Blog
Việt Nam OK – Nhật Bản DAME_19: Học sinh tiểu học ở Nhật đi một con đường đi học mỗi ngày?
Các bạn có biết trẻ em tiểu học ở Nhật Bản mỗi khi đi học phải đi theo một đường đi đã định sẵn không? Bạn có nhận thấy rằng đường bộ ở Nhật Bản khá yên tĩnh, ít khi nghe tiếng còi xe ô tô không? Hoặc bạn đã từng gặp khó khăn khi tìm số nhà ở Nhật Bản bao giờ chưa? Chúng ta cùng tìm hiểu lý do vì sao nhé.
Trẻ em đi học và tan học theo lộ trình cố định
Việc đi học và tan học của trẻ con tại Nhật và Việt Nam có sự khác biệt vô cùng lớn.
Ở Việt Nam, khi học trường tiểu học công lập, đa phần trẻ em sẽ được bố mẹ, ông bà đưa đón hàng ngày. Nhà trường sẽ quản lý học sinh trong khuôn viên trường, còn ra khỏi khuôn viên trường thì do gia đình quản lý.
Nhưng ở Nhật thì rất khác. Đối với học sinh tiểu học, vào đầu năm học bố mẹ sẽ được nhà trường phát một tấm bản đồ và nhiệm vụ của phụ huynh là kẻ đường mà con mình sẽ đi bộ đi học và đi bộ về nhà mỗi ngày. Sau khi thống nhất với phụ huynh về lộ trình đi học và tan học thì học sinh có trách nhiệm và nghĩa vụ phải đi và về theo đúng lộ trình đó. Ngoài ra thì ở Nhật sẽ không có chuyện bố mẹ đưa đón con đi học trừ trường hợp có lý do đặc biệt. Thay vì việc đưa đón, nhiều trường áp dụng hình thức “đi học theo nhóm” từ vài em tới khoảng chục em một nhóm. Còn lúc tan học đi không cần đi theo nhóm.
Ở Việt Nam, đa phần học sinh tiểu học được cha mẹ đưa đón con cái bằng xe máy nhưng ở Nhật thì các em phải tự đi bộ tới trường. Và để đảm bảo an toàn, chính quyền thành phố sẽ cắm biển báo hoặc in xuống đường dòng chữ “School Zone”, nghĩa là “Khu vực trường học” để xe ô tô chú ý. Ngoài ra, chính quyền còn chỉ định một số ngôi nhà an toàn mà học sinh có thể chạy vào xin giúp đỡ nếu gặp tình huống ngoài ý muốn. Những ngôi nhà an toàn này sẽ được dán dòng chữ “Kodomo 110 ban no ie” bên ngoài cửa.
Bấm còi để… cảm ơn
Tham gia giao thông ở Việt Nam, điều quen thuộc nhất của chúng ta chính là những tiếng còi xe. Người Việt tạo nên một bản giao hưởng tiếng còi trên đường vì nhiều mục đích khác nhau, nhưng đa phần là để thông báo với xe khác và người đi bộ về sự hiện diện của mình trên đường.
Nhưng ở Nhật, bạn sẽ nhận về những ánh mắt khó chịu, nếu bỗng dưng lại bấm còi. Giao thông Nhật rất ít tiếng còi, nếu không muốn nói là gần như không có. Tôi có hỏi một vài người bạn Nhật thì được biết đa phần người lái xe ở Nhật luôn đặt nặng việc nhường nhịn lẫn nhau nên ít khi bấm còi. Cũng có những lúc họ chỉ bấm còi thì đó là khi cảm thấy thực sự nguy hiểm hoặc là người lái xe hơi “ngang tàng” một chút.
Có những lúc người lái xe bấm còi, nhưng đó là một tiếng còi rất ngắn và nhỏ “Pip” hoặc “Pip pip” là để cảm ơn người hoặc xe khác đã nhường đường cho mình.
Một người bạn của tôi sống ở thành phố Nagasaki từng bị cảnh sát dừng xe chỉ vì lỡ tay bấm còi xin vượt hơi nhiều. Ở Nhật Bản việc cố tình xin vượt (lái xe không an toàn) và bấm còi để cố tình vượt cũng là vi phạm luật.
