Kinh nghiệm của tôi (Du học - Nhân lực chất lượng cao)

sumb
By KOKORO(Báo Mainichi+VAIJ;Đơn vị hỗ trợ: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, v.v.)

Gặp gỡ sempai số này

Lương Thị Tuyết

Sinh năm 1993 tại Hải Phòng
Tháng 6 năm 2011: Tốt nghiệp trường Trung học phổ thông Quang Trung
Tháng 9 năm 2011: Nhập học khoa Quốc tế học – Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn – Trường Đại học Quốc gia Hà Nội
Tháng 6 năm 2015: Tốt nghiệp khoa Quốc tế học – Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn – Trường Đại học Quốc gia Hà Nội
Tháng 4 năm 2016: Nhập học trường chuyên môn tại tỉnh Hyogo (Khoa tiếng Nhật)
Tháng 10 năm 2017: Nhập học ngành kinh doanh quốc tế Học viện Ehle
Tháng 3 năm 2018: Trở thành nhân viên chính thức của Công ty SINCOL

Lời giới thiệu

Sau khi tốt nghiệp Đại học ở Hà Nội, tôi theo học tại khoa tiếng Nhật ở một trường chuyên môn và đã xin việc thành công ở Nhật. May mắn gặp được cấp trên và những người đồng nghiệp tốt, tôi có động lực cống hiến và đang bắt đầu có những bước đi với nhiều trải nghiệm thú vị trên con đường trở thành người của xã hội. Có nhiều người coi kiếm tiền là mục đích chính khi đi du học Nhật, nhưng nếu được chúng ta vẫn có thể không cần phải gánh trên vai một khoản nợ nào, tập trung học hành và tìm được một công việc tốt khi sang Nhật. Những người làm được điều này sẽ có thể có được cuộc sống đầy màu sắc với tư cách một người đi làm tại Nhật và có thể kiếm tiền trong một thời gian dài. Ở bài chia sẻ này, tôi muốn giới thiệu với các bạn công việc, những chuyến du lịch, các hoạt động tình nguyện tại Nhật của tôi thông qua những bức ảnh.

Tại các thành phố lớn ở Nhật có rất nhiều cửa hàng sách hoành tráng (Tháng 9 năm 2019, trung tâm thành phố Osaka)

Hành trình tốt nghiệp trường chuyên môn và xin việc tại Nhật

Thời còn là cô sinh viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi theo học một lớp tiếng Nhật ngoài giờ trong vòng 4 tháng. Sau khi thi đỗ chứng chỉ năng lực tiếng Nhật N4, tôi sang Nhật vào mùa xuân năm 2016. Một tuần tôi đi học 2~3 buổi tại lớp học có tên “SOFL” ở Hà Nội với mức học phí rẻ, 4 triệu đồng 4 tháng.

Sau khi sang Nhật, tôi dự định sẽ theo học tại khoa tiếng Nhật tại một trường chuyên môn ở trong Tỉnh Hyogo trong 2 năm nhưng học được 1 năm rưỡi tôi nghỉ học, chuyển sang một trường chuyên môn khác ở thành phố Osaka có tên “Học viện Ehle”. Tại trường học đầu tiên ở Hyogo, tôi đã từng đạt được thành tích cao nhất nên khi đó có người đã khuyên rằng “ Em nên theo học các giờ học có trình độ cao hơn nữa” và giới thiệu cho tôi về Học viện Ehle.

Đào tạo ở Học viện Ehle bao gồm các chương trình thực tập tại các doanh nghiệp địa phương. Tôi đã có 2 tháng thực tập (mỗi tuần 3 buổi) tại một công ty du lịch nhỏ. Nội dung công việc là đặt vé máy bay và nghe trả lời điện thoại từ khách hàng. Tuy công ty này không tuyển dụng nhân viên sau khi thực tập nhưng tôi đã được Giám đốc ở đây giới thiệu một vài công ty khác và trong đó có công ty SINCO (Thành phố Higashi Osaka). Tôi bắt đầu làm việc tại SINCO từ tháng 3 năm 2018 dưới hình thức làm bán thời gian và nhân viên hợp đồng. Đến tháng 10 cùng năm, tôi trở thành nhân viên chính thức của công ty.

Ảnh chụp cùng cô bạn đồng hương thân thiết trước trung tâm mua sắm sau khi sang Nhật được vài ngày (Tỉnh Hyogo, tháng 4 năm 2016)

Cuộc sống tại Nhật ( Thời sinh viên)

Tôi sẽ giới thiệu về cuộc sống thời sinh viên trường chuyên môn của tôi tại Tỉnh Hyogo.

