Blog

Ví dụ và Giải thích về cách viết sơ yếu lý lịch: Phần 3

4987953_s
31/05/2021

Chào các bạn!

Chúng mình đã giải thích về cách viết sơ yếu lý lịch trong 4 bài viết vừa rồi, những bạn đã đọc qua cả 4 bài chắc hẳn đã cải thiện được đáng kể cách viết sơ yếu lý lịch rồi phải không? Chúng ta hãy cùng so sánh nội dung của các sơ yếu lý lịch thực tế do các anh chị tiền bối đã viết với nội dung mà ban biên tập đã sửa và thêm vào để chú ý và tránh việc “không mắc lỗi giống như vậy” để bản sơ yếu lý lịch tốt hơn nhé.

Các điểm quan trọng khi viết sơ yếu lý lịch

Viết lên “một câu chuyện” (story)
Làm rõ kết luận và lý do đưa đến kết luận đó
Ý thức về 5W1H

đã được truyền đạt trong những bài viết vừa qua.

Điểm quan trọng hơn nữa chính là “viết bằng con mắt của nhà tuyển dụng muốn tuyển bạn”.

Hãy viết lên những đoạn văn khiến người phụ trách tuyển dụng của doanh nghiệp, sau khi đọc sơ yếu lý lịch của bạn, sẽ có suy nghĩ “muốn thử phỏng vấn người này”, “muốn tuyển người này”.

Vậy thì, chúng ta cùng xem các đoạn văn thực tế do các anh chị tiền bối đã viết nhé.

※Ví dụ①~⑤ đã được giới thiệu trong các bài Blog dưới đây.

external link Ví dụ và Giải thích về cách viết sơ yếu lý lịch: Phần 1

external link Ví dụ và Giải thích về cách viết sơ yếu lý lịch: Phần 2

Ví dụ⑥: Sở trường

Trường hợp ⑥: “Hành động cho đến khi đạt được mục tiêu đã đề ra”

=Người Việt, sinh viên trường chuyên môn (đã tốt nghiệp đại học tại Việt Nam), trình độ tiếng Nhật N2 (JLPT)

Nguyên văn: “Tôi là người luôn hành động để đạt được mục tiêu đã đề ra. Tôi tự tin vào việc xác lập mục tiêu và làm cho tới cùng. Trong cuộc sống ở Nhật, tôi đã có thêm nhiều kinh nghiệm mới, cũng có cả thất bại nữa. Hiện nay, tôi đang làm thêm ở nhà hàng nhưng ở đó tôi cũng đã có nhiều kinh nghiệm xương máu. Tôi nghĩ rằng thông qua những thất bại đó, con người ta trưởng thành hơn. Tôi nghĩ rằng sau khi đi làm, chắc chắn mình cũng sẽ có nhiều thất bại, nhiều khó khăn. Thế nhưng, tôi có mục tiêu là làm việc tại Nhật Bản. Tôi sẽ phấn đấu vì mục tiêu này và mang trong mình tinh thần sẽ hành động để đạt được mục tiêu kết nối Nhật Bản và Việt Nam, cống hiến cho doanh thu của các hoạt động tại nước ngoài của quý công ty.”

→→Trong nguyên văn đã viết “có tự tin trong việc xác lập mục tiêu và làm cho tới cùng” nhưng lại không đưa ra bất kỳ kinh nghiệm hay phần giải thích (câu chuyện) cụ thể nào nên không có sức thuyết phục.

→→ “Thất bại” ở đây cũng được dùng nhiều nhưng không có câu chuyện “thất bại như thế nào, làm thế nào để vượt qua thất bại” nên đoạn văn chỉ đem lại ấn tượng không tốt là “người có nhiều thất bại”. Thêm vào đó, nếu sử dụng các từ trái nghĩa của từ “thất bại” là “thành công”, “thử thách” thì cũng sẽ đem lại ấn tượng tốt hơn.

→→ Người đọc sẽ đọc được mục tiêu cuối cùng là “việc làm việc tại Nhật Bản”, các bạn cũng hãy thử để tâm đến những câu văn khiến cho người đọc kỳ vọng vào bạn sau khi tuyển dụng bạn nhé.

Chúng mình đã chỉnh sửa lại đoạn văn như sau.

Đoạn văn đã sửa: “Sở trường của tôi là hành động cho tới khi đạt được mục tiêu. Trong cuộc sống ở Nhật, tôi đã có nhiều kinh nghiệm mới, cũng có cả thất bại nữa. Tại nhà hàng nơi tôi làm thêm, lúc đầu vì chưa quen với công việc nên có lần tôi đã bị khách, sếp mắng. Thế nhưng, khi tôi không biết cách bấm máy tính tiền, tôi được dạy cho cách bấm và tôi đã ghi chép lại, sau đó học thuộc. Tôi đã cố gắng để không mắc lỗi nữa. Cứ như vậy, dần dần tôi làm việc thuần thục hơn, ngược lại, tôi cũng hỗ trợ các bạn chưa quen việc vào làm sau tôi. Tôi nghĩ mình đã đạt được mục tiêu trở thành “nhân viên đáng tin cậy”. Sau khi vào làm việc ở công ty, tôi sẽ luôn giữ tâm thế không ngại thử thách và cải thiện bản thân để dần đi đến mục tiêu, tôi muốn cống hiến cho quý công ty dù là một phần nhỏ thôi.”