Số nhà phức tạp
Tại Hà Nội nói riêng, việc tìm địa chỉ dựa vào số nhà là tương đối dễ dàng. Ví dụ số 25 Hàng Đào, 95 Nguyễn Thái Học hay phức tạp hơn thì số 30, ngõ 200 u Cơ… Còn tại Sài Gòn thì bạn cũng chỉ cần thêm tên quận là xong.
Nhưng ở Nhật, nếu bạn không có một thiết bị kết nối Internet trong tay và định tìm nhà dựa vào số thì không đơn giản chút nào đâu nhé. Người Nhật đánh số nhà theo khu vực hoặc từng khối (block) nhà. Ví dụ sau tên khu vực có ghi địa chỉ là 1-13-22 thì con số này lần lượt có nghĩa là trong tiểu khu 1 (1-chome) sẽ có khối nhà 13 (13-banchi) và trong khối nhà 13 này sẽ có ngôi nhà số 22.
Thêm một khác biệt rất lớn nữa: Ở Việt Nam, đa phần thì các con phố sẽ có số nhà liên tiếp. Ví dụ nhà số bên lẻ 1, 3, 5, 7 và bên kia đường là số chẵn 2, 4, 6, 8… Tuy nhiên, ở Nhật thì số nhà được quyết định dựa vào thời điểm căn nhà đó được xây. Và điều đó có nghĩa là có nhiều trường hợp, 2 căn nhà cạnh nhau chưa chắc đã có 2 số nhà nối tiếp theo quy luật như ở nước ta.
Tuy nhiên, người Nhật lại đánh mã bưu chính cho từng khu vực và điều này rất tiện lợi để chúng ta tìm kiếm thông tin trên mạng. Chỉ cần nhập mã bưu chính của toà nhà vào ứng dụng bản đồ là tự động hệ thống sẽ tìm ra địa chỉ chính xác của toà nhà đó. Hoặc ngoài mã số bưu điện, ta viết thêm tên của tòa nhà nữa thì ứng dụng bản đồ sẽ hướng dẫn bạn dễ dàng tìm được nơi cần đến.
Xếp hạng bài viết phổ biến
-
Lớp học tiếng Nhật online miễn phí 16860 views
-
Không được ăn ốc bắt ở ruộng lúa 15389 views
-
“Đúng giờ” ở Nhật là như thế nào? 12894 views
Platinum Sponsor
Bronze Sponsors
- Global HR Strategy
- Trường Nhật Ngữ EHLE
Đơn vị hỗ trợ
- Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam
- Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam
- Văn phòng JNTO Hà Nội
- Liên đoàn kinh tế vùng Kansai
- Hội Việt Nam (JAVN)
- Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật
- Hiệp hội phát triển giao lưu nguồn nhân lực quốc tế
Đơn vị hợp tác
Tổ chức hỗ trợ du học sinh
Nhật Bản (JASSO)
Mạng lưới luật sư cho lao động người nước ngoài
Bài viết mới
Bài viết liên quan
-
Việt Nam OK – Nhật Bản DAME_09: Không nên cắt móng tay vào buổi tối
Đừng ngạc nhiên nếu người Nhật hoàng hốt ngăn bạn cắt móng tay vào buổi tối hoặc tỏ ra ái ngại khi thấy bạn trộn thức ăn chung với cơm và thưởng thức ngon lành. Không cắt móng tay vào buổi tối Vào một buổi tối, chẳng cần biết là có mát trời hay không, bạn cảm thấy móng tay mình đã quá dài và muốn “xử lý” chúng. Nếu bạn đang ở Việt Nam thì xin mời, nhưng nếu đang ở Nhật và đặc biệt là nếu đang sống chung với một gia đình Nhật thì xin đừng. Cắt móng tay vào buổi tối là việc kiêng kị ở Nhật. Ảnh: Livejapan Có 2 lý do mà người Nhật rất kiêng kị việc cắt móng tay vào buổi tối. Thứ nhất, từ “móng tay buổi tối” trong tiếng Nhật sẽ phát âm là 夜爪 (yo-tsume). Từ này đồng âm với từ 世詰 (yo-tsume) có nghĩa là “rút ngắn tuổi thọ”. Vì thế việc cắt móng tay vào buổi tối làm người ta liên tưởng tới việc “chết sớm”. Thứ 2 là vào thời kỳ Edo, người ta cho rằng “Móng tay móng chân là một phần của cơ thể do cha mẹ truyền lại nên nếu cắt móng trong lúc tối trời thì sẽ không được nhìn thấy lúc cha mẹ qua đời” và việc này được coi như hành động bất hiếu. Cách suy nghĩ này được truyền tới tận bây giờ. Lý do của cách suy nghĩ này có thể là do vào thời Edo (1603-1868), người Nhật cắt móng tay bằng… dao găm. Mà thời đó thì đã làm gì có điện, nên khi mặt trời khuất núi là nhà cửa tối mù tối mịt. Cắt móng tay vào buổi tối bằng dao, trong điều kiện không có ánh sáng khác nào tự sát. Vì vậy cha mẹ muốn tránh không để xảy ra nguy hiểm nên mới dùng cách nói “chết sớm” hoặc “không được nhìn thấy lúc cha mẹ qua đời” để răn con cái chăng. Không được làm gãy lược Người Nhật rất quý trọng chiếc lược của họ. Ảnh: Nomakenolife Làm vỡ gương ở Việt Nam được coi là điềm xấu, còn ở Nhật thì vai trò tạo ra điềm xấu của chiếc gương được chuyển sang cái lược. Người Nhật sẽ rất sợ hãi khi chẳng may làm gãy những chiếc răng lược. Tại sao? Điều này liên quan tới một câu chuyện thần thoại về thủy thần Izanagi. Trong quá trình bị kẻ thù truy đuổi, thủy thần Izanagi đã ném chiếc lược làm bằng tre xuống đất và những chiếc răng lược mọc lên thành một rừng măng tre. Tận dụng lúc kẻ thù mải ăn những búp măng ấy, Izanagi đã kịp chạy trốn. Câu chuyện này truyền miệng qua nhiều đời, lâu dần khiến người ta tin rằng chiếc lược là vật cứu mạng. Ngoài ra còn một lý do khác là ngày xưa chiếc lược được coi là vật quý giá. Những cô con gái đi lấy chồng thường được mẹ tặng lược coi như kỷ vật. Vì giá trị của nó mà người Nhật rất quý trọng chiếc lược của mình. Phải tắm sạch trước khi ngâm bồn Các gia đình Việt Nam ít có thói quen sử dụng bồn tắm. Nhưng ở Nhật, bạn sẽ thấy sự xuất hiện của bồn tắm ở bất kỳ đâu, từ hộ gia đình cho tới phòng khách sạn. Tôi đã gặp nhiều bạn Việt Nam vào tắm bồn ngay sau khi xả đầy nước nóng. Nhưng đây là cách sử dụng bồn tắm sai hoàn toàn trong mắt người Nhật. Điều này có thể khiến họ cảm thấy khó chịu. Thường thì nhà tắm ở các căn hộ truyền thống của Nhật sẽ có cấu trúc thế này: một chiếc ghế nhựa thấp đặt cạnh vòi hoa sen để bạn tắm thật sạch sẽ. Sau khi cơ thể đã được gột rửa bạn mới bước vào bồn tắm để thư giãn. Người Nhật rất chú trọng vệ sinh bồn tắm của họ nên đừng sử dụng sai mục đích của nó nhé. Phòng tắm trong một căn hộ truyền thống ở Nhật Không trộn thức ăn và nước xốt với cơm Đối với thế hệ 8x Việt Nam trở về trước, khi ăn những món ăn đi kèm nước xốt (thịt kho tàu, thịt/cá xốt cà chua…), chúng ta thường có thói quen chan nước xốt vào cơm rồi trộn thức ăn, nước xốt với cơm và bắt đầu thưởng thức. Thật ra cá nhân tôi cho rằng cách ăn này rất ngon. Tuy nhiên, trong lần mời một gia đình Nhật tới nhà dùng bữa, họ rất ngạc nhiên khi tôi làm vậy. Phải rất thân thì người bạn Nhật mới nói với tôi rằng, người Nhật coi việc trộn lẫn như vậy là… bẩn. Người Nhật sẽ chấm cơm vào nước xốt chứ không tưới nước xốt vào cơm Người Nhật có một số món ăn Donburi – các món trộn cơm với thức ăn và nước xốt như cơm bò (Gyudon), cơm gà trứng (Oyakodon), hay cơm hải sản (Kaisen don). Tuy nhiên, với những món ăn mặn vốn được dọn riêng, người Nhật sẽ gắp từng món vào bát và ăn riêng chứ không trộn lẫn vào nhau. Khi ăn cơm ở Nhật, đừng biến bát cơm của mình thành một “khối thống nhất” giữa cơm và nước xốt bạn nhé.
