Kinh nghiệm của tôi (Thực tập kỹ năng - Kỹ năng đặc định)

img1
By KOKORO(Báo Mainichi+VAIJ;Đơn vị hỗ trợ: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, v.v.)

Gặp gỡ sempai số này

Lương Tiến Du
  • Tháng 9/2006Vào học trường THPT Hoà An
  • Tháng 6/2009Tốt nghiệp trường THPT Hoà An
  • Tháng 9/2010Vào học trường trung cấp kế toán ở Hà Nội
  • Tháng 6/2013Tốt nghiệp trường trung cấp kế toán ở Hà Nội
  • Tháng 10/2013Bắt đầu công việc quản lý kho ở Cao Bằng trong nửa năm
  • Tháng 6/2014Vào học trung tâm tiếng Nhật ở Hà Nội
  • Tháng 12/2014Sang Nhật Bản, sau 1 tháng huấn luyện, bắt đầu thực tập ở công ty Komei Seisakusho
  • Tháng 12/2017Về nước tạm thời
  • Tháng 7/2018Quay lại thực tập tại công ty Komei Seisakusho
  • Tháng 7/ 2020Dự định về nước

〈Sinh năm 1990, quê ở Cao Bằng〉

Lời giới thiệu

Anh Du dự định hoàn thành đủ 5 năm chương trình thực tập sinh kĩ năng tại một nhà máy ở Osaka. Sau khi ứng tuyển vào chương trình do một quỹ của Nhật Bản thực hiện, anh đã sang Nhật Bản mà không phải vay nợ đồng nào. Không chỉ vậy, sau 3 năm thực tập đầu tiên, anh còn nhận được 60 vạn yên tiền mặt. Ngay từ khi đang thực tập kĩ năng, anh đã suy nghĩ đến công việc sau khi về nước và nỗ lực học tiếng Nhật hơn hẳn bạn bè. Sau đây, KOKORO xin được giới thiệu về chương trình thực tập kĩ năng mà anh Du đã đi cũng như cuộc sống cùng bè bạn của anh trong thời gian thực tập.

Đi chơi Universal Studio Japan (USJ) ở Osaka với các bạn cùng thực tập. (Tháng 12/2015)

Đi chơi Universal Studio Japan (USJ) ở Osaka với các bạn cùng thực tập. (Tháng 12/2015)

Đi sang Nhật mà không phải vay nợ

    Tôi đã sang Nhật Bản thực tập kĩ năng mà chỉ tốn rất ít chi phí. Đó là do tôi được tham gia chương trình dựa trên biên bản ghi nhớ giữa Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam với Tổ chức Phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (viết tắt là IM Japan).

Đi chơi Tam Đảo cùng các bạn thời còn học ở trường trung cấp (Tháng 6/2013)

    Theo chế độ này, Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ tổ chức kì thi tại Việt Nam để tuyển chọn học viên, sau đó sẽ dạy tiếng Nhật rất chu đáo trước khi cử đi thực tập kĩ năng.

Ví dụ về một trang tuyển thực tập sinh kĩ năng theo chương trình IM Japan.

    Sau khi tốt nghiệp một trường trung cấp ở Hà Nội, tôi làm công việc quản lý kho. Tuy nhiên, sau khi được người quen giới thiệu về chương trình IM Japan, tôi đã tham gia một buổi giới thiệu chương trình tại địa phương. Sau đó, tôi thi đỗ kì thi tuyển tổ chức tại tỉnh Cao Bằng và đi học trong nửa năm tại Trung tâm lao động ngoài nước ở Hà Nội.

Ảnh chụp tại rừng mơ trong công viên thành Osaka, ngay sau khi sang Nhật (Tháng 2/2015)

    Tổng số tiền tôi đã chi trả trước khi sang Nhật, bao gồm cả học phí, tiền kí túc xá và tiền ăn là khoảng 25.000.000 đồng. Ngoài ra, tôi không tốn thêm bất kì chi phí nào khác. Vì vậy, để sang Nhật, tôi đã không phải vay nợ đồng nào.

Suối nước nóng Arima-onsen ở thành phố Kobe, trong lần đi du lịch cùng công ty. Chi phí do công ty tài trợ. (Tháng 4/2016)

Suối nước nóng Arima-onsen ở thành phố Kobe, trong lần đi du lịch cùng công ty. Chi phí do công ty tài trợ. (Tháng 4/2016)

    Không chỉ vậy, sau khi kết thúc 3 năm đầu chương trình thực tập kĩ năng và tạm thời về nước, tôi đã nhận được khoản tiền hỗ trợ từ IM Japan là 60 vạn yên (nhận bằng tiền Việt). Nửa năm sau, tôi lại sang Nhật và tiếp tục chương trình thực tập. Đến tháng 7/2020, tổng thời gian thực tập kĩ năng của tôi sẽ là đủ 5 năm, nghĩa là tôi sẽ hoàn thành toàn bộ chương trình thực tập. Link: I’m Japan

Nội dung thực tập và công việc ở chỗ làm

    Nơi thực tập của tôi là Komei Seisakusho (thành phố Izumi, tỉnh Osaka), công ty sản xuất vòi nước và các trang thiết bị cấp nước. Công việc chủ yếu của tôi là xếp các bộ phận được gia công bằng máy móc vào trong hộp đựng và vận chuyển đi. Tại công ty có 17 nam thực tập sinh kĩ năng, tất cả đều là người Việt.

