Thực tập kỹ năng - Kỹ năng đặc định
Văn hoá doanh nghiệp Nhật Bản_02: Không đặt hàng cá nhân đến địa chỉ nơi làm việc
Ở Việt Nam, chúng ta thường thấy nhiều người đặt mua đồ trên mạng và chọn địa chỉ giao hàng là nơi làm việc của mình, song ở Nhật thì không làm như vậy được. Ngoài ra, sau mỗi kì nghỉ dài, người Nhật sẽ trở về trạng thái “bật chế độ làm việc”, ngay từ ngày đầu tiên quay lại với công việc. Mình có 9 năm làm việc ở Việt Nam và ba lần du học, hiện nay mình đang làm nhân viên chính thức trong một công ty ở Nhật. Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ với các bạn về sự khác nhau giữa văn hoá doanh nghiệp của Việt Nam và Nhật Bản. 〈Vân Hoàng〉
Chuyển chế độ “ON” – “OFF”
Khi làm việc ở Hà Nội, mình luôn cảm thấy ghen tị vì các các doanh nghiệp Nhật Bản có nhiều ngày nghỉ lễ hơn các công ty của Việt Nam. Từ tháng 10 năm 2021, mình vào làm việc tại một công ty ở Tokyo. Ngoài kỳ nghỉ Tết dương lịch, gần như tháng nào mình cũng có ba ngày nghỉ liên tiếp.
Mình thấy rất vui vì điều này nhưng nó cũng làm cho mình khổ sở. Mình gặp khó khăn với việc chuyển chế độ “ON” và “OFF” giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Vấn đề của mình là làm thế nào để nhanh chóng thay đổi tâm trạng sau mỗi kỳ nghỉ dài. Những đồng nghiệp người Nhật xung quanh mình đều là những người làm việc rất chuyên nghiệp, sau kỳ nghỉ dài, họ đã ở trạng thái “bật chế độ làm việc” ngay từ buổi sáng đầu tiên đi làm lại.
Ở Nhật, vào thời gian cuối năm cũ và đầu năm mới, mọi người sẽ nghỉ khoảng một tuần. Vào ngày đi làm đầu tiên của tháng 1, giám đốc sẽ gửi lời chúc mừng năm mới đến toàn thể nhân viên. Sau khi kết thúc màn chào hỏi đầu năm, tất cả các đồng nghiệp của mình đã “bật chế độ làm việc”, và họ tập trung vào công việc như không hề có kỳ nghỉ một tuần trước đó.
Ở Việt Nam có câu “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Ý nghĩa của câu nói này là ngoài mấy ngày Tết, mọi người sẽ có tâm trạng “ăn Tết, chơi Tết”, kéo dài khoảng một tháng từ trước Tết cho tới sau Tết. Trước khi nghỉ dài, mọi người sẽ chuẩn bị đón Tết, mua sắm, nghĩ xem mình sẽ làm gì trong mấy ngày Tết. Sau kì nghỉ dài, mọi người lại mải mê nghĩ về các hoạt động như tổ chức tiệc chúc mừng năm mới, đi lễ chùa đầu năm, đi du xuân v.v.
Khi làm việc cùng người Nhật, mình thấy rất ấn tượng với cách người Nhật chuyển chế độ “ON” – “OFF” và hiểu ra rằng đó cũng là một trong những điều khiến Nhật Bản đạt được những thành quả kinh tế to lớn như ngày hôm nay.
Phân chia rõ ràng giữa việc công và việc tư
Với người Nhật, họ chia rõ “thời gian làm việc” và “thời gian cho bản thân”, đồng thời họ cũng phân rõ việc nào là việc công, việc nào là việc tư. Ví dụ, trong giờ làm việc, đồng nghiệp của mình đều tập trung vào công việc, hầu như không nói chuyện phiếm hay kể chuyện về gia đình.
Ngoài ra, nhân viên trong các công ty của Nhật cũng không đặt đồ cá nhân về địa chỉ của công ty. Ở Việt Nam, khi mua hàng trên mạng, nhiều người đã nhờ các cửa hàng giao đồ đến công ty. Mình cũng đã làm như vậy. Tuy nhiên, trong các công ty của Nhật thì không có ai làm thế. Bây giờ, khi mua hàng trên mạng, mình cũng thường nhận hàng ở nhà riêng vào cuối tuần.
Nghỉ vào giờ nghỉ trưa thì thế nào?
Người Nhật đúng là làm việc chăm chỉ, đâu ra đấy nhưng có khi họ làm việc quá nhiều, hay có vẻ họ không giỏi tận dụng thời gian OFF của mình. Điều này thể hiện trong giờ nghỉ trưa hàng ngày.
Sau khi vào công ty Nhật làm việc, mình thấy bất ngờ nhất với cách người Nhật nghỉ trưa. Trước đây, khi dạy tiếng Nhật tại một trường đại học ở Hà Nội, một đồng nghiệp người Nhật (luật sư phụ trách giờ dạy Luật Nhật Bản) từng nói với mình, “Ở Nhật, nhiều người chỉ ăn trưa trong vòng 5 phút”. Khi nghe anh ấy nói vậy, mình đã nghĩ là anh ấy “phóng đại” mà thôi.
Thế nhưng, khi làm việc trong công ty ở Nhật, mình hiểu ra rằng chuyện đó không phải là bịa đặt. Ở công ty mình đang làm, có người rút ngắn giờ nghỉ trưa, có người không ăn trưa mà làm việc liên tục. Ngoài ra, ở Nhật có khi mọi người vừa ăn trưa vừa tham gia một cuộc họp nào đó, một điều gần như không thể xảy ra ở Việt Nam.
