Kinh nghiệm của tôi (Thực tập kỹ năng - Kỹ năng đặc định)

vol91_01
By KOKORO(Báo Mainichi+VAIJ;Đơn vị hỗ trợ: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, v.v.)

Đó là Tuyết, cô gái đã trở thành thực tập sinh người nước ngoài tại một nhà máy chế biến thực phẩm. Cô ấy hoàn toàn không hiểu được tiếng Nhật mà những người Nhật sử dụng để giao tiếp khi mới đặt chân đến đây, nhưng sau vài tháng kiên trì học tiếng Nhật, mỗi ngày 3 tiếng, Tuyết đã có thể giao tiếp được một chút. Sau 2 năm, cô ấy đã thi đỗ chứng chỉ JLPT cấp độ N3. Bây giờ Tuyết đã trở thành trưởng nhóm người Việt Nam tại nơi làm việc của mình.

Gặp gỡ sempai số này

Nguyễn Thị Tuyết

  • Năm 2017Tốt nghiệp cấp 3〈Tỉnh Hải Dương〉
  • Năm 2018Học tập nửa năm tại một công ty phái cử〈Hà Nội〉
  • Năm 2018Tới Nhật Bản→Tham gia khóa đào tạo ngắn hạn→Thực tập kĩ năng〈Fukuoka〉
  • Năm 2021Thực tập sinh kỹ năng đặc định người nước ngoài〈cùng công ty trước đó〉
〈Sinh năm 1999, quê quán Hải Dương〉

Giúp đỡ mẹ từ khi còn bé

Cùng với gia đình và họ hàng (người ngoài cùng bên phải là mẹ)

Khi tôi mới 2 tuổi thì bố tôi qua đời trong một tai nạn giao thông. Từ đó mẹ tôi một mình lo việc đồng áng và nuôi nấng tôi cùng em trai. Mẹ tôi trồng lúa, trồng rau và hoa quả, còn tôi thì đôi khi sẽ dậy sớm gánh nước từ mương về tưới tiêu.Tôi làm những việc như vậy khoảng 1 tiếng rồi mới đến trường. Từ năm 6 tuổi, tôi đã có thể phụ mẹ nấu ăn, và đến năm 12 tuổi thì tôi một mình lo được việc nấu nướng và dọn dẹp.

Ở quê tôi cũng có rất nhiều người đi làm ở Nhật Bản, vì vậy ngay từ khi học cấp ba tôi cũng đã nghĩ rằng”tương lai mình muốn tới Nhật Bản”. Tôi muốn kiếm tiền để làm mẹ vui, đồng thời cũng muốn tích cóp để có thể mở một cửa hàng thời trang ở quê nhà. Và như vậy, sau khi tốt nghiệp cấp ba, tôi được họ hàng giới thiệu cho một công ty phái cử ở Hà Nội.

Công ty phái cử thực tập sinh kỹ năng

Tôi phụ giúp mẹ trong vòng nửa năm sau khi tốt nghiệp cấp 3, và sau khi đỗ vòng phỏng vấn tuyển dụng thực tập sinh kỹ năng (là vòng phỏng vấn của công ty hiện tại) thì tôi đã tham gia vào tổ chức phải cử ở Hà Nội, bắt đầu học tiếng Nhật. Có 150 người tham gia phỏng vấn và 40 người đã được chọn.

Tôi đã trả cho tổ chức phải cử 7200USD nhưng chi phí được ghi trên hóa đơn và hợp đồng lại là 3500US. Mặt khác, ngoài khoản này ra tôi còn phải trả khoảng 250 nghìn yên (khoảng 45 triệu VNĐ) cho phí ký túc xá, tiền ăn uống, quần áo mang sang Nhật v.v.

【Lời khuyên từ ban biên tập】

Công việc ở Nhật Bản

Tôi đến Nhật Bản vào tháng 8 năm 2018 với tư cách là thực tập sinh kỹ năng. Nơi làm việc của tôi là một nhà máy làm cơm hộp lớn. Chúng tôi làm cơm hộp, cơm nắm, đồ ăn lạnh (oyakodon, cơm trứng ốp la), v.v. để bán tại các cửa hàng tiện lợi. Nhiệm vụ đầu tiên của tôi là xếp những hộp cơm bento đã làm xong vào thùng, đặt lên xe đẩy và chở đến gần xe tải. Thỉnh thoảng tôi cũng làm công việc đóng gói cơm và đồ ăn kèm vào hộp bento. Sau khi hoàn thành ba năm thực tập kỹ năng và chuyển sang kỹ năng đặc định thì tôi đảm nhận việc phụ trách phân phát nguyên liệu và gia vị cho từng làn trong bếp.