Link:  Công ty Komei Seisakusho

Ảnh kỉ niệm ngày thực tập sinh sempai về nước, chụp trước cửa nhà máy

Ảnh kỉ niệm ngày thực tập sinh sempai về nước, chụp trước cửa nhà máy

Trong các sempai người Nhật, có rất nhiều người dễ tính và tốt bụng. Thời gian đầu, tôi nghe tiếng Nhật không hiểu mấy, nhưng nhờ học tại kí túc xá và tích cực trò chuyện với các sempai người Nhật trong giờ nghỉ trưa hay giờ giải lao trước khi làm thêm giờ, dần dần tiếng Nhật của tôi đã tiến bộ. Ngoài ra, vào ngày nghỉ, các sempai còn dẫn chúng tôi đi ăn tiệc nướng ngoài trời nữa.

Cùng gia đình sempai người Nhật tổ chức tiệc nướng ngoài trời (Tháng 6/2017)

Cùng gia đình sempai người Nhật tổ chức tiệc nướng ngoài trời (Tháng 6/2017)

Mỗi năm, công ty lại tài trợ cho nhân viên đi du lịch một lần (Tháng 4/2019)

Mỗi năm, công ty lại tài trợ cho nhân viên đi du lịch một lần (Tháng 4/2019)

Cuộc sống ở Nhật và tiền gửi về nhà

    17 thực tập sinh chúng tôi chia nhau sống trong 5 căn hộ chung cư (kí túc xá) do công ty thuê. Các đồ điện và đồ gia dụng thiết yếu công ty đã chuẩn bị sẵn.

Ảnh chụp tại văn phòng IM Japan tại Hà Nội trước khi sang Nhật lần 2 (Tháng 7/2018)

    Tiền kí túc xá đã bao gồm cả tiền điện, nước, ga, là 20.000 yên/tháng. Vì ít khi đi mua sắm cũng như đi chơi, nên trong thời gian 4 năm 9 tháng, tôi gửi được về nhà số tiền tổng cộng khoảng 500 vạn yên. Nhiều người khác chỉ thực tập trong thời gian 3 năm là kết thúc chương trình.

Tụ tập ăn uống với bạn bè thực tập sinh trong phòng kí túc xá (Tháng 1/2016)

    Buổi sáng, cả 17 người cùng ra khỏi kí túc xá và đi quãng đường khoảng 2,6km đến chỗ làm bằng xe đạp. Những ngày mưa, chúng tôi mặc áo mưa và đạp xe đi làm. Những dịp như có kohai sang Nhật, thực tập sinh sempai hoàn thành chương trình thực tập và về nước hay dịp lễ tết, chúng tôi lại tập trung tại một phòng kí túc xá, cùng nhau nấu ăn và tổ chức ăn uống. Những dịp như vậy, chúng tôi lại dành thời gian thật lâu cùng nhau hàn huyên. Cần kể thêm là ở Nhật, tiền cắt tóc rất đắt nên chúng tôi tự cắt tóc cho nhau. Chúng tôi tự mua kéo chuyên dùng để cắt tóc và 17 người dùng chung.

Sổ tay chi tiêu của tôi (tính bình quân 1 tháng)

※100 Yên = 21.604 VND (tỉ giá ngày 29/05/2020)

Thu nhập (120.000 ~ 160.000 yên)
Lương về tay

120.000 ~ 160.000 yên

※ Đây là khoản tiền về tay sau khi đã khấu trừ thuế, bảo hiểm xã hội và tiền kí túc xá v.v…

※ Trong số tiền khấu trừ có 20.000 yên tiền kí túc xá (3 người ở chung trong căn hộ 3 phòng ngủ), tiền Wi-Fi mỗi người 1.000 yên.

Chi phí (Tổng cộng 45.000 ~ 50.000 yên)
Tiền điện, nước, ga

0 yên

※ Tiền điện, nước, ga đã bao gồm trong tiền kí túc xá

Tiền điện thoại di động

0 yên

※ Không dùng SIM (chỉ dùng Wi-Fi)

Tiền ăn

35.000 yên

※ Chủ yếu là tự nấu

Chi phí lặt vặt và chi phí đi lại

10.000 ~ 15.000 yên

※ Tiền nước hoa quả uống tại công ty và thỉnh thoảng đi ăn ngoài

Khoản chênh lệch (tiết kiệm được) 80.000 ~ 120.000 yên
Tiền tiết kiệm

80.000 ~ 120.000 yên

※Tiền gửi về nhà trung bình mỗi tháng là 90.000 yên

Đạp xe đi chơi ở công viên gần nhà cùng bạn bè thực tập sinh (Tháng 6/2017)