・ Học bổng.... Tôi nhận được học bổng của tỉnh Hyogo với mức 3 vạn yên/tháng. Dựa vào mẫu đơn đăng ký và bài luận sinh viên viết, trường sẽ tiến cử lên Tỉnh. Trong số các bạn sang cùng khoá khi đó, chỉ có duy nhất một mình tôi nhận được học bổng này.

・ Ký túc xá... Tôi cùng 3 người Việt Nam khác sống ở một căn hộ ( 2DK có đầy đủ nội thất ) do trường tiếng Nhật thuê. Có 1 phòng ngủ dành cho 2 người và có 1 phòng khách riêng. Tiền nhà là 15,000 yên (Khoảng 3.170.000 đồng/người), tiền ga- điện- nước tính riêng.

・ Làm thêm… Công việc đầu tiên của tôi là phụ trách sắp xếp, bổ sung thêm hàng hoá lên kệ trong siêu thị. Sau đó, tôi làm việc ở cửa hàng sushi băng chuyền trong khoảng 10 tháng. Thời gian đầu, tôi làm việc trong gian bếp. Sau khi tiếng Nhật giỏi lên, tôi chuyển sang phục vụ bàn (đón khách, nhận order…).

Khi chuyển đến Osaka, mỗi tuần tôi làm 2-3 buổi (từ 17:00 đến 22:00 giờ) ở cửa hàng tiện ích. Vì muốn đầu tư thời gian cho việc học nên tôi hạn chế đi làm. Nhưng cũng chính vì thế, tôi buộc phải vay tiền đứa bạn thân để trả tiền học phí và trang trải sinh hoạt phí.

Tôi và 2 cô bạn đồng hương thân thiết sang Nhật cùng nhau trước cửa ký túc xá trường ( Hyogo, tháng 5 năm 2016)

Xe đạp điện

Khi còn ở Hyogo, sau khi tan trường tôi đi làm thêm bằng xe đạp vì đi bằng tàu điện và xe buýt khá bất tiện. Lúc đầu, tôi mất 40 phút đạp xe tới chỗ làm thêm. Nhưng vừa mệt, vừa tốn thời gian nên tôi tiết kiệm tiền và sau nửa năm, tôi đã tậu được một chiếc xe đạp điện. Tuy chiếc xe này ngốn của tôi gần 10 vạn yên (Khoảng 21.125.000 đồng) nhưng tôi nghĩ hơn một nửa số du học sinh nước ngoài sống ở vùng quê đều sở hữu một chiếc xe như thế. Sau khi lên Osaka, giao thông bằng tàu điện tiện lợi hơn nên không cần đến xe đạp điện nữa.

Tuy nhiên, xe đạp điện của Nhật là dạng xe trợ lực, khác với loại Moped – một loại xe có gắn bàn đạp. Khi đi bằng Moped, nếu ở Việt Nam thì không sao nhưng ở Nhật thì yêu cầu giấy phép lái xe nên các bạn chú ý nhé!

[iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Những chú ý liên quan đến sử dụng xe Moped được đăng tải trên website của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam.

Đừng quá nôn nóng vì bạn vẫn có đủ thời gian kiếm tiền sau khi đi làm

Khi còn là cô du học sinh, hầu như tôi không tiết kiệm và gửi tiền về nhà được. Nhưng bây giờ, tôi đã đi làm ở Nhật và từ đây về sau có thể gửi tiền về cho bố mẹ. Có nhiều bạn chỉ vì muốn gửi tiền về cho gia đình mà hàng ngày đầu tắt mặt tối đi làm thêm, không dành thời gian cho việc học thì cũng không có địa chỉ xin việc nào chờ bạn đến tìm được. Làm thêm vừa đủ, học hành đến nơi đến chốn thì bạn đều có thể xin được một công việc tốt ở Nhật và Việt Nam, cảm thấy được giá trị cống hiến trong công việc, và có thể kiếm tiền dài hạn.

[iconpress id="local_120" title="book" style="color:#525252; font-size:25px;" ]Chi tiêu của tôi ( Trung bình một tháng) ※Sau khi xin việc

※100 yên=21,125 VND (Dựa trên tỷ giá ngày 01 tháng 12 năm 2019)

Tổng thu nhập ( Khoảng 170.000 yên)

Tiền lương 170,000 yên
※Đây là số tiền sau khi trừ thuế, bảo hiểm xã hội…
※Ngoài ra, còn có số tiền thưởng 2 lần/năm.

