Giải quyết khó khăn

Sổ tư vấn file 05: Sinh con khi đang lưu trú bằng visa ngắn hạn

【相談】技能実習の1年目、寮に突然やって来た
17/03/2021

Người xin tư vấn là thực tập sinh kỹ năng nhưng bị ép thôi việc, trong thời gian tự mình đi tìm việc mới thì đã mang thai và sinh con. Cô ấy đã nhận được sự giúp đỡ của toà thị chính, các tổ chức hỗ trợ nên đã sinh con mà không tốn nhiều chi phí và xin được việc mới. Bài viết này sẽ giới thiệu về các hỗ trợ mà cô ấy đã nhận khi sinh con và tư cách lưu trú (visa) cho tới khi xin được việc mới.

MụcSinh nở, con cái, tư cách lưu trú

【Người xin tư vấn】
・Cựu thực tập sinh kỹ năng
・Nữ giới người Việt, độ tuổi 20
・Đang lưu trú tại vùng Kanto

【Tóm tắt】Về nước giữa chừng → Trở lại Nhật Bản → Sinh con và tìm lại được việc làm

Về nước giữa chừng khi đang thực tập kỹ năng

Người xin tư vấn bắt đầu thực tập ngành hộ lý tại tỉnh Kagoshima, nhưng do việc kinh doanh của cơ sở thực tập đó không thuận lợi nên chỉ một tháng rưỡi sau đó, cô đã bị thuyên chuyển sang một cơ sở khác ở tỉnh Miyazaki. Tuy nhiên, chỉ sau hơn một tháng, một hôm, nhân viên của đoàn thể quản lý đột ngột đến ký túc xá. Người xin tư vấn bị đưa ra sân bay và bắt lên máy bay về Việt Nam.

Vì đã vay khoảng 100 vạn yên để sang Nhật nên khi mới chỉ làm việc được 3 tháng đã phải về nước, người xin tư vấn lâm vào tình cảnh khó khăn. 4 ngày sau, cô đã tự bỏ tiền để quay trở lại Nhật Bản và tá túc nhờ nhà bạn bè người Việt ở nhiều nơi trong vùng Kanto. Trong hoàn cảnh đó, một lần, khi tham gia buổi liên hoan của nhóm người cư trú bất hợp pháp, cô quen biết với một người nam giới rồi quan hệ với người này và có bầu. Vì hai người cũng không có tình cảm với nhau, và người kia cũng không có điều kiện về kinh tế nên cô đã không cho anh ta biết việc mình mang bầu. Với dự định một mình sinh con, cô đã đến bệnh viện thăm khám và tiếp tục tìm việc. Tuy nhiên, cô không tìm được việc làm và lâm vào cảnh túng quẫn.

Quay lại Nhật Bản, mang bầu, sinh con, tìm lại được việc làm

Trong tình cảnh như vậy, người xin tư vấn đã tình cờ biết đến Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật. Nhờ sự giúp đỡ của hội, tháng 12/2020 cô đã tham gia phỏng vấn xin việc của một công ty chế biến thực phẩm và trúng tuyển. Cô ký hợp đồng lao động với công ty này và lấy được tư cách lưu trú mới rồi ngay sau đó đã sinh con. Dự kiến từ tháng 4/2021, cô sẽ đi làm, còn hiện tại cô đang tìm kiếm cơ sở trông giữ trẻ (ví dụ như nhà trẻ).

Điểm quan trọng: Việc đoàn thể quản lý ép buộc về nước là phạm pháp

Bị buộc phải về nước ngoài ý muốn

Việc người xin tư vấn bị ép về nước là theo ý muốn của nơi cô làm việc. Ngày 12/12/2019, đoàn thể quản lý yêu cầu gặp mặt để trao đổi nhưng do đang mệt nên người xin tư vấn đã từ chối. 4 ngày sau, nhân viên của đoàn thể quản lý cùng người phiên dịch đến kí túc xá và thông báo rằng “Bây giờ sẽ ra sân bay nên cần phải thu dọn hành lý”. Ngoài ra, họ còn nói với cô rằng “vì không còn là nhân viên nên cô không được phép sống tại căn hộ này nữa”. Cô kể rằng sau đó, họ đưa cô ra sân bay bằng ô tô và yêu cầu cô ký tên vào đơn đồng ý về nước bằng tiếng Việt.

Ép buộc về nước là phạm pháp

Theo luật thực tập kỹ năng và các văn bản hướng dẫn thực hiện thì việc về nước và sa thải thực tập sinh được quy định như sau: Việc ép buộc thực tập sinh về nước ngoài ý muốn là phạm pháp.

〇 Trường hợp cho thực tập sinh về nước khi chưa kết thúc chương trình thực tập kỹ năng thì phải thực hiện đầy đủ những việc như giải thích cho thực tập sinh biết rằng họ không bị bắt buộc phải về nước ngoài ý muốn, có giấy tờ xác nhận ý muốn về nước của thực tập sinh và phải gửi cho Hiệp hội thực tập kỹ năng quốc tế (OTIT).

