Kinh nghiệm của tôi (Du học - Nhân lực chất lượng cao)

thumbnail30
By KOKORO(Báo Mainichi+VAIJ;Đơn vị hỗ trợ: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, v.v.)

Gặp gỡ sempai số này

Hoàng Thị Giang

Sinh năm 1997, quê ở Nghệ An
Tháng 5/2015: Tốt nghiệp trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong
Tháng 9/2015: Vào học tại Khoa Giáo dục Thế hệ tiếp theo, Trường Đại học Quốc tế Thái Bình Dương
Tháng 9/2019: Tốt nghiệp Khoa Giáo dục Thế hệ tiếp theo, Trường Đại học Quốc tế Thái Bình Dương
Tháng 10/2019: Vào làm việc tại công ty Shu-wa Career Power

Lời giới thiệu

Bạn Hoàng Thị Giang hiện đang làm việc tại công ty tiếp nhận nhiều kỹ sư người Việt Nam ở tỉnh Osaka, phụ trách việc xin và gia hạn tư cách cư trú (visa) cũng như tuyển dụng người Việt Nam. Giang được đánh giá cao bởi năng lực hội thoại làm cho việc nói chuyện với người Nhật được thuận lợi cũng như rất nghiêm túc trong công việc. Mặc dù mới vào công ty, nhưng với năng lực hiếm có, Giang đã cống hiến nhiều cho công ty. Giang kể lại những kinh nghiệm đã trải qua trong thời gian học tập đầy bổ ích của mình.

Chuyến tham quan Kyoto với bạn bè tại trường đại học (Tháng 12/2018)

Cơ hội dẫn tới việc du học

Khi học năm cuối của trường trung học phổ thông, ở trường có một buổi giới thiệu về việc du học tại Trường Đại học Quốc tế Thái Bình Dương đặt tại tỉnh Okayama. Sau đó vài ngày, tôi nhận được kết quả kỳ thi đỗ vào trường đại học này với ưu đãi được hưởng chế độ giảm 1/2 số tiền học phí mỗi năm (học phí mỗi năm là 800.000 yên), trong toàn bộ 4 năm học. Và thế là tôi quyết định đi du học với suy nghĩ muốn được du học tại đất nước Nhật Bản tiên tiến và sau đó làm việc tại đây. Tôi cũng nhận được sự ủng hộ từ cha mẹ.

Chi phí cho việc đi du học là vào khoảng 300.000.000 đồng (tương đương khoảng 1.380.000 yên), tiền vé máy bay và tiền học phí 1 năm, tiền nhà trong nửa năm, chưa tính tiền ăn uống hàng ngày, thì số tiền phải nộp cho công ty tư vấn du học là từ 80.000.000 đến 100.000.000 đồng. Trong thời gian học tập, tôi chỉ tập trung vào việc học là chính và đi làm thêm trong số giờ được quy định nên không có tiền để gửi về cho gia đình. Sau khi đi làm, tháng nào tôi cũng gửi tiền về nhà.

Hoa anh đào bên con kênh nhỏ ở thành phố Okayama. Hoa anh đào ở Nhật thật đẹp (Tháng 4/2016)

Học tiếng Nhật

Từ khi quyết định đi du học, Giang học tiếng Nhật tại một trung tâm Nhật ngữ ở địa phương trong vòng 2 tháng. Tất nhiên là chỉ có 2 tháng thôi thì không thể đủ. Tháng 9/2015, trong khi kiến thức tiếng Nhật hầu như chưa có gì, Giang tới Nhật và vào học tại trường Đại học Quốc tế Thái Bình Dương. Trong nửa năm đầu, Giang ở trong ký túc xá (mỗi phòng 2 người). Khi ở trường cũng như khi ở ký túc xá, Giang đều tích cực học tiếng Nhật. Kết quả là sau nửa năm, Giang đã thi đỗ trình độ N3 trong Kỳ thi Năng lực tiếng Nhật (JLPT).

Dần dà, Giang bắt đầu hiểu được nội dung của những buổi học trên lớp bằng tiếng Nhật. Thêm vào đó, sau một thời gian làm thêm tại phân xưởng chế biến thực phẩm do trường giới thiệu do nói tiếng Nhật tốt nên Giang được nhận vào làm thêm tại một quán rượu và làm tại đây trong 3 năm rưỡi cho tới khi tốt nghiệp. Không chỉ nghe khách gọi món, mà trong giờ nghỉ hoặc sau giờ làm việc Giang đều trò chuyện với những nhân viên người Nhật làm cùng và nhờ thế mà tiếng Nhật ngày càng giỏi.