Ví dụ⑦: Sở trường

Trường hợp ⑦: “Khả năng hành động với tinh thần vươn lên”

= Người Việt, sinh viên đại học, trình độ tiếng Nhật N2 (JLPT)

Nguyên văn: “Sở trường của tôi là khả năng hành động với tinh thần vươn lên. Dù là bất cứ công việc nào, tôi cũng muốn đạt được trình độ cao nhất có thể. Khi làm việc ở chuỗi nhà hàng bán hamburger, tôi ý thức được sở trường của mình và muốn phát triển nó hơn nữa. Với những điểm còn yếu, tôi xin ý kiến của người quản lý và cố gắng cải thiện. Sau khóa đào tạo, tinh thần vươn lên của tôi được công nhận, tôi được giao cho vị trí trưởng nhóm. Nếu được vào quý công ty làm việc, tôi muốn phát huy tinh thần vươn lên của mình vào công việc và cống hiến cho công ty.”

【Điểm tốt】

“Tinh thần vươn lên” là cụm từ được nhiều bạn du học sinh sử dụng trong sơ yếu lý lịch. Điểm chú ý trong đoạn văn này mà chúng mình muốn nhắc lại là “người phụ trách tuyển dụng của doanh nghiệp có muốn tuyển bạn hay không“.

Khi doanh nghiệp cân nhắc đến việc tuyển dụng bạn, họ sẽ đánh giá tinh thần vươn lên của bạn. Không phải bất kì ai cũng có thể làm được việc ngay từ đầu, nỗ lực kiên trì để nâng cao năng lực làm việc là điều cần thiết, và quan trọng hơn là tinh thần vươn lên. Tuy nhiên, nếu chỉ có tinh thần vươn lên mà không có khả năng hành động thì cũng không đưa ra kết quả gì. Vì vậy, doanh nghiệp muốn tuyển dụng những người có cả tinh thần vươn lên và khả năng hành động.

Trong đoạn văn này có viết “có thể hành động với tinh thần vươn lên”, “tinh thần vươn lên” và “khả năng hành động” đã được nhấn mạnh ở đây. Điều cần thiết tiếp theo là câu chuyện cụ thể về “tinh thần vươn lên” và “khả năng hành động” đó. Đoạn văn này có viết về câu chuyện “nỗ lực ở nơi làm thêm, giải quyết các vấn đề của bản thân và nhận được sự tin tưởng của cấp trên nên được giao cho vị trí người đào tạo”, chúng ta hiểu được cụ thể “tinh thần vươn lên” và “khả năng hành động” là gì. Người phụ trách tuyển dụng nếu đọc được những nội dung này cũng sẽ có thể tưởng tượng ra được người viết sau khi vào công ty sẽ nỗ lực với tinh thần vươn lên, hoạt động tích cực cho công ty”.

【Điểm cải thiện】

Ý nghĩa của đoạn văn sẽ thay đổi tùy thuộc vào kết quả “trở thành người đào tạo” là mục tiêu ngay từ đầu hay chỉ vô tình đạt được.

Khi hành động theo mục tiêu, con người có ý muốn cao hơn và có xu hướng đạt được mục tiêu (kết quả) sớm hơn. Nếu có những nhân viên mới như thế này, doanh nghiệp mong đợi người đó có thể nâng cao khả năng làm việc nhanh hơn những người khác, đưa ra thành quả sớm hơn.

Chúng mình đã chỉnh sửa đoạn văn như sau.

Đoạn văn đã sửa: “Sở trường của tôi là hành động với tinh thần vươn lên, tôi thường cố gắng nhắm đến các mục tiêu cao. Ví dụ, trong khi học đại học, tôi đã làm thêm ở một cửa hàng hamburger. Trong cửa hàng có một vị trí là “người đào tạo” nên tôi đã quyết định nhắm tới vị trí đó. Nếu có điều gì còn kém hay chưa hiểu, tôi xin ý kiến của người quản lý và cố gắng cải thiện ngay, nỗ lực mỗi ngày để nâng cao khả năng phục vụ của bản thân. Thế là, sau khi kết thúc khóa huấn luyện trong 6 tháng, tôi được giao cho vai trò làm người đào tạo. Sau đó, tôi cũng được phụ trách việc hướng dẫn các bạn mới vào làm sau. Sau khi vào công ty, tôi cũng sẽ tiếp tục cố gắng để đạt được mục tiêu đã đề ra, nâng cao năng lực của bản thân, cống hiến cho quý công ty nhiều nhất có thể.”

