Kinh nghiệm của tôi (Du học - Nhân lực chất lượng cao)

Minh
By KOKORO(Báo Mainichi+VAIJ;Đơn vị hỗ trợ: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, v.v.)

Gặp gỡ sempai số này

Phan Nguyệt Minh

Sinh năm 1988 tại thành phố Đà Nẵng
Tháng 5/2006: Tốt nghiệp trường THPT Phan Châu Trinh
Tháng 7/2006: Nhập học Trường Nhật ngữ Đông Du
Tháng 9/2007: Tốt nghiệp Trường Nhật ngữ Đông Du
Tháng 10/2007: Nhập học Khoa tiếng Nhật Trường chuyên môn Kinh doanh quốc tế Fukuyama YMCA
Tháng 3/2009: Tốt nghiệp Khoa tiếng Nhật Trường chuyên môn Kinh doanh quốc tế Fukuyama YMCA
Tháng 4/2009: Nhập học Khoa Kinh tế Đại học Quốc lập Okayama
Tháng 4/2013: Nhập học Khoa Sau đại học Nghiên cứu Khoa học Văn hóa Đại học Quốc lập Okayama
Tháng 3/2015: Tốt nghiệp Khoa Sau đại học Nghiên cứu Khoa học Văn hóa Đại học Quốc lập Okayama
Tháng 4/2015: Vào làm ở Công ty cổ phần CAITAC (Nhân viên chính thức/Quản lý Sản xuất)
Tháng 3/2017: Nghỉ làm ở Công ty cổ phần CAITAC, tháng 6 về nước
Tháng 7/2017: Vào làm ở FPT
Tháng 5/2018: Nghỉ làm ở FPT
Tháng 6/2018: Kinh doanh công ty du lịch, thông dịch (làm việc tự do)

Tập trung vào cuộc sống sinh viên, chưa thể gửi tiền về cho gia đình

Sau 1 năm học tại Trường Nhật ngữ Đông Du ở Hồ Chí Minh, từ năm 2007, tôi du học 7 năm rưỡi tại Nhật (trường chuyên môn → đại học → sau đại học). Trong thời gian đó, vì tuân thủ luật pháp nên tôi chỉ làm thêm trong khuôn khổ quy định 28 tiếng một tuần. Chi phí sinh hoạt ở Okayama cũng thấp hơn Tokyo và những nơi khác, ngoài ra tôi đã nỗ lực học tập nên được giảm một nửa học phí, do đó vẫn có thể trang trải được cuộc sống với đồng lương ít ỏi. Hồi còn đi học, tôi không thể gửi được tiền về phụ giúp gia đình, nhưng sau khi tốt nghiệp, tôi đã cố gắng nỗ lực để báo hiếu cha mẹ.

Ngoài ra, trong thời gian du học, tôi đã cố gắng tìm cách để có thể đi du lịch khắp các vùng miền Nhật Bản với chi phí thấp. Sau khi tốt nghiệp, trong 2 năm làm việc với tư cách nhân viên chính thức ở Nhật, tôi đã 6 lần đi du lịch nước ngoài. Sau này, khi trở về quê hương Đà Nẵng, tôi tự kinh doanh ngành du lịch dựa trên những kinh nghiệm hồi đó. Tôi xin phép giới thiệu với các bạn kinh nghiệm của mình ở Nhật Bản.

Tại một quán cà phê ở Đà Nẵng (Tháng 12/2019)

6 năm chỉ làm thêm tại 1 quán nhậu izakaya

Khi mới đến Nhật Bản, tôi mất tới 2 tháng trời mới tìm được công việc làm thêm đầu tiên tại một cửa hàng ramen. Từ thông tin trên các tạp chí giới thiệu việc làm thêm miễn phí để sẵn tại các nơi công cộng như ga tàu, tôi gọi điện thoại thẳng đến quán để xin việc, nhưng liên lạc cỡ khoảng 10 nơi thì may ra mới có một nơi chấp nhận cho phỏng vấn. Sau khi phỏng vấn và bị từ chối đến 5, 6 lần, nơi đầu tiên đồng ý nhận tôi vào làm là quán ramen này. Hồi đó, việc sử dụng lao động người nước ngoài vẫn còn là việc lạ lẫm. Sau đó, mặc dù còn đồng thời đi làm thêm ở quán McDonald’s và quán cơm gyudon nhưng tổng số giờ làm của tôi vẫn trong hạn mức 28 tiếng một tuần.

