Kinh nghiệm của tôi (Du học - Nhân lực chất lượng cao)

thumbnail26
By KOKORO(Báo Mainichi+VAIJ;Đơn vị hỗ trợ: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, v.v.)

Gặp gỡ sempai số này

Trần Như Hoài

Sinh năm 1982 tại Đà Nẵng
Tháng 5/2000: Tốt nghiệp trường THPT Lê Quý Đôn
Tháng 7/2000: Vào học trường Nhật ngữ Đông Du
Tháng 3/2001: Tốt nghiệp trường Nhật ngữ Đông Du
Tháng 3/2003: Tốt nghiệp Trung tâm Giáo dục Nhật ngữ Shizuoka
Tháng 3/2008: Tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Tokyo, khoa Quản trị kinh doanh công nghiệp
Tháng 3/2018: Tốt nghiệp Thạc sỹ Quản trị kinh doanh, trường Đại học Khoa học Kỹ thuật Thụ Đức (Đài Loan)
Tháng 4/2008: Vào làm việc tại Công ty Thiết kế IKESHITA (nhân viên chính thức, bộ phận thiết kế thi công)
Tháng 1/2010: Thôi việc tại Công ty Thiết kế IKESHITA, thôi việc để về nước
Tháng 1/2011: Làm giảng viên tại Đại học Bách khoa Đà Nẵng, khoa Quản lý dự án
Tháng 3/2014: Thôi việc tại Đại học Bách khoa Đà Nẵng, khoa Quản lý dự án
Tháng 6/2011: Thành lập công ty SIGNART
Tháng 10/2015: Thành lập công ty NAL SOLUTIONS
Tháng 2/2017: Thành lập công ty UHOME

Lời giới thiệu

    Từ khi còn rất ít người Việt sang Nhật du học, anh Hoài đã nỗ lực hết sức trong cả việc học lẫn việc làm thêm ở Nhật Bản. Sau khi học lên đại học tại một ngôi trường danh tiếng, anh làm việc 2 năm tại một công ty rất tốt rồi về nước và tận dụng năng lực tiếng Nhật cùng các mối quan hệ xây dựng được ở Nhật Bản để khởi nghiệp. Sau đây, xin được giới thiệu câu chuyện chia sẻ kinh nghiệm của anh Hoài, người đã phát huy kinh nghiệm tích lũy được tại Nhật Bản, cũng như mối nhiệt huyết dành cho công việc ấp ủ trên đất Nhật để phát triển công việc kinh doanh một cách thuận lợi.

Chụp tại Seattle trong đợt đi công tác (Năm 2016)

Quyết tâm du học để mở rộng hiểu biết

    Khi tôi vừa tốt nghiệp trung học phổ thông thì cũng là lúc trường Nhật ngữ Đông Du ở thành phố Hồ Chí Minh đang tuyển các ứng viên đi du học. Hồi đó, hiệu trưởng của trường Nhật ngữ Đông Du là thầy Hoè với tâm niệm “Đưa thật nhiều người trẻ tuổi sang Nhật Bản để phát triển đất nước Việt Nam”, thầy đã xây dựng chế độ học bổng, thu hút các học sinh có thành tích học tập tốt trên khắp cả nước. Với mong muốn được mở rộng vốn hiểu biết của bản thân, sau khi nhận được lời gợi ý từ Hội Khuyến học Đà Nẵng, tôi đã ứng tuyển vào trường.

Chụp cùng thầy Hòe (người đứng giữa) tại tiệc kỉ niệm 25 năm thành lập trường Nhật ngữ Đông Du (Năm 2016)

    Sau khi học tiếng Nhật 9 tháng tại trường Đông Du, tháng 4/2001, tôi vào học tại một trường tiếng Nhật ở tỉnh Shizuoka. Nhờ có chế độ học bổng nên toàn bộ chi phí sinh hoạt và tiền học tại thành phố Hồ Chí Minh cũng như tiền vé máy bay sang Nhật của tôi đều là miễn phí. Hơn thế nữa, ngay cả học phí ở Shizuoka, các học sinh Đông Du đến tận khi tốt nghiệp mới phải chi trả. Vì vậy, tôi đã không phải vay nợ đồng nào khi đi du học.

