Thực tập kỹ năng - Kỹ năng đặc định

Cách người nước ngoài sắp bị sa thải vì mang thai đã khiến công ty rút lại việc sa thải là gì? – Giới thiệu ví dụ thực tế của hai người Việt

ninshin- (11)
17/12/2023

Ở Nhật Bản, các công ty không thể sa thải người lao động, kể cả lao động người nước ngoài vì lý do mang thai. Người nước ngoài cũng có thể nghỉ thai sản và chăm con, sau đó tiếp tục làm việc theo hợp đồng lao động. Thực tập sinh kỹ năng cũng có thể tạm dừng thực tập để sinh con hoặc chăm con, sau đó tiếp tục thực tập sau khi hết thời gian nghỉ. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu hai người Việt (người có kỹ năng đặc định và thực tập sinh kỹ năng) sắp bị sa thải tại Nhật vì mang thai đã làm thế nào để có thể tiếp tục làm việc tại Nhật.

1. Không cần nghỉ việc, về nước khi có thai

Việc sa thải người lao động vì lý do mang thai hoặc sinh con là bất hợp pháp

Luật pháp Nhật Bản nghiêm cấm công ty đối xử bất công với nhân viên (chẳng hạn như sa thải v.v.) vì lý do mang thai hoặc sinh con. Thực tập sinh kỹ năng, người có kỹ năng đặc định và tất cả người lao động nước ngoài cũng được Luật này bảo vệ.

Vì lý do này, việc một công ty yêu cầu lao động nước ngoài nghỉ việc hoặc về nước vì người ấy đang mang thai là bất hợp pháp. Hợp đồng lao động có nội dung như vậy cũng là bất hợp pháp.

Thực tập sinh có thể tạm dừng thực tập

Sau khi có thai, thực tập sinh vẫn có thể tiếp tục quá trình thực tập.

  • Không cần nghỉ việc khi có thai.
  • Không cần về nước vì lý do mang thai. Dù thực tập sinh đã hứa với công ty phái cử thì cũng không cần phải thực hiện lời hứa đó.
  • Thực tập sinh có thể tiếp tục làm việc khi đang mang thai và có thể nghỉ thai sản (trước và sau sinh).
  • Trong quá trình nghỉ trước và sau khi sinh con, thực tập sinh có thể tạm dừng quá trình thực tập, tiếp tục thực tập sau khi nghỉ. Thời gian trong khi nghỉ không tính vào tổng thời gian thực tập.

external link Không cần phải nghỉ việc – về nước khi có thai|KOKORO

2. Gia hạn visa trước khi về nước sinh con

Khi bạn trở về Việt Nam để sinh con và quay lại Nhật Bản sau khi sinh, thời gian lưu trú tại Nhật Bản của bạn có thể đã kết thúc trước khi bạn quay trở lại. Trong trường hợp đó, để lấy được tư cách lưu trú khi ở Việt Nam, bạn sẽ mất nhiều chi phí và phải làm các thủ tục phức tạp. Vì vậy, bạn nên gia hạn tư cách lưu trú (visa) tại Cục quản lý xuất nhập cảnh trước khi trở về Việt Nam để thời gian lưu trú của bạn được duy trì khi bạn quay lại Nhật Bản sau khi sinh con.

Để được gia hạn tư cách lưu trú tại Cục quản lý xuất nhập cảnh trước khi trở về Việt Nam sinh con, ngoài mẫu đơn xin gia hạn, bạn cần phải nộp những giấy tờ sau.

  • Hợp đồng lao động (Bản sao)
  • Sổ tay theo dõi sức khoẻ bà mẹ và trẻ em (Bản sao)
  • Giấy khám bệnh của bác sĩ
  • Lý do xin gia hạn
  • Vé máy bay về nước (Bản sao)

“Lý do xin gia hạn” là giấy nêu nguyện vọng và lý do gia hạn. Ví dụ: “Tôi muốn về Việt Nam sinh con và sau đó quay lại Nhật làm việc nên hãy để thời gian lưu trú của tôi dài hơn để tôi quay lại Nhật Bản”. Thông thường, nghiệp đoàn sẽ viết hộ bạn.

Đối với việc xin gia hạn tư cách lưu trú trước khi về nước để sinh con, thời gian xét duyệt của Cục xuất nhập cảnh sẽ nhanh hơn xin gia hạn tư cách lưu trú thông thường.