Sau khi vào Đại học Okayama (thành phố Okayama, tỉnh Okayama), tôi đã làm việc tại một quán nhậu izakaya trong suốt 6 năm và cuối cùng trở thành nhân viên có thâm niên làm việc lâu nhất tại quán. Hồi đó, mỗi lần đi nhậu với đám bạn cùng làm thêm (chủ yếu là người Nhật), tôi thấy rất vui. Cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn liên lạc với nhau qua LINE và các phương tiện khác. Trước khi nghỉ làm thêm để đi làm chính thức, nhân viên quán nhậu khoảng 20 người, bao gồm cả cửa hàng trưởng, đã tổ chức một bữa tiệc chia tay dành cho tôi.

Bảng ghi lời nhắn của đồng nghiệp mà tôi nhận được hôm tiệc chia tay khi thôi việc ở quán nhậu tôi đã làm suốt 6 năm (Tháng 2/2015)

Sinh hoạt với chi phí thấp ở địa phương

Ở thành phố Fukuyama, tỉnh Hiroshima, nơi có ngôi trường chuyên môn mà tôi theo học, tôi cùng 2 người bạn đồng môn Đông Du thuê trọ tại một phòng 2 buồng ngủ, có bếp và phòng ăn. Sau đó, chúng tôi cho thêm 3 đàn em Đông Du khác vào ở và 5 người chúng tôi cùng sống tại đó. Căn phòng ở trên tầng 4 một chung cư cũ không có thang máy, tiền thuê nhà chỉ 3 vạn yên một tháng (khoảng 6.350.000 VNĐ). Đó là mức tiền thuê nhà rẻ không thể tưởng tượng nổi đối với những người sống ở Tokyo.

Tuy nhiên, tiền học mỗi năm của tôi là 70 vạn yên và để trang trải khoản này, tôi đã gặp rất nhiều khó khăn. Tiếng Nhật trên lớp tôi nghe chỉ hiểu được khoảng một nửa, lại phải học thêm để chuẩn bị cho kì thi đại học, công việc làm thêm thì chưa quen nên đây là quãng thời gian vất vả nhất đối với tôi.

Ảnh chụp cùng bạn học Đông Du và giáo viên người Nhật tại phòng học ở trường chuyên môn (mùa Thu năm 2007)

Mặc dầu vậy, nhờ có thành tích học tập tốt ở trường chuyên môn, năm thứ nhất đại học, mỗi tháng tôi được nhận 5 vạn yên tiền học bổng. Hơn thế nữa, trong 6 năm đại học và sau đại học, tôi được miễn một nửa học phí trong khoảng 3 năm và 3 năm còn lại là miễn hoàn toàn học phí. Đó là nhờ thành tích học tập của tôi đạt yêu cầu để được nhận học bổng đúng theo chế độ.

So với mải miết làm thêm từ sáng sớm đến tối khuya “để kiếm thêm thu nhập” thì việc tập trung học hành, cố gắng kiếm học bổng, các suất miễn giảm học phí và “giảm được chi phí” sẽ đem lại cho chúng ta nhiều lợi ích cho tương lai hơn, phải không các bạn?

Vì phòng ở chật hẹp nên tôi luôn lên thư viện trường đại học để học (Tháng 11/2011)

[iconpress id="local_120" title="book" style="color:#525252; font-size:25px;" ] Sổ tay chi tiêu của tôi (trung bình một tháng)
※Trong thời gian học đại học, từ năm 2009 đến 2013

※100 yên = 21.174 VNĐ (theo tỉ giá ngày 8/2/2020)

Thu nhập (Tổng cộng khoảng 80.000 yên ~ 90.000 yên)

Tiền làm thêm (tại quán nhậu izakaya, quán cơm gyudon) 80.000~90.000 yên
Các công việc thông dịch khôngthường xuyên 5.000 ~ 8.000 yên
*Đây là khoản tiền về tay sau khi đã trừ thuế, bảo hiểm xã hội…
*Tiền làm thêm không thường xuyên không phải tháng nào cũng có
*Thời gian nghỉ Hè và các đợt nghỉ dài, số tiền này sẽ tăng thêm khoảng từ 40.000 ~ 45.000 yên

Chi phí (Tổng cộng khoảng 100.000 yên)

Tiền thuê nhà 28.000 yên
*Sống 1 mình, 1 phòng đơn, có wifi
*Đạp xe đến trường đại học mất khoảng 10 phút
Tiền điện, nước 7.000 yên
*Bao gồm tiền điện, nước, ga
Tiền điện thoại di động 7.000 yên
Học phí 22.500 yên
*Đây là học phí được miễn giảm một nửa (có năm tôi được miễn hoàn toàn học phí) do có thành tích học tập tốt.
Tiền ăn 20.000 yên
*Sáng ăn tại cửa hàng tiện lợi, buổi trưa ăn tại nhà ăn của trường (300~400 yên)
*Bữa tối ăn tại quán nhậu làm thêm, cũng có hôm được ăn với giá rất rẻ
Chi phí lặt vặt, chi phí đi lại 5.000 ~ 10.000 yên
*Hàng tháng đi chơi vài buổi với bạn bè
*Hầu như không mua sắm đồ đạc

Khoản tiền dôi dư (tiền tiết kiệm), bình quân mỗi tháng 10.000 yên.

