Văn hoá

Tanabata

七夕-9
30/06/2021

Mùa hè đầu tiên của tôi tại Nhật, khi kí túc xá bắt đầu vào thời kì học căng thẳng hơn để thi kì đầu vào cuối tháng 6 thì cũng là lúc một cây tre to, xum xuê được dựng ngay trong phòng sinh hoạt chung, bên cạnh bày những xập giấy nhỏ dài đủ màu sắc và nhiều loại bút dạ. Các bạn người Nhật cho chúng tôi biết rằng sắp tới là lễ Tanabata – tức Tiết Ngâu ở Nhật Bản và người Nhật có phong tục là viết những điều mình mong ước lên tờ giấy hình chữ nhật gọi là tanzaku đủ màu ấy rồi buộc lên cây tre thì ước nguyện sẽ thành hiện thực. Ngày lễ Tanabata 7/7 năm ấy, chúng tôi đều cầu mong trời đừng mưa để chúng tôi được thấy nàng Orihime (Chức Nữ) và chàng Hikoboshi (Ngưu Lang) được gặp nhau một năm một lần. 【Nguyễn Việt Hà】

1. Lễ hội Tanabata là gì? Nguồn gốc của lễ hội này

Tanabata còn được đọc là “Shichiseki”, có truyền thuyết từ Trung Quốc được du nhập vào Nhật Bản và trở thành một trong 5 lễ hội truyền thống đại diện trong năm của Nhật Bản. Về nguồn gốc của lễ hội này thì có nhiều giả thuyết trong đó có những giả thuyết chính là (1) Tình yêu của nàng Orihime và chàng Hikoboshi; (2) Một nghi lễ của Thần đạo Nhật Bản và (3) là truyền thuyết “Kikoden” của Trung Quốc.

(1) Truyền thuyết thứ nhất là phổ biến nhất liên quan tới tên của hai ngôi sao sáng nhất dải Ngân Hà vào ngày 7/7 âm lịch với câu chuyện tình lãng mạn giữa nàng Orihime (Chức nữ) và chàng Hikoboshi (Ngưu Lang). Ngôi sao Chức Nữ ở chòm sao Thiên Cầm (Lyra) tượng trưng cho nữ giới làm nghề khâu vá còn ngôi sao Ngưu Lang ở chòm sao Thiên Ưng (Aquila) thì làm nông nghiệp; vì hai ngôi sao này xuất hiện rực rỡ nhất trên dải Ngân hà vào ngày 7 tháng 7 âm lịch nên người Trung Quốc xưa coi ngày này là “ngày quan trọng – Ngưu Lang – Chức Nữ có thể gặp được nhau một năm một lần”. Không chỉ có Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam cũng có truyền thuyết như vậy.

(2) Truyền thuyết thứ 2 pha trộn giữa một tập quán vốn có của Nhật Bản với truyền thuyết của Trung Quốc sau khi được du nhập vào Nhật. Theo truyền thuyết này thì vào ngày 7/7, một thiếu nữ được chọn ngồi trong một ngôi nhà bên cạnh dòng sông sạch đẹp và dệt áo cho vị thần hộ mệnh. Sau khi dệt xong, nàng đặt áo lên giá, bước ra ngoài và đợi thần đến. Người thiếu nữ này được gọi là “Tanabatatsume”. Truyền thuyết này có trùng lặp với truyền thuyết Kikoden của Trung Quốc. Sau này, khi Phật giáo được du nhập vào Nhật thì thì lễ Bon tức lễ Vu lan vào ngày rằm tháng 7 âm lịch (tức ngày 15/8 dương lịch hiện nay) được coi trọng nên Tanabata được coi là những hoạt động chuẩn bị cho lễ Bon.

