Kinh nghiệm của tôi (Du học - Nhân lực chất lượng cao)

vol901
By KOKORO(Báo Mainichi+VAIJ;Đơn vị hỗ trợ: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, v.v.)

Ngay sau khi sang Nhật du học, Út đã nhận ra rằng “Nếu bản thân không thật sự cố gắng, thì dù có ở bao lâu đi chăng nữa cũng không thể giao tiếp bằng tiếng Nhật”. Bất cứ khi nào có thời gian, Út đều học tiếng Nhật, sau ba năm, đã đỗ được N1. Dù là để tìm kiếm công việc ở Nhật hay về nước làm việc trong các công ty Nhật Bản, tấm bằng N1 rất hữu ích với Út.

Gặp gỡ sempai số này

Tạ Thị Út

  • Năm 2011Tốt nghiệp cấp 3
  • Năm 2012Nhập học trường tiếng Nhật (Tỉnh Fukuoka)
  • Năm 2014Nhập học trường chuyên môn (Tỉnh Fukuoka)
  • Năm 2015Kết hôn, đỗ N1 (JLPT)
  • Năm 2016Tốt nghiệp trường chuyên môn
  • Năm 2016Làm việc ở Nhật (Tỉnh Aichi)
  • Năm 2017Về nước do chồng chuyển công tác
  • Năm 2017Làm việc tại chi nhánh của HIS tại Hà Nội (Nhân viên chính thức)
  • Năm 2019Sinh em bé
  • Năm 2020Làm việc tại công ty kiểm toán có vốn Nhật Bản (Hà Nội)
(Sinh năm 1993, quê Hà Nội)

Thiếu chuẩn bị khi đến Nhật

Chị gái của mình sang Nhật Bản du học từ năm 2010, sau đó kết hôn với người Nhật và sinh sống tại Nhật cho đến bây giờ. Sau khi tốt nghiệp cấp III, mình quyết định sang Nhật du học theo gương chị gái. Để chuẩn bị cho chuyến đi Nhật này, mình đã sống ở ký túc xá của một trung tâm tiếng Nhật tại Hà Nội và học tập ở đây trong vòng 3 tháng. Khoảng thời gian đó, tính cả giờ học trên lớp, mỗi ngày mình đã học tiếng Nhật 6 tiếng. Tuy nhiên, mình đã không biết tiếng Nhật cần thiết như thế nào để sống ở Nhật, vì vậy, bây giờ nhìn lại, mình thấy hồi đó đúng là mình đã không học tập chuyên cần.

Vì chỉ nhớ Hiragana, Katakana và những câu giao tiếp cơ bản, nên ban đầu, mình đã gặp nhiều khó khăn về ngôn ngữ.

Du học trường Nhật ngữ và trường chuyên môn

Chị gái đã sống cùng mình khi ở Nhật (Bên phải)

Mình đã bắt đầu cuộc sống du học vào tháng 10 năm 2012 tại trường Nhật ngữ “Học viện giáo dục quốc tế Nishinihon” tại thành phố Fukuoka, nơi chị mình đã từng theo học. Ba tháng đầu tiên, mình đã ở ký túc xá của trường, sang tháng thứ tư, mình đã chuyển ra ngoài sống cùng chị gái.

Sau khi kết thúc một năm rưỡi học ở trường tiếng, mình đã học tiếp tại một trường chuyên môn có tên là “International Contribution College”. Trường chuyên môn này có liên kết với trường tiếng mà mình đã theo học. Thực ra, mình đã muốn học tại một trường đại học hay một trường chuyên môn khác, nhưng nếu theo học ở trường có liên kết với trường tiếng thì sẽ được giảm học phí, do đó, mình đã chọn trường chuyên môn này. Tuy nhiên, sau này, mình đã rất hối hận khi quyết định theo học tại đây.

Thất bại trong việc chọn trường

Mình muốn học IT ở trường chuyên môn, và đã chọn chuyên ngành “Công nghệ thông tin”. Tuy nhiên, hầu như mình không được tham gia các tiết học chuyên ngành IT mà mình đã chọn. Lúc đó, trường chỉ vừa mới thành lập, do còn nhiều thiếu xót trong những bước chuẩn bị, nên giáo viên chuyên ngành IT đã không đủ.