Tôi chỉ làm ca đêm, và thời gian làm việc của tôi là từ 19:00 đến 6:00 sáng hôm sau (nghỉ giữa ca 1 tiếng). Có khoảng 50 người Việt Nam làm ca ngày và khoảng 50 người làm ca đêm, và kể từ năm thứ hai sau khi đến Nhật Bản, tôi đã trở thành trưởng ca đêm. Điều này là do kỹ năng tiếng Nhật và thái độ làm việc của tôi đã được đánh giá cao, và tôi cũng đang nhận được các khoản phụ cấp của trưởng ca.

Số tiền gửi về Việt Nam

Tôi và mẹ đứng trước ngôi nhà đã được sửa lại ở quê

Khi làm thực tập sinh kỹ năng, mức lương nhận về tay của tôi là 150.000 đến 170.000 yên một tháng. Tôi thường tăng ca 35-40 tiếng/tháng, có thêm phụ cấp ca đêm phụ cấp trưởng ca nên lương cũng khá cao. Sau khi trở thành thực tập sinh kỹ năng đặc định người nước ngoài thì mức lương nhận về tay của tôi đã tăng lên 180.000 yên đến 200.000 yên mỗi tháng. Trong năm đầu tiên sau khi sang Nhật, tôi đã gửi về Việt Nam khoảng 1,25 triệu yên để trả khoản nợ trước khi sang Nhật, ba năm tiếp theo, tôi đã gửi về khoảng 3,6 triệu yên, một phần trong số đó được dùng để sửa lại căn nhà ở quê.

Tuy nhiên, kể từ khi sang Nhật, tôi thường phải làm ca đêm nên sức khỏe ngày càng sa sút. Có nhiều bạn cùng khóa đã chuyển sang làm ca ngày từ năm thứ 4, nhưng vì lương của ca đêm nhiều hơn khoảng 30.000 yên mỗi tháng so với ca ngày nên tôi đã tiếp tục làm đêm. Thế nhưng tôi đã bắt đầu cảm thấy mệt mỏi nên đang có dự định hỏi ý kiến ​​công ty và xin họ cho phép sớm chuyển sang làm ca ngày.

Sổ thu chi của tôi(trung bình một tháng)

※Chi tiêu ở nơi làm việc hiện tại

※100 yên=khoảng 18,218 VND(thời điểm ngày 02 tháng 02 năm 2023)

Thu nhập:180,000円
Lương tháng ¥180,000
*Tiền lương về tay sau khi trừ thuế, bảo hiểm xã hội, phí ký túc xá, điện, ga, nước v.v
*Phí kí túc xá(14,000 yên), tiền điện・ga・nước(10,000 yên)
Chi tiêu:80,000円
Tiền ăn(chủ yếu là tự nấu ăn) ¥40,000
Đồ dùng hàng ngày, quần áo, mỹ phẩm v.v. ¥15,000
Chi phí cho gặp gỡ bạn bè, đi ăn ngoài v.v. ¥35,000
Khoản để ra của hàng tháng:100,000円

Những ngày nghỉ ngơi

Bóng đá rất phổ biến đối với cộng đồng người Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản, cũng có rất nhiều trận đấu cũng như giải đấu của các đội Việt Nam tại Fukuoka. Tôi thường đi xem bóng đá vào Chủ Nhật. Khi đến sân thi đấu, tôi có thể kết bạn với những người cũng đang cổ vũ cho các cầu thủ như mình, chúng tôi thường ăn trưa với nhau hoặc cùng đi chơi.

Ngoài ra tôi cũng tập múa truyền thống Việt Nam vào những ngày nghỉ.Ở thành phố Hakata nơi tôi đang sống, một người Việt Nam nổi tiếng ở đâ đã tự thuê phòng và mở một câu lạc bộ múa (miễn phí tham gia). Ở đó thưởng có khoảng 5,6 thực tập sinh kỹ năng và kỹ năng đặc định người nước ngoài cùng nhau luyện tập. Các trường mẫu giáo và tiểu học ở Việt Nam cũng thường dạt múa nhưng tôi thì bắt đầu tập múa qua Youtube khi đang học cấp ba. Mỗi khi được múa những điệu mà mình yêu thích thì bao nhiêu căng thẳng mệt mỏi cũng đều tiêu tan.

