Kinh nghiệm của tôi (Thực tập kỹ năng - Kỹ năng đặc định)

thumbnail25
By KOKORO(Báo Mainichi+VAIJ;Đơn vị hỗ trợ: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, v.v.)

Gặp gỡ sempai số này

OKADA CÚC

Sinh năm 1993 tại Hải Dương Tháng 5/2011: Tốt nghiệp trường THPT Tứ Kỳ 2
Tháng 2/2012: Vào làm việc tại Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam (SDVN) thuộc tập đoàn Sumitomo Electric Industries
Tháng 12/2013: Thôi việc tại công ty SDVN
Tháng 6/2014: Vào làm việc tại công ty Sumiden Việt Nam Automotive Wire (SVAW) thuộc tập đoàn Sumitomo Electric Industries
Tháng 10/2015: Thôi việc tại công ty SVAW, vào học tại công ty phái cử
Tháng 7/2016: Sau quá trình tập huấn, bắt đầu thực tập kĩ năng tại tỉnh Nara
Tháng 7/2019: Kết thúc chương trình thực tập kĩ năng
Tháng 5/2019: Kết hôn với đồng nghiệp người Nhật ở công ty thực tập
Tháng 9/2019: Bắt đầu làm bán thời gian tại đơn vị có quan hệ với công ty thực tập

Lời giới thiệu

Trong thời gian thực tập kĩ năng, chị Cúc được một nam đồng nghiệp người Nhật cầu hôn. Sau khi kết hôn, chị tiếp tục ở lại Nhật Bản sinh sống. Chúng ta hãy cùng xem tại sao chồng chị Cúc lại muốn được kết hôn với chị qua câu chuyện chia sẻ kinh nghiệm của chị nhé.

Định hướng phát triển sự nghiệp bằng con đường thực tập kĩ năng

Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi làm việc tổng cộng khoảng 3 năm tại 2 công ty của Nhật Bản tại quê nhà. Cả hai công ty (SDVN và SVAW) đều là công ty con của tập đoàn Sumitomo Electric Industries, sản xuất linh kiện điện cho xe ô tô. Công việc của tôi ở cả hai công ty đều là kiểm tra sản phẩm, nhưng do trong công ty có đồng nghiệp từng đi thực tập kĩ năng tại Nhật Bản, nên tôi cũng “muốn được đến Nhật”, “muốn thử học tiếng Nhật”, và đã sang Nhật Bản để thực tập kĩ năng. Mục tiêu ban đầu của tôi là sau khi về nước, với tiếng Nhật học được, sẽ quay về làm việc cho tập đoàn Sumitomo Electric Industries ở vị trí tốt hơn.

Số tiền trả cho công ty phái cử

Nhờ đồng nghiệp cũ giới thiệu, tôi chọn một công ty phái cử ở Hà Nội và học tập ở đó 6 tháng trước khi sang Nhật. Tôi trả cho công ty phái cử tổng số tiền khoảng 200.000.000 VND, bao gồm phí dịch vụ phái cử, tiền kí túc xá, tiền ăn và tiền học v.v... và chỉ mang theo người 3 vạn yên tiền mặt đi sang Nhật. Tính cả đồ mà cha mẹ chuẩn bị cho tôi mang theo khi đi Nhật, tổng số tiền vay nợ của gia đình tôi là khoảng 260.000.000 VND. Sau 18 tháng thực tập kĩ năng, tôi mới trả hết được khoản nợ này.

【Lời khuyên của Ban biên tập】

Theo quy định của Chính phủ Việt Nam, học phí cho phần đào tạo tiếng Nhật trước khi thực tập kĩ năng, tương đương khoảng 520 giờ học không quá 5.900.000 VND, còn phí dịch vụ phái cử không quá 3.600 USD (đối với trường hợp hợp đồng 3 năm). Ngoài ra, chi phí đi lại để sang Nhật và về nước sẽ do đơn vị tiếp nhận thực tập sinh (công ty tiếp nhận thực tập) chi trả. Trường hợp bị thu vượt các mức phí quy định này, các bạn hãy xác nhận thật kĩ nội dung và yêu cầu cấp hoá đơn đầy đủ. Ngoài ra, nếu bị yêu cầu chi trả những khoản chi phí không rõ ràng thì hãy xem xét lựa chọn công ty phái cử thực tập khác nhé.

Cùng bạn bè người Việt đi chơi Kyoto, Arashiyama. Tuy nhiên, cho đến khi trả hết nợ,
hầu như tôi không đi du lịch được mấy. (Tháng 11/2016)

※Về những điểm cần lưu ý khi lựa chọn công ty phái cử, xin tham khảo bài viết dưới đây:

[iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Số đặc biệt:Chi phí trả cho các công ty phái cử khác nhau đến mức nào/So sánh chi tiết

Làm các món ăn truyền thống trong thời gian thực tập

Tháng 8/2016, tôi vào làm việc tại một công ty chế biến và kinh doanh thực phẩm ở tỉnh Nara. Đây là công ty chế biến và kinh doanh món sushi truyền thống của tỉnh Nara gọi là “Kakinohazushi” (sushi lá cây hồng). Công việc của tôi tại xưởng bao gồm những việc như gói sushi vào lá hồng.