Việt Nam có câu “Trời đánh tránh miếng ăn”. Câu nói này khuyến khích mọi người hãy trân trọng giờ ăn của mình. Chắc hẳn phần lớn nhân viên chính thức ở Nhật đều có thời gian nghỉ trưa được ghi trong hợp đồng lao động là một tiếng đúng không nào? Mỗi người đều có quyền sử dụng thời gian đó theo cách của mình, nhưng thiết nghĩ nếu dành thời gian đó cho bản thân nhiều hơn một chút thì chẳng phải là rất tốt hay sao?
Mình cho rằng nếu nghỉ ngơi đủ thì năng suất làm việc cũng sẽ cao hơn. Ngoài ra, việc thong thả ăn trưa và nói chuyện với đồng nghiệp cũng là một việc rất có ý nghĩa. Nếu là người Việt, vào giờ nghỉ giải lao, mọi người có thể nói bất kì chuyện gì với nhau, kể cả các chuyện riêng tư, chuyện gia đình, con cái. Điều này khiến mọi người hiểu nhau hơn, quan hệ giữa hai bên cũng ngày càng tốt đẹp hơn.
Tổng kết
Sau khi vào làm việc trong công ty của Nhật, mình hiểu thêm về cách làm việc cũng như văn hoá làm việc của người Nhật và thấy rằng mình cần học từ họ rất nhiều. Cách làm việc ở Nhật có nhiều điểm khác với cách làm việc ở Việt Nam. Đấy là sự khác biệt về văn hoá nên mình nghĩ nó không phải là thứ để đánh giá là cái nào tốt, cái nào kém. Tuy nhiên, nếu có thể cải thiện cách làm việc nhờ tiếp thu văn hoá của người Nhật thì mình nghĩ đó cũng là một việc nên làm.
Trong bài viết này, mình đã giới thiệu với các bạn hai điểm tốt trong môi trường làm việc ở Nhật, đó là cách người Nhật “chuyển chế độ ON-OFF” và “phân chia việc công – việc tư”, còn một điểm mình thấy hơi đáng tiếc là “cách dùng thời gian nghỉ trưa” của họ. Qua bài viết, hi vọng mọi người hiểu thêm về văn hoá doanh nghiệp của hai nước và cùng giúp đỡ nhau nhiều hơn trong công việc!
Xếp hạng bài viết phổ biến
-
Lớp học tiếng Nhật online miễn phí 16731 views
-
Không được ăn ốc bắt ở ruộng lúa 15286 views
-
“Đúng giờ” ở Nhật là như thế nào? 12821 views
Platinum Sponsor
Bronze Sponsors
- Global HR Strategy
- Trường Nhật Ngữ EHLE
Đơn vị hỗ trợ
- Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam
- Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam
- Văn phòng JNTO Hà Nội
- Liên đoàn kinh tế vùng Kansai
- Hội Việt Nam (JAVN)
- Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật
- Hiệp hội phát triển giao lưu nguồn nhân lực quốc tế
Đơn vị hợp tác
Tổ chức hỗ trợ du học sinh
Nhật Bản (JASSO)
Mạng lưới luật sư cho lao động người nước ngoài
Bài viết mới
Bài viết liên quan
-
Việt Nam OK, Nhật Bản DAME_24: Cẩn thận với những đụng chạm cơ thể
Một cái ôm mà nhiều người Việt coi là thể hiện sự thân thiện có thể sẽ không được hiểu là “thân thiện” ở Nhật đâu nhé. Trong số này, hãy tìm hiểu cách tiếp nhận kiểu chào bằng cách ôm ra sao, văn hóa cúi người để chào và cách chào khi tiễn nhau của người Nhật như thế nào nhé. Người Nhật không thích ôm nhau khi chào Hãy tưởng tượng một tình huống thế này: Bạn đi du lịch và chọn việc trải nghiệm cuộc sống cùng người bản địa. Sau 1 tuần được chủ nhà tiếp đón nồng hậu, bạn rất cảm động. Giờ chia tay đã đến và bạn cảm thấy cần phải làm điều gì đó để thể hiện lòng biết ơn của mình trước tấm thịnh tình của gia chủ. Ở Việt Nam, do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây nên một cái ôm tặng gia chủ là hoàn toàn bình thường. Thậm chí trong quá trình trải nghiệm cuộc sống cùng chủ nhà, bạn có thể khoác vai thân mật một chút với chủ nhà trong lúc đôi bên đang nhâm nhi vài chén rượu hoặc đơn giản là dùng chung bữa tối. Tuy nhiên, đừng làm điều tương tự với người Nhật nhé. Dù có thân thiết tới đâu thì người Nhật cũng ít chào nhau bằng cách ôm hoặc không bá vai bá cổ nhau khi ăn uống. Ngoài vợ chồng, người yêu của nhau hoặc người trong gia đình ra, người Nhật ít khi bắt tay hoặc ôm hôn để bày tỏ tình cảm. Đây là văn hóa của Nhật Bản. Có nhiều trường hợp một cái ôm như vậy có thể bị coi là không đúng cách. Khu vực Nakasu Để tôi kể thêm cho bạn một câu chuyện: Tại một hostel có tên Hana nằm ở khu Nakasu Kawabata (thành phố Fukuoka), trong cả phòng thay đồ và nhà vệ sinh đều có dán tấm bảng bằng tiếng Anh ghi thông điệp: In Japan, we don’t hug. We say Thank you (Arigatou gozaimasu) nghĩa là “Nếu bạn vui vẻ, hãy nói cảm ơn, đừng ôm. Chúng tôi không quen với những cái ôm”. Hỏi ra mới biết, 3 nữ tiếp tân làm việc tại đây thường xuyên phải từ chối khéo những cái ôm từ các vị khách phương Tây, đặc biệt là khách nam. Không phải họ chảnh hay xa cách đâu, mà trong văn hoá Nhật Bản thì những cử chỉ dẫn tới quá nhiều đụng chạm cơ thể sẽ gây sự mất tự nhiên, đặc biệt với phụ nữ. Văn hóa cúi chào của người Nhật Từ câu chuyện trên, hẳn nhiều người sẽ thắc mắc: Không ôm hôn, vậy người Nhật tạm biệt nhau một cách trịnh trọng bằng cách nào? Câu trả lời là: Họ cúi chào. Ngôn ngữ của sự cúi chào ở Nhật rất đa dạng. Tùy độ cúi chào cao thấp mà ý nghĩa khác nhau. Nếu như ở Việt Nam có văn hoá gặp nhau là bắt tay, uống xong một ly với nhau cũng bắt tay thì ở Nhật, dù cũng có bắt tay nhưng đã phần thì mọi người cúi chào nhiều hơn. Cách cúi chào của người Nhật có 4 cấp độ khác nhau. Cụ thể như sau: Cúi người ở góc khoảng 15 độ: Một lời chào thông thường. Cúi người thấp hơn, ở góc khoảng 30 độ: Thêm một chút trịnh trọng cho lời chào Cúi gập người ở góc 45 độ: Thể hiện lòng cảm tạ và sự tôn trọng Cúi gập hơn 45 độ: Là lời cảm tạ và tôn trọng sâu sắc nhất Ngoài việc bày tỏ sự “Cảm tạ”, “Tôn trọng” , việc cúi chào còn thể hiện sự “Xin lỗi”. Trường hợp xin lỗi thì càng cúi gập người bao nhiêu, càng tỏ ý chân thành bấy nhiêu. Cách tiễn khách lịch sự Đó là lời chào. Còn khi người Nhật tạm biệt nhau thì sự khác biệt sẽ thế nào. Trong cuộc sống đời thường, bạn có thể tạm biệt bạn bè của mình theo bất kỳ cách nào: Vẫy tay, bye bye… tuỳ. Điều này cũng giống ở Việt Nam. Nhưng trong văn hoá doanh nghiệp, nếu như Việt Nam sẽ thể hiện sự trịnh trọng bằng cách nhấn mạnh kính ngữ “Em chào anh ạ”, “Em xin phép về ạ”… thì người Nhật sẽ vừa nói và vừa cúi chào rất nhiều lần. Đối với người chức vụ càng cao thì mức độ cúi chào càng thấp hơn. Hoặc khi tiếp khách quan trọng, khi ra về, người ta sẽ tiễn ra tận thang máy hoặc cửa ra vào và cúi chào thật thấp. Và họ sẽ cúi chào cho tới khi cửa thang máy đóng lại mới thôi. Đối với người được tiễn ra tận cửa thì sau khi cúi chào, sẽ đi vài bước rồi quay lại chào lần nữa và đi một đoạn cho tới lúc không nhìn thấy nhau nữa lại nhìn lại và cúi chào lần nữa mới đi và người đi tiễn thì đợi cho tới khi khách đi khuất mới quay trở vào. Sống ở Nhật thì hãy làm quen với điều đó, đừng bye bye sếp rồi quay lưng đi ngay, như thế sẽ bị coi là bất kính đấy nhé. Văn hoá cảm ơn, xin lỗi Một blogger người Mỹ sống ở Tokyo từng live stream trên Facebook cá nhân về chủ đề “2 tuần đầu tiên trải nghiệm văn hoá Nhật Bản” nói vui rằng anh chưa từng sống ở đâu mà 2 từ “cảm ơn” và “xin lỗi” được nói nhiều như ở Nhật. Người Nhật cảm ơn và xin lỗi trong mọi tình huống diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Có một số tình huống mà cá nhân tôi cảm thấy lời cảm ơn và xin lỗi hơi gượng gạo. Ví dụ như bạn đang đứng trong thang máy, cửa thang sắp đóng thì một người Nhật bước vào và bỗng dưng nói: Xin lỗi. Có lẽ anh ý cảm thấy rằng vì mình chạy bổ vào nên thang máy bị chậm một chút nhưng tôi không hiểu họ đang xin lỗi vì điều gì. Trên khía cạnh này, đem người Nhật và người Việt lên bàn cân sẽ nhận ra sự khác biệt rất lớn khi người Việt thường bị chê là quá ít khi nói cảm ơn hoặc xin lỗi. Sự khác biệt này một phần do thói quen ứng xử mà thôi. Trong khi người Nhật thường chọn những cách trịnh trọng và lịch sự để thể hiện sự biết ơn và ái ngại, thì người Việt lại có xu hướng chọn những cách ít trịnh trọng hơn để biểu đạt. Ví dụ, một cháu bé được người lớn tặng cho một cái kẹo. Ở Nhật bé sẽ nói “cảm ơn” rất trang trọng, còn người Việt thường hay nói: Em/con xin cô/chú ạ. Bạn chẳng may giẫm vào giày người lạ. Người Nhật sẽ ngay lập tức “xin lỗi”, còn người Việt có thể nói: “Ôi, tôi vô ý quá”. Trong việc cảm ơn và xin lỗi, văn hóa Việt Nam và Nhật Bản có phần khác nhau. Chúng ta cùng tìm hiểu văn hóa của nhau, để có thể “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, hãy chọn cách ứng xử phù hợp nhé.