(3) Đây là truyền thuyết Kikoden của Trung Quốc. Theo truyền thuyết này thì người phụ nữ ở Trung Quốc dùng chỉ màu xỏ vào 7 chiếc kim rồi đem bày cúng ở trước sân nhà và đây được cho là nguồn gốc của lễ cầu nguyện sao cho ngày càng giỏi giang trong nghề khâu vá. Từ xa xưa, ở Trung Quốc, người ta thường dùng chỉ hoặc vải 5 màu là xanh (xanh lá cây), đỏ, vàng, trắng và đen, để cúng là vì dựa trên thuyết Ngũ hành. 5 màu này được cho là nguồn gốc những miếng giấy 5 màu gọi là “Goshiki no tanzaku” dùng trong lễ hội Tanabata.

2. Các cách tổ chức lễ hội trong lịch sử

Thời Heian, sự kiện Tanabata ban đầu là sự kiện trong cung điện. Giới quý tộc tổ chức cũng hoa quả, ngũ cốc và hải sản đồng thời ngắm nhìn các vì sao, chơi nhạc và thơ ca. Những giọt sương đêm đọng lại thành những giọt nước trên tàu lá khoai sọ được coi là “Những giọt sương của giải Ngân Hà” và được dùng để mài mực viết những bài thơ waka trên lá của cây Kaji để thể hiện những điều ước. Lá cây Kaji (梶の葉) từ lâu được coi là một loại cây linh thiêng và được sử dụng như một công cụ trong nghi lễ cúng thần.

Vào thời kỳ Edo (thế kỷ 16 đến 19) lễ hội Tanabata dần dần lan rộng trong dân chúng và trở thành 1 trong 5 tiết quan trọng ở Nhật. Đây cũng chính là thời điểm hình thành tập quán viết điều ước lên giấy rồi treo lên cành tre. Vào thời kỳ này, người dân cũng bắt đầu có điều kiện để học thêm nhiều điều và trẻ em đi học chữ tại các nhà chùa, tiền thân của trường học hiện nay, cũng ngày càng nhiều nên nhiều người cũng muốn cầu nguyện với các vì sao mong cho mọi việc đều phát triển thuận lợi. Vậy nên, khi viết lên giấy thì không viết là “muốn có ○○” mà nên viết ước mơ của mình hoặc điều mình mong phát triển thuận lợi.

Vậy tại sao lại dùng cành tre hoặc cành trúc để treo những điều ước đó? Vì giống như người Việt Nam, người Nhật cũng cho rằng, tre, trúc, loài cây tràn đầy sức sống và luôn xanh tươi ngay cả trong mùa đông, có một sức mạnh huyền bí. Sau lễ hội, những lời ước nguyện treo lên cành tre trúc thường được mang tới các đền Thần đạo để đốt chung với các loại bùa khác, hoặc có thể gói vào giấy và bỏ cùng rác đốt được. Còn cành tre, trúc cũng có thể tự đốt ở sân nhà hoặc bỏ cùng với rác có thể đốt được. Ngày xưa, có những vùng có tục thả trúc ra sông, biển nhưng nay do vấn đề môi trường nên người ta không còn làm thế nữa.

Ngày nay ở Nhật Bản, trước lễ Tanabata vài tuần, các nhà trẻ, trường học, cơ quan, thậm chí cả ga tàu, không khí lễ hội Tanabata cũng rất náo nhiệt. Đi tới đâu ta cũng gặp những cành tre được dựng lên cùng với những xấp giấy tanzaku nhiều màu sắc đặt cùng với bút ở bên cạnh để mọi người viết và treo điều ước của mình. Nhiều địa phương còn tổ chức lễ hội Tanabata rất hoành tráng. Lễ hội Tanabata trở thành một nét văn hóa cầu ước và hy vọng của người Nhật.

Khi con trai tôi học lớp 2, vào mùa lễ hội Tanabata, cháu có viết trong tanzaku treo ở trường và treo ở nhà là “Muốn được đi Kanransha- vòng quay khổng lồ”. Đọc được lời ước của con, đến tháng tiếp theo, vợ chồng tôi đã đưa con đi lên Karansha – giúp con thực hiện được điều ước ấy. Tanabata là sự kiện cả trẻ em lẫn người lớn ở Nhật đều nhiệt tình tham gia một cách vui vẻ và hạnh phúc.

