đại học Meio sau tôi nửa năm.

Tôi tốt nghiệp thạc sĩ trước chồng nửa năm nên trong khoảng thời gian đó, tôi đã làm việc ở Osaka nửa năm. Tháng 3 năm 2004, tôi về nước và quay lại làm giảng viên tiếng Nhật ở khoa Đông phương học. Cũng trong khoảng thời gian đó, chồng tôi tìm được việc ở Okinawa. 10 tháng sau đó, vào tháng 1 năm 2005, chúng tôi kết hôn. Vào kỳ nghỉ hè và dịp Tết âm lịch, tôi sang Okinawa thăm chồng. Chúng tôi đã kết hôn nhưng “mỗi người một nơi” suốt 3 năm và trong 3 năm ấy, chúng tôi nói chuyện với nhau trên forum (diễn đàn trực tuyến). Thời ấy không có mạng xã hội như bây giờ. Sau khoảng thời gian đó, khi con gái lớn của chúng tôi gần 2 tuổi, tôi nghỉ việc và cùng con gái sang Okinawa để cả gia đình được sống cùng nhau. Tôi sinh con gái thứ hai ở Okinawa.

Những giáo viên mầm non tốt bụng

“Kyaraben” của Nhật (Hình ảnh minh họa)

Ở Okinawa, tôi đã gửi cả hai con vào nhà trẻ 5 năm. Nhà trẻ mà con tôi đi có quy định mỗi tháng 1 lần, các bé 1 tuổi trở lên sẽ mang cơm hộp đến nhà trẻ. Các bà mẹ Nhật thiết kế những hộp cơm theo những nhân vật hoạt hình gọi là “kyaraben” khá cầu kỳ và các con rất yêu thích. Tôi đọc sách hướng dẫn làm cơm hộp và trăn trở, “hộp cơm khó thế này thì mình không thể làm được”. Tôi đã nói chuyện với giáo viên của nhà trẻ để xin lời khuyên. Cô giáo đã động viên tôi là “chị không cần làm hộp cơm cầu kỳ đâu, chị cứ làm hộp cơm mà chị có thể làm được là được mà”.

Tôi nuôi con ở nước ngoài nên thường căng thẳng và tinh thần đi xuống. Có lần, tôi nói với cô giáo là tôi sẽ về Việt Nam vào kỳ nghỉ hè. Cô giáo đã nói với tôi là “chị hãy về nhà và làm nũng mẹ chị nhé”, câu nói ấy khiến tôi rất xúc động và suýt rơi nước mắt. Thì ra cô giáo không chỉ quan tâm đến con tôi mà còn quan tâm đến cả tôi nữa. Tôi rất cảm kích trước tấm lòng của các cô giáo ở đây.

Các cô giáo thường trò chuyện và chơi các trò chơi vận động cùng học sinh nên hai đứa trẻ nhà tôi rất thân với các cô. Cứ hết một lớp là lại có cô giáo mới phụ trách nhưng cô giáo nào cũng ân cần, tận tuỵ nên hai đứa con gái của tôi rất yêu trường. Vào lễ Thất tịch (Tanabata), mọi người sẽ viết điều ước lên giấy rồi buộc chúng vào lá tre. Con gái tôi đã viết là “mong cô giáo sớm tìm được người yêu”.

Tôi đã gửi hai con ở nhà trẻ tổng cộng khoảng 10 năm. Vào lễ bế giảng cuối cùng ở nhà trẻ của đứa thứ hai, tôi đã được phát biểu với tư cách là đại diện của phụ huynh học sinh. Trong tôi tràn đầy lòng biết ơn các thầy cô, bao nhiêu kỷ niệm ùa về khiến tôi vừa phát biểu vừa khóc. Hơn nữa, xung quanh tôi có rất nhiều bà mẹ tốt bụng nên tôi cảm thấy mình thật may mắn. Okinawa là vùng đất nhẹ nhàng, con người hiền hoà và nhân hậu.

Giảng viên tại đại học của Nhật

Ảnh chụp cùng sinh viên trường đại học Meio trong giờ học tiếng Việt (học trực tiếp và trực tuyến)

Năm 2008, tôi sang Okinawa rồi ở nhà nội trợ trong suốt 3 năm. Đến năm 2011, khi con gái thứ hai bắt đầu đi nhà trẻ, tôi quay lại làm thêm ở thư viện của Đại học Meio. Cũng từ năm ấy, nhờ lời tiến cử của giáo viên hướng dẫn ngày trước, tôi được phụ trách tiết học “Tình hình Việt Nam” (1 tuần 1 buổi) tại Đại học Meio với tư cách là giảng viên thỉnh giảng. Từ năm 2019, tôi được phân công dạy tiếng Việt (1 tuần 1 buổi) ở Đại học Meio và từ năm 2022 tôi cũng dạy tiếng Việt (1 tuần 2 buổi) ở Đại học Okinawa.