-
Kết hôn quốc tế_Phần 2
Lần trước, chúng tôi đã giới thiệu 4 cặp vợ chồng Nhật - Việt gặp gỡ ở Nhật. Trong số này chúng tôi xin giới thiệu 4 cặp đã gặp gỡ nhau ở Việt Nam. Kết hôn với cấp trên ở công ty Nhật Bản Chị Châu (sinh vào thập niên 1980) tốt nghiệp Khoa tiếng Nhật, trường Đại học Ngoại ngữ ở Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, chị vào làm việc tại một công ty Nhật Bản vào năm 2005. Vì tính chất công việc nên chị thường xuyên phải liên lạc, báo cáo với một anh cấp trên qua thư điện tử hoặc tin nhắn và đôi khi, người cấp trên cũng có những tin nhắn ít liên quan tới công việc. Một hôm, do hiểu nhầm nội dung tin nhắn của chị, anh tìm tới tận nơi chị sống để hỏi và nhân tiện mời chị đi uống cà phê. Và từ đó, hai người bắt đầu tìm hiểu nhau. Vì anh cũng nói được tiếng Việt nên câu chuyện giữa hai người thường xuyên diễn ra bằng cả 2 thứ tiếng.Vài tháng sau, chị mời anh về nhà chơi và gặp bố mẹ. Ở Việt Nam thì việc mời bạn trai hay bạn gái tới nhà chào cha mẹ cũng là điều bình thường nhưng sau này anh cho chị biết “Người Nhật thì chỉ khi nào có ý định kết hôn với nhau thì mới mời về chào cha mẹ”. Vì thế mà anh đến thăm và chào bố mẹ chị với tâm thế là sẽ kết hôn. Do anh nói được tiếng Việt, nên dễ dàng trò chuyện và được bố mẹ chị quý mến. Sau đó hai người hứa hôn, cha mẹ anh cũng sang thăm Việt Nam và đến chào cha mẹ chị. Năm 2006, một năm sau khi quen nhau, anh chị kết hôn và năm 2009, sau khi anh hết nhiệm kỳ tại Việt Nam, gia đình anh chị giờ có 3 người, chuyển về Nhật sinh sống. Sau đó, anh chị sinh thêm một bé nữa và giờ gia đình nhỏ 4 người của chị Châu sống hạnh phúc vui vẻ. Khi sang Nhật chị cũng tìm được việc làm hợp ý. Chị học hỏi thêm được nhiều điều về xã hội Nhật thông qua những bạn bè người Nhật ở xung quanh do cùng gửi con nhà trẻ và bạn người Việt Nam thông qua mạng xã hội Facebook. Nhờ đó mà cuộc sống của chị ở Nhật ngày càng phong phú hơn. Kết hôn với đồng nghiệp quen trong thời gian làm việc ngắn hạn Chị Thủy (quê ở Hà Nội) là giáo viên tại một trường đại học ở Việt Nam. Khoảng năm 2000, một nam giáo viên người Nhật được cử đến làm giáo viên tại trường của chị theo một dự án của cơ quan hành chính độc lập của Nhật Bản và anh chị đã quen nhau. Chị Thủy tốt nghiệp khoa tiếng Nhật nên tiếng Nhật của chị rất giỏi. Sau thời gian giảng dạy ngắn hạn, anh trở về Nhật. Năm 2001, chị Thủy đi công tác ở Nhật và trong thời gian ở Nhật, anh chị gặp lại nhau. Anh thường xuyên tới thăm chị và hai người thường hẹn hò, đi ăn, đi du lịch với nhau. Ngày chị Thủy kết thúc chuyến công tác về nước, anh cùng đi chuyến máy bay để đưa chị về Việt Nam và khi tới nơi, anh chính thức cầu hôn. Năm 2002, anh chị kết hôn và tổ chức đám cưới ở Việt Nam. Cha mẹ và bạn bè của anh từ Nhật cũng sang Việt Nam chúc mừng anh chị. Sau đó vài tháng, anh chị trở về Nhật và tổ chức đám cưới một lần nữa ở Nhật. Cha mẹ chị Thủy không hề phản đối việc chị kết hôn với người nước ngoài vì khi còn trẻ ông bà cũng đã từng du học nước ngoài. Nhiều khi có những tranh luận hoặc bất đồng ý kiến do khác biệt về văn hóa nhưng anh chị luôn tôn trọng giá trị quan của nhau và luôn trao đổi kỹ với nhau. Anh chị có với nhau một cô con gái. Để cho con có thể nói được tiếng Việt, chị luôn cố gắng tạo nhiều nhiều dịp như dẫn con đi cùng mỗi khi có dịp tụ họp với bạn bè người Việt, đưa con về Việt Nam hoặc nấu món ăn Việt để cháu có thể nói tiếng Việt. Tuy chưa nói được nhiều nhưng con gái chị đều tích cực nói tiếng Việt mỗi khi có dịp. Kết hôn với anh họ của chồng bạn thân Chị Bảo Nghi (Quê Bà Rịa, sinh năm 1977) có một người bạn thân đi du học Nhật Bản và kết hôn với người Nhật. Sau đó, vợ chồng người bạn trở về Việt Nam và lập công ty. Anh chồng của bạn Bảo Nghi có nhờ một người em họ sang giúp công việc kinh doanh ở Việt Nam và Bảo Nghi cũng hay đến công ty của người bạn và đã gặp người em họ của chồng bạn tại đây (Khoảng năm 2010). Vì người em họ kia không biết tiếng Việt nên bạn của Bảo Nghi thường nhờ chị làm phiên kiêm hướng dẫn mỗi khi anh muốn đi chơi vào cuối tuần bằng xe máy hoặc mỗi khi công ty tổ chức đi chơi xa. Bảo Nghi nói tiếng Nhật giỏi vì học ngành Nhật Bản tại khoa Đông phương học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Sau đó, hai người có thêm nhiều dịp gặp gỡ và dần dần hẹn hò với nhau. Tháng 7/2011, anh thôi việc tại công ty của người anh họ ở Việt Nam và trở về Nhật. Hai người tiếp tục giữ liên hệ qua skype. Vào tháng 