Nhận giải ở cuộc thi người đẹp

Nhận giải tại một cuộc thi sắc đẹp lớn〈Tháng 01 năm 2022 tại tỉnh Fukuoka〉

Tại Fukuoka, hoạt động của các nhóm người Việt Nam như “Hội người Việt Nam tại Fukuoka” đang phát triển mạnh, và cũng có lễ hội lớn hàng năm được tổ chức vào dịp Tết (âm lịch). Lúc đó, một cuộc thi sắc đẹp cũng được tổ chức, khi biết về nó thông qua Internet, tôi đã đăng ký tham gia và giành được giải thưởng. Bên cạnh việc nhận được tiền thưởng, hình ảnh của tôi trong cuộc thi cũng được ghi lại trong video chính thức. Ngoài ra, tôi cũng đã giành chiến thắng trong cuộc thi áo dài địa phương.

Học tiếng Nhật

Khoảng nửa năm trước khi sang Nhật, tôi đã tham gia các lớp học tiếng Nhật từ sáng đến chiều tại công ty phái cử, và cũng tự học thêm khoảng ba hoặc bốn giờ buổi tối. Cho dù đã học như vậy nhưng lần đầu tiên đến Nhật Bản, tôi vẫn chẳng hiểu được tiếng Nhật.

Thế nhưng, tôi vẫn tiếp tục học mỗi ngày khoảng 3, 4 tiếng sau khi tới Nhật Bản, sau 3-4 tháng thì đã có thể giao tiếp được một chút và giờ thì tôi nói chuyện với các đồng nghiệp người Nhật hàng ngày ở chỗ làm. Nhờ vậy, từ năm thứ hai trở đi tôi được chọn làm trưởng nhóm người Việt Nam ở chỗ làm, cũng có khi tôi trở thành phiên dịch giữa người Nhật và người Việt trong công việc. Ngoài ra do những thực tập sinh mới tới Nhật bản thường không hiểu tiếng Nhật, nên trong khoảng 2 tháng đầu, tôi và những người Nhật sẽ cùng dạy việc cho họ.

Từ khi có thể nói được tiếng Nhật, tôi đã trở nên thân thiết hơn với những người Nhật tại nơi làm việc và các du học sinh người Nepal. Sau giờ làm việc, chúng tôi thường dùng tiếng Nhật để tán gẫu với nhau. Tôi cũng đã từng đi tham quan chùa chiền hay công viên với các tiền bối người Nhật Bản.

Đã có lúc tôi mong muốn sử dụng khả năng tiếng Nhật của mình để trở thành giáo viên dạy tiếng Nhật tại một công ty phái cử sau khi trở về từ Nhật Bản. Vì thế, mặc dù rất buồn ngủ nhưng tôi vẫn cố gắng học tiếng Nhật ba giờ mỗi ngày. Hai năm sau khi đến Nhật, tôi đã thi đỗ kỳ thi năng lực tiếng Nhật (JLPT) cấp độ N3. Nhưng khi đó tôi nhận ra mức lương của giáo viên tiếng Nhật không cao lắm, vì vậy tôi cũng dần mất đi động lực học tiếng Nhật.

Ước mơ trong tương lai

Những người bạn đồng hương Hải Dương ở Fukuoka

Tôi đã làm thực tập sinh kỹ năng được 3 năm, và cũng sắp năm thứ hai của kỹ năng đặc định. Ý định cơ bản của chương trình thực tập sinh kỹ năng là mang những kỹ thuật bạn đã học được ở Nhật Bản về nước và sử dụng chúng để phát triển kinh tế, nhưng cả tôi và bạn bè đều không nghĩ rằng mình có thể phát huy những gì đã học ở Nhật Bản đối với công việc sau khi về nước. Vốn dĩ, ở Việt Nam không có nhà máy sản xuất cơm hộp bento nào cả vì ở đây, cơm hộp bento không phổ biến như ở Nhật Bản.

Tôi vẫn chưa có quyết định cụ thể về tương lai của mình, nhưng tôi nghĩ có lẽ sẽ làm việc thêm vài ba năm nữa, sau đó về Việt Nam và tìm một người bạn đời ở quê nhà Hải Dương. Cuộc sống ở Nhật cũng rất vui, nhưng tôi nhớ mẹ và những người bạn cũ, vì vậy sống ở quê nhà phù hợp với tôi hơn. Ước mơ của tôi là dùng một phần tiền tôi kiếm được khi làm việc ở Nhật Bản để biếu mẹ, phần còn lại tôi sẽ dùng để mở một cửa hàng thời trang nữ.