Được các sempai Đông Du trợ giúp

    Thời gian đầu mới sang Nhật, tôi thật may mắn khi nhận được rất nhiều trợ giúp của các sempai Đông Du. Thầy Hòe hiệu trưởng thường dạy chúng tôi rằng “các em hãy hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau nỗ lực để phát triển đất nước Việt Nam” nên mối quan hệ giữa các học sinh cùng khoá chúng tôi từ xưa đến nay luôn khăng khít. Thời đó, học sinh Đông Du chỉ sang du học tại các trường ở Tokyo và Shizuoka, du học sinh cùng khoá ở Shizuoka (bao gồm cả sinh viên đại học, học sinh trường tiếng Nhật) chỉ có khoảng mười mấy người. Du học sinh sang cùng đợt chúng tôi tính cả Tokyo và Shizuoka tổng cộng chỉ có 20 người.

Tham gia giải bóng đá sân nhỏ cùng bạn bè du học sinh Đông Du (Thời đại học)

   Về chỗ ở, tôi được các sempai Đông Du cho ở chung tổng cộng 5 người trong ngôi nhà nguyên căn cũ mà các sempai đang ở. Tivi, tủ lạnh, máy giặt cũng đều là đồ mà các sempai đã tốt nghiệp để lại cho.

Có được việc làm thêm sau hơn 50 lần gọi điện thoại

    Thời gian đầu, tôi hầu như chưa nói được tiếng Nhật mấy nên phải nhờ vả các sempai chuyện tìm việc làm thêm. Sau khi sang Nhật được 2 tuần, tôi bắt đầu công việc làm thêm ở một cửa hàng hải sản tươi sống mà sempai đã làm. Công việc của tôi là đóng gói cá vào hộp rồi dán nhãn giá và bày ra quầy hàng. Thời gian làm việc của tôi là từ 5 hay 6 giờ sáng, mỗi buổi từ 2 đến 3 tiếng đồng hồ và không có ngày nghỉ. Lương giờ là 600 ~ 700 yên, lương mỗi tháng từ 20.000 ~ 30.000 yên.

    Vì tiền lương làm thêm như vậy không đủ trang trải tiền học, chi phí sinh hoạt và phí nhập học đại học nên tôi tìm kiếm thêm công việc khác trong tạp chí giới thiệu việc làm và gọi điện thoại đến xin việc. Tôi làm theo lời sempai dạy và hỏi thăm rằng “Tôi gọi điện thoại vì đọc thấy mẩu tin quảng cáo ở…., xin phép cho hỏi công việc baito còn đang tuyển người không ạ?” Thế nhưng, đầu dây bên kia cứ nói nhiều là tôi nghe lại không hiểu được. Những lúc như thế, tôi lại nói “Xin lỗi ạ" rồi cúp máy. Tuy nhiên, sau nhiều lần điện thoại như thế, tôi cũng quen dần, và cũng có người chịu nói chuyện chậm rãi cho tôi dễ hiểu.

    Kể thêm một chút, điện thoại tôi dùng để tìm việc làm thêm là điện thoại công cộng. Hồi đó, điện thoại di động cũng như mạng internet chưa phổ cập, dù có mua thẻ điện thoại giá 2000 hay 3000 yên để gọi về Việt Nam thì cũng chỉ nói chuyện được vài phút. Trong các bạn bè du học sinh của tôi, những ai có người yêu ở Việt Nam thì rất là vất vả.

    Sau khi gọi điện thoại hơn 50 lần, tôi cũng được đến phỏng vấn công việc rửa bát tại một cửa hàng ăn uống và được nhận vào làm. Trong các bạn sang cùng đợt với tôi, có người còn gọi đến hơn 100 cuộc điện thoại mà không được đến phỏng vấn lần nào, nên tôi quả thực là rất may mắn. Tôi làm ở cửa hàng này gần như tất cả các ngày, từ buổi chiều đến tận đêm khuya. Ngoài ra, tôi còn làm thêm công việc ở nhà máy chế biến đồ ăn sẵn, nên sau khi làm xong công việc rửa bát, tôi còn làm việc đến tận 2 giờ sáng. Buổi sáng tôi lại đi làm ở cửa hàng cá nữa, nên có thời gian mỗi ngày tôi chỉ ngủ được trên dưới 3 tiếng đồng hồ. Ban ngày, sau khi hết giờ học, tôi tranh thủ học thi cho đến giờ phải đi đến chỗ làm công việc rửa bát. Hồi đó, hầu như chưa có các quy định hạn chế thời gian làm thêm của du học sinh.