3. Lễ Thất Tịch tại Việt Nam

Cũng giống như Nhật Bản, truyền thuyết về chuyện tình Ngưu Lang Chức Nữ cũng được truyền tới Việt Nam nhưng dị bản của chuyện Ngưu Lang Chức Nữ trong văn hóa Việt Nam khác so với Trung Quốc.

Ngưu Lang là vị thần phụ trách chăn trâu của Ngọc Hoàng được Ngọc Hoàng gả cho con gái yêu là Chức Nữ chuyên việc dệt vải. Hai vợ chồng quấn quýt nhau không rời. Chàng Ngư Lang vì mê nàng Chức Nữ mà bỏ bê việc chăn trâu còn nàng Chức Nữ vì mê tiếng sáo của chàng Ngưu Lang là bê trễ việc dệt vải. Ngọc Hoàng giận dữ, bắt cả hai phải ở hai bên bờ sông Ngâu và chỉ cho phép hai người gặp nhau vào ngày 7 tháng 7 âm lịch hàng năm. Khi tiễn biệt nhau, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt. Nước mắt của họ rơi xuống trần hóa thành những cơn mưa và người Việt Nam gọi đó là mưa ngâu và Ngưu Lang – Chức Nữ còn được gọi bằng cái tên Ông Ngâu – Bà Ngâu.

Vào tháng 7 âm lịch của Việt Nam (tức khoảng tháng 8 dương lịch) thời tiết ở Việt Nam rất nắng nóng, những cơn mưa ngâu là điều nhà nông rất mong chờ. Nhưng trong con mắt của người dân thì những trận mưa sụt sùi này chính là những giọt nước mắt của nàng Chức Nữ và chàng Ngưu Lang lúc chia tay nhau. Cũng vì câu chuyện “chia rẽ” này là ở Việt Nam, người ta thường tránh thời điểm tháng “ngâu” khi làm các thủ tục dạm ngõ, ăn hỏi, cưới xin để không gặp điều xúi quẩy.

Cảm hứng từ câu chuyện tình mang nhiều nhớ thương này cũng là cảm hứng cho các nhạc sĩ Việt Nam sáng tác rất nhiều bài hát khác nhau như “Mưa Ngâu” của Nhạc sĩ Thanh Tùng hay bài hát “Hẹn Hò” của nhạc sĩ Phạm Duy…

4. Tanabata trong đời sống văn hóa Nhật – các lễ hội Tanabata nổi tiếng

Trong các câu chuyện của chú mèo máy Doraemon nổi tiếng có rất nhiều câu chuyện liên quan đến Tanabata như vũ khí bí mật “Tên lửa Tanabata” hay câu chuyện “Bầu trời đêm tanabata rơi xuống(七夕の空が落ちてきた). Qua những câu chuyện manga và phim hoạt hình gần gũi như vậy, văn hóa của Nhật được truyền tải một cách tự nhiên đến thế hệ tiếp theo.

Một số lễ hội nổi tiếng tại các vùng của nước Nhật như sau :

・Lễ hội Tanabata tại Kyoto = được tổ chức tại các điểm tham quan như sông Kamogawa v.v.
・Lễ hội Tanabata tại Sendai = 1 trong 3 lễ hội Tanabata lớn của Nhật Bản, rất nhiều quả cầu có tua dài được treo lên. Lễ hội Tanabata này nổi tiếng khắp thế giới, có những năm thu hút đến hơn 2 triệu lượt khách tham quan.
・Lễ hội Tanabata Shonan Hiratsuka ( tỉnh Kanagawa) = 1 trong 3 lễ hội Tanabata lớn nhất Nhật Bản.