-
Việt Nam OK – Nhật Bản DAME_05: Cách đi thang cuốn kì lạ
Đứng ở bất kỳ đâu trên thang cuốn, tặng hoa cho người ốm, đưa tiền tip trong khách sạn, nhà hàng, huýt sáo vào buổi tối là những điều hết sức bình thường ở Việt Nam. Nhưng ở Nhật thì dame. Xứ sở hoa anh đào, đất nước mặt trời mọc, mùa thu có lá vàng lá đỏ, xuân về thì hoa anh đào nở rộ… là những nét văn hóa đặc trưng của Nhật Bản, có thể đọc được ở bất kỳ đâu. Tuy nhiên, có những nét văn hóa tồn tại trong đời sống sinh hoạt thường nhật của người dân xứ sở hoa anh đào mà rất ít người Việt để ý. Hãy cùng tìm hiểu về chúng. Khi đi thang cuốn Lê Hoàng An, sinh viên năm nhất đại học Kyushu (Fukuoka), vẫn không quên được thời khắc bị một người đàn ông Nhật vỗ vai đề nghị đứng dịch về bên trái khi đang lên thang cuốn. An hơi giật mình khi nhận ra gương mặt của người đàn ông này không hề dễ chịu chút nào. Theo thói quen thời còn ở Việt Nam, An bước lên thang cuốn và đứng song song với người bạn đi cùng. Tuy nhiên, Nhật Bản đã xây dựng được văn hóa xếp hàng trên thang cuốn cực kỳ chuẩn chỉnh. Thường thì người đứng yên cần phải xếp hàng dịch về bên trái (ở khu vực Kansai thì là bên phải) để dành lối bên phải cho người đang vội có thể đi trước. Tuy nhiên nếu như bạn ở khu vực Kansai như Osaka hoặc Kyoto thì người đi thang cuốn sẽ đứng về phía bên phải, dành lối đi về phía trái cho người nào muốn đi lên trước. Tại sao ở khu vực Kansai lại có quy định ngược như vậy? Lý do cũng có nhiều cách giải thích. Một cách giải thích cho rằng năm 1967 nhà ga Umeda của tuyến đường sắt Hankyu có lắp đặt loại thang cuốn đi bộ và có nhiều người vịn vào phía bên phải do có loa thông báo “Dành lối đi bên trái cho người muốn đi trước”. Từ đó hình thành thói quen đứng bên phải. Theo một cách giải thích khác thì năm 1970, khi Osaka đăng cai tổ chức Hội chợ quốc tế EXPO thì do có nhiều du khách nước ngoài, nên đã hình thành thói quen đứng bên phải cho phù hợp với thói quen của người châu Âu. Khi đi thang cuốn ở Nhật thì người đứng yên cần phải xếp hàng dịch về bên trái (ở khu vực Kansai thì là bên phải) Ở Việt Nam, bạn có thể đứng ở bất kỳ bên nào trên thang nhưng sang tới Nhật, hãy đứng dịch về một bên kẻo lại đụng phải những cái lườm nguýt như An. Tiền tip (tiền boa) Ở Nhật Bản không có văn hóa cho tiền tip. Ở Việt Nam, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh, văn hóa đưa tiền tip cho nhân viên phục vụ tương đối phổ biến. Nhiều người Việt quan niệm đơn giản rằng, khi họ được cung cấp dịch vụ như ý thì một chút tiền tip là cách để thể hiện sự hài lòng. Tặng tiền tip sẽ khiến người Nhật nổi giận !? Tuy nhiên, đừng dại mà đưa tiền tip cho các nhân viên phục vụ ở Nhật nếu bạn không muốn rơi