Kinh nghiệm của tôi (Du học - Nhân lực chất lượng cao)

vol981
By KOKORO(Báo Mainichi+VAIJ;Đơn vị hỗ trợ: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, v.v.)

Giáo trình tiếng Nhật “Minna no nihongo” là giáo trình đầu tiên mà nhiều người nước ngoài sử dụng khi học tiếng Nhật. Thầy Vinh - Phó hiệu trưởng trường Đại học Đông Á là người đã dịch 4 quyển sách Giải thích ngữ pháp của Minna no nihongo. Bài viết này sẽ giới thiệu về kinh nghiệm du học Nhật Bản và cách học tập của thầy khi là sinh viên.

Gặp gỡ sempai số này

Ngô Quang Vinh

  • Năm 1998Tốt nghiệp THPT 〈Quảng Trị〉
  • Năm 1998Nhập học vào Khoa tiếng Nhật Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (hiện nay là Đại học Hà Nội)
  • Năm 2002Tốt nghiệp Đại học Hà Nội
  • Năm 2002Làm việc tại một công ty thiết kế của Nhật (Biên phiên dịch) 〈Hà Nội〉
  • Năm 2004Làm giảng viên tiếng Nhật tại Khoa tiếng Nhật Đại học Ngoại Ngữ - Đại học Đà Nẵng
  • Năm 2008Học dự bị thạc sĩ tại Đại học Hitotsubashi 〈Tokyo〉
  • Năm 2010Nhập học thạc sĩ tại Đại học Hitotsubashi
  • Năm 2012Nhập học tiến sĩ tại Đại học Hitotsubashi
  • Năm 2015Tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Hitotsubashi
  • Năm 2015Trưởng khoa Khoa tiếng Nhật - Hàn - Thái - Đại học Ngoại Ngữ - Đại học Đà Nẵng
  • Năm 2020Phó hiệu trưởng kiêm Trưởng khoa Khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Nhật Bản - Đại học Đông Á 〈Đà Nẵng〉
〈Sinh năm 1980, quê ở Quảng Trị〉

Dịch sách Giải thích ngữ pháp của “Minna no nihongo”

Khi bắt đầu học tiếng Nhật, chắc hẳn nhiều bạn sẽ sử dụng giáo trình “Minna no nihongo” và biết đến “Bản dịch - Giải thích ngữ pháp” của bộ sách này. Sách “Minna no nihongo” được viết hoàn toàn bằng tiếng Nhật nên khi không thể hiểu hết toàn bộ nội dung trong sách, bạn có thể tham khảo “Bản dịch - Giải thích ngữ pháp” để dễ dàng nắm bắt nội dung trong sách. Từ năm 2013 đến năm 2016, tôi đã phụ trách dịch “Bản dịch - Giải thích ngữ pháp” của “Minna no nihongo” Sơ cấp I, Sơ cấp II, Trung cấp I, Trung cấp II sang Tiếng Việt.

Tôi bắt đầu dịch những cuốn sách này khi đang du học tại Đại học Hitotsubashi (Tokyo). Khi đó, giáo sư hướng dẫn đánh giá tôi là người có cả năng lực tiếng Việt và năng lực tiếng Nhật nên thầy đã tiến cử tôi với nhà xuất bản. Khi dịch, tôi muốn chọn những từ tiếng Việt có thể truyền tải một cách chính xác nhất ý nghĩa của nguyên bản tiếng Nhật nên tôi đã dành nhiều thời gian để lựa chọn ngôn từ phù hợp.

Học tiếng Nhật ở đại học rồi vào làm việc trong công ty Nhật

Tham quan mỏ than của Nhật cùng đồng nghiệp trong công ty

Khi tôi học cấp ba, “Oshin” - bộ phim truyền hình nổi tiếng của Nhật được phát sóng ở Việt Nam. Tôi rất thích lối sống kiên cường và siêng năng của nhân vật chính. Tôi thích cả những ngôi nhà cổ của Nhật xuất hiện trong phim. Vì thế, tôi muốn tìm hiểu thêm về Nhật Bản. Hồi học cấp ba, tôi học tiếng Anh nhưng khi học đại học thì tôi muốn học một ngoại ngữ khác nên tôi đã vào Khoa tiếng Nhật của Đại học Ngoại Ngữ Hà Nội (hiện nay là Đại học Hà Nội).

