Du học - Xin việc

Quy tắc ứng xử khi dùng bữa với người lớn hơn

van-hoa-dung-bua-7
10/01/2023

Chắc hẳn các bạn người Việt đang sống ở Nhật sẽ thỉnh thoảng có cơ hội đi ăn cùng thầy cô giáo, các anh chị trong trường cũng như cấp trên ở nơi làm việc, các bác người Nhật v.v. Có một số quy tắc bất thành văn khi chúng ta đi ăn cùng người lớn hơn. Nếu các bạn không nắm rõ những điểm quan trọng này thì rất có thể chúng ta sẽ làm phật ý đối phương. Hầu hết mọi người sẽ không dạy bạn các quy tắc khi ăn uống nên trong bài viết này, mình sẽ giới thiệu về quy tắc ứng xử trong khi dùng bữa ở Nhật.

Không ngồi trong cùng

Khi hỏi những người Nhật thường tiếp xúc với người Việt, họ nói rằng rất nhiều người Nhật để ý đến vị trí ngồi trong bữa ăn còn người Việt thì không. Ở Nhật, “vị trí trong cùng” là vị trí ngồi của người lớn hơn, cấp trên, khách hàng. Vị trí này gọi là “Kamiza”.

Khi nhà hàng có rất nhiều bàn và khó nhận biết đâu là “Kamiza”, bạn hãy nghĩ “Kamiza” là chỗ xa lối vào. Trong hình phía trên, nếu tính từ lối vào thì số ① là vị trí cao nhất, số ② là vị trí cao tiếp theo. Ngược lại, số ③, ④ gần lối vào vào nên vị trí này gọi là “Shimoza”, chỗ ngồi dành cho người nhỏ hơn, vị trí thấp hơn. Giữa số ③ và số ④ thì số 4 là vị trí thấp nhất.

Ví dụ, nếu bạn đi ăn cùng thầy/cô giáo, anh/chị tiền bối (sempai), bạn cùng lớp (4 người) thì vị trí số ① là thầy/cô giáo, số ② là anh/chị tiền bối (sempai), số ③ và số ④ là bạn cùng lớp và bạn.

Khi ngồi trong phòng kiểu Nhật, có góc trang trí

Đối với phòng có góc trang trí (nơi có treo tranh chữ v.v.), dù lối vào ở vị trí nào thì “Kamiza” cũng là vị trí ở phía trước góc trang trí. Trong hình phía trên, số ① là vị trí cao nhất, số ② là vị trí cao tiếp theo. Nếu trong phòng không có góc trang trí thì số ③ sẽ là vị trí cao nhất, số ④ là vị trí cao tiếp theo.

Ví dụ, nếu bạn đi ăn cùng khách hàng, cấp trên, anh/chị sempai (4 người) thì vị trí số ① là khách hàng, số ② là cấp trên, số ③ là anh/chị sempai, số ④ là bạn.

Khi ngồi bàn tròn

Khi ngồi bàn tròn thì chỗ ngồi sẽ hơi phức tạp. Vị trí xa lối vào nhất sẽ là vị trí cao nhất – số 1, tiếp theo là các vị trí được đánh số từ bé đến lớn.

Khi có nhiều bàn

Vị trí ngồi trong các phòng riêng sẽ được sắp xếp như phần giải thích phía trên. Khi ngồi trong phòng lớn và có nhiều bàn, bạn sẽ hơi khó phán đoán đâu là vị trí Kamiza. Vì thế, mình đã tổng hợp các quy tắc chỗ ngồi thông qua hình vẽ trên. Trong phòng lớn, vị trí “xa lối vào”, “vị trí sát tường” là vị trí Kamiza.

Mời người lớn hơn ngồi vào vị trí Kamiza

Khi bạn dùng bữa với người lớn hơn, bạn hãy để người ấy vào ngồi trước. Khi bạn ngồi sau cùng, hãy đảm bảo rằng đối phương đã ngồi vào vị trí cao nhất. Tuy nhiên, có nhiều người giữ ý và định ngồi vào vị trí thấp hơn. Khi thấy khách hàng định ngồi vào vị trí thấp hơn, bạn hãy nhanh chóng mời họ vào vị trí Kamiza nhé. Đây chính là quy tắc cơ bản khi dùng bữa của Nhật Bản.

Nếu đối phương nói là muốn ngồi vị trí thấp hơn (Shimoza), bạn hãy để họ ngồi ở vị trí đó nhưng đây chỉ là ngoại lệ, nếu được thì hãy để họ ngồi ở vị trí cao. Nếu bạn hẹn ai đó ở nhà hàng, bạn hãy đến trước và ngồi chờ ở vị trí thấp hơn nhé.

Dùng đũa chuyên để gắp thức ăn

Gắp thức ăn từ đĩa lớn vào đĩa nhỏ của mình bằng đũa chuyên để gắp thức ăn

Ở nhiều quốc gia, khi dùng bữa và ăn chung với ai đó, mọi người thường tự dùng đũa của mình để gắp thức ăn. Thế nhưng, ở Nhật Bản thì khác.