vào tình huống khó xử. Đối với người Nhật thì việc cung cấp một dịch vụ hoàn hảo là điều hiển nhiên. Thậm chí sẽ có nhiều người Nhật cảm thấy việc bạn đưa tiền tip là một sự sỉ nhục. Đối với họ, tiền không phải là thước đo giá trị. Người Nhật cung cấp dịch vụ xuất phát từ lòng hiếu khách chứ không phải để đổi lấy tiền boa. Tặng hoa cho người ốm là…bất lịch sự !? Tiếp theo, bạn có một người bạn Nhật đang nằm viện và nghĩ tới chuyện tới thăm. Theo thói quen của người Việt, bạn nghĩ rằng mình nên mua một vài bông hoa giúp người bệnh cảm thấy vui tươi hơn. Nếu muốn mua hoa, xin hãy lưu ý vài điểm sau: Bản thân việc tặng hoa cho người ốm không có vấn đề gì, nhưng các loài hoa có màu trắng ở Nhật đều liên quan đến đám tang. Vì thế nên tránh các loại hoa màu trắng hoặc hoa cúc, là loại hoa chuyên được cắm bàn thờ phật. Ngoài ra các loài hoa đỏ thì khiến người bệnh liên tưởng tới máu. Vì thế nếu tặng hoa cho người sau khi bị mổ thì ta nên tránh nhé. Ở Nhật tặng hoa cho người ốm là…bất lịch sự? Tệ hơn nữa, nếu bạn tặng cho người ốm những loài hoa được trồng trong chậu thì thê thảm rồi. Bởi hoa trồng trong chậu có rễ, tiếng Nhật đọc là “Netsuku” và từ này dễ làm người ta liên tưởng tới từ “ngủ mãi” trong tiếng Nhật. Bạn đang mong người bệnh ngủ mãi hay sao? Ở một số vùng thì hoa trồng trong chậu sẽ khiến người bệnh nghĩ rằng chúng ta đang chúc họ nằm viện lâu tới mọc rễ. Hơn nữa, tùy theo bệnh viện mà có những nơi người ta không cho phép cắm hoa trong phòng bệnh nên nếu muốn tặng hoa, chúng ta nên hỏi trước xem có được phép không nhé. Bởi những loại hoa có hương thơm mạnh hoặc có phấn hoa… có thể ảnh hưởng tới người bệnh hoặc người nằm cùng phòng. Nên thường thì người ta tránh tặng hoa cho người ốm. Huýt sáo Vào một đêm trăng thanh gió mát, bạn cao hứng và quyết định huýt sáo vài giai điệu cho vui vẻ. Bạn thoải mái làm điều đó ở Việt Nam nhưng ở Nhật thì đừng. Tiếng huýt sáo có rất nhiều giai thoại ở Nhật. Huýt sáo ngoài đường Ở một số vùng, người Nhật quan niệm rằng tiếng huýt sáo là cách kẻ trộm gọi nhau vào ban đêm. Vậy nên chỉ cần nghe tiếng huýt sáo người dân sẽ theo phản xạ lùng xục tìm kẻ gian. Thời xa xưa hơn nữa, sáo là công cụ được sử dụng khi gọi hồn. Vậy nên tiếng sáo vang lên ban đêm sẽ khiến nhiều người cảm thấy rùng rợn, giống như việc có hồn ma nào đó đang được gọi lên. Trẻ con ở nhiều vùng thì được người lớn dạy rằng, nếu huýt sáo thì rắn sẽ vào nhà. Nói tóm lại, tiếng sáo vang lên ban đêm chỉ liên quan tới những điều không tốt. Những nét văn hóa dân gian góp phần tạo nên đặc trưng cho mỗi dân tộc. Vậy nên hãy tìm hiểu và tôn trọng những điều kiêng kị để chí ít thì cũng không bị coi là bất lịch sự trong đời sống hàng ngày.
