Thực tập kỹ năng - Kỹ năng đặc định

Giải thích cách nhận “bảo hiểm lao động” để chi trả chi phí y tế khi bị thương hoặc bị bệnh do công việc hoặc đi lại (bị tai nạn lao động)!

bao-hiem-lao-dong-tai-nhat-001
27/12/2023

Bảo hiểm lao động của Nhật là hệ thống chi trả chi phí y tế và chi phí sinh hoạt khi người lao động bị thương hoặc bị bệnh do công việc hoặc đi lại (đi đến chỗ làm và về nhà). Dù chỉ tuyển dụng 1 công nhân thì các công ty cũng phải tham gia bảo hiểm lao động. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu các loại bảo hiểm lao động, đối tượng được nhận bảo hiểm (người được nhận tiền bảo hiểm), cách đăng ký nhận bảo hiểm v.v.

1. Bảo hiểm lao động là gì?

Người nước ngoài cũng có thể nhận bảo hiểm lao động

Chấn thương hoặc bệnh tật xảy ra do công việc hoặc đi lại (đi đến chỗ làm và về nhà) được gọi là “tai nạn lao động”. “Bảo hiểm lao động” là hệ thống chi trả chi phí y tế và chi phí sinh hoạt liên quan đến chấn thương và bệnh tật do tai nạn lao động. Tên chính thức của “Bảo hiểm lao động” là “Bảo hiểm bồi thường tai nạn lao động”.

Người nước ngoài làm việc tại Nhật cũng có thể nhận chi phí y tế từ bảo hiểm lao động.

Tai nạn lao động Chấn thương hoặc bệnh tật xảy ra do công việc hoặc đi lại (đi đến chỗ làm và về nhà). Trong tiếng Nhật thường gọi tắt là “rosai”.
Công nhận
tai nạn lao động
Cục tiêu chuẩn lao động công nhận chấn thương hoặc bệnh tật của người lao động là tai nạn lao động và quyết định chi trả (bồi thường) tiền bảo hiểm lao động.
Bồi thường Bù đắp thiệt hại (ví dụ như chi phí y tế) do chấn thương hoặc bệnh tật gây ra. Cụ thể hơn, đây là “trợ cấp bảo hiểm”.
Tiền trợ cấp Tiền được trả dưới dạng trợ cấp.
Tiền trợ cấp hàng năm Tiền trợ cấp được trả hàng năm.

Sự khác biệt giữa bảo hiểm lao động và bảo hiểm y tế là gì?

Bảo hiểm y tế công (bảo hiểm y tế, bảo hiểm y tế quốc dân) cũng bồi thường chi phí điều trị chấn thương và bệnh tật. Tuy nhiên, bảo hiểm y tế và bảo hiểm y tế quốc dân chỉ chi trả các chi phí y tế cho chấn thương và bệnh tật không liên quan đến công việc hoặc đi lại (đi đến chỗ làm và về nhà), bảo hiểm này không thể sử dụng khi bị tai nạn lao động.

2. Ví dụ cụ thể về tai nạn lao động

Tai nạn lao động (rosai) có thể là những việc dưới đây.

Tai nạn trong khi làm việc (ví dụ)

  • Bị thương vì bị dụng cụ, một bộ phận của sản phẩm rơi từ trên cao xuống và trúng vào người.
  • Bị thương vì làm bàn việc bị sập và mình bị ngã theo.
  • Bị thương vì vấp phải vật liệu và bị ngã.
  • Bị thương vì bị xe nâng hàng đâm vào người.
  • Bị đau lưng vì mang vật nặng.
  • Bị đứt ngón tay vì vướng tay vào máy.
  • Bị thương nặng vì rơi từ trên cao xuống.

Tai nạn trong lúc đi lại (ví dụ)

  • Bị sốc nhiệt khi đi bộ đi làm.
  • Bị ô tô đâm khi đang di chuyển tới chỗ làm.
  • Bị ngã và bị thương trên đường đi xe đạp ra ga để đi làm.
  • Bị ngã và bị thương khi đi bộ đi làm.