Sau giờ làm thêm là tới lúc tán chuyện với đồng nghiệp người Nhật (Năm 2018)

Tài liệu luyện thi JLPT, Giang sử dụng bộ sách “Shin kanzen Master-新完全マスター” (bao gồm ngữ pháp và từ vựng) còn nghe hiểu thì Giang luyện tập thông qua sinh hoạt hàng ngày hoặc các chương trình luyện tập đăng trên kênh Youtube. Nhờ đó mà sau khi đến Nhật, trong khoảng 2 năm, Giang đã thi đỗ trình độ N2. Giang tạo ra những cách học riêng cho mình. Ví dụ như ① Những chữ Hán hoặc câu mẫu, Giang ghi vào tờ giấy và đọc to lên, ② Những từ vực mới học được, Giang cố gắng sử dụng trong hội thoại hàng ngày, ③ Nếu không hiểu nghĩa hoặc cách dùng từ thì hỏi ngay người Nhật, ④ Sử dụng ứng dụng mazii...

Tài liệu dùng để học thi JLPT khi đang học đại học

Cuộc sống ở Nhật

Dù tối hôm trước có đi làm thêm về muộn thì sang hôm sau tôi cũng không bao giờ đi học muộn, không ngủ gật. Khi có thời gian, tôi thường lên thư viện ở trường để tự luyện tập với các bạn Việt Nam.

Cũng có những bạn đi làm thêm và gửi tiền về nhà nhưng tôi đã hứa với mẹ là “Khi nào ra làm việc con sẽ gửi tiền về”, nên số giờ làm thêm của tôi luôn trong phạm vi mỗi tuần 28 tiếng theo luật pháp quy định. Thu nhập do làm thêm là từ 80.000 đến 90.000 yên mỗi tháng. Thỉnh thoảng gia đình có gửi thêm tiền cho tôi, cộng với tiền làm thêm là đủ trang trả học phí và sinh hoạt hàng ngày. Năm thứ 3 và 4, thỉnh thoảng tôi đi dịch thêm cho những nghiệp đoàn tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng, lương 1 giờ là từ 1.500 ~ 3.000 yên nên không cần sự hỗ trợ tài chính từ gia đình nữa tôi vẫn trang trải chi phí.

Cùng các bạn người Việt Nam ở nơi làm thêm đi chơi biển ở tỉnh Okayama (Tháng7/2018)

Sổ tay chi tiêu của tôi (Trung bình một tháng)

※100 yên=21.749 đồng (tỷ giá tính tới 23/4/2020)

Thu nhập thực tế (Tổng cộng từ 115.000~130.000 yên)

Tiền làm thêm ở 2 chỗ (Quán ăn và phiên dịch) Tổng cộng: 115.000~130.000 yên
※Tiền làm thêm ở quán rượu (lương giờ 950 yên): 80.000~90.000 yên
※Tiền làm phiên dịch (lương giờ 1.500~3.000 yên): 30.000~50.000 yên

Các khoản chi (Tổng cộng 108.500~115.500 yên)

Tiền thuê nhà 27.000 yên
※Nhà 1 phòng, 1 người ở
※Kể cả tiền nước, Wi-Fi
Tiền học phí 50.000 yên
※Học phí (được giảm 1/2 cộng với các chi phí khác)
Tiền điện, ga 5.000~7.000 yên
※Bao gồm tiền điện, tiền ga
Tiền điện thoại di động 1.500 yên
※Sử dụng LINE mobile
Tiền ăn 20.000 yên
※Tuần 3 buổi được ăn cơm giá rẻ tại cửa hàng ăn nơi làm thêm.
Chi tiêu lặt vặt 5.000~10.000 yên
※Quần áo, sách vở học tập, tiền giao thông…

Tiền dư hàng tháng, tiền tiết kiệm (trung bình từ 5000~15.000 yên)

※Trong thời gian có các kỳ thi ở trường thì không có thời gian làm thêm nên chi phí hàng ngày rút từ tiền tiết kiệm ra. Còn khi học để lấy bằng lái xe hoặc chi tiêu những khoản cần thiết thì dựa vào tiền của cha mẹ gửi sang.

※Trong thời gian này không gửi tiền về nhà lần nào. Chi phí về thăm nhà (trong 4 năm về 2 lần) và cho hoạt động xin việc rút từ tiền tiết kiệm khi làm thêm tuần 40 giờ trong kỳ nghỉ dài ngày ở trường đại học.