*Tôi không gửi tiền về cho gia đình, thỉnh thoảng những lần về nước lại mua thuốc hoặc thực phẩm chức năng biếu bố mẹ

Tôi cảm thấy mình rất may mắn vì đã sống ở Okayama. Chi phí sinh hoạt ở đây thấp, có nhiều cửa hiệu và các khu mua sắm lớn. Mọi người đều thích Tokyo, nhưng ở đó dân cư đông đúc, chi phí sinh hoạt đắt đỏ nên thỉnh thoảng đến chơi thì được chứ tôi cảm thấy mình sống ở đó không hợp. Đối với du học sinh, để giảm bớt chi phí sinh hoạt, tôi khuyên các bạn nên chọn đến các địa phương.

Học tiếng Nhật, học thi đại học, đỗ đại học

Tôi học tiếng Pháp suốt từ tiểu học đến trung học phổ thông. Tuy nhiên, tôi nghe nói nếu đi du học ở Pháp thì chỉ làm thêm sẽ không thể đủ tiền trang trải cuộc sống, vì vậy, tôi đã lựa chọn Nhật Bản. Tôi được bạn cùng lớp cấp ba giới thiệu về Trường Nhật ngữ Đông Du.

Trong một năm ở trường Đông Du, tôi và hơn 20 học sinh khác quê Đà Nẵng ở cùng nhau trong một căn nhà riêng 3 tầng. Mặc dù khi đó mới học tiếng Nhật, nhưng do tôi học hoàn toàn từ đầu, lại tập trung học tập nên chỉ trong thời gian ngắn, tiếng Nhật của tôi cũng khá vững. Tuy vậy, khi mới sang Nhật, tôi chỉ nghe hiểu được khoảng một nửa những gì mà người đối diện đang nói.

Hồi dự thi Đại học Okayama, tôi nộp kết quả kì thi du học của JASSO (môn tổng hợp, tiếng Nhật, toán học I), thi tiếng Nhật (viết luận) và dự phỏng vấn của trường.

Đối với việc học tiếng Nhật, cả hồi ở Việt Nam và khi đã sang Nhật, tôi luôn nghiêm túc chuẩn bị bài trước khi lên lớp theo chỉ dẫn của trường. Khi tiếng Nhật đã khá hơn, tôi khuyên các bạn nên xem các chương trình tivi của Nhật nữa. Trên tivi, người ta sẽ nói tiếng Nhật rất tự nhiên, các bạn sẽ hiểu được cả cách nói đùa và dù sống tại Okayama, bạn vẫn có thể biết được là ở Tokyo đang có chuyện gì xảy ra. Hơn nữa, nhờ việc xem tivi, các bạn sẽ có thêm chủ đề để nói chuyện với người Nhật ở trường học hoặc chỗ làm thêm.

Bán đồ ăn Việt Nam cùng các du học sinh Đại học Okayama trong ngày hội trường (Tháng 11/2014)

Ngắm hoa anh đào cùng các du học sinh người Việt ở Đại học Okayama (tại công viên thực vật Thành phố Okayama) (Tháng 4/2015)

Du lịch giá rẻ trong các kì nghỉ dài

Chuyến du lịch mấy ngày cùng 2 người bạn Đông Du bằng “Vé thanh xuân 18”. Ở Tokyo, tôi hẹn gặp bạn từ thời nhỏvà được bạn cho ở nhờ. (Tháng 9/2009)

Trong các kì nghỉ dài, tôi thường đi du lịch các vùng miền Nhật Bản cùng các bạn du học sinh người Việt. Tôi đã đi cả Hokkaido và Kyushu, nhưng những nơi mà tôi quay lại nhiều nhất là các vùng lân cận gần thành phố Okayama như Kurashiki hay Hiroshima, Kobe v.v…

Ở Nhật, trong các kì nghỉ dài, công ty đường sắt Nhật Bản JR bán loại vé một giá đi tàu không giới hạn trong một ngày có tên “Vé thanh xuân 18”. Dùng vé này thì không lên được các loại tàu nhanh, nhưng tôi rất hay mua vé này để đi du lịch trong ngày ở các nơi như Kobe… Ngoài ra, khi đi du lịch ở những nơi xa hơn, tôi thường liên lạc với bạn cùng học Đông Du để được chỉ dẫn và cho ở nhờ.