Nhiều loại tai nạn lao động

Ngoài những trường hợp kể trên, những trường hợp như “bị trầm cảm do bị lạm dụng quyền lực hoặc bị bắt nạt ở nơi làm việc”, “bị bệnh tim hoặc bệnh về não do làm việc dài” cũng có thể được coi là tai nạn lao động. Còn rất nhiều loại tai nạn lao động khác.

3. Đối tượng được nhận bảo hiểm lao động

Nhân viên làm thêm cũng là đối tượng của bảo hiểm lao động

Dù chỉ tuyển dụng 1 người lao động thì chủ sử dụng lao động (công ty v.v.) cũng phải tham gia bảo hiểm lao động.

Phí bảo hiểm lao động do chủ sử dụng lao động chi trả toàn bộ.

・ Đối tượng của bảo hiểm lao động không chỉ là nhân viên chính thức (nhân viên toàn thời gian). Tất cả người lao động bao gồm nhân viên bán thời gian, nhân viên làm thêm, nhân viên hợp đồng, nhân viên làm việc theo ngày v.v. cũng là đối tượng được bảo hiểm Đối với nhân viên tạm thời (nhân viên phái cử), công ty giới thiệu và cung cấp nhân sự tạm thời sẽ tham gia bảo hiểm lao động.

Xác định có phải là “người lao động” hay không

Dựa vào thực chất để xác định có phải là “người lao động” hay không

Những người làm việc theo hợp đồng uỷ thác với một công ty nào đó và không nhận mệnh lệnh từ công ty (người làm việc độc lập, người làm việc tự do, v.v.) không phải là “người lao động” nên về nguyên tắc, không thể tham gia bảo hiểm lao động. Tuy nhiên, dù hình thức là uỷ thác nhưng người đó vẫn làm việc theo mệnh lệnh của công ty thì vẫn được coi là người lao động và có thể sử dụng bảo hiểm lao động.

Chế độ tham gia đặc biệt

Giám đốc công ty, người làm việc độc lập v.v. không phải là “người lao động” nên không thể tham gia bảo hiểm lao động. Tuy nhiên, những người như vậy có thể tham gia chế độ “tham gia đặc biệt”

4. 7 loại trợ cấp chính của bảo hiểm lao động

Các loại trợ cấp bảo hiểm lao động

Tên các loại trợ cấp bảo hiểm lao động

Các trợ cấp của bảo hiểm lao động có tên khác nhau tùy thuộc vào việc đó là tai nạn trong khi làm việc hay là tai nạn đi lại (đi đến chỗ làm và về nhà). Trợ cấp bảo hiểm lao động do làm nhiều công việc cũng có tên gọi khác nhau.

Tên trợ cấp Nội dung
〇〇 hosho kyufu Trợ cấp tai nạn trong khi làm việc (chấn thương hoặc bệnh tật do công việc)
〇〇 kyufu Trợ cấp tai nạn đi lại (chấn thương hoặc bệnh tật xảy ra trong quá trình đi đến chỗ làm và về nhà)
Fukusujigyo rodosha 〇〇 kyufu Trợ cấp đối với chấn thương hoặc bệnh tật do nhiều công việc gây ra

7 loại trợ cấp chính của bảo hiểm lao động

Trợ cấp của bảo hiểm lao động có 7 loại chính.