Khi ăn, ngoài đũa của cá nhân, người Nhật thường dùng “Toribashi” – đũa chuyên để gắp thức ăn. Khi ăn chung, họ sẽ dùng Toribashi để gắp thức ăn từ đĩa lớn vào đĩa nhỏ của mình rồi đặt Toribashi về chỗ cũ, dùng đũa của mình để ăn. Khi ăn ở bên ngoài, nếu không có Toribashi, bạn hãy nhờ nhân viên nhà hàng mang đũa cho bạn nhé.

Khi thấy người lớn hơn dùng Toribashi để gắp thức ăn vào đĩa của cá nhân, bạn cũng lấy và ăn món đó nhé. Nếu bạn chủ động mời người lớn hơn ăn món gì đó thì càng tốt nhé.

Cách rót bia, rượu

Khi uống bia (chai), rượu Nhật (Nihonshu), bạn sẽ phải tự rót đồ uống vào cốc, chén của mình. Mình sẽ giới thiệu về quy tắc rót bia, rượu trong trường hợp này.

Khi rót cho người lớn hơn

Đối với chén đầu tiên, hãy chú ý quan sát và để người nhỏ hơn rót rượu cho người lớn hơn. Sau đó, khi chén của đối phương không còn rượu, bạn hãy rót thêm. Nếu đối phương nói “đủ rồi – もういいです” hoặc “từ giờ để tôi tự rót – 後は自分でやります” thì bạn sẽ dừng lại ở đó và không rót thêm.

・ Khi rót bia, bạn hãy quay nhãn của chai bia lên trên và cầm chai bằng tay phải. Bạn sẽ đỡ nhẹ phần dưới chai bằng tay trái.

・ Khi rót rượu Nhật từ bình, bạn hãy cầm bình bằng cả hai tay.

Khi được người lớn hơn rót rượu cho

Bạn hãy cầm cốc, chén bằng cả hai tay. Bạn sẽ cầm chắc bằng một tay, tay còn lại (phần đầu ngón tay) thì để dưới đáy cốc, chén. Khi ngồi trong phòng kiểu Nhật, một số người sẽ ngồi quỳ và cầm cốc, chén. Trước và sau khi được rót rượu cho, bạn hãy nói “cảm ơn – ありがとうございます”. Việc để nguyên cốc, chén trên bàn và giữ cốc bằng một tay, chờ đối phương rót rượu cho là việc thất lễ đối với người Nhật nên bạn hãy chú ý tới điều này và không làm như thế nhé.

“Itadakimasu”, “Gochisosamadeshita”

Người Nhật sẽ nói “Itadakimasu” trước khi ăn và “Gochisosamadeshita” sau khi ăn xong. Không cần nói thì các bạn cũng biết đây là lời mời trước khi ăn và lời nói cảm ơn sau bữa ăn của người Nhật. Thế nhưng, khi đi ăn cùng người lớn hơn (cấp trên, sempai v.v.) và người đó trả phần lớn tiền ăn thì đây là những lời nói quan trọng và cần thiết.

Thêm vào đó, hãy để người lớn hơn ăn trước nhé.

Sau khi tính tiền xong cũng nói “Gochisosamadeshita”

Sau khi ăn xong, bạn sẽ nói “Gochisosamadeshita” nhưng ngay khi vừa thanh toán xong hoặc khi vừa ra khỏi cửa hàng, bạn hãy nói với người đã trả phần lớn tiền ăn là “Gochisosamadeshita”.

Khi nói với cấp trên, người lớn hơn, câu nói này có nghĩa là “Cảm ơn bác/anh/chị đã mời cháu/em”.

Khi nói với người của nhà hàng là “Gochisosamadeshita”, câu nói thể hiện ý nghĩa “đồ ăn rất ngon”, “ở đây rất thoải mái”, “cháu/em sẽ quay lại” v.v.

“Gochisosamadeshita” là cách nói thể hiện lòng biết ơn nên bạn đừng quên nhé.

Tổng kết

Trong bài viết này, mình đã giới thiệu về quy tắc ứng xử khi dùng bữa ở Nhật, đặc biệt là thứ tự chỗ ngồi “Kamiza” và “Shimoza” v.v. Thêm vào đó, mình cũng đã giới thiệu thói quen sử dụng Toribashi – đũa chuyên để gắp thức ăn và cách rót rượu. Những quy tắc này sẽ giúp các mối quan hệ của bạn được bền chặt nên bạn hãy ứng dụng những quy tắc này vào thực tế nhé.

Thêm vào đó, bạn đừng quên nói “Itadakimasu” và “Gochisosamadeshita”.

Việc quen với tất cả các văn hoá của Nhật là một điều khó khăn nhưng nếu biết về các văn hoá này thì bạn có thể dễ dàng làm theo nên để xây dựng quan hệ với mọi người, chúng ta hãy cùng cư xử theo văn hoá của Nhật nhé.