Đạp xe đi chơi ở công viên gần nhà cùng bạn bè thực tập sinh (Tháng 6/2017)

Đi chơi thành Osaka cùng các bạn thực tập sinh (Tháng 3/2019)

Đi chơi thành Osaka cùng các bạn thực tập sinh (Tháng 3/2019)

Học tiếng Nhật

Thời gian làm việc thông thường, tính cả giờ làm thêm, là từ 8 giờ sáng đến khoảng 19 giờ 30 tối. Buổi sáng, tôi thức dậy lúc 6 giờ 30 và buổi tối đi ngủ lúc 23 giờ, nhưng tất cả các buổi tối, trước khi đi ngủ, tôi luôn dành ra 1 tiếng rưỡi để học tiếng Nhật. Ngoài ra, từ khoảng 1 năm rưỡi trở lại đây, tôi theo học lớp online miễn phí có tên Lotus Works. Mỗi tuần một lần, giáo viên người Nhật lại dạy 1 thầy 1 trò qua Skype và còn giao cả bài tập nữa.

Ảnh chụp tại trung tâm thương mại LUCUA Osaka, phía trên ga Osaka (Tháng 3/2017)

    Trong 3 năm đầu tiên, tôi không học tập được nhiều. Nhưng từ tháng 7/2018, khi sang Nhật lần thứ 2, khi nghĩ đến công việc sau khi về nước, tôi đã dồn nhiều công sức hơn cho việc học tiếng Nhật. Vì tôi thích cách làm việc nghiêm túc của công ty Nhật, và cũng muốn tận dụng vốn tiếng Nhật sẵn có để có được thu nhập cao hơn một chút, nên tôi hi vọng sau khi về nước có thể vào làm cho một công ty của Nhật. Trong kì thi năng lực tiếng Nhật JLPT tổ chức vào tháng 12/2019, tổng số điểm của tôi đã đủ đỗ nhưng điểm phần đọc hiểu của tôi lại thiếu 2 điểm nên tôi đã không đỗ kì thi này. Lần này, tôi đã hết sức cố gắng học, nhưng thật đáng tiếc là do ảnh hưởng của vi-rút corona chủng mới, kì thi JLPT tháng 7/2020 đã bị huỷ bỏ.

Mỗi năm, công ty lại tổ chức cho nhân viên đi du lịch đến thành Himeji một lần (Tháng 4/2016)

   Tuy nhiên, sempai người Nhật làm cùng chỗ với tôi rất vui tính, thời gian nghỉ giải lao, chúng tôi đã nói chuyện với nhau rất nhiều. Hằng tuần, tôi lại được luyện hội thoại với giáo viên của Lotus Works nữa, nên 2 năm vừa qua, khả năng hội thoại của tôi đã cải thiện đáng kể. Link: Lotus Works

Những điều học hỏi được ở công ty Nhật

Chứng chỉ hoàn thành khoá học KGS Meister - GINO JISSYU (Tháng 2/2020)

    Sau khi sang Nhật lần thứ 2, tôi được công ty chu cấp kinh phí học khoá đào tạo nâng cao kiến thức và năng lực cấp trưởng nhóm. Cho đến nay, tính cả tôi thì công ty đã có 3 người được tham gia khoá học này. Sau khi học qua giáo trình và làm bài thi mỗi tháng, tôi nhận được chứng chỉ KGS Meister - GINO JISSYU. Từ đó, tôi được giao nhiệm vụ cấp trưởng nhóm trong các thực tập sinh, mỗi khi có thực tập sinh mới đến, tôi sẽ chịu trách nhiệm chỉ bảo cho họ rất nhiều thứ như nội dung công việc, quy định tại nơi làm việc, hướng dẫn cách đi mua sắm cũng như cách đổ rác...
    Sau gần 5 năm làm việc ở Nhật Bản, tôi thấy rất thích cách làm việc của người Nhật. Từ việc dọn dẹp vệ sinh, sắp xếp ngăn nắp, báo cáo, chào hỏi…, tất cả mọi thứ đều được thực hiện hết sức nghiêm chỉnh. Chất lượng sản phẩm làm ra cũng luôn vượt trội, việc loại bỏ các sản phẩm không đạt yêu cầu là rất nghiêm khắc. Tôi hi vọng sau khi về nước có thể ứng dụng được vốn tiếng Nhật cũng như kinh nghiệm học được ở Nhật Bản và phát huy trong công việc tại một công ty của Nhật.

Trong một quán nhậu gần kí túc xá (Tháng 5/2020)

Trong một quán nhậu gần kí túc xá (Tháng 5/2020)

Đoạn đường phủ kín những cánh hoa anh đào trên đường đi làm (Tháng 4/2020)

Đoạn đường phủ kín những cánh hoa anh đào trên đường đi làm (Tháng 4/2020)