Sau khi học tiếng Nhật trong 4 năm đại học, tôi vào làm việc tại một công ty của Nhật mà tôi tìm thấy thông tin tuyển dụng trên báo. Đây là công ty thiết kế kết cấu nhà gỗ. Tôi làm trưởng nhóm biên dịch tài liệu và phụ trách phiên dịch giữa giám đốc người Nhật và các kỹ sư người Việt. Sau đó, tôi muốn thử sức mình với công việc dạy tiếng Nhật ở đại học. Thông qua sự giới thiệu của một người quen, tôi trở thành giảng viên tiếng Nhật của Đại học Đà Nẵng.

Phương pháp học tiếng Nhật của tôi

Ảnh chụp trong lớp học của Đại học Ngoại Ngữ Hà Nội

Hồi học đại học, ngoài các tiết học trên giảng đường, tôi tự học 6 ~ 8 tiếng mỗi ngày. Ngày ấy, các tài liệu học trên mạng và giáo trình tiếng Nhật ở Việt Nam rất ít nên tôi đã tự tìm tòi và đề ra phương cách học tập cho chính mình Đây là phương pháp học tập của tôi khi ấy.

  • Đọc thông tin xuất hiện trên trang nhất của báo: Tôi thường xuyên đọc các mục thông tin xuất hiện trên trang nhất của báo Nhật rồi thảo luận với thầy cô ở trường bằng tiếng Nhật.
  • Tự đặt câu và đọc lên: Tôi dùng những từ vựng và mẫu câu trong sách rồi tự đặt câu và đọc lên thành tiếng.

Đi chơi với các bạn học cùng khoa tiếng Nhật của Đại học Ngoại Ngữ Hà Nội

Thêm nữa, tôi mua báo cũ của Nhật ở các hàng sách cũ rồi vừa tra từ điển vừa đọc. Khi học ngôn ngữ, tôi thấy việc sử dụng từ điển rất quan trọng. Tuy đã tra từ điển nhưng vẫn còn rất nhiều chỗ không hiểu nên tôi đã hẹn gặp giáo viên người Nhật duy nhất ở trường và nhờ cô ấy giải đáp những câu hỏi của tôi. Thật tiếc là thời ấy, ở Hà Nội có rất ít người Nhật nên tôi không có nhiều cơ hội giao tiếp với người bản ngữ.

Du học Nhật Bản trong 6 năm rưỡi

Tốt nghiệp thạc sĩ

Khi còn là giảng viên của Đại học Đà Nẵng, tôi đăng ký thi học bổng dành cho du học sinh do Bộ Giáo dục, Văn hoá, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT) cấp. Tôi đỗ kỳ thi do Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức nên tôi được sang Nhật với tư cách là du học sinh nhận học bổng Chính phủ Nhật Bản. Khi chọn trường du học, tôi đã tìm hiểu cả trường Đại học Ngoại Ngữ Tokyo nhưng tôi đã chọn Đại học Hitotsubashi - môi trường có thể học tập, nghiên cứu trong một nhóm nhỏ.

Và thế là tháng 10 năm 2008, tôi sang Nhật với tư cách là nghiên cứu sinh tại Đại học Hitotsubashi. Tôi đã du học bằng học bổng Chính phủ (MEXT) trong 6 năm rưỡi: 1 năm rưỡi làm nghiên cứu sinh, 2 năm thạc sĩ, 3 năm tiến sĩ. Trong thời gian du học, tôi sống cùng vợ khoảng 2 năm. Sau trận động đất và sóng thần ở khu vực phía Đông Nhật Bản vào năm 2011, vợ và con tôi về nước, tôi tiếp tục ở lại Nhật để học tập và nghiên cứu.

Vợ và con trai

Trong suốt thời gian du học, tôi được miễn học phí và nhận được tiền học bổng nên tôi đi làm thêm ở mức tối thiểu và dành toàn bộ thời gian cho việc học tập. Tuy nhiên, để có thể về nước vào dịp nghỉ lễ Obon và dịp Tết Nguyên Đán, tôi phải tiết kiệm, chắt chiu vì vé máy bay những đợt đó khá cao. Tôi thường chọn lộ trình Narita → Hongkong → Hà Nội → Đà Nẵng. Vì phải nối chuyến nhiều nên giá vé rất rẻ. Thời điểm rẻ nhất chỉ có 28,000 yên hai chiều nhưng trong thời gian tôi du học, chế độ cộng thêm phụ phí nhiên liệu (12,000 yên ~ 15,000 yên) bắt đầu được áp dụng nên tôi hơi ngạc nhiên. Ngoài ra, ngày ấy không thể gọi điện thoại bằng mạng xã hội nên tôi chỉ thỉnh thoảng nói chuyện với vợ qua cuộc gọi quốc tế với giá cước 3,000 yên 30 phút (mức cước rẻ nhất lúc ấy).