Trợ cấp (bồi thường) điều trị Trợ cấp cho người lao động điều trị khi bị thương, bị bệnh do công việc hoặc đi lại (đi đến chỗ làm và về nhà).
Trợ cấp (bồi thường) nghỉ làm Trợ cấp khi người lao động không nhận được lương, phải nghỉ làm để điều trị chấn thương và bệnh tật do công việc hoặc đi lại (đi đến chỗ làm và về nhà). Có thể nhận tiền từ ngày thứ 4 của đợt nghỉ.
Trợ cấp (bồi thường) bệnh tật hàng năm Khi đã điều trị chấn thương, bệnh tật do công việc hoặc đi lại (đi đến chỗ làm và về nhà) trên 1 năm 6 tháng nhưng vẫn chưa khỏi (tình trạng bệnh không ổn định) và có thương tật trên mức nhất định thì được chuyển từ trợ cấp (bồi thường) nghỉ làm sang trợ cấp hàng năm.
Trợ cấp (bồi thường) khuyết tật Trợ cấp (bao gồm lương hưu) khi các triệu chứng của chấn thương hoặc bệnh tật do công việc hoặc đi lại trở nên cố định và để lại khuyết tật trên mức nhất định.
Trợ cấp (bồi thường) người thân Trợ cấp lương hưu, trợ cấp 1 lần khi người lao động tử vong do tai nạn lao động, đảm bảo sinh kế cho gia đình người mất.
Tiền mai táng v.v.
(Trợ cấp mai táng)
Trợ cấp 1 phần chi phí mai táng khi người lao động tử vong do tai nạn lao động.
Trợ cấp (bồi thường) điều dưỡng Trợ cấp dành cho người nhận trợ cấp (bồi thường) khuyết tật hàng năm hoặc trợ cấp (bồi thường) thương tật hàng năm, người bị khuyết tật đặc biệt nặng và đang được chăm sóc, điều dưỡng.

Lược bỏ phần “Trợ cấp dành cho người lao động thuộc nhiều công ty, tổ chức”.

external link Các loại trợ cấp bảo hiểm lao động và khoản tiền trợ cấp v.v. (Bản khái quát) Tiếng Việt | Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản

Điều bảo hiểm lao động không chi trả

Bảo hiểm lao động sẽ chi trả chi phí điều trị, chi phí nằm viện, v.v. liên quan đến tai nạn lao động. Thế nhưng bảo hiểm lao động sẽ không chi trả “tiền bồi thường” cho chấn thương hoặc bệnh tật do công ty của bạn gây ra.

Nếu muốn nhận tiền bồi thường, bạn cần phải thương lượng với công ty và có thể sẽ phải ra tòa. Tuy nhiên, nếu phía công ty không vi phạm nghĩa vụ bảo vệ an toàn cho lao động hoặc không vi phạm pháp luật thì yêu cầu bồi thường sẽ không được chấp nhận ngay cả khi ra toà.

5. Tai nạn lao động là “tai nạn trong khi làm việc” và “tai nạn đi lại”

Tai nạn lao động gồm 2 loại là “tai nạn trong khi làm việc” và “tai nạn đi lại (đi đến chỗ làm và về nhà)”.

Tai nạn trong khi làm việc

Tai nạn lao động xảy ra do công việc được gọi là “gyomu saigai”. Chẳng hạn như những trường hợp dưới đây.

  • Bị thương trong khi đang làm việc
  • Trong khi đang tạm nghỉ, bị thương ở nhà vệ sinh v.v.
  • Bị thương trong khi đang chuẩn bị làm việc hoặc đang dọn dẹp sau khi làm xong
  • Bị thương khi đi công tác

Để một tai nạn được công nhận là “gyomu saigai” thì phải có khả năng hoàn thành công việckhả năng do công việc gây ra.

Khả năng hoàn thành công việc Đây là chấn thương hoặc bệnh tật xảy ra trong quá trình làm việc. Ngay cả khi bạn đang làm việc tại nhà, nếu chấn thương hoặc bệnh tật của bạn xảy ra trong giờ làm việc, khả năng hoàn thành công việc của bạn sẽ được công nhận.
Khả năng do công việc gây ra Đây là công việc gây chấn thương hoặc bệnh tật. Nếu chấn thương xảy ra trong giờ làm việc do những nguyên nhân không liên quan đến công việc thì có thể không được coi là khả năng do công việc gây ra.

Do khó xác định các bệnh như rối loạn tâm thần, bệnh về não, bệnh tim có phải do công việc gây ra hay không nên Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã thiết lập các tiêu chuẩn công nhận nguyên nhân gây bệnh.