3. Thực tập sinh kỹ năng bị buộc phải ký vào đơn xin thôi việc vì lý do mang thai đã làm thế nào để quay lại làm việc?

Cô Yoshimizu – Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật (bên phải) và bạn Giang

Ký vào đơn xin nghỉ việc vì lý do mang thai

Ngày 15/6/2023, Hội hỗ trợ người Việt mang tên “Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật” đã nhận được tin nhắn (SNS) bằng tiếng Việt như sau.

“Em làm ở công ty hiện tại được khoảng 7 tháng thì có thai (trong dịp nghỉ lễ, em đến gặp chồng đang thực tập kỹ năng ở tỉnh Gifu). Nghiệp đoàn của em nói rằng công ty nói là không còn việc nhẹ nên em được nghỉ làm khoảng một tuần. Công ty không cho em sống trong ký túc xá nữa. Nếu mọi chuyện cứ tiếp diễn như thế này, rất có thể em sẽ bị đưa về Việt Nam. Em nên làm gì ạ?”

Đây là tin nhắn của Giang (20 tuổi), thực tập sinh kỹ năng đang làm việc tại một nhà máy chế biến thực phẩm ở tỉnh Fukuoka.

Đại diện của hội hỗ trợ là cô Yoshimizu đã đi từ Tokyo đến Fukuoka vào ngày 16 (ngay ngày hôm sau) để gặp Giang và đưa ra gợi ý “Chúng ta hãy cùng đi đến Hiệp hội thực tập kỹ năng quốc tế (OTIT)”. Tuy nhiên, Giang bị suy sụp tinh thần nên không đi đến OTIT vào ngày hôm đó. Sau khi cô Yoshimizu về Tokyo, nghiệp đoàn nói với Giang là bị công ty nói rằng “Vì không có việc mà phụ nữ mang thai có thể làm được nên cô hãy nghỉ việc và về Việt Nam đi”. Giang đã ký vào giấy xin nghỉ việc. Sau đó, Giang đến chỗ chồng làm việc ở tỉnh Gifu.

OTIT tiếp nhận thông tin tư vấn rồi chỉ đạo công ty và nghiệp đoàn

Giang (bên trái) và cô Yoshimizu = Năm 2023 ở tỉnh Gifu

Cô Yoshimizu đã hỏi ý kiến văn phòng OTIT Nagoya, một đại diện của OTIT đã đến gặp Giang và cô Yoshimizu ở Gifu. Việc sa thải nhân viên vì lý do mang thai là bất hợp pháp. Ngoài ra, trách nhiệm của công ty là phải nghĩ ra những công việc mà phụ nữ mang thai có thể làm. Đại diện của OTIT đã lắng nghe câu chuyện của Giang và cô Yoshimizu, sau đó chỉ đạo nghiệp đoàn và công ty thực hiện đúng theo luật pháp.

Ngoài ra, theo lời khuyên của cô Yoshimizu, Giang đã tham gia liên đoàn lao động tên là “Tomoiki Union”. Liên đoàn đề nghị công ty của Giang cùng nói chuyện 3 bên (dantaikosho) về công việc của Giang. “Tomoiki Union” là liên đoàn lao động dành cho người nước ngoài và có kết nối với liên đoàn lao động lớn có tên là “Liên hợp Union Tokyo”.

Bằng việc nói chuyện 3 bên với sự có mặt của liên đoàn lao động, công ty phải hủy đơn xin nghỉ việc

Nói chuyện 3 bên (dantaikosho – thương lượng đoàn thể) là quyền được Hiến pháp bảo vệ nên khi liên đoàn lao động đề nghị nói chuyện 3 bên thì công ty phải chấp nhận. Trong buổi nói chuyện 3 bên (online) vào ngày 7/7, Giang nói là “muốn quay lại công ty”. Công ty của Giang đã nhận được chỉ thị từ OTIT và đã nói chuyện với liên đoàn lao động hiểu rõ về luật nên họ đã chấp thuận đề nghị của Giang ngay lập tức. Giang đã được quay lại làm việc.

Tạm dừng thực tập kỹ năng, về Việt Nam để sinh con và chăm con

Sau đó, với sự giúp đỡ của Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật và nghiệp đoàn, Giang đã nộp đơn lên Cục quản lý xuất nhập cảnh để gia hạn tư cách lưu trú. Cục xuất nhập cảnh đã đổi thẻ lưu trú cũ (hiệu lực đến tháng 8/2023) sang thẻ lưu trú mới (hiệu lực đến tháng 7/2024).