11 cùng năm, anh trở lại Việt Nam và cầu hôn. Bảo Nghi đã nhận lời. Ban đầu, cha mẹ Bảo Nghi cũng phản đối vì lo ngại “dù có nói được tiếng Nhật nhưng ở nước ngoài không có gia đình thân thích thì vất vả lắm”. Bản thân chị cũng băn khoăn khi nghĩ tới việc phải thôi công việc yêu thích đã làm trong nhiều năm. Nhưng cuối cùng, vượt qua những khó khăn, anh chị đã kết hôn vào tháng 8/2012. Một năm sau, chị sang Nhật và hiện nay anh chị có một bé gái 5 tuổi và sống hạnh phúc với nhau, chị cũng tìm thấy công việc phù hợp tại một công ty ở Nhật. Quen nhau qua bạn học cùng lớp tiếng Nhật Sau khi đi làm, chị Hương (sinh năm 1972, quê ở Hà Nội) đi học thêm lớp tiếng Nhật ban đêm. Khoảng năm 2000, người bạn cùng lớp lập một nhóm bạn để thỉnh thoảng đi du lịch, trong đó có một nam giới Nhật Bản hay sang công tác dài hạn tại công ty nơi cô làm việc. Đây một công ty Nhật Bản tiếp nhận một dự án ODA của Nhật Bản tại Việt Nam. Sau này chị Hương và anh kết hôn với nhau, nhưng lúc đó, chị cũng không để ý đến anh lắm do đang có một vài đối tượng khác theo đuổi. Sau khi kết thúc chuyến công tác dài ngày, anh trở về Nhật nhưng thỉnh thoảng vẫn sang Việt Nam và cả nhóm lại đi du lịch, đi ăn uống với nhau. Thỉnh thoảng đi chơi với cả nhóm, các bạn hay trêu đùa “Hai người này hợp nhau đấy” và anh hình như cũng có thích nên 2 người bắt đầu thư từ cho nhau và bắt đầu tìm hiểu nhau lúc nào không hay. Khoảng năm 2004, anh chuyển sang làm việc tại một công ty khác và tự mình sang thành phố Hồ Chí Minh để mở văn phòng đại diện. Phần vì muốn có kinh nghiệm làm việc lâu năm ở nước ngoài, phần vì có người yêu là chị, đang sống ở Việt Nam. Hai người tiếp tục yêu xa trong một thời gian nhưng nhận thấy không thể tiếp tục như vậy được nữa nên năm 2005 anh quyết định chuyển sang một công ty lớn khác có văn phòng tại Hà Nội và cùng trong năm đó, anh chị kết hôn. Sau khi kết hôn, anh vẫn làm việc tại Hà Nội, chị quyết định thi học khóa thạc sỹ về quản trị kinh doanh tại trường Đại học Ngoại thương ở Hà Nội. Năm 2007 anh về Nhật trước, chị tiếp tục học nốt năm cuối và sau khi tốt nghiệp, chị sang Nhật đoàn tụ gia đình. Năm 2009 anh chị sinh được một cháu trai. Thời gian đầu, vì ít nói tiếng Nhật nên anh chị dùng tiếng Anh là chủ yếu. Khi con trai độ 3 tuổi, nhận thấy cháu có vẻ hơi bị chậm nói nên chị quyết tâm học tiếng Nhật để nói chuyện bằng tiếng Nhật với con. Hiện chị vẫn tiếp tục theo học lớp tiếng Nhật tình nguyện ở địa phương, vui với việc trồng cây, làm đồ thủ công mỹ nghệ mà chị yêu thích, hài lòng với cuộc sống của một phụ nữ nội trợ toàn phần ở Nhật Bản. Tóm lược Trong 2 số liên tiếp, chúng tôi đã giới thiệu 8 cặp kết hôn Việt Nhật và có thể tóm lược lại như sau. ◆ Nơi gặp gỡ, hoàn cảnh gặp nhau (Phần gặp gỡ ở Nhật) 【Tại công ty tiến hành thực tập kỹ năng】 Kết hôn với đồng nghiệp nơi tiến hành thực tập kỹ năng, là người nói được tiếng Nhật giỏi nhất trong số các thực tập sinh kỹ năng nơi làm việc. 【Thông qua trang mai mối kết hôn】 Quen nhau qua trang mai mối kết hôn. Lựa chọn người có trình độ học vấn cao và tính cách tốt. 【Qua lớp học tiếng Nhật】 Gặp nhau tại lớp dạy tiếng Nhật tình nguyện với tư cách là cô giáo và học sinh. 【Quen nhau tại khóa cao học khi du học】 Kết hôn với bạn đồng khóa tại khóa cao học tại một trường đại học Nhật Bản. Sau khi về nước, hai bên tiếp tục yêu nhau trong xa cách. ◆ Nơi gặp gỡ, hoàn cảnh gặp nhau (Phần gặp gỡ ở Việt Nam) 【Gặp gỡ ở công ty Nhật Bản】 Gặp người cấp trên tại công ty và kết hôn. Do hai bên trao đổi tin nhắn ngoài công việc và do hiểu nhầm một tin nhắn, anh đến mời chị đi uống cà phê. 【Gặp ở nơi làm việc là trường đại học】 Gặp đồng nghiệp là người Nhật được phái cử tới làm giáo viên một thời gian tại trường đại học nơi làm việc. Sau đó, bản thân đi Nhật công tác và 2 bên bắt đầu giai đoạn tìm hiểu nhau. 【Do bạn thân giới thiệu】 Bạn thân kết hôn với người Nhật. Chồng của bạn mời em họ sang làm việc tại Việt Nam, sau đó quen nhau và tiến tới giai đoạn tìm hiểu. 【Quen qua bạn cùng học lớp tiếng Nhật ban đêm】 Do bạn cùng lớp tiếng Nhật rủ nhau đi du lịch, đi ăn uống trong một nhóm có người Nhật sang công tác dài ngày ở Việt Nam rồi tiến tới tìm hiểu nhau. Những dịp gặp gỡ của các cặp vợ chồng Nhật Việt thật ngẫu nhiên và đa dạng. Biết đâu, một ngày nào đó, người bạn đời sẽ đột ngột xuất hiện ở nơi các bạn đang du học, đang thực hành kỹ năng hoặc nơi học tiếng Nhật…Số mệnh quả là không thể đoán trước phải không các bạn.