Tai nạn đi lại

Tai nạn lao động xảy ra do đi lại được gọi là “tsukin saigai”. Để được công nhận là tai nạn đi lại, cần có 4 điều kiện sau đây.

① Nội dung đi lại
② Mối quan hệ giữa việc đi lại và công việc
③ Di chuyển bằng lộ trình, phương pháp hợp lý
④ Việc đi lại không phải là công việc

Sau đây, chúng tôi sẽ giải thích về 4 điều kiện này.

① Nội dung đi lại được công nhận là tai nạn đi lại

  • Di chuyển từ nhà đến nơi làm việc và di chuyển từ nơi làm việc về nhà
  • Di chuyển từ địa điểm làm việc này sang địa điểm làm việc khác
  • Di chuyển từ nhà bạn đang ở 1 mình (nơi bạn sống xa gia đình để đi làm) đến nơi gia đình bạn sinh sống và ngược lại.

Nếu bạn đi lộ trình khác xa với lộ trình di chuyển thông thường, di chuyển đến công ty và về nhà bị gián đoạn thì việc di chuyển sau khi bị gián đoạn không được coi là “tsukin – đi làm hoặc đi về từ nơi làm việc”. Ví dụ: việc di chuyển đi ăn uống với bạn bè, đồng nghiệp và việc di chuyển sau đó không được coi là “tsukin”.

Tuy nhiên, việc đi chệch khỏi lộ trình thông thường hoặc làm gián đoạn hành trình để mua những thứ bạn cần cho cuộc sống hàng ngày hoặc đến bệnh viện đều được tính là “tsukin”.

② Mối quan hệ giữa việc đi lại và công việc

Để được công nhận là tai nạn đi lại, bạn phải có kế hoạch làm việc hoặc thực tế làm việc vào ngày bị thương hoặc bị bệnh. Ngoài ra, để “di chuyển giữa nơi ở 1 mình và nơi gia đình bạn sinh sống”, bạn phải đi lại vào ngày hôm trước, trong ngày hoặc ngày hôm sau ngày làm việc của bạn.

③ Di chuyển bằng lộ trình, phương pháp hợp lý

Nếu bạn đi đường vòng hoặc đi đường khác để nhân tiện ghé vào đâu đó mà không có lý do chính đáng thì không được tính là “tsukin”.

④ Việc đi lại không phải là công việc

Tai nạn lao động do công việc di chuyển không phải là “tai nạn đi lại” mà là “tai nạn trong khi làm việc”.

6. Cách xin trợ cấp bảo hiểm lao động

“Rosai shinsei” là gì

Để nhận được tiền từ bảo hiểm lao động, chấn thương hoặc bệnh tật của bạn phải được công nhận là “tai nạn lao động”. Cục tiêu chuẩn lao động sẽ công nhận tai nạn lao động.

Rosai shinsei
(Xin trợ cấp bảo hiểm lao động)
Yêu cầu (xin) Cục tiêu chuẩn lao động thanh toán trợ cấp bảo hiểm lao động
Rosai nintei
(Công nhận tai nạn lao động)
Cục tiêu chuẩn lao động công nhận chấn thương hoặc bệnh tật của người lao động là tai nạn lao động và quyết định chi trả trợ cấp bảo hiểm lao động. Tên chính thức trong tiếng Nhật là “Rosai hoken kyufu shikyu kettei”.

Trong mẫu đơn yêu cầu trợ cấp bảo hiểm lao động (= mẫu đơn xin công nhận tai nạn lao động) có một phần do công ty điền nên thường thì các công ty sẽ chuẩn bị đơn và nộp đơn. Mẫu đơn được tổng hợp ở trang dưới đây.

external link Đơn xin trợ cấp bảo hiểm lao động|Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản

Trình tự xin trợ cấp bảo hiểm lao động

1. Nói chuyện với công ty (Nếu công ty không hỗ trợ, hãy xin tư vấn của Cục tiêu chuẩn lao động)

2. Chuẩn bị đơn xin trợ cấp bảo hiểm lao động, mang theo hồ sơ cần thiết và đi cùng người của công ty đến Cục tiêu chuẩn lao động gần nhất để nộp hồ sơ

3. Điều tra sự cố tai nạn lao động: Cục tiêu chuẩn lao động điều tra về sự cố tai nạn lao động

4. Công nhận tai nạn lao động (= Quyết định chi trả trợ cấp tai nạn lao động): sau khi chấn thương hoặc bệnh tật của bạn được công nhận là tai nạn lao động, tiền trợ cấp sẽ được chuyển vào tài khoản mà bạn đã chỉ định.