-
Người Nhật hưởng thụ ngày cuối tuần thế nào?
Tại quốc gia có cường độ làm việc cao như Nhật Bản thì những ngày cuối tuần là thời gian để người lao động xả stress (làm mới cuộc sống). Đây cũng là thời gian quan trọng để họ có thể nuôi dưỡng mối quan hệ gia đình – những người mà ngày thường không thể thong thả ở cùng nhau, bằng cách cuối tuần cùng nhau ra ngoài chơi. Cụ thể hơn thì cuối tuần họ làm gì nhỉ? Qua cái nhìn của một người Việt Nam, chúng ta cùng xem người Nhật hưởng thụ ngày cuối tuần ra sao nhé. 【Thạch Long】 Tối thứ sáu với nhiều buổi nhậu Xã hội đương đại Nhật Bản, kể từ thời Minh Trị (1868~1912) và đặc biệt là vào giai đoạn kinh tế Nhật Bản tăng trưởng vượt bậc (từ năm 1955-1973) tới năm 1980, người dân vẫn đi học và đi làm nửa ngày thứ Bảy chứ không được nghỉ cả ngày thứ Bảy và Chủ Nhật như hiện nay. Tháng 1/1989, Chính phủ ra quy định cho phép cán bộ công nhân viên chức nhà nước được nghỉ ngày thứ Bảy của tuần thứ 2 và tuần thứ 4 và bắt đầu từ ngày 1/5/1992 trở đi mới được nghỉ hoàn toàn 2 ngày cuối tuần. Thêm vào đó, việc thay đổi ngày nghỉ cuối tuần cũng khiến cho suy nghĩ của người Nhật về “ngày cuối tuần” cũng thay đổi theo. Hiện nay thì việc “nghỉ thứ bảy chủ nhật” là việc bình thường. Từ khi được nghỉ hoàn toàn 2 ngày vào cuối tuần, không phải đi làm đi học nửa ngày thứ Bảy như trước nữa thì tối thứ Sáu trở thành buổi tối tưng bừng nhất trong tuần vì “Ngày mai là ngày nghỉ”. Trước khi Covid-19 bùng nổ, tất cả các quán nhậu, quán ăn đều đông nghịt vào tối thứ Sáu và thành phần tham dự đa phần là các nhân viên công sở. Họ vẫn mặc nguyên trang phục công sở và “cháy” hết mình. Tại các nhà ga lớn, nếu bạn nhìn thấy những người đàn ông bước đi xiêu vẹo vì say rượu mà vẫn nghiêm trang trong bộ vest chỉnh chu, đó chắc chắn là tối thứ Sáu. Sau khi đại dịch qua đi, cảnh tượng này chắc sẽ lại trở trên những góc phố trung tâm ở Nhật Bản. Cách trải qua thứ bảy, chủ nhật Theo một khảo sát của Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (năm 2014, có thể chọn nhiều đáp án) về cách nghỉ ngơi cuối tuần thì những lựa chọn như “Không làm gì cả chỉ ngủ”, hoặc “Nghe đài hoặc xem vô tuyến”, “Lướt mạng internet” ở cả nam lẫn nữ đều ở vị trí cao nhất. Tiếp theo đó là “Vận động, chơi thể thao hoặc đi bộ” (đối với nam giới) và “Đi mua sắm” (đối với nữ giới). Số liệu này cho thấy đối với nhiều người, cuối tuần là dịp để họ nghỉ ngơi trong yên tĩnh, nghỉ hoàn toàn sau một tuần làm việc căng thẳng và vất vả. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Cách trải qua ngày nghỉ của người Nhật Bản (điều tra của Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi Nhật Bản) Tuy nhiên, gần đây, số người thích các hoạt động ngoài trời như đi đến những nơi tràn đầy thiên nhiên cùng gia đình và bạn bè mình vào ngày nghỉ đã tăng lên. Chắc là những người dân sống ở đô thị thường làm mới cuộc sống bằng cách tận hưởng thiên nhiên, nghỉ ngơi, thưởng thức những món ngon ở trên núi, gần sông, ở onsen v.v. nhỉ? Thời gian gần đây, các cặp yêu nhau, hoặc gia đình có con cái hoặc bạn bè rủ nhau cùng tham gia các hoạt động giải trí ngoài trời đơn giản mà không đi xa cũng trở nên phổ biến hơn. Mô tuýp quen thuộc của các cặp vợ chồng có con cái là tới công viên lớn dựng lều cắm trại. Họ sẽ tới một công viên lớn, mang theo lều hoặc đơn giản là tấm trải và đồ ăn ăn cùng với các loại dụng cụ vui chơi như bóng, diều, đĩa ném v.v. cùng vui chơi với con cái. Các công viên ở Nhật thường vô cùng sạch sẽ, nhiều bãi cỏ trống để người dân dựng lều, trẻ em vui đùa. Có nhiều khu vực còn có chỗ để người dân làm thịt nướng BBQ nữa. Du lịch hoặc leo núi Những bạn trẻ (bao gồm cả các cặp đôi) thường đi dạo ngắm cảnh. Họ hay chọn những nơi có cảnh đẹp như vườn hoa, bãi biển, đền chùa, di tích nổi tiếng để vừa tản bộ, vừa chụp ảnh. Những người độc thân thì có xu hướng khám phá những khu vực mới để chụp ảnh, câu cá. Những người thích lái xe sẽ đi xa hơn một chút, tới các tỉnh lân cận, thăm thú đó đây. Ngủ một tối ở nhà trọ - khách sạn, thưởng thức onsen, đặc sản ở địa phương. Thông thường, những người nghỉ thứ bảy chủ nhật thì vào chủ nhật họ sẽ về sớm để nghỉ ngơi, chuẩn bị cho một tuần mới. Một hoạt động nữa cũng vô cùng phổ biến vào dịp cuối tuần là leo núi. Đây là hoạt động thu hút được rất nhiều người tham gia, đa phần là người già và những nam thanh nữ tú đam mê các môn vận động thể chất. Do địa hình Nhật Bản có rất nhiều núi non, nhiều núi kể cả dễ leo và khó leo nên thường thì những người đam mê leo núi không cần phải đi quá xa để thỏa mãn khát vọng chinh phục những đỉnh cao của mình. Tôi có biết một cặp vợ chồng người Nhật năm nay trên dưới 80 tuổi. Từ lúc 60 tuổi, mặc dù người chồng có bệnh tiểu đường, nhưng hầu như tháng nào hai ông bà cũng lái xe đi khắp nơi trong nước để leo núi. Hiện họ đã leo gần như tất cả mọi ngọn núi đáng kể của Nhật Bản và có những nơi núi không quá cao và vì thích nên họ còn leo tới vài lần. Siêu thị ngày chủ nhật Thời mới sang Nhật, tôi rất ngạc nhiên khi chứng kiến những ngày Chủ Nhật đường xá vắng tanh nhưng các siêu thị lại luôn đông đúc. Tìm hiểu mới biết, người Nhật coi ngày Chủ Nhật là ngày chuẩn bị cho buổi đi làm đầu tuần nên có đi chơi xa họ cũng bố trí trở về sớm hoặc đi chợ mua thực phẩm chuẩn bị cho cả một tuần tới. Nếu như vào những ngày thường, lực lượng đi siêu thị thường là những phụ nữ làm nội trợ toàn thời gian thì vào Chủ Nhật, việc đi chợ sẽ đông vui hơn vì sẽ có thêm chồng con đi phụ giúp. Vào thời gian cuối ngày, rất đông gia đình đi mua sắm vì nhiều siêu thị giảm giá các loại thực phẩm để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đây cũng là một lý do mà các siêu thị lại đông vào thời gian muộn như vậy.