Giang dự sinh vào khoảng tháng 2/2024 nhưng do sức khỏe không tốt nên Giang đã về Việt Nam trước đó khoảng 6 tháng. Giang định sinh con ở Việt Nam rồi quay lại Nhật để tiếp tục thực tập trước khi thẻ lưu trú mới hết hạn.

4. Trường hợp người có kỹ năng đặc định suýt bị sa thải vì lý do mang thai

Sau khi báo cáo đang mang thai, nhận được thông báo thực chất là thông báo sa thải

Chị Nga ngoài 30 tuổi, đang là người có kỹ năng đặc định và làm việc ở nông trại cà chua ở tỉnh Aichi. Chị ấy đã có thai.

Chị Nga vốn là thực tập sinh kỹ năng trong ngành may mặc. Sau khi hoàn thành 3 năm thực tập kỹ năng, do ảnh hưởng của COVID-19 nên chị khó về nước. Chị ở lại Nhật theo diện đặc biệt và tiếp tục làm trong ngành may. Trong thời gian đó, chị đã thi đỗ kỳ thi kỹ năng ngành nông nghiệp nên chị đã chuyển sang làm việc cho một công ty giới thiệu và cung cấp nhân sự tạm thời (haken). Từ tháng 9/2022, chị được cử đến làm ở nông trại cà chua. Vào tháng 10, chị phát hiện mình đã có thai.

Vào tháng 12, chị Nga đã hỏi ý kiến công ty giới thiệu nhân sự. Ngay lập tức, công ty nói với chị là “chị đang bị ốm nên không thể làm việc. Chúng tôi sẽ trả 60% mức lương hàng tháng trong 2 tháng tới. Từ tháng thứ 3 trở đi, chị hãy dựa vào bảo hiểm thất nghiệp để sinh sống”.

Mặc dù công ty không sử dụng từ “sa thải”, nhưng công ty nói hãy sử dụng bảo hiểm thất nghiệp – loại bảo hiểm chỉ được chi trả cho người đã kết thúc hợp đồng lao động nên thực chất đây là thông báo sa thải.

Liên đoàn lao động đề nghị công ty nói chuyện 3 bên

Nói chuyện 3 bên (dantaikosho) online

Tháng 1/2023, chị Nga gửi tin nhắn (bằng tiếng Việt) tới “Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật”. Ngay sau đó, cô Yoshimizu và 1 người nữa trong hội hỗ trợ đã đến tỉnh Aichi để gặp và hỏi thăm tình hình của chị Nga.

Sau đó, chị Nga tham gia liên đoàn lao động “Tomoiki Union”. Liên đoàn lao động đã đề nghị công ty giới thiệu nhân sự nói chuyện 3 bên (dantaikosho).

Công ty hứa sẽ cho làm tiếp sau khi nghỉ

Buổi nói chuyện diễn ra online, ngoài chị Nga và phiên dịch, cô Yoshimizu và đại diện của “Liên hợp Union Tokyo” cũng tham dự.

Liên đoàn lao động yêu cầu công ty tiếp tục hợp đồng với chị Nga và cho phép chị ấy nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con. Khi đó, một người trong ban điều hành của công ty đã chấp nhận yêu cầu và giải thích rằng: “Việc nhân viên này nhận được thông báo sa thải là một sự nhầm lẫn. Người phụ trách đã phát ngôn theo quan điểm của riêng mình, đó không phải là phương châm của công ty”.

Như vậy là chị Nga đã có thể tiếp tục làm việc. Ngoài ra, liên đoàn lao động còn đưa ra những yêu cầu sau giúp chị Nga và đã được công ty đồng ý:

  • Tôi muốn nghỉ phép trước khi sinh và sau khi sinh. Tôi cũng muốn được trả lương trong thời gian đó.
  • Tôi muốn được công ty giúp gia hạn tư cách lưu trú (visa) trước khi trở về Việt Nam để sinh con.
  • Tôi muốn công ty làm các thủ tục để xin Trợ cấp 1 lần khi sinh con và chăm con.
  • Tôi cũng muốn công ty nộp đơn xin nghỉ chăm con.
  • Tôi muốn được công ty hỗ trợ để đi khám thai sản.

Gia hạn tư cách lưu trú trước khi về nước để sinh con

Chị Nga dự sinh vào tháng 6/2023 và thời hạn lưu trú của chị là đến tháng 7/2023. Nếu cứ để như vậy thì sau khi chị về Việt Nam sinh con và quay lại Nhật, thẻ lưu trú của chị đã hết hạn.