Tổng số tiền chi tiêu ( Khoảng 123,000 yên)

Tiền nhà (Chi phí ở ký túc xá) 48,000 yên
※Sống một mình
※Phòng đơn, nhà vệ sinh, vòi tắm hoa sen, sữa tắm.
※Bao gồm tiền nước
Tiền điện, tiền ga 6,000 yên
※Tổng tiền điện, tiền ga
Tiền điện thoại 3,000 yên
※ Mobile Biglobe (Đã bao gồm phí kết nối internet)
Tiền ăn 30,000 yên
※ Chủ yếu tự nấu cơm ăn
Các khoản mua sắm khác – Tiền đi lại 30,000 yên
※ Đi dã ngoại, karaoke, các chi phí đi chơi cuối tuần trong thành phố.
Lớp học bơi 6,500 yên

Số tiền còn lại (Tiền tiết kiệm) Trung bình 50,000 yên/tháng

※Số tiền còn lại hàng tháng gửi về cho bố mẹ.
※Số tiền tiết kiệm được từ khoản tiền thưởng, tôi dùng để mua vé nước dịp Tết, trả bạn thân số tiền đã vay từ thời sinh viên, hay dùng làm lộ phí mỗi lần đi tham gia tình nguyện xa.

Tìm niềm vui trong công việc

“SINCON” là công ty chuyên bán vật liệu trang trí nội thất như giấy dán tường, rèm cửa, thảm… Công ty cũng có giao dịch làm ăn với nước ngoài nên tôi phụ trách các thủ tục về xuất khẩu ( chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ…), liên lạc với các đại lý (gửi mail, fax, gọi điện), và đi công tác nước ngoài 1 năm 1 lần. Tính đến nay, tôi đã đi công tác ở Hồng Kông, Đài Loan, Việt Nam. Và trong lần về Việt Nam, tôi đã có một chút thời gian về thăm nhà ở Hải Phòng, và gặp được bố mẹ.

[iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Sincol

Ảnh chụp cùng cấp trên và đồng nghiệp người Đài Loan trong chuyến đi công tác Hồng Kông – Đài Loan – Việt Nam (Hà Nội). Tôi phụ trách phiên dịch cho công ty trong chuyến gặp gỡ, tìm hiểu thị trường với cửa hàng đại lý ở Hà Nội. Buổi tối, chúng tôi có chút thời gian thoải mái đi dạo quanh phố phường (Ảnh chụp tại Hồng Kông, tháng 10 năm 2018).

Tận hưởng Nhật Bản (Đi dã ngoại)

Khi còn ở Việt Nam, tôi chưa từng đi dã ngoại nhưng khi sang Nhật có rất nhiều tour dã ngoại để có thể “ tương tác” với thiên nhiên. Sau khi vào làm tại công ty, tôi thường cùng cấp trên và đồng nghiệp đi dã ngoại cuối tuần.

Ảnh chụp cùng cấp trên và đồng nghiệp (4 người) tại “Công viên Fuminnomori vườn Hoshida (Osaka) (Tháng 4 năm 2018)

Ảnh chụp cùng cấp trên và đồng nghiệp (4 người) khi đi leo núi Katsuragi – một ngọn núi thuộc dãy Kongo nằm giữa biên giới quận Chihayaakasaka (Osaka) và Gose (Nara).

Ảnh chụp tại lâu đài Takeda (Thành phố Asago, phía Bắc tỉnh Hyogo) khi đi cùng một bạn đồng nghiệp người Đài Loan (Tháng 12 năm 2018)

[video width="1540" height="1180" mp4="https://www.kokoro-vj.org/wp-content/uploads/2019/12/181223 竹田城趾①.mp4"][/video]

Tận hưởng Nhật Bản (Các hoạt động tình nguyện)

Sau khi đi làm, tôi cũng tham gia các hoạt động giao lưu tình nguyện. Ở Nhật, từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 có khoảng 1 tuần nghỉ dài gọi là “Tuần lễ vàng (Golden Week ). Tôi đã dành 6 ngày nghỉ trong tuần lễ vàng năm 2019 để đến một nơi mà ngay cả người Nhật cũng không biết. Đó là “Takarajima” – một hòn đảo xa bờ biệt lập thuộc Tỉnh Kagoshima để giúp đỡ người dân ở đây làm nông.

