Văn hoá

Việt Nam Ok, Nhật Bản Dame_Vol 32: Quên đi những cuộc hẹn ngẫu hứng

220820-Hue (29)
28/09/2022

Nếu đột ngột bạn gọi điện cho một người bạn Nhật nói rằng “Này, chạy ra cà phê tý đi” thì chắc sẽ gây khó cho người bạn đó. Phần do tính cách người Nhật không thích kế hoạch bị đảo lộn và một phần do đa phần họ rất bận với công việc hàng ngày nên khi đang đi làm mà dành ra “1 hoặc 2 giờ đồng hồ” là rất khó. Xin giới thiệu về cảm nhận “giờ làm việc” của người Nhật Bản.

Những cuộc hẹn ngẫu hứng

Trời đẹp. Bạn nổi hứng đi café ngắm phố. Nếu ở Việt Nam, bạn cứ thoải mái bốc điện thoại ngẫu hứng hẹn ngay ông bạn ra café. Nhưng ở Nhật, bạn có thể sẽ gây khó chịu với kiểu hẹn đột ngột thế này.

Sở dĩ tôi nghĩ tới sự khác biệt này là vì chính tôi vừa có một trải nghiệm nhớ đời. Hôm 4/8 vừa qua, tôi trở lại thành phố Fukuoka thăm bạn bè. Dĩ nhiên là tôi có thông báo cho một vài người bạn ở Fukuoka về chuyến đi này, nhưng tôi chưa chốt với họ thời điểm sẽ có mặt.

Thành phố Fukuoka

Sau chuyến xe bus đêm kéo dài 11 tiếng từ Kyoto, tôi có mặt ở Fukuoka lúc 8 giờ sáng. Sau khi về hostel cất đồ, rửa mặt mũi, ăn bát ramen chống đói, tôi có khoảng 3-4 tiếng rảnh rỗi buổi trưa và quyết định gọi điện hẹn luôn một người bạn Nhật ra café hàn huyên. Chúng tôi gần 2 năm không gặp nhau.

Đáng tiếc, kế hoạch thất bại. Người bạn Nhật tỏ ra rất ái ngại khi bị hẹn một cách đột ngột thế này. Cậu ta xin lỗi rất nhiều và rất thẳng thắn nói rằng, lẽ ra tôi nên thông báo kế hoạch từ trước, ít nhất là 2-3 ngày.

Một cửa hàng cafe ở Việt Nam

Trái lại ở Việt Nam, bạn tôi sẵn sàng tạm ngưng công việc đang dở tay để chạy ra ngồi café với tôi. Ra quán, anh ta cứ nói chuyện được 10 phút lại ngừng 5 phút để giải quyết việc này, việc nọ. Đối với tôi và cả cậu bạn kia, đây là chuyện bình thường. Nhưng đối với người Nhật, đã café thì ra café, công việc ra công việc, không có chuyện lẫn lộn. Một người bạn Nhật cho tôi biết như sau.

Ở Nhật, trong giờ làm việc nếu không có lý do đặc biệt thì không mấy ai đi ra ngoài lâu cả. Kể cả những người làm công việc phải đi ra ngoài thì cũng có kế hoạch chặt chẽ cả ngày, nếu không xong việc thì công việc bị ứ đọng. Vì thế mà nếu có ai đột nhiên gọi điện rủ đi cà phê thì ít có ai có thể nhận lời được.

Đa phần người Nhật đều có lịch làm việc chặt chẽ

Người Nhật cũng có người nọ người kia nhưng nhìn chung họ không thích làm những gì nằm ngoài kế hoạch.Tôi đã nghĩ rằng đó là do văn hóa nhưng cũng không hẳn vậy.

Người Nhật, đã đi làm thì không thể tranh thủ ra ngoài lâu được hoặc công việc có đi làm ở ngoài thì kế hoạch cũng rất chặt chẽ, không thể bỏ dở để cà phê đột xuất được. Vậy nên ai kết bạn với người Nhật thì chú ý sự khác biệt thú vị này nhé.

Tại sao gạo Việt Nam được bán tại Nhật?

Món ăn Việt với gạo Việt Nam

Vào tháng 7 vừa qua, tại Tokyo diễn ra sự kiện quảng bá sản phẩm gạo Việt Nam lần đầu tiên được bày bán tại thị trường Nhật Bản. Người Nhật vốn chỉ ăn gạo trong nước nên sự kiện quảng bá gạo Việt Nam tại Nhật cũng trở thành đề tài được bàn tán.