Sổ tay chi tiêu của tôi (tính bình quân 1 tháng)

※ Thời gian học ở trường tiếng Nhật

※ 100 yên = 21.707 VND (tỉ giá ngày 19/04/2020)

Thu nhập (tổng cộng khoảng 150.000 ~ 180.000 yên)

Lương làm thêm (cả 3 công việc, bao gồm cả việc trong nhà máy chế biến đồ ăn sẵn) Tổng cộng khoảng 150.000 ~ 180.000 yên
※ Khoảng thời gian thu nhập cao nhất (mỗi ngày chỉ ngủ 3 tiếng)

Tổng chi phí (không còn nhớ rõ)

Tiền thuê nhà + tiền điện, nước, ga 10.000 ~ 13.000 yên
※ Mức tiền sau khi chia đều chi phí cho 5 người
Tiền ăn Không nhớ rõ
※ Thường xuyên ăn suất cơm giá rẻ ở chỗ làm thêm
Tiền học 50.000 yên
Chi phí lặt vặt Không nhớ rõ

Khoản chênh lệch・tiền để dành (từ vài vạn đến 10 vạn yên trở lên)

※ Khoản tiền dư này tôi để dành để đóng tiền nhập học đại học

Rèn luyện thêm tiếng Nhật qua chương trình truyền hình

   Vì chủ cửa hàng hải sản là người rất tốt bụng nên tôi cảm thấy không thể cứ để việc mình không hiểu rõ tiếng Nhật làm phiền đến người ta và đã quyết tâm dốc sức học tập. Chỉ học ở trường thôi là chưa đủ, nên tôi đã suy nghĩ xem làm thế nào để tiếng Nhật tiến bộ nhanh hơn nữa. Thế rồi, khi nhìn đám trẻ nhỏ nói tiếng Nhật ngoài công viên, tôi nghĩ “có lẽ người lớn cứ suy nghĩ nhiều quá nên ngôn ngữ mới không giỏi lên được", và bắt đầu cố gắng xem phim truyền hình và các chương trình hài hước trên tivi. Ngay cả khi đang học, tôi cũng bật tivi để lúc nào tai cũng nghe thấy tiếng Nhật. Khi nghe thấy câu thoại hay trong phim truyền hình, ngày hôm sau, khi đang làm công việc làm thêm, tôi lại nhẩm lại để ghi nhớ. Cứ như vậy trong khoảng nửa năm, cả khả năng nghe và nói của tôi đều tiến bộ.

   Sau khi học 2 năm ở trường tiếng Nhật, tôi tốt nghiệp nhưng lại trượt kì thi đầu vào trường Đại học Osaka. Vì vậy, thời gian đó tôi vừa góp sức xây dựng khoa tiếng Nhật tại Trường chuyên môn Morioka Joho Businesss, vừa nghiêm túc nỗ lực học ôn thi. Năm sau (2008), tôi đã đỗ vào trường Đại học Công nghiệp Tokyo.

Chụp tại chùa Sensoji ở Tokyo (khoảng năm 2007)

Tính toán trước việc tự kinh doanh sau này ở Việt Nam để chọn lựa công việc

    Sau khi đỗ vào đại học, tôi nghĩ “từ nay về sau, trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam, ngành xây dựng cũng sẽ tăng trưởng, mình nên làm công việc có thể đóng góp vào sự tăng trưởng đó và cống hiến cho đất nước”. Vì vậy, tôi đã tìm kiếm công việc làm thêm là vẽ bản thiết kế. Kết quả là từ năm thứ 3 đại học, tôi làm thêm tại Công ty Thiết kế Ikeshita và năm 2008, ngay sau khi tốt nghiệp, tôi vào làm chính thức tại công ty này.

Bản vẽ thi công (Từ trang web của Công ty Thiết kế Ikeshita)

    Công ty thực hiện các công việc như thiết kế sản xuất (bản vẽ thi công) hay quản lý thi công, nhận thầu phụ lại từ các tổng thầu thi công, tham dự vào việc xây dựng các công trình quy mô lớn như nhà cao tầng hay các công trình phức hợp. Tôi rất có cảm hứng đối với công việc này và luôn luôn bận rộn. Tuy nhiên, do khủng hoảng toàn cầu năm 2008, nền kinh tế suy thoái và tương lai mờ mịt của ngành xây dựng Nhật Bản khiến tôi lo lắng. Từng nghe chuyện của sempai người Việt rằng cứ bận rộn mãi nên bỏ lỡ cả cơ hội về nước nên nhân dịp này, tôi xin thôi việc và tháng 1/2010, tôi trở về Đà Nẵng.