-
Không được ăn ốc bắt ở ruộng lúa
Vì công việc mà tôi thường xuyên tiếp xúc với nhiều bạn trẻ người Việt Nam sang làm việc hoặc học tập tại Nhật Bản. Cách đây một thời gian, tôi có dịp đi công tác xuống địa phương và được một số bạn trẻ người Việt Nam làm thực tập sinh ở đó mời về nhà ăn cơm. Bữa cơm vui vẻ và đầm ấm với những món ăn đơn giản nhưng mang đậm hương vị quê nhà như nem rán, cá rán và đặc biệt là có một bát canh chuối xanh nấu ốc thơm lừng mùi lá tía tô. Các bạn mang canh ra và nói “Chị ăn đi, ngon lắm. Hôm nay có chị đến chơi, bọn em cũng nghĩ chắc chị ở thành phố thì ít có dịp ăn ốc nên hôm nay nấu ốc chuối xanh đãi chị đó ạ.” Thấy các bạn đã chuẩn bị công phu, khêu từng con ốc và tình cảm các bạn dành cho, tôi đã ăn một bát và quả thật là rất ngon vì lần đầu tiên sau bao năm tôi mới được ăn món canh ốc này. Cơm nước xong, ngồi trò chuyện với nhau, tôi mới hỏi xem các bạn mua ốc ở đâu thì bạn cho biết “Bọn em đi bắt ở những thửa ruộng lúa gần chỗ làm ạ. Ở đây nhiều lắm mà hình như người Nhật không ăn chị ạ”. Ốc trong ruộng lúa Nghe vậy tôi mới giật mình và nói cho các em biết là ốc ở những thửa ruộng trồng lúa là KHÔNG THỂ ĂN ĐƯỢC và từ nay trở đi KHÔNG ĐƯỢC ĂN ỐC MÒ Ở RUỘNG LÚA. Lý do là vì việc trồng lúa hiện nay dùng rất nhiều hóa chất, từ thuốc trừ sâu đến thuốc diệt cỏ… Nên các loài sinh vật sống ở đây đều nhiễm hóa chất nặng. Các ruộng lúa dùng rất nhiều hóa chất Liên quan tới việc bắt sinh vật, động vật trong thiên nhiên về ăn có một sự việc xảy ra năm 2019. Một bạn trẻ, nam giới, người Việt Nam ở Nhật bắt 2 con vịt trời ở một khu vực sông ở Tokyo định mang về ăn nhưng đã bị bắt và bị truy tố vì tội “Vi phạm Luật Bảo hộ Động vật” của Nhật Bản. Theo luật này việc tự tiện bắt chim muông và động vật ở Nhật Bản, trên nguyên tắc là bị cấm. Chỉ được phép săn bắt những loài thú được phép “Săn bắt” và phải có “Giấy phép”. Và việc “Săn bắt” phải được cấp phép và được đăng ký. “Giấy phép” được cơ quan hành chính có chức năng cấp cho mục đích loại bỏ những động vật gây nguy hại hoặc vì mục đích nghiên cứu. Ngoài 2 mục đích này ra thì dù chim trời hay động vật hoang dã thì cũng không được phép đánh bắt. Chim trời hay động vật hoang dã thì cũng không được phép đánh bắt Quay lại việc mò bắt ốc ở ruộng lúa, việc làm này không vi phạm luật nhưng nếu ăn phải có khả năng sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe. Có thể ta không nhận thấy tác hại ngay sau khi ăn nhưng nếu không biết mà cứ tiếp tục ăn thì lâu dần, những hóa chất độc hại sẽ tích tụ lại trong cơ thể và trong tương lai có thể gây ra những căn bệnh nghiêm trọng. Vì thế lời khuyên của tôi là “Nhất định không được ăn ốc ở ruộng lúa” các bạn nhé.
Xếp hạng bài viết phổ biến
-
Lớp học tiếng Nhật online miễn phí 16860 views
-
Không được ăn ốc bắt ở ruộng lúa 15389 views
-
“Đúng giờ” ở Nhật là như thế nào? 12894 views
Platinum Sponsor
Bronze Sponsors
- Global HR Strategy
- Trường Nhật Ngữ EHLE
Đơn vị hỗ trợ
- Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam
- Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam
- Văn phòng JNTO Hà Nội
- Liên đoàn kinh tế vùng Kansai
- Hội Việt Nam (JAVN)
- Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật
- Hiệp hội phát triển giao lưu nguồn nhân lực quốc tế
Đơn vị hợp tác
Tổ chức hỗ trợ du học sinh
Nhật Bản (JASSO)
Mạng lưới luật sư cho lao động người nước ngoài