Vì vậy, với sự giúp đỡ của công ty, chị Nga đã nộp đơn lên Cục quản lý xuất nhập cảnh để xin gia hạn tư cách lưu trú trước khi về nước. Ngay sau đó, thẻ lưu trú mới được cấp sau khoảng một tuần và thời gian lưu trú được kéo dài đến tháng 7 năm 2024.

Sau khi về Việt Nam sinh con, quay lại Nhật làm việc

Sau đó, chị Nga tiếp tục làm việc tại nông trại cà chua. Chị về Việt Nam vào tháng 4/2023 và sinh con vào tháng 6/2023. Sau khi nghỉ thai sản và nghỉ chăm con, chị định quay lại Nhật vào tháng 7 năm 2024 và tiếp tục làm việc tại công ty giới thiệu và cung cấp nhân sự tạm thời.

5. Khi gặp khó khăn, bạn hãy trao đổi với những nơi này!

Cô Yoshimizu – đại diện của Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật (bên trái)

Nếu bạn bị buộc phải nghỉ việc hoặc về nước vì lý do mang thai, hãy xin tư vấn từ Cục tiêu chuẩn lao động. Nếu bạn là thực tập sinh kỹ năng, hãy liên hệ với Hiệp hội thực tập kỹ năng quốc tế (OTIT). Bạn có thể gửi tin nhắn bằng tiếng Việt.

Nếu nghiệp đoàn của bạn không hỗ trợ bạn tạm dừng thực tập kỹ năng rồi trở lại làm việc hoặc không giúp bạn quay trở lại Nhật Bản sau khi sinh con, hãy xin tư vấn từ OTIT.

external link Cổng tư vấn bằng tiếng mẹ đẻ của OTIT

Nếu bạn đã xin ý kiến từ Cục tiêu chuẩn lao động hoặc OTIT nhưng vẫn không hiệu quả, hãy nhận hỗ trợ từ các tổ chức hỗ trợ tư nhân đã có nhiều thành tích trong việc tư vấn cho người lao động.

external link Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật|KOKORO

external link Các tổ chức tư vấn dành cho người Việt|KOKORO

6. Những hỗ trợ từ Chính phủ Nhật Bản dành cho người mang thai, sinh con, chăm con

Người nước ngoài cũng có thể nhận được nhiều hỗ trợ công khi mang thai, sinh con và nuôi con ở Nhật Bản. Hãy tìm hiểu và biết trước những thông tin này và nhờ công ty hỗ trợ các thủ tục khi cần thiết.

Hỗ trợ dành cho người đang mang thai

  • Sổ tay theo dõi sức khoẻ bà mẹ và trẻ em
  • Khám sức khỏe thai phụ

Hỗ trợ đối với việc sinh con – chăm con

  • Trợ cấp 1 lần khi sinh con và chăm con (500,000 yên)
  • Tiền trợ cấp sinh sản
  • Tiền trợ cấp nghỉ chăm con
  • Miễn bảo hiểm y tế, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm hưu trí quốc dân
  • Trợ cấp chi phí khám chữa bệnh dành cho trẻ sơ sinh
  • Trợ cấp chăm con
  • Trợ cấp hỗ trợ nuôi con

Hãy đọc bài viết dưới đây để tìm hiểu về điều kiện và số tiền trợ cấp, phụ cấp nêu trên.

external link Hệ thống hỗ trợ, phụ cấp và trợ cấp cho việc sinh con và chăm sóc trẻ em (tóm tắt)|KOKORO

7. Tổng kết

Trong bài viết này, chúng tôi đã giới thiệu người có kỹ năng đặc định và thực tập sinh kỹ năng sắp bị sa thải do mang thai đã làm gì để có thể tiếp tục làm việc.

Ở Nhật Bản, kể cả lao động người nước ngoài cũng không bị sa thải vì đang mang thai. Điều này cũng áp dụng với thực tập sinh kỹ năng và người có kỹ năng đặc định. Nếu bạn là thực tập sinh, bạn có thể tạm dừng thực tập, nghỉ sinh con, chăm con và tiếp tục thực tập khi hết thời gian nghỉ phép.

Khi đang làm việc tại Nhật, nếu bạn có thai và bị công ty gây áp lực buộc bạn phải nghỉ việc hoặc về nước, bạn cũng không cần phải tuân theo. Hãy xin ý kiến và nhận hỗ trợ từ Cục tiêu chuẩn lao động, OTIT hoặc các tổ chức hỗ trợ tư nhân.