Cùng bạn đồng môn Đông Du đi tới công viên Nabana no Sato ở tỉnh Mie (Tháng 12/2012)

Bạn cùng phòng từ thời học trường chuyên môn từ Hiroshima, Okayama và Shiga cùng tụ họp lại, sau khi thăm công viên Nabana no Sato thì tổ chức hội đồng niên và ngủ nhờ tại nhà người quen là sinh viên Đại học Mie. (Tháng 12/2012)

Mời gia đình từ Đà Nẵng sang du lịch dài ngày

Hồi năm thứ 3 đại học, tôi mời mẹ và em trai từ Đà Nẵng sang và cùng nhau đi du lịch khắp các vùng miền Nhật Bản trong khoảng 2 tuần. Chúng tôi đi Hiroshima, Kobe, Osaka, Kyoto, vùng Phú Sĩ Ngũ hồ (5 hồ ở gần núi Phú Sĩ) và Tokyo. Đợt đó, tôi đã tiêu hết toàn bộ số tiền 40 vạn yên tiết kiệm được (Vì cha tôi có việc bận nên đã không sang được).

Đưa mẹ (ảnh trái) và em trai đến Miyajima ở Aki (Hiroshima) (Tháng 8/2012)

Okayama rất đẹp

Okayama không phải là nơi nổi tiếng về du lịch, nhưng thực ra lại có rất nhiều danh lam thắng cảnh. Tôi rất thích cảnh đẹp bốn mùa ở Okayama.

Dẫn các bạn người Việt cùng trường đại học đến vườn Nhật Bản nổi tiếng ở Okayama (Korakuen). Các bộ yukata mua ở chợ trời với giá rẻ. (Tháng 8/2015).

Tận hưởng mùa Thu ở Nhật Bản tại một công viên gần trường đại học (Tháng 11/2013)

Okayama là một vùng trồng nho nổi tiếng. Đi hái nho với các bạn người Việt cùng trường đại học. (Tháng 9/2015).

Ở Nhật, mỗi mùa lại có các loài hoa khác nhau đua nở. Đi ngắm hoa cẩm tú cầu (ajisai) ở công viên thực vật trong thành phố Okayama. (Tháng 6/2013)

Vào làm việc tại công ty Nhật Bản

Sau khi tốt nghiệp cao học, được trường giới thiệu, tôi vào làm việc tại một công ty lớn về thời trang. Công ty thuê nhà máy tại Việt Nam may quần áo nên họ cần người Việt trong các công việc như quản lý sản xuất. Tôi là nhân viên người Việt đầu tiên của công ty, lương tháng về tay khoảng 17 đến 18 vạn yên. Công việc thì thú vị, còn cấp trên thì tốt bụng, tôi còn được đi công tác về Việt Nam nữa.

Trong thời gian 2 năm làm việc tại công ty, vào những dịp nghỉ dài (tuần lễ vàng vào mùa Xuân, nghỉ lễ Obon mùa Hè, hay nghỉ Tết Dương lịch), tôi thường đi du lịch nước ngoài. Tôi đã đi Mỹ (2 lần), đi châu Âu, Hàn Quốc, Đài Loan...

Ngày trước khi về nước, tôi đi du lịch một mình trong 2 tuần. Praha (ảnh trái) và Strasbourg. (Cả 2 ảnh đều chụp vào tháng 5/2017)

Về nước, tự kinh doanh

Mặc dù công việc của tôi thú vị, nhưng rồi tôi nhận được đề nghị từ một công ty kinh doanh ô tô, họ muốn tôi giúp mở showroom tại Đà Nẵng. Sau khi đắn đo suy nghĩ, tôi quyết định sẽ về nước. Sau đó, mặc dù kế hoạch mở showroom đó thất bại, nhưng vì đã xin thôi việc tại công ty thời trang nên tôi vẫn quyết tâm về nước và vào làm việc 1 năm tại công ty hàng đầu Việt Nam về công nghệ thông tin.

Chỉ sống ở Nhật thêm 3 năm nữa là tôi có thể lấy được visa vĩnh trú, nhưng từ lâu tôi đã nuôi ý định khởi nghiệp và so với Nhật Bản thì khởi nghiệp ở Việt Nam ít khó khăn hơn nên tôi vẫn luôn có ý định về nước. Sau đó, tôi mở một công ty nhỏ về du lịch, đồng thời làm thêm công việc thông dịch và biên dịch tự do.

Với hy vọng có thêm nhiều bạn du học sinh có được trải nghiệm du học vui vẻ giống mình nên tôi đã chia sẻ kinh nghiệm của bản thân cũng như lời khuyên trên blog. Các bạn cùng tham khảo nhé!

http://mmblog.com.vn/blog/du-hoc-nhat/

Tại Hội An (Tháng 11/2019)