Hiệu lực của việc xin trợ cấp

Việc xin trợ cấp (thời hạn nộp đơn) có hiệu lực là 2 năm hoặc 5 năm.

◎Để biết thêm thông tin chi tiết về cách nộp đơn xin trợ cấp, thời hạn nộp đơn, hãy đọc hướng dẫn của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản.

external link Các loại trợ cấp bảo hiểm lao động và khoản tiền trợ cấp v.v. (Bản chi tiết) Tiếng Việt | Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản

7. Cơ sở y tế được chỉ định sử dụng bảo hiểm lao động

Trong nhiều trường hợp, bạn sẽ đến bệnh viện trước khi có kết quả xin trợ cấp bảo hiểm lao động. Khi đó, hãy thông báo với bệnh viện rằng bạn đang nộp đơn xin trợ cấp bảo hiểm lao động trước khi đến bệnh viện. Nếu cơ sở y tế đó là “cơ sở y tế được chỉ định sử dụng bảo hiểm lao động”, bạn có thể nhận trợ cấp (bồi thường) điều trị và được điều trị mà không phải trả bất kỳ chi phí nào.

external link Trang tìm kiếm “Cơ sở y tế được chỉ định sử dụng bảo hiểm lao động”|Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản

→ Nếu chấn thương hoặc bệnh tật của bạn không được công nhận là tai nạn lao động, bạn sẽ sử dụng bảo hiểm y tế, do đó bạn sẽ tự chi trả một phần chi phí y tế.

→ Nếu người lao động điều trị tại bệnh viện không phải là “cơ sở y tế được chỉ định” thì trước tiên người lao động phải thanh toán trước chi phí y tế. Sau đó, nếu tai nạn được công nhận là tai nạn lao động thì người lao động sẽ được nhận lại phần chi phí y tế đã chi trả.

8. Tổng kết

・ Chấn thương hoặc bệnh tật xảy ra do công việc hoặc đi lại (đi đến chỗ làm và về nhà) được gọi là tai nạn lao động. Bảo hiểm lao động là hệ thống chi trả chi phí y tế cho các chấn thương và bệnh tật do tai nạn lao động gây ra.

・ Người nước ngoài cũng có thể nhận chi phí y tế từ bảo hiểm lao động.

・ Tai nạn lao động bao gồm 2 loại là “tai nạn trong khi làm việc và “tai nạn đi lại”.

・ Có 7 loại trợ cấp chính của bảo hiểm lao động.

  • Trợ cấp (bồi thường) điều trị
  • Trợ cấp (bồi thường) nghỉ làm
  • Trợ cấp (bồi thường) bệnh tật hàng năm
  • Trợ cấp (bồi thường) khuyết tật
  • Trợ cấp (bồi thường) người thân
  • Tiền mai táng v.v. (Trợ cấp mai táng)
  • Trợ cấp (bồi thường) điều dưỡng

・ Thường thì công ty sẽ chuẩn bị đơn xin trợ cấp bảo hiểm lao động. Nếu công ty của bạn không hỗ trợ, hãy xin tư vấn từ Cục tiêu chuẩn lao động hoặc tổ chức hỗ trợ gần công ty của bạn.

・ Nếu Cục tiêu chuẩn lao động công nhận chấn thương hoặc bệnh tật của bạn là tai nạn lao động, tiền trợ cấp của bạn sẽ được chuyển vào tài khoản mà bạn đã chỉ định.