Sổ tay thu chi của tôi (Trung bình 1 tháng)

※Sổ tay thu chi khi tôi học tiến sĩ

※100 yên = Khoảng 18,218 đồng (Tỷ giá ngày 2/2/2023)

Thu nhập: 200,000 yên
Học bổng 150,000 yên
Lương làm thêm 50,000 yên
※Làm thêm (biên phiên dịch, hỗ trợ làm từ điển v.v.)
Chi tiêu: 100,000 yên
Học phí 0 yên
Tiền nhà 50,000 yên
※Ở Tokyo, phòng đơn
Tiền điện - nước - gas 5,000 ~ 10,000 yên
Tiền điện thoại di động 8,000 yên
※Bao gồm cả cước gọi quốc tế
Tiền Internet 6,000 yên
Tiền ăn 35,000 yên
※Bữa trưa ăn ở nhà ăn của trường, bữa tối chủ yếu tự nấu.
Tiền giao lưu với bạn bè 15,000 yên
Các khoản khác - Tiền đi lại 20,000 ~ 25,000 yên
※Tiền quần áo, sách vở, đi lại, mỹ phẩm v.v.
Chênh lệch mỗi tháng (Tiết kiệm): 60,000 yên
※Tiền tiết kiệm dùng để mua vé máy bay v.v. khi về nước.

Các hoạt động giao lưu trong thời gian du học

Cùng các bạn người Việt đi ngắm vườn kiểu Nhật Bản (có hệ thống chiếu sáng ban đêm)

Tôi đã sống ở Nhật 6 năm rưỡi nên tôi có rất nhiều cơ hội giao lưu với người Nhật. Ngoài những buổi đi ăn cùng thầy hướng dẫn và các bạn trong lớp, tôi cũng giao lưu với những bạn tôi quen ở nơi làm thêm.

Tôi cũng giao lưu với các bạn người Việt. Tôi có danh sách email của những bạn cùng đỗ học bổng Chính Phủ nên sau khi sang Nhật, chúng tôi có cơ hội giao lưu và kết bạn với nhau. Ngoài ra, Đại sứ quán Việt Nam tại Tokyo thường tổ chức các sự kiện nhân dịp Quốc Khánh, Tết Nguyên Đán nên tôi cũng giao lưu với những bạn người Việt tôi gặp trong các sự kiện như vậy.

Những khó khăn trong thời gian du học

Trong thời gian du học, tôi cũng đã gặp nhiều khó khăn.

Khi bị ốm vào ngày nghỉ

Vào ngày nghỉ, dù có đến các cơ sở y tế, bạn cũng không được tiếp nhận. Tới năm thứ 3 ở Nhật, tôi bắt đầu bị dị ứng phấn hoa. Tôi bị hắt hơi, sổ mũi và cảm thấy rất mệt mỏi. Vì thế, vào cuối tuần, tôi đã thử đến 2 - 3 cơ sở khám bệnh nhưng vì là ngày nghỉ nên không nơi nào tiếp nhận và cũng không ai cho tôi biết tôi nên làm thế nào. Sau đó, tôi cố gắng đến phòng khám vào ngày thường để khám và lấy thuốc. Ngoài ra, khi bị đau bụng dữ dội, tôi đã gọi cho bệnh viện gần nhà. Thế nhưng, họ trả lời là “nếu anh có triệu chứng nghiêm trọng hoặc bị thương nặng thì chúng tôi sẽ khám nhưng lần này thì chúng tôi không thể tiếp nhận” và từ chối tôi. Tôi đành chịu đau và không thể làm gì khác. Họ cư xử một cách máy móc nên tôi cảm thấy “vì tôi là người nước ngoài nên họ mới cư xử như vậy”. Tôi nghĩ Nhật Bản nên xây dựng thêm cơ chế đối ứng dành cho người nước ngoài khi họ cần hỗ trợ y tế khẩn cấp.