Kakinohazushi (sushi lá cây hồng)

Tôi vào công ty này cùng đợt với 2 bạn cùng công ty phái cử, chúng tôi là những thực tập sinh người Việt đầu tiên ở đây. Ở công ty này đã có 6 thực tập sinh người Trung Quốc, tính cả chúng tôi thì xưởng này có khoảng 20 người. Ngoài công việc gói lá hồng, chúng tôi còn làm sushi cá thu nướng hay Chirashizushi (cơm sushi ở trên có phủ nhiều loại thực phẩm khác nhau) và đóng vào hộp bento.

Ảnh tôi gói sushi vào lá hồng. Tôi được chọn làm mẫu chụp ảnh
cho thông báo tuyển nhân viên người Nhật.

Sổ tay thu chi của tôi (tính bình quân 1 tháng)

※ 100 yên = 21.876 VND (theo tỉ giá ngày 14/04/2020)
※ Các khoản thu chi cho đến khi trả được hết nợ

Lương về tay (100.000 yên)

Lương về tay 100.000 yên
※ Đây là khoản tiền về tay sau khi trừ thuế, bảo hiểm và tiền kí túc xá
※ Trong các khoản đã khấu trừ, tiền kí túc xá là 16.000 yên (kí túc xá là phòng riêng)
※ Hầu như không có làm thêm giờ

Chi phí (tổng cộng 20.000 yên)

Tiền điện, nước, ga 6.000 yên
※ Tiền điện, tiền nước, tiền ga
Wi-Fi 600 yên
※ Chia đều theo số người dùng chung
Tiền ăn 8.000 ~ 8.500 yên
※ Chủ yếu là tự nấu (mang theo cơm hộp bento để ăn trưa)
Chi phí lặt vặt 5.000 yên
※ Tiền mua quần áo và thỉnh thoảng lắm thì ăn ngoài

Khoản chênh lệch - Tiền để dành được (Trung bình khoảng 80.000 yên)

※ Gửi tiền về nhà 2 tháng một lần, mỗi lần 16 vạn yên
※ Tiền nợ nhiều nên cho đến khi trả được hết nợ, tức là khoảng 1 năm rưỡi, tôi hầu như không đi đâu chơi.

Ngắm hoa anh đào ở gần kí túc xá (Tháng 4/2017)

Đi chơi chùa Hasedera (tỉnh Nara) cùng thực tập sinh đến sau (Tháng 11/2017)

Học tiếng Nhật và giao lưu với người Nhật

Vì mục tiêu của tôi là phát triển sự nghiệp, nên sau khi đi làm về, mỗi tối tôi đều học 2 tiếng tại kí túc xá. Sau khi sang Nhật được 2 năm, tôi đỗ kì thi Năng lực tiếng Nhật trình độ N3. Ngoài ra, Chủ Nhật hằng tuần tôi còn đi học tiếng Nhật ở lớp miễn phí tại trung tâm văn hoá cộng đồng do các tình nguyện viên dạy, mỗi buổi 2 tiếng. Ở đây, tôi học rất nghiêm túc và được chọn phát biểu trong cuộc thi hùng biện của lớp.

Phát biểu về kinh nghiệm học tập trong cuộc thi hùng biện ở lớp tiếng Nhật

Giáo trình tôi dùng để học tiếng Nhật

Không chỉ vậy, hầu hết 100 học sinh tại lớp tiếng Nhật miễn phí đều là người Việt, nên tôi còn được giao lưu với thực tập sinh của các công ty khác. Chúng tôi cùng nhau đi chơi, tổ chức ăn uống nên tôi có thêm rất nhiều bạn bè.

Tiệc nướng BBQ cùng giáo viên và bạn bè người Việt ở lớp tiếng Nhật (Năm 2018)

Cùng bạn bè người Việt liên hoan cuối năm ở lớp tiếng Nhật (Tháng 12/2017)

Gặp gỡ và kết hôn với chồng người Nhật

Sau khi sang Nhật được 1 năm, vào tháng 9/2017, một nhân viên nam người Nhật hơn tôi 2 tuổi vào làm cùng xưởng với tôi. Hiện giờ, anh phụ trách phát triển sản phẩm kinh doanh nhưng khi mới vào công ty cũng bắt đầu với công việc gói món Kakinohazushi. Trong các thực tập sinh, tôi là người nói tiếng Nhật khá nhất nên tôi được giao nhiệm vụ hướng dẫn cho anh cách gói lá hồng hay cách dọn vệ sinh v.v… Vì vậy, chúng tôi thường trao đổi về công việc, thế rồi anh đề nghị kết nối với tôi qua LINE, và chúng tôi bắt đầu liên lạc với nhau bằng LINE ngoài giờ làm việc. Từ những câu chuyện như “Chào em, em đang làm gì vậy?”, “Em đang học ạ", chúng tôi bắt đầu hẹn hò, cùng nhau ăn uống hay lái xe đi chơi.