Về cơ bản thì người Nhật ăn gạo Japonica – giống gạo có hạt ngắn, tròn, cơm dẻo. Trong khi đó, gạo Việt Nam thuộc giống Indica, với hạt gạo dài, khô. Gạo Japonica dẻo và dính nên rất thích hợp để làm sushi. Nhưng gạo Việt Nam thì không làm sushi được. Vậy tại sao gạo Việt Nam đang được quảng bá ở Nhật như vậy?

Món ăn dùng gạo Việt Nam

Năm 2023 sẽ đánh dấu 50 năm hai nước Việt – Nhật thiết lập quan hệ ngoại giao. Chính phủ và các lĩnh vực tư nhân đều mong muốn nhân dịp này tăng cường mối quan hệ giữa hai bên. Một trong những nỗ lực này là việc quảng bá cho gạo của Việt Nam dựa trên một tập quán khá thú vị của người Nhật. Bạn có thể tò mò rằng tập quán đó là gì?

Đó là việc người Nhật rất tôn trọng tập quán ẩm thực. Nếu như người Nhật nghĩ “À, hôm nay mình muốn nấu món Việt Nam” thì thường họ sẽ tìm mua gạo cũng như nguyên liệu nấu món ăn của Việt Nam để chế biến. Ban tổ chức sự kiện, có thể phần nào nắm bắt được đặc tính này của người Nhật và quảng bá cho gạo Việt Nam dựa trên thói quen này chăng.

Ngược lại, nếu bạn đang ở Việt Nam và bỗng dưng thèm sushi. Tôi dám cá rằng bạn sẵn sàng dùng luôn gạo ở nhà để cuốn sushi, thay vì chạy ra siêu thị mua gạo Japonica. Nhưng với người Nhật, họ muốn món ăn đó ngoài hình thức, còn có cả hương vị gần giống với nguyên bản. Đây có thể sẽ là một dịp tốt cho gạo Việt Nam tại Nhật Bản.

Học sinh đi du lịch không được mang điện thoại di động

Con bạn đang học cấp 2 và nhà trường tổ chức một chuyến đi dã ngoại 3 ngày 2 đêm. Bạn sắm sửa đồ đạc cho con và dĩ nhiên là không quên nhét vào cặp con một chiếc điện thoại để “bố mẹ còn gọi điện hỏi thăm, cập nhật tình hình”. Chuyện bình thường đúng không?

Nhưng ở Nhật, sẽ chẳng có chiếc điện thoại nào cả. Hầu hết các trường học ở Nhật tổ chức một chuyến đi du lịch, dã ngoại hoặc du lịch kết hợp học tập rất bài bản và nguyên tắc. Học sinh tuyệt đối không được mang theo điện thoại và thậm chí số tiền tiêu vặt mang theo người cũng bị giới hạn.

Các chuyến “du lịch” ở trường tiểu học và trung học cơ sở của Nhật đều là một phần của “giờ học” nên việc không được mang điện thoại di động là điều hiển nhiên. Vì đây là “giờ học” mà. Quả là một lý do khá thú vị đúng không.

Học sinh đi du lịch học tập (Đền Toshogun, tỉnh Tochigi)

Nếu như ở Việt Nam cha mẹ sẽ rất lo lắng nếu con đi du lịch theo trường mà không mang theo điện thoại di động. Nhưng ở trường học Nhật Bản thì việc quản lý học sinh khá chặt chẽ. Trong thời gian con đi du lịch với trường thì các thầy cô sẽ có trách nhiệm quản lý học sinh. Nhà trường sẽ bố trí người chụp ảnh cho học sinh, gửi vào email mà phụ huynh đăng ký để bố mẹ cập nhật tình hình con cái. Vậy là đủ.

Ngoài ra, nếu mang theo điện thoại, các em sẽ có xu hướng dùng điện thoại trong thời gian dài và không có dịp trò chuyện với bạn bè cùng lớp. Đây cũng là một lý do thú vị.

Tuy nhiên theo một phụ huynh người Nhật thì đối với học sinh trung học phổ thông thì việc mang theo điện thoại di động khi đi du lịch theo trường cũng là điều bình thường. Ở những trường dù cấm mang theo điện thoại thì cũng có những trường hợp học sinh giấu diếm mang điện thoại theo người.