Đồng nghiệp tại nơi làm thêm tổ chức liên hoan chia tay sau khi tôi đã xin được việc (Tháng 9/2019)

Các trải nghiệm khác nhau

Nếu chỉ học trên lớp và đọc sách thì sẽ không thể mở mang được kiến thức. Vì thế tôi tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau. Năm thứ 3 và 4, tôi cùng với các bạn đồng khóa tổ chức gian hàng vào dịp lễ hội văn hóa của trường. Tôi còn nhận làm công việc hỗ trợ trong các buổi lễ tốt nghiệp của trường, khi có các bạn du học sinh mới đến, tôi tình nguyện đi cùng với thầy cô ra sân bay Quốc tế Kansai để đón. Tôi còn tham gia hoạt động giao lưu với học sinh tiểu học địa phương do nhà trường tổ chức.

Cùng bạn bè cùng khóa bán đồ ăn tại ngày hội văn hóa tại trường (tháng 10/2018)

Tuy công việc làm phiên dịch tại nghiệp đoàn tiếp nhận không nhiều, nhưng đã làm một lần rồi thì người ta nói “Lần sau chúng tôi lại nhờ cô nhé”. Vì vậy, ngoài việc đi dịch ra khi có thực tập kỹ năng mới đến Nhật, nghiệp đoàn còn nhờ tôi giảng giải về tập quán của người Nhật cho các thực tập sinh mới nữa. Do làm việc với nghiệp đoàn như vậy nên tôi có dịp tiếp xúc với nhiều công ty. Tùy vào từng công việc của công ty đối tác mà tiếng Nhật cũng khác nhau, nên tôi học được thêm nhiều từ ngữ.

Hình ảnh lá vàng rụng trong khuôn viên trường đại học đẹp rung động lòng người (Tháng 11/2016)

Hoạt động xin việc

Đi xin việc làm là giai đoạn khá vất vả nhưng rất may là phía trường đại học rất chăm lo cho du học sinh. Tại trường có chế độ hỗ trợ cuộc sống của du học sinh. Cũng giống như sinh viên người Nhật, chúng tôi được tham gia vào hoạt động thực tập tại các công ty, tham gia các buổi giới thiệu của các công ty (giới thiệu tập thể hoặc giới thiệu riêng từng công ty).

Hơn nữa, các giáo viên phụ trách đều rất nhiệt tình. Kỳ nghỉ hè của năm thứ 3, tôi tham gia thực tập trong 2 tuần tại một nhà máy chế tạo trong tỉnh Okayama. Tại đây có khoảng 10 thực tập sinh người Việt Nam và họ cần có người quản lý về mặt nhân sự. Họ nói với tôi: Sau khi tốt nghiệp, nếu được thì cô hãy vào làm việc với chúng tôi. Sang năm thứ 4, tôi đã tham gia nhiều buổi giải thích của các công ty và đã nhận được thông báo tuyển dụng của 3 công ty.

Một trong những hoạt động tìm việc tại tỉnh Okayama (Tháng 5/2019)

Công việc và cuộc sống hiện tại

Công ty “Shu-wa Career Power” (Trụ sở chính tại thành phố Sakai, tỉnh Osaka) , nơi tôi làm việc hiện nay trực tiếp tuyển dụng các kỹ sư người Việt Nam làm việc cho chính công ty mình, hoặc phái cử tới các công ty đối tác. Chế độ đãi ngộ cũng giống như đối với người Nhật. Tiền ký túc xá cũng được công ty trả cho một nửa. Mới đầu, công việc của tôi chủ yếu là phiên dịch, biên dịch nhưng dần dần đã chuyển sang việc phát triển nhân lực, một công việc tương đối quan trọng hơn (tuyển dụng nhân viên người Việt Nam, làm thủ tục xin tư cách cư trú hay gia hạn tư cách cư trú).

Liên hoan với các bạn được nhận thông báo tuyển dụng ở công ty hiện nay (Tháng 8/2019)

Lời nhắn nhủ với các bạn định đi du học

Tôi đã đến Nhật và học ở đây trong 4 năm và đã đi làm được nửa năm. Trong thời gian đó, tôi không chỉ học tiếng Nhật mà còn trải qua nhiều hoạt động. Tôi cảm thấy mình đã lớn lên nhiều so với khi còn sống ở Việt Nam.

Xa cha mẹ, tự làm thêm để sống nên tôi cảm thấy mình đã độc lập lên nhiều. Tôi có nhiều bạn người nước ngoài và tầm nhìn được mở rộng. Công ty nơi tôi làm việc cũng rất quý người nước ngoài, nhiều người rất thân thiện, dễ làm việc. Tôi thấy may mắn khi mình đã được đến Nhật và được vào làm việc tại công ty hiện nay. Tôi mong các bạn đang có ý định đến Nhật để du học hãy học tập và tích lũy nhiều kinh nghiệm và mở rộng tầm nhìn của mình.

Cùng với bạn người Việt Nam trên đường về nhà sau giờ làm thêm (Năm 2017)