Ví dụ⑧: Sở trường

Trường hợp ⑧: “Khả năng hành động với tinh thần vươn lên”

= Người Việt, sinh viên đại học, trình độ tiếng Nhật N2 (JLPT)

Nguyên văn: “Tôi luôn đối mặt với mọi việc trên “tinh thần vươn lên”. Từ hai năm trước, tôi làm trưởng nhóm bóng đá của người Việt ở trường đại học. Đội của tôi hầu hết là những người mới bắt đầu tập hợp lại nên khó chiến thắng trong các trận đấu. Vì vậy, hàng tuần, tôi rủ các đội khác trong trường lên kế hoạch cùng nhau thi đấu. Tôi đã chuẩn bị các công việc như lên kế hoạch luyện tập, nghĩ phương pháp luyện tập, đặt sân bóng v.v. như một người quản lý. Sau đó, ở mỗi trận đấu, tôi cùng cả nhóm bàn bạc với nhau “những điểm cần cải thiện, những chiến lược cần làm”. Kết quả là, tại hội thi đấu bóng đá nhóm chúng tôi đã giành được chiến thắng đầu tiên như mong đợi. Từ bài học này, tôi đã học được tầm quan trọng của việc dám thử thách bản thân với tinh thần vươn lên trong bất kì việc gì. Sau khi vào công ty, tôi nghĩ công việc cũng sẽ khá vất vả nhưng tôi muốn tích cực trau dồi phát triển bản thân và trở thành một người trưởng thành hơn nữa.”

【Điểm tốt】

Giống như ví dụ ⑦, đây cũng là đoạn văn PR “tinh thần vươn lên”. Chúng ta có thể thấy được khả năng lãnh đạo và quản lý thông qua câu chuyện của người viết “với tư cách là trưởng nhóm, để có thể giải quyết được vấn đề của nhóm, người viết đã đưa ra các hoạt động cụ thể, kết quả là dẫn đội đi đến chiến thắng đầu tiên”. Thêm vào đó, cụm từ “chiến thắng đầu tiên như mong đợi” được dùng cho thấy người viết đã nỗ lực đặt ra mục tiêu “giành chiến thắng đầu tiên” từ đầu.

【Điểm cải thiện】

Trong cuối đoạn văn, có ghi rõ mục tiêu cá nhân “muốn trở thành người trưởng thành” vì thế nên viết thêm mục tiêu “muốn hoạt động và làm việc như thế nào trong công ty” sẽ khiến cho nhà tuyển dụng quan tâm đến sơ yếu của bạn hơn. Thêm vào đó, cụm từ “khá vất vả” (しんどい) không nên sử dụng bản sơ yếu vì có thể gây mất điểm đối với người đọc.

Chúng mình đã chỉnh sửa đoạn văn như sau.

Đoạn văn đã sửa: “Tôi luôn nỗ lực mọi việc trên “tinh thần vươn lên”. Trong vòng 2 năm, tôi làm việc với tư cách là đội trưởng của câu lạc bộ đội bóng đá người Việt. Trong đội có nhiều người mới nên ban đầu đã rơi vào tình trạng khó dành chiến thắng. Vì vậy tôi đặt ra mục tiêu là dành chiến thắng cho đội và suy nghĩ, thực hiện cách để trở nên mạnh mẽ. Cụ thể, chúng tôi đã lên kế hoạch thực hành, luyện tập chung với đội khác trong khuôn viên của trường. Khi đó, tôi suy nghĩ về phương pháp luyện tập, đặt lịch sân đấu, cố gắng làm tròn trách nhiệm của một người quản lý. Sau đó, khả năng của các thành viên dần dần được cải thiện. Mặc dù vậy, tôi không thể thắng dễ dàng nhưng sau mỗi trận đấu tôi đã thảo luận về những cải tiến trong tương lai của đội và phản ánh chúng trong quá trình luyện tập của mình. Kết quả của những nỗ lực này trong gần 2 năm, cuối cùng đội đã có thể giành được chiến thắng đầu tiên được mong đợi trong trận đấu của trường gần đây. Sau khi vào làm tại công ty, tôi sẽ tiếp tục trân trọng tinh thần vươn lên, học hỏi thật nhiều từ tiền bối, hàng ngày sẽ tiếp tục thử thách và rèn luyện bản thân để có thể cống hiến sức lực vào sự phát triển của công ty.”

Trong bài viết lần này, chúng mình đã đưa ra 3 ví dụ về sở trường trong sơ yếu lý lịch đồng thời cũng đã sửa lại và đưa ra những giải thích liên quan. Các bạn hãy tham khảo khi viết về “Sở trường – Sở đoản” cho hồ sơ lý lịch của mình nhé!