Dịch khoảng 20 đầu sách văn học Nhật Bản

“Khái lược văn minh luận” (trái) và “Tuyển tập truyện ngắn Miyazawa Kenji” (phải) do tôi dịch

Khi viết luận văn đại học, tôi nghiên cứu về nhà văn Miyazawa Kenji. Lúc đó, tôi đã dịch tác phẩm nổi tiếng của ông mang tên “Đường lên ngân hà”. Sau đó, khi học thạc sĩ và làm nghiên cứu viên ở Osaka, tôi tiếp tục nghiên cứu về Miyazawa Kenji. Tôi hiểu nhà văn hơn, năng lực tiếng Nhật của tôi cũng được nâng cao hơn. Tôi dịch lại “Đường lên ngân hà” và muốn độc giả người Việt đón nhận tác phẩm này. Tôi liên hệ với nhà xuất bản của Nhật để hỏi về vấn đề bản quyền, sau đó tôi gửi bản dịch đến nhà xuất bản ở Việt Nam và cuối cùng, tác phẩm đã được xuất bản.

Cũng nhờ cơ duyên ấy, từ đó tôi thỉnh thoảng dịch các tác phẩm văn học Nhật Bản. Đến nay tôi đã dịch và xuất bản khoảng 20 đầu sách. Trong số các tác phẩm ấy, tôi đã dành nhiều thời gian và tâm huyết cho những tác phẩm như “Một mùa thơ dại” của Higuchi Ichiyo, “Khái lược văn minh luận” của Fukuzawa Yukichi, “Ngàn cánh hạc” của Kawabata Yasunari v.v.

Cộng đồng người Việt ở Okinawa

Những năm gần đây, số lượng thực tập sinh Việt Nam sang Nhật tăng lên, nhiều người trong số đó đã bỏ trốn. Vì vậy, tôi bắt đầu dạy tiếng Nhật và văn hóa Nhật Bản cho thực tập sinh ở Okinawa. Tôi cũng cùng các em ấy tham gia các hoạt động ở địa phương, đi du lịch.

Lớp tiếng Nhật của tôi bắt đầu khai giảng từ tháng 10 năm 2019. Ban đầu, một công ty có thực tập sinh đang làm việc nhờ tôi dạy tiếng Nhật nên tôi đã dạy cho 3 em. Sau đó, tôi dạy ở Hội giao lưu quốc tế thành phố Nago. Tết âm lịch 2022, tôi kêu gọi các bạn thực tập sinh cùng nhau đón Tết và ăn liên hoan. Khi đó các em ấy nhờ tôi mở câu lạc bộ tiếng Nhật nên tôi đã xây dựng một Câu lạc bộ tiếng Nhật.Trong 2 năm 2020 – 2021, vào chủ nhật hàng tuần, tôi dạy tiếng Nhật cho các em tại nhà văn hóa địa phương. Mỗi tháng 1 lần, tôi sẽ để các em trải nghiệm văn hóa Nhật Bản như viết thư pháp (trong ảnh) v.v.

Đi du lịch trong ngày cùng các em thực tập sinh

Vào thời điểm đông nhất, lớp tiếng Nhật của tôi có 12 người, lớp trải nghiệm văn hoá có khoảng 30 người tham gia. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, chúng tôi không thể gặp nhau nên trong năm 2021, tôi chỉ mở một 1 lớp tiếng Nhật trực tuyến (1 tuần 1 buổi). Thông qua lớp học, một số học viên trong lớp đã đỗ N3, N4 (JLPT).

Ngoài ra, tôi thấy việc chia sẻ thông tin cần thiết cũng như việc tư vấn và tháo gỡ khó khăn dành cho người Việt là rất quan trọng. Ví dụ, việc phát phiếu giảm giá sản phẩm cho người tiêu dùng là một trong các đối sách được thực hiện trong thời kỳ COVID nhưng phần lớn người Việt không biết đến thông tin này. Vì vậy, tôi đã đăng thông tin lên Facebook để có nhiều người biết hơn. Ngoài ra, thành phố Nago - nơi tôi sinh sống khá xa thành phố Naha - trung tâm Okinawa nên khi cả gia đình tôi đi ô tô vào trung tâm Naha, tôi cũng giúp các em thực tập sinh mua đồ. Tôi sống và gắn bó với Okinawa đã lâu nên tôi muốn tiếp tục hỗ trợ các bạn người Việt ở đây.