[show_more more=▼Đọc tiếp less=▲Đóng align="center" ]

Tôi biết đến thông tin về hoạt động tình nguyện này trên internet. Từ Osaka đến Kagoshima mất 75 phút đi máy bay. Tính cả tôi, tổng cộng có 7 tình nguyện viên (4 sinh viên, 3 người đi làm) đến từ các địa phương trên cả nước. Chúng tôi tập trung ở cảng Kagoshima, đi tàu khoảng 13 tiếng bằng chi phí đi lại tự túc. Sau đó, gặp gỡ người dân trên đảo ở cảng Takarajima, ở tại nhà của họ, giúp họ thu hoạch củ kiệu, trồng lúa, và làm đồ thủ công.

Biển ở Takarajima sở hữu một vẻ đẹp khó cưỡng mà tôi chưa từng được chiêm ngưỡng trước đó. Không chỉ có thế, bầu trời về đêm đầy ắp ngôi sao, và đó cũng là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy sao băng. Tuy phải chi một số tiền lớn cho chi phí đi lại dịp tuần lễ vàng, nhưng với tôi trải nghiệm tuyệt vời tại đảo kho báu Takarajima cũng là một kho báu quý giá trong cuộc đời của tôi.

[/show_more]

Ngoài ra, tháng 6 năm 2018 tôi đã tham gia hội giao lưu 2 ngày 1 đêm giữa các em học sinh tiểu học Nhật Bản và du học sinh nước ngoài được tổ chức tại thành phố Awaji, tỉnh Hyogo.

Hoạt động tham gia tình nguyện tại Takarajima (Tỉnh Kagoshima) – một trải nghiệm quý giá trong cuộc đời (Tháng 5 năm 2019)

Ảnh chụp khi tham gia sự kiện giao lưu giữa học sinh tiểu học Nhật Bản và du học sinh nước ngoài ở đảo Awaji (Tháng 6 năm 2018)

Tận hưởng Nhật Bản (Sợi dây gắn kết những người đồng hương Việt Nam)

Trước khi sang Nhật khoảng nửa năm, tôi tâm sự với 2 người bạn thân cấp 3 ở Hải Phòng về ý định đi Nhật. Sau đó vài tuần, 2 cô bạn này cũng nói “ sẽ đi Nhật cùng nhau ” và cả 3 nhập học cùng một trường chuyên môn. Ngoài ra, tôi cũng đưa cậu em họ (kém tôi 1 tuổi) sang Nhật sau khi tốt nghiệp trường nghề ở Việt Nam mà không tìm được công việc tốt.

Sau khi sang Nhật, tôi ở cùng phòng ký túc xá với 2 người bạn thân và cậu em họ, 4 người thường xuyên đi chơi với nhau. Sau một thời gian, tuy người ở Osaka người ở Hyogo, nhưng chúng tôi vẫn thỉnh thoảng tụ họp đi du lịch, ăn uống cùng nhau rất vui vẻ.

Ảnh đón Tết với những người đồng hương cùng sang Nhật ( Tại quán ăn Việt Nam ở Osaka, tháng 2 năm 2018)

Ảnh 4 người cùng đi du lịch mùa thu Kyoto (Ảnh chụp tại Kyoto, tháng 11 năm 2016)

Ảnh chụp cùng 4 bạn đồng hương trong chuyến du lịch 5 người đến công viên Nara (Tháng 3 năm 2019)

Lời kết

Tôi vừa giới thiệu với các bạn về các trải nghiệm của tôi trong công việc, du lịch và tham gia các hoạt động tình nguyện tại Nhật Bản. Khi còn là du học sinh, thay vì đi làm thêm nhiều tôi dành phần lớn thời gian cho việc học, sau khi kết thúc thời gian thực tập, đi làm bán thời gian trong quá trình đi tìm việc, tôi đã xin việc thành công tại một công ty của Nhật. Được giới thiệu cho một công ty tốt, hiện tại tôi đang được làm việc cùng cấp trên và những người đồng nghiệp tuyệt vời.

Các bạn cũng vậy nhé, nếu đã mất công đi du học thì hãy cố gắng học hành chăm chỉ để tìm được một công việc tốt. Điều quan trọng là bạn sẽ chỉ thấy được giá trị thật sự của bản thân sau khi đi làm, và việc kiếm tiền sau khi đi làm cũng sẽ ổn định và lâu dài hơn. Tôi chúc các bạn thành công trên con đường du học và xin việc tại Nhật.

Bức tranh chân dung tôi vẽ tặng vợ chồng bác Giám đốc quản lý (bên trái ) – người có trái tim ấm áp nhân hậu, một cấp trên tuyệt vời nhân dịp sinh nhật vợ của bác (bên phải)