Thời làm việc ở Công ty Thiết kế Ikeshita. Đi tham quan nhà mẫu của Nhật để học hỏi. (Tháng 7/2009)

Khởi nghiệp ở Việt Nam

    Sau khi về nước, tôi làm giảng viên ở Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Song song với việc giảng dạy, năm 2011, tôi và các bạn cùng du học Nhật Bản thành lập công ty SIGNART. Đây là công ty thiết kế cấu trúc cho nhà ở kết cấu gỗ, nhận đặt hàng từ công ty thiết kế thi công của Nhật Bản vẽ các bản vẽ thiết kế kết cấu và soạn thảo hồ sơ xin cấp phép xây dựng. Ngoài ra, năm 2015, tôi còn tham gia thành lập công ty phát triển phần mềm NAL SOLUTIONS. Một bạn thuộc thế hệ sau tôi từng du học Nhật Bản mở công ty IT ở Hà Nội, và khi công ty này phát triển thị trường tới Đà Nẵng, tôi đã cùng góp sức vào việc kinh doanh này. Cả hai công ty đều nhận đặt hàng từ Nhật Bản và thực hiện tại Việt Nam. Ngoài ra, tôi còn tham gia một loạt các công việc khác nữa.

Chụp tại công ty NAL SOLUTIONS (Năm 2017)

Mở rộng lĩnh vực kinh doanh

    Thời gian sau, vận dụng các kiến thức và kinh nghiệm thiết kế nhà ở kết cấu gỗ của Nhật Bản tích luỹ được ở công ty SIGNART, tôi phát triển thêm công việc thiết kế và kinh doanh nhà ở nguyên căn dành cho người Việt. Đó là vì tôi muốn cung cấp cho người Việt những ngôi nhà dễ chịu với chất lượng Nhật Bản.

    Nhà ở tại Việt Nam thường có mặt tiền hẹp, thiếu ánh sáng và bí (tối tăm và nóng bức), giá đất ở các thành phố lớn lại ngày càng đắt đỏ. Vì vậy, với mong muốn cung cấp được các căn nhà dễ chịu lại có mức giá mà người dân bình thường cũng mua được, tôi đã phát triển khu nhà ở tại tỉnh Quảng Ngãi và vào năm 2016 bắt đầu bán 200 căn. Việc xây dựng và bán nhà nằm ngoài các khu đô thị lớn ở Việt Nam là chuyện lạ lùng, nhưng sau khi giải thích những điểm vượt trội trong thiết kế cho khách hàng, năm 2018, khi chưa hoàn công, tôi đã bán được hết tất cả các căn. Có cả các khách hàng đến tận công trường xây dựng để tham quan, sau đó mới yên tâm và quyết định mua nhà. Năm 2017, tôi tách riêng bộ phận phát triển bất động sản ra và thành lập một công ty khác có tên UHOME.

Công trường xây dựng khu nhà ở tại tỉnh Quảng Ngãi. Phía xa bên trái là các căn đã hoàn thiện trước. (Năm 2018)

Hãy mở rộng các mối quan hệ từ thời du học

   Thời làm việc ở Công ty Thiết kế Ikeshita, tôi dùng phần mềm máy tính hỗ trợ thiết kế CAD để vẽ các bản vẽ thi công. Ở công ty SIGNART, tôi ứng dụng các kinh nghiệm đó, dựa trên bản vẽ bố trí căn nhà để xây dựng bản vẽ thiết kế cấu trúc. Thế rồi, ở công ty UHOME, các kiến thức về xây dựng, thiết kế thi công và quản lý học được ở Nhật Bản là vô cùng hữu ích.

    Trong công việc của tôi hiện nay, khả năng tiếng Nhật là rất hữu ích, nhưng tôi cho rằng nhờ các mối quan hệ và ý thức chuyên nghiệp bồi đắp ở Nhật Bản, cũng như tư tưởng tràn trề nhiệt huyết kiểu Nhật “muốn cung cấp những căn nhà thật tốt" đã khiến tôi được tin tưởng. Trong thời gian du học, ngoài việc học tập và đi làm thêm, tôi còn tham gia rất nhiều hoạt động như hỗ trợ du học sinh hay tham gia câu lạc bộ trong trường đại học (bóng đá sân nhỏ). Các bạn du học sinh đi sau cũng vậy, đã mất công tới Nhật Bản, ngoài chuyện học tiếng Nhật là đương nhiên, nên tích lũy thêm kinh nghiệm khác, học tập thêm các kĩ thuật, kiến thức cũng như phát triển các mối quan hệ. Những việc đó sẽ rất có ích cho tương lai sau này.

Ảnh chụp tại UHOME (Tháng 8/2019)