-
“Đúng giờ” ở Nhật là như thế nào?
(Chia sẻ từ anh Bùi Bình Minh, thành viên ban lãnh đạo của một công ty nhân lực ở Nhật) Tôi đã sống ở Nhật khoảng 30 năm và là một trong những thành viên ban lãnh đạo của một công ty Nhật Bản được 5 năm. Xã hội Nhật Bản xác lập một chuẩn mực rất cao về việc đúng giờ. Trễ giờ vài phút có thể chưa phải là nghiêm trọng, nhưng tới 15 phút thì ở ngưỡng chịu đựng, còn trễ 30 phút có thể coi là “miễn bình luận”. Người nước ngoài thường choáng với mức độ chi tiết trong lịch làm việc của các đoàn công tác Nhật Bản. Sự chính xác giờ giấc của phương tiện giao thông công cộng cũng là một kỳ tích với những người mới bước chân tới Nhật Bản. Không giữ đúng giờ, dù chỉ là khoảng thời gian trong khuôn khổ mà một người nước ngoài có thể xuề xòa bỏ qua thì ở Nhật lại được nhìn nhận là không giữ lời hứa và rất khó được châm chước. Vấn đề không phải là ít phút đó quan trọng từ khía cạnh thời gian. Vấn đề là người Nhật sẽ đánh giá bạn là người thiếu tin cậy, thậm chí thiếu tôn trọng người khác khi để người khác phải lãng phí thời gian đợi bạn. Trễ hẹn trong những dịp quan trọng như phỏng vấn hay lần tiếp xúc đầu tiên với khách hàng sẽ để lại ấn tượng đặc biệt tiêu cực và ảnh hưởng lớn lên quyết định đối với bạn. Theo cách hiểu thông thường ở Nhật, “đúng giờ” trong công việc không có nghĩa là tới điểm hẹn đúng giờ mà cần được hiểu là đến trước chừng 10 phút. Và để có thể đảm bảo tới điểm hẹn trước 10 phút trong cả trường hợp gặp trục trặc trên đường đi, bạn cần phải tính toán để có một khoảng dự phòng dài hơn thế, tuỳ theo quãng đường di chuyển đến điểm hẹn. Vậy thì phải làm thế nào nếu bạn rơi vào tình huống có nhiều khả năng bị lỡ hẹn? Nhìn chung, nếu như nhận thấy khả năng bị trễ, hãy tìm cách thông báo càng sớm càng tốt. Nếu có thể tính toán được thời gian dự định sẽ trễ hẹn, đừng quên cộng thêm một khoảng dự phòng đủ an toàn để bạn chắc chắn tới trước giờ đã báo. Trường hợp không dự tính được thời gian, hãy thông báo rằng bạn sẽ liên lạc ngay khi biết được thời gian dự định. Ngay cả khi đang rất vội vã để tới được điểm hẹn sớm nhất, việc liên lạc cần được ưu tiên để người đợi bạn không phải bị động chờ đợi. Nỗ lực của bạn sẽ được ghi nhận và trong hầu hết các trường hợp, ảnh hưởng của việc trễ hẹn sẽ giảm nhẹ đi đáng kể. Nếu là một cuộc hẹn trong nội bộ công ty, bạn nên thông báo đúng về lý do trễ hẹn, ngay cả khi đó là lý do chủ quan của cá nhân bạn. Nếu là cuộc hẹn với bên ngoài, một lý do quá rõ ràng do sự bất cẩn của cá nhân bạn có thể ảnh hưởng đến uy tín của cả công ty. Trường hợp đó, tốt nhất là nên đưa ra cách giải thích hay một lý do dễ chấp nhận hơn. Đương nhiên, điều cần làm là tránh không để bị rơi vào tình huống như vậy. Lên lịch cẩn thận, di chuyển sớm, dành khoảng thời gian thích hợp cho chuẩn bị, đến trước hẹn còn giúp bạn có phong thái tốt nhất trước cuộc gặp và chắc chắn có tác động tích cực lên ấn tượng của người gặp. Có một điểm thú vị cần lưu ý là nếu bạn tới điểm hẹn là nhà hay văn phòng của người bạn gặp quá sớm, bạn lại cần đợi cho tới trước giờ hẹn chừng 5, 10 phút mới nên xuất hiện. Xuất hiện quá sớm cũng có thể gây phiền hà cho người phải tiếp đón bạn và khiến họ bối rối. Nhưng nói người Nhật đúng giờ thì có khi lại chỉ đúng một nửa. Có vẻ như người Nhật chỉ nghiêm khắc về thời điểm bắt đầu, nhưng lại dễ dãi trong thời điểm kết thúc một cuộc hẹn. Những cuộc họp lê thê tưởng chừng như bất tận, rồi những cuộc nhậu không hồi kết là thứ không hề hiếm hoi. Chẳng mấy ai nhận thức được rằng kết thúc cũng cần phải đúng hẹn như bắt đầu. Vậy nên, nếu bạn cần kết thúc một cuộc hẹn đúng giờ, ngay khi bắt đầu, hãy thông báo trước thời gian bạn có kèm theo lý do. Khi đó chắc chắn người bạn gặp sẽ hiểu và thu xếp thời gian cuộc gặp trong khuôn khổ mà bạn đã yêu cầu.