〇 Nếu thực tập sinh có nguyện vọng tiếp tục thực tập kỹ năng thì công ty tiếp nhận và đoàn thể quản lý có trách nhiệm phải đảm bảo nơi thực tập khác cho thực tập sinh đó.

Ứng phó khi bị ép buộc về nước

Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật

Nếu đoàn thể quản lý và công ty tiếp nhận không thực hiện đúng như trình bày ở mục trên thì các bạn hãy liên lạc với Hiệp hội thực tập kỹ năng quốc tế (OTIT). Có thể gửi nội dung trao đổi bằng tiếng Việt. Có cả số điện thoại để liên lạc (0120-250-168). Bạn cũng có thể trực tiếp đến trụ sở của hiệp hội.

Nếu sau khi trao đổi với OTIT mà vẫn không giải quyết được vấn đề thì các bạn có thể liên lạc với các đơn vị tư vấn tư nhân sau đây. Trong trường hợp cần được hỗ trợ khẩn cấp, người đại diện của tổ chức “Hỗ trợ thực tập sinh nước ngoài” có thể gửi ảnh chụp danh thiếp qua mạng xã hội. Ngoài ra, tổ chức này còn khuyên rằng khi thấy có khả năng bị ép buộc về nước, khi được kiểm tra hộ chiếu để xuất cảnh tại sân bay ở Nhật Bản, hãy nói rằng “Tôi bị ép buộc về nước. Thực ra, tôi không muốn về.” (Khi đó, các bạn có thể cho người kiểm tra hộ chiếu xem ảnh chụp danh thiếp của người đại diện tổ chức nói trên).

“Hỗ trợ thực tập sinh nước ngoài” (Facebook)
Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật

Điểm quan trọng: Tư cách lưu trú sau khi quay lại Nhật Bản

Chuyển tư cách lưu trú từ thực tập kỹ năng sang lưu trú ngắn hạn

Người xin tư vấn đã tự quay lại Nhật Bản và tá túc nhờ tại nhà của những người lưu trú bất hợp pháp, tuy nhiên, tư cách lưu trú thực tập kỹ năng của cô lại sắp hết hạn. Sau khi người xin tư vấn đến đơn vị phụ trách thuộc văn phòng chính quyền thành phố để xin sổ tay mẹ và con, người phụ trách của văn phòng đã nhiều lần cùng người phiên dịch đến căn hộ cô đang sống để trao đổi. Người phụ trách này đã trao đổi với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và nhờ đó, người xin tư vấn chuyển đổi được sang tư cách lưu trú ngắn hạn (30 ngày) và mỗi tháng lại đi gia hạn một lần.

Sau khi tìm được nơi làm việc mới, chuyển đổi sang tư cách lưu trú hoạt động đặc định

Người xin tư vấn nộp hợp đồng lao động ký với công ty mà cô trúng tuyển lên cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và chuyển được sang tư cách lưu trú hoạt động đặc định (loại dùng để duy trì công việc) với điều kiện sẽ chuyển sang tư cách lưu trú kỹ năng đặc định. Thời hạn lưu trú của visa này là 12 tháng, trong thời gian đó, nếu cô thi đỗ kỳ thi năng lực tiếng Nhật JLPT N4 và kỳ thi kỹ năng thì có khả năng sẽ chuyển sang được tư cách lưu trú Kỹ năng đặc định số 1. Người có tư cách lưu trú Kỹ năng đặc định số 1 có thể làm việc tối đa 5 năm.

Điểm quan trọng: Chi phí sinh nở và nuôi con

Người xin tư vấn và con. Bên phải là bà Yoshimizu chủ tịch Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật〈Năm 2021〉

Chi phí sinh con

Nhờ sự thu xếp của người phụ trách bên chính quyền thành phố, người xin tư vấn được hưởng chế độ hỗ trợ sinh sản theo luật phúc lợi trẻ em nên chỉ phải trả chi phí sinh con là 5 vạn yên.

Tiền hỗ trợ sinh con nhận một lần

Ở Nhật Bản có chế độ cho phép người sinh con được nhận khoản tiền 42 vạn yên gọi là “tiền hỗ trợ sinh con nhận một lần”. Trong trường hợp người xin tư vấn này, phải thoả mãn các điều kiện sau đây:

・Để nhận được tiền hỗ trợ sinh con nhận một lần, cần phải tham gia bảo hiểm y tế quốc dân
・Để tham gia bảo hiểm y tế quốc dân, cần đăng ký lưu trú với chính quyền thành phố
・Để đăng ký lưu trú, cần phải có tư cách lưu trú với thời hạn dài hơn 3 tháng

Tuy nhiên, việc chuyển tư cách lưu trú từ loại ngắn hạn (30 ngày) sang tư cách lưu trú hoạt động đặc định (12 tháng) được thực hiện sau khi người xin tư vấn đã sinh con nên cô không được nhận khoản tiền hỗ trợ sinh con nhận một lần nói trên.

Nuôi con

Người xin tư vấn dự định gửi con về cho mẹ mình ở Việt Nam trông nom giúp. Tuy nhiên, cho đến khi đó, cô mong muốn gửi được con ở nhà trẻ và đi làm.