(Cả 2 ảnh) Thời chưa kết hôn, mỗi năm một lần, tôi cùng chồng đi lễ hội chăng đèn “Nabana no sato" ở tỉnh Mie (Tháng 1/2020)

Tôi từng đọc khá nhiều câu chuyện trên Facebook kiểu như “Trong thời gian thực tập, dù có yêu đương với người Nhật thì đến khi về nước cũng chấm dứt liên lạc thôi”. Tuy nhiên, tháng 2/2018, anh ấy nói với tôi rằng “Sau khi em thực tập xong, mình kết hôn nhé”. Thế là tháng 5/2019, chúng tôi đăng kí kết hôn tại Nhật Bản và chụp ảnh kỉ niệm. Về chuyện lấy chồng người Nhật, lúc đầu, mẹ tôi bảo “Mẹ muốn con về Việt Nam", nhưng sau nhiều lần trò chuyện qua điện thoại, mẹ cũng chấp nhận cuộc hôn nhân của chúng tôi. Chúng tôi dự định tháng 2/2020 sẽ tổ chức hôn lễ tại quê hương tôi, nhưng do ảnh hưởng của vi-rút corona chủng mới, đám cưới của chúng tôi đã phải hoãn lại.

Ảnh kỉ niệm hồi đăng kí kết hôn (Tháng 5/2019)

Cuộc sống tại gia đình nhà chồng sau khi kết hôn

Chúng tôi sống cùng nhà với bố mẹ và em gái của chồng tôi. Tôi đã đề nghị với chồng chuyện về sống chung vì nghĩ rằng như vậy sẽ khiến cha mẹ anh ấy vui lòng. Hằng ngày, tôi cùng với mẹ chồng nấu nướng, và những khi công việc tại khách sạn thương mại mà mẹ chồng tôi kinh doanh trở nên bận rộn, tôi lại giúp bà việc thay khăn trải giường. Mẹ chồng đối xử với tôi rất tốt, chúng tôi cùng đi mua sắm và cùng nhau ăn trưa ngoài quán. Sinh nhật chồng, tôi làm các món nem rán, trứng cuộn thịt rán, gà rán, rau trộn củ quả để mời cả nhà cùng ăn. Ngày nghỉ, cả gia đình thường hay cùng nhau đi du lịch, xem pháo hoa, đi ăn các món ăn ngon, cuộc sống gia đình chúng tôi luôn vui vẻ.

Cả gia đình cùng chúc mừng sinh nhật chồng tôi (Tháng 2/2019)

Hai vợ chồng đi ngắm hoa anh đào trong thành phố Nara (Tháng 4/2019)

Gia đình cả 5 người cùng lái xe đi chơi (Tháng 10/2019)

【Phỏng vấn】Nội dung phỏng vấn anh Okada Takuya, chồng chị Cúc

Ban biên tập đã phỏng vấn xem anh Odaka thấy chị Cúc thu hút ở những điểm nào?

・Xin anh kể về lần đầu tiên gặp chị Cúc
―― Khi làm việc, chúng tôi mặc đồ trắng, đeo khẩu trang và trùm kín đầu nên chẳng nhìn thấy gì ngoài cặp mắt, nhưng khi các thực tập sinh nói chuyện thì tôi sẽ nhận ra là người nước ngoài. Tuy nhiên, riêng có mình Cúc là nói tiếng Nhật giỏi, lại thạo công việc nên ban đầu tôi cứ tưởng cô ấy là người Nhật. Làm việc được khoảng 1, 2 tuần, khi tôi hỏi tên thì mới biết cô ấy là người Việt.

・Do đâu mà anh chị bắt đầu hẹn hò với nhau?
―― Tiếng Nhật của cô ấy đủ để trò chuyện, vẻ ngoài lại dễ thương nên tôi nhắn tin qua LINE và mời cô ấy đi ăn.

・Yêu nhau thời gian chưa nhiều mà anh chị đã quyết định kết hôn nhỉ.
―― Hồi mới yêu nhau và trò chuyện, tôi nhận thấy cô ấy là người biết quan tâm đến gia đình, tính cách lại vui vẻ và tốt bụng. Ngoài ra, mặc dù dậy từ 3 giờ sáng, rồi làm công việc thực tập từ 4 giờ sáng đến tận 1 giờ chiều nhưng ngày nào cô ấy cũng dành 2 tiếng đồng hồ để học tại kí túc xá, Chủ Nhật còn đi đến lớp học tiếng Nhật nữa. Nỗ lực hơn người của cô ấy đã lôi cuốn tôi.

・Cô ấy làm dâu ra sao?
―― Cô ấy rất chu đáo và chịu khó làm việc nhà. Mẹ tôi quý cô ấy lắm, hai người thường cùng nhau đi mua sắm và ăn trưa cùng nhau nữa. Cô ấy dễ mến, lại rất quan tâm đến cha mẹ tôi nên rất được mẹ tôi yêu quý.

Ảnh chụp cùng chồng (Tháng 12/2019)