-
Trò chuyện cùng Sempai_03 Dịch vụ tận tâm Omotenashi của Nhật
Tại các nhà hàng, nhân viên luôn hướng về phía khách hàng, chào thật to và rõ ràng là “Irasshaimase” (xin mời vào), khi đang phục vụ thì chú ý đến tốc độ ăn của khách để mang dần từng món lên. Đó là các trải nghiệm của những sempai làm việc lâu năm trong các nhà hàng ăn uống. Trong loạt bài “Trò chuyện cùng sempai” nói về những cú sốc văn hóa hoặc những trải nghiệm của những người đi trước, hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu về dịch vụ tận tâm Omotenashi của Nhật Bản nhé. Những sempai tham gia cuộc trò chuyện lần này Ngọc Linh: Sang Nhật năm 2016. Hiện sống tại tỉnh Kanagawa, sinh viên năm thứ 4, đại học tư thục. Vũ Hà: Sang Nhật năm 2017. Hiện sống tại tỉnh Osaka. Sinh viên cao học Đại học Osaka. Trọng Dũng: Sang Nhật năm 2008. Sau khi học xong ở Nhật thì mở công ty riêng. Lan Anh: Dẫn chương trình. Thành viên ban biên tập KOKORO. Đã sống ở Nhật trên 30 năm. Dịch vụ tận tâm Omotenashi ーー(LA)Ở Nhật Bản có từ "Omotenashi" để chỉ sự phục vụ tận tình, tận tâm. Các em sống ở Nhật đã lâu, đã có ai được phục vụ như vậy chưa? Ngọc Linh: Em từng đi làm thêm (baito) ở nhiều nơi như làm ở cửa hàng tiện lợi (combini), quán cà phê (ở Akihabara), quán ăn kiểu gia đình (Family restaurant), siêu thị, quán gà nướng (Shibuya), quán bít-tết (ở Shinjuku). Mỗi nơi đều có tiêu chuẩn về "omotenashi" riêng nên em có cảm giác như mình được biết rất nhiều tinh hoa trong dịch vụ ở Nhật. Em đã làm 5 năm ở một quán gà nướng ở Shibuya. Khách hàng của quán thuộc đủ mọi tầng lớp. Trước khi có đại dịch COVID-19, cũng có nhiều khách nước ngoài tới quán. Nơi này đã giúp em trưởng thành rất nhiều. Ví dụ: khi khách hàng vào thì tất cả mọi nhân viên phải nhìn về phía khách hàng và nói Irasshaimase (nghĩa là “Xin mời vào”). Dù lúc đó mình đang rửa bát, đang nhặt rau hay đang pha đồ uống… thì cũng dừng lại hết tất cả mọi việc, nhìn vào khách và nói lời chào. Việc này nhằm tỏ ý biết ơn khách hàng vì họ đã chọn đến quán của mình trong khi xung quanh có rất nhiều các cửa hàng khác. Nếu không quay mặt lại, không nói to và nhiệt tình thì lời chào không có ý nghĩa, không thực sự có tình cảm, thành ý. Lúc khách ra về, mình phải "miokuri" tức là ra tận cửa để tiễn khách. Em có nghe cảm nhận của khách hàng. Họ bảo là đến những quán mà nhân viên chào hỏi nhiệt tình là họ có ấn tượng tốt và muốn quay lại. Dù trong lúc ăn, các món có lên chậm một chút thì khách hàng cũng sẽ nhớ lại ấn tượng ban đầu là được chào hỏi nồng hậu nên có thể bỏ qua cho việc phục vụ chậm. Trong những quán nhậu, mọi người có thấy là toilet thường rất sạch sẽ không? Họ thường đặt sổ để khách hàng ghi ý kiến. Họ quan tâm tới những chi tiết nhỏ như để bông ngoáy tai, tăm, nước súc miệng, thậm chí là để cả một món đồ hơi hơi tế nhị một tí là băng vệ sinh cho khách nữ. Em thấy cái đấy chứng tỏ là họ quá là quan tâm. ーー(LA)Em được làm việc tại một cửa hàng tuyệt vời quá. Nếu được vào một nhà hàng có thái độ phục vụ, lời chào vui vẻ như vậy mình cũng thấy thích thú. “Mình đặt bản thân vào vị trí của khách và phục vụ họ với cả tấm lòng” đó chính là tinh thần của Omotenashi. Ngọc Linh: Dạ. Nhà hàng cũng luôn dạy cho bọn em là “Hãy đứng vào vị trí của khách” để làm việc. Ngoài việc chào hỏi nhiệt tình, khi phục vụ bọn em cũng được dạy phải để ý xem tốc độ ăn của khách ra sao để mang đồ ăn ra đúng lúc để khách có thể thưởng thức hương vị ngon nhất. Chứ nếu món trước chưa ăn xong, mình đã mang món tiếp theo ra thì đồ ăn nguội mất, không còn ngon nữa. Trọng Dũng: Để đạt được trình độ như vậy thì cần có nhiều năm làm việc và đúc kết kinh nghiệm. Việt Nam cũng đang ngày một phát triển nhưng chắc cũng phải mất thời gian mới theo kịp dịch vụ của Nhật. Mong sao ngành dịch vụ của Việt Nam cũng học hỏi những điểm hay của Nhật Bản. Công ty tôi cũng hay phái cử nhân viên tới làm việc tại quầy thu ngân hoặc vận chuyển hàng cho siêu thị. Chúng tôi có tới 50 nhân viên người nước ngoài đang làm việc tại siêu thị. Chúng tôi cũng luôn hướng dẫn các bạn mỗi khi có khách tới thì ngẩng lên chào khách và nói “Irasshaimase” (xin mời vào / xin chào) hoặc “arigatou” (cảm ơn). Phục vụ khách ở siêu thị: Vấn đề cần cải thiện Ngọc Linh: Em cũng làm thêm (baito) tại siêu thị. Hình như siêu thị càng lớn thì việc đào tạo nhân viên lại càng không được cẩn thận lắm. Em thấy mấy bạn người Nhật cùng độ tuổi với em, khi làm việc tại các siêu thị lớn đó thì không thực sự quan tâm tới khách hàng lắm, không thể hiện đủ thái độ omotenashi, mà chỉ làm cho xong việc và nhận tiền. Còn nhân viên lớn tuổi hơn thì họ quan tâm tới khách hàng hơn. Vì được đào tạo kỹ tại quán gà nướng nên em cũng rất quan tâm tới khách khi làm ở siêu thị. Nếu gặp khách hàng lớn tuổi, em tự động bê giỏ đồ cho họ ra tận bàn đóng gói hàng hoá. Nhưng các bạn trẻ người Nhật thì không để ý việc đó. Họ tính tiền xong là xong, không quan tâm tới khách có gặp khó khăn gì không. Các em bé đi siêu thị với cha mẹ thì thích tự mình mua những món đồ như kẹo có hình nhân vật mà mình thích. Bé không muốn đưa đồ vào giỏ hàng cùng với cha mẹ. Trong trường hợp đó, em sẽ tính tiền cho bé trước, như vậy bé sẽ ngoan, mình tính tiền cho cha mẹ bé dễ dàng. Nhưng một số bạn Nhật trẻ hoặc mới đi làm thì không kiên trì trong việc xử lý những việc như thế. Ở siêu thị như thế, bọn em cảm thấy họ không giáo dục nhân viên phải quan tâm chu đáo tới khách mà chỉ quan tâm là mình tính đủ tiền hay không, không bị lỗ là được. Muốn tự mình xem hàng kỹ cũng khó ーー(LA)Vũ Hà có cảm nhận gì về dịch vụ của Nhật Bản không? Vũ Hà: Có ạ. Một hôm em vào một cửa hàng giày. Thế là nhân viên chạy đến ngay và hỏi: "Anh cần cỡ bao nhiêu để tôi giới thiệu". Em thì vừa vào nên bảo: "Để từ từ mình xem mẫu mã đã". Thế là nhân viên họ đứng lùi ra sau nhưng em cảm thấy họ vẫn theo dõi em nên em ra khỏi cửa hàng đó luôn vì không đủ thời gian để xem thì rất khó mua. ーー(LA)Ở những cửa hàng sang trọng hoặc các cửa hàng nhỏ thì nhân viên luôn sẵn sàng lại gần khách hàng để hỏi han, hướng dẫn. Cách thể hiện dịch vụ như vậy cũng khiến nhiều khách hàng hài lòng nhưng nhiều khi cũng khiến khách hàng cảm thấy phiền toái nhỉ. Việc thông báo thông tin trên xe điện, xe buýt ーー(LA)Còn dịch vụ trên các phương tiện giao thông công cộng thì các em thấy thế nào? Ngọc Linh: Hồi tháng 10/2021 vừa qua, ở khu vực Tokyo và các tỉnh lân cận có 1 trận động đất khá mạnh, ảnh hưởng tới nhiều tuyến tàu. Hôm sau, em có đi tàu thì nhiều tuyến vẫn bị ảnh hưởng nên tàu đông và bị chậm chuyến. Nhà ga luôn thông báo tình hình tàu chạy và xin lỗi hành khách vì sự chậm trễ, rồi dặn dò hành khách hãy cẩn thận khi đi lại làm em rất cảm động. Vũ Hà: Ở Việt Nam, xe buýt không dừng hẳn cho người lên xuống mà vẫn đi chậm chậm vì thế người xuống, người lên cũng phải thật nhanh chân mới được. Trọng Dũng: Trên tàu điện hoặc xe buýt ở Nhật đều có những chỗ ngồi ưu tiên. Khi đi xe, lái xe thường xuyên thông báo “Trên xe có ghế ưu tiên. Nếu thấy người lớn tuổi, người khuyết tật hoặc phụ nữ có thai hoặc có trẻ nhỏ thì chúng ta hay nhường chỗ nhé”. Ở Việt Nam, khi đi xe buýt cũng đôi khi thấy thông báo “hãy nhường ghế cho người già hoặc trẻ nhỏ” nhưng tôi ít khi thấy ghế nào đề là ghế ưu tiên cả. Vũ Hà: Ở Osaka thì em thấy là ngoài thành phố Osaka, các tàu điện và xe buýt ít có biển báo hoặc thông báo bằng tiếng Anh nên đối với người mới sang hoặc chưa giỏi tiếng Nhật thì cũng gặp nhiều khó khăn. Em rất mong là có thêm nhiều nơi có nhiều thông tin, biển báo bằng tiếng Anh hơn nữa.
Xếp hạng bài viết phổ biến
-
Lớp học tiếng Nhật online miễn phí 16731 views
-
Không được ăn ốc bắt ở ruộng lúa 15286 views
-
“Đúng giờ” ở Nhật là như thế nào? 12821 views
Platinum Sponsor
Bronze Sponsors
- Global HR Strategy
- Trường Nhật Ngữ EHLE
Đơn vị hỗ trợ
- Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam
- Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam
- Văn phòng JNTO Hà Nội
- Liên đoàn kinh tế vùng Kansai
- Hội Việt Nam (JAVN)
- Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật
- Hiệp hội phát triển giao lưu nguồn nhân lực quốc tế
Đơn vị hợp tác
Tổ chức hỗ trợ du học sinh
Nhật Bản (JASSO)
Mạng lưới luật sư cho lao động người nước ngoài