Tìm nhà

Khi đi tìm nhà, có nhiều chủ nhà đã từ chối tôi vì tôi là người nước ngoài. Sau đó, tình hình đã có tốt hơn trước nhưng tôi nghe nói bây giờ vẫn còn nhiều chủ nhà từ chối cho người nước ngoài thuê.

Cách cư xử với người nước ngoài

Khi tôi nói chuyện với bạn người Việt trên tàu, mấy người Nhật ở gần chỗ tôi đã đi ra chỗ khác. Chúng tôi hiểu văn hoá trên tàu nên đã nói nhỏ nhưng vẫn bị họ cư xử như vậy nên tôi thấy khá buồn. Ngoài ra, khi bị hắt hơi trên tàu, dù tôi có đeo khẩu trang thì vẫn bị những người xung quanh nhìn với ánh mắt lạnh lùng nên tôi cảm thấy đây cũng là cách họ có định kiến với người nước ngoài. Vì thế, khi bị cảm, tôi rất ngại đi tàu.

Tôi hy vọng người Nhật sẽ ra nước ngoài nhiều hơn và mở rộng thế giới quan, mở lòng hơn với người nước ngoài. Tôi cũng mong Chính phủ Nhật Bản bổ sung các dịch vụ hỗ trợ người nước ngoài ở các địa phương để người nước ngoài có thể sống thuận tiện hơn ở Nhật.

Xuất bản sách viết về tiếng Việt chuyên ngành bằng tiếng Nhật

Năm 2015, sau khi kết thúc quá trình du học, tôi trở thành Trưởng khoa của Khoa tiếng Nhật - Hàn - Thái - Đại học Ngoại Ngữ - Đại học Đà Nẵng. Sau đó, năm 2020, tôi trở thành Phó hiệu trưởng kiêm Trưởng khoa của Khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Nhật Bản tại Đại học Đông Á.

Trong thời gian du học, tôi nghiên cứu về giáo dục tiếng Nhật và loại từ trong tiếng Việt. Loại từ là cách đếm của từng loại danh từ. Ví dụ, khi đếm “hitotsu”, “ichimai”, “ikko” v.v. trong tiếng Nhật, người Nhật dùng loại từ là “tsu”, “mai”, “ko” v.v. Trong thời gian làm luận án tiến sĩ, tôi đã nghiên cứu và đưa ra tổng số loại từ trong tiếng Việt. Sau khi về nước, tôi tiếp tục đào sâu nghiên cứu và hiệu chỉnh luận án tiến sĩ. Năm 2023, tôi đã xuất bản sách chuyên khảo bằng tiếng Nhật có tựa đề “現代ベトナム語の類別詞研究: 類別詞の本質とその意味・用法” (tạm dịch: Nghiên cứu loại từ trong tiếng Việt hiện đại: Bản chất của loại từ và ý nghĩa - cách sử dụng của chúng). Quyển sách này cũng được bán trên Amazon nên tôi hy vọng nó có thể giúp ích cho các nhà nghiên cứu, giáo viên, người học tiếng Việt.

Về Đại học Đông Á

Cuối cùng, với tư cách là Phó hiệu trưởng kiêm Trưởng khoa, tôi xin giới thiệu về Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản của Đại học Đông Á. Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản của chúng tôi đang giảng dạy tiếng Nhật và chú trọng các điểm dưới đây.

  • Cung cấp kiến thức cơ bản và kiến thức chuyên môn cần thiết để người học có khả năng “nghe - nói - đọc - viết” tiếng Nhật và rèn luyện cách tư duy bằng tiếng Nhật, nâng cao năng lực giao tiếp tiếng Nhật.
  • Với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có hiểu biết sâu rộng về văn hóa Nhật Bản, chúng tôi tích cực triển khai các chương trình thực tập, giao lưu văn hoá, du học trao đổi v.v.
  • Chúng tôi xây dựng và tổ chức các buổi tham quan doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng, giúp sinh viên nâng cao hiểu biết về những công việc sử dụng tiếng Nhật và cải thiện khả năng giao tiếp tiếng Nhật.
    • Kinh nghiệm du học của tôi và các thầy cô giáo khác cũng được phát huy trong những chương trình như vậy.