Các tiết học liên quan đến IT hầu hết đều bị hủy, thay vào đó, mình buộc phải học các lớp tiếng Nhật. Hơn nữa, trước khi nhập học trường chuyên môn, mình đã đỗ N3 (JLPT), cho dù mình đang hướng đến việc học N2, N1, nhưng các lớp tiếng Nhật thay thế của trường chuyên môn chỉ dừng lại ở trình độ N3, N4. Mình đã than phiền rất nhiều lần với giáo viên phụ trách là “em muốn học IT nhiều hơn nữa”, v.v, tuy nhiên, mình đều không nhận được cải thiện từ phía nhà trường. Vì vậy, các bạn hãy tìm hiểu thật kỹ danh tiếng, chất lượng của trường trước khi quyết định học trường nào nhé!

Dù thức hay ngủ mình đều học tiếng Nhật

Trong những tháng đầu tiên bắt đầu cuộc sống du học, mình đã không thể tìm được công việc làm thêm vì năng lực tiếng Nhật chưa tốt. Mình đã được bạn bè giới thiệu các công việc làm thêm nhưng chỉ toàn là các nơi không cần phải nói tiếng Nhật như công xưởng v.v. Mình gần như không thể hiểu những người xung quanh nói gì, cũng không thể diễn tả những điều mình muốn nói, mình đã căng thẳng, bất lực và thường xuyên khóc ở nhà.

Sau đó, mình đã nhận ra rằng “nếu không hiểu tiếng Nhật, mình sẽ không thể làm gì”, “nếu bản thân không tự cố gắng, thì cho dù có giao lưu với bao nhiêu người Nhật đi chăng nữa, mình cũng không thể nói được tiếng Nhật”, và thế là, mình bắt đầu học tập điên cuồng. Ngoài giờ học trên trường, buổi trưa, buổi tối, ngày nghỉ, bất cứ khi nào có thời gian rảnh, mình đều cố gắng học tiếng Nhật hết sức có thể, ở chỗ làm thêm, mình cũng đã cố gắng hết sức để giao tiếp với tiền bối hoặc cấp trên.

Kết quả của sự cố gắng đó là 9 tháng sau khi bắt đầu du học, mình đã đỗ N3, sau hai năm, mình đã đỗ N1. Ban đầu, mình đã sử dụng sách “Mina no Nihongo”, sau đó để ôn N2 và N1, mình sử dụng tuyển tập đề thi được bán trên thị trường. Thêm vào đó, mình đã xem kênh Youtube (tiếng Nhật) mà bản thân yêu thích để luyện tập kỹ năng nghe.

Giao tiếp nhiều bằng tiếng Nhật tại chỗ làm thêm

Cùng đồng nghiệp người Nhật chỗ làm thêm ăn thịt nướng

Khi có thể nói tốt tiếng Nhật, mình bắt đầu được nhận làm các công việc bán thời gian có sử dụng tiếng Nhật. Theo đó, mình có thể luyện tập tiếng Nhật trong lúc làm việc, qua các tiền bối, đồng nghiệp người Nhật. Mọi người đã chỉ dạy cho mình khi gặp những từ hay cách nói mình không biết, hoặc sai. Do đó, mình đã nhanh chóng tăng khả năng giao tiếp bằng tiếng Nhật.

Khi tìm việc làm thêm, mình đã được bạn bè giới thiệu, đồng thời cũng xem tạp chí thông tin việc làm miễn phí, sau đó, mình gọi điện trực tiếp đến cửa hàng và đăng ký phỏng vấn. Mình đã thường xuyên đi ăn cùng với anh chị, bạn bè ở chỗ làm thêm sau khi trở nên thân thiết với mọi người. Có lần, mình còn được các bác ở xưởng giặt là mời mình và các bạn mình đến nhà ăn cơm. Cho đến tận bây giờ, mình vẫn giữ liên lạc trên Facebook, v.v. với các bạn bè người Nhật.

◎Một số công việc làm thêm chính mà mình đã trải nghiệm ở Nhật

Giặt ủi
Đây là công việc do 2, 3 người thực hiện để gấp những tấm rèm lớn đã được giặt sạch tại công xưởng.
Khách sạn
Xếp giường, dọn dẹp
Quán nhậu
Phục vụ bàn, lễ tân, chuẩn bị mở cửa
Nhà hàng
Nhà bếp, chuẩn bị sáng sớm (chuẩn bị nguyên liệu)
Cửa hàng cơm hộp
Nhà bếp, thanh toán
Tổ chức giám sát quản lý thực tập sinh (Nghiệp đoàn)
Phiên dịch, hỗ trợ cuộc sống của thực tập sinh kỹ năng
Sổ tay thu chi của mình (Trung bình một tháng)

※Sổ tay thu chi khi học tại trường chuyên môn

※100 yên = khoảng 18.218 VNĐ (Tỷ giá ngày 2/2/2023)

Thu nhập: 120.000 – 150.000 yên
Lương 120.000 – 150.000 yên
※Làm thêm 2, 3 chỗ
Chi tiêu: 158.000 – 160.000 yên
Học phí 55.000 yên
Tiền nhà (phòng đơn) 50.000 yên
※Sống 1 mình, đã bao gồm Wifi, nước
Điện – ga 8.000 – 10.000 yên
Điện thoại 8.000 yên
Tiền ăn 25.000 yên
※Thường ăn các bữa ăn miễn phí tại nơi làm thêm
Các khoản khác 10.000 yên
※ Phí đi lại, sách vở, quần áo
Chênh lệch mỗi tháng: 10.000 – 38.000 yên
※Vào các kỳ nghỉ dài như kỳ nghỉ hè, làm thêm nhiều để bù vào phần thiếu

Kết hôn với du học sinh tại Nhật

Mình và chồng thời điểm mới kết hôn

Chị gái mình đã học tiếp lên đại học ở Fukuoka sau khi học xong trường tiếng. Vào một ngày nọ, bạn nam cùng trường đại học với chị ấy đã đến nhà mình chơi. Không lâu sau đó, mình bắt đầu hẹn hò với anh ấy, khoảng hai năm rưỡi sau khi hẹn hò, anh ấy tốt nghiệp đại học và xin được công việc ở Nhật. Trước khi tốt nghiệp, chúng mình đã kết hôn và làm thủ tục kết hôn tại Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka. Sau đó, mình cũng tìm được việc, chuyển lên Nagoya và chúng mình đã sống cùng nhau.

Mình đã du học ba năm rưỡi cho đến lúc kiếm được việc làm, nhưng để trang trải học phí cũng như sinh hoạt phí, mình đã đi làm thêm vào sáng sớm và tối muộn, ngoài giờ làm thêm, mình tập trung vào việc học, nên vào ngày nghỉ, mình thường nằm dài ở nhà vì mệt mỏi và không đi du lịch nhiều. Ngay cả sau khi gặp chồng mình, chúng mình chỉ hẹn hò cùng nhau ở công viên, trung tâm trò chơi điện tử, v.v., và ít đi tham quan. Bây giờ nghĩ lại, mình ước đã đi du lịch nhiều hơn khi còn ở Nhật Bản.

Trở về nước vì chồng chuyển công tác

Trước khi về nước, mình đã mời gia đình ở Việt Nam đến Nagoya

Vợ chồng mình kết hôn vào năm 2015, mình dự định ở lại Nhật với tư cách là vợ của nhân viên chính thức, nên đã không thực sự đi tìm việc. Vì vậy, khi nơi làm việc của chồng mình chuyển lên Nagoya, mình đã tìm công việc làm thêm gần nhà. Trong khi tìm kiếm công việc làm thêm, tình cờ mình gửi hồ sơ ứng tuyển một công ty gần nhà. Sau đó mình được gọi phòng vấn và đã được nhận làm nhân viên chính thức của một công ty kinh doanh cửa hàng điện thoại.

Nhân viên cửa hàng điện thoại di động Nhật Bản phải làm các công việc hỗ trợ liên quan đến hợp đồng liên lạc nhiều hơn là bán điện thoại di động, vì vậy cần phải nhớ rất nhiều thứ. Vì lý do này, nhân viên mới thường trải qua 6 tháng đào tạo kể từ khi vào công ty trước khi có thể làm việc tại cửa hàng. Trong khóa đào tạo, mình đã học được cách thức đối ứng khách hàng, sử dụng máy tính và nhiều nội dung dịch vụ khác. Tuy nhiên, vì có thể ghi nhớ những công việc trong chỉ vỏn vẹn ba tháng, nên mình đã được chuyển đến cửa hàng sớm hơn bình thường. Tuy nhiên, sau hơn một năm rưỡi làm việc, do chồng mình đã chuyển công tác về Hà Nội, nên mình đã nghỉ việc và về nước cùng chồng.

Nhân viên chính thức tại công ty Nhật Bản tại Hà Nội

Tòa nhà nơi đặt văn phòng chi nhánh Hà Nội của HIS (Năm 2018)

Ngay sau khi trở về nước vào tháng 7 năm 2017, mình bắt đầu làm nhân viên chính thức tại chi nhánh Hà Nội của Công ty du lịch HIS, một công ty du lịch lớn của Nhật Bản. Mình phụ trách đặt vé máy bay, khách sạn và tour du lịch cho khách hàng Nhật Bản (chủ yếu là nhân viên nước ngoài cư trú tại Việt Nam) tại quầy bán hàng. Mặc dù cá nhân có thể tự đặt vé máy bay và khách sạn trên Internet, nhưng nếu sử dụng công ty du lịch cho các chuyến công tác, các hóa đơn cần thiết để kế toán xử lý sẽ được xuất, dịch vụ chăm sóc khách hàng cũng tốt, vì vậy, có rất nhiều người Nhật sử dụng của HIS.

Mình đã bắt đầu tìm việc ở Hà Nội ngay khi quyết định trở về nước. Tuy nhiên, không giống như Nhật Bản, hầu hết các công ty ở Việt Nam đều muốn người lao động bắt đầu làm việc ngay sau khi vượt qua cuộc phỏng vấn, vì vậy, cuối cùng mình đã tìm việc sau khi đã về nước trên Facebook và vào làm tại HIS.

Chuyển việc đến một công ty có vốn Nhật Bản khác

Tiệc cuối năm của HSKV

Mình đã làm việc khoảng hai năm rưỡi ở HIS và nghỉ việc để sinh em bé. Từ năm 2020, mình làm việc tại một công ty kiểm toán có vốn Nhật Bản là HSKV (Công ty TNHH Kiểm toán HSK Việt Nam).Công việc của mình là thư ký cho Chủ tịch người Nhật, với nội dung công việc như sau:

  • Dịch các báo cáo kiểm toán, báo cáo chuyển giá, báo cáo tổng quan tình hình kinh doanh, v.v.
  • Ghi chép sổ kế toán cho công ty khách hàng
  • Kiểm tra bảng lương của công ty khách hàng
  • Tính toán và khai báo thuế thu nhập cá nhân
  • Thực hiện thủ tục xin giấy phép lao động, visa và thẻ cư trú cho nhân viên người Nhật Bản của công ty khách hàng

Mình cũng tìm công việc tại HSKV trên Facebook, mức lương ở đây cao hơn khoảng 30% so với ở HIS. Mình quyết định chuyển việc vì ở HIS phải làm việc vào thứ bảy và chủ nhật. Điều này không thích hợp với cuộc sống của mình sau khi sinh con. Các yếu tố quyết định để mình chọn công ty hiện tại là giờ làm việc linh hoạt, cho phép mình đến nơi làm việc giao động từ 8:00 - 9:00 sáng, làm việc 8 tiếng, và công ty khá gần nhà mình.

Sau khi trở về Hà Nội và làm việc cho hai công ty Nhật Bản, mình thấy rằng, để làm việc tại công ty Nhật Bản, việc đỗ phỏng vấn hầu như được đánh giá trong buổi phỏng vấn (Khả năng nói chuyện tiếng Nhật, kỹ năng giao tiếp, v.v.) dường như được coi trọng hơn nội dung được viết trong sơ yếu lý lịch.

Những thứ mình nhận được nhờ đi du học Nhật Bản

Trong quá trình du học, mình đã rất hối hận vì đã chọn sai trường. Tuy nhiên, mặc dù không học được bất kỳ kiến ​​thức chuyên môn nào ở trường, nhưng mình đã chăm chỉ học tiếng Nhật, nỗ lực làm thêm, và đã có thể vượt qua kỳ thi JLPT N1 sau ba năm. Bên cạnh đó, mình đã tích cực nói chuyện bằng tiếng Nhật với các đồng nghiệp tại chỗ làm thêm, từ đó khả năng giao tiếp tốt hơn, điều này đã giúp mình rất nhiều khi về làm việc tại một công ty Nhật Bản tại Việt Nam.

Người học tiếng Nhật ở Việt Nam mà không đi du học cũng rất giỏi. Tuy nhiên, những bạn du học sinh thường có kỹ năng nghe nói tốt, và trải nghiệm cuộc sống, làm thêm ở Nhật, là những lợi cho quá trình làm việc tại công ty có vốn Nhật Bản. Mình thực sự nghĩ rằng việc có thể đi du học ở Nhật Bản là một trải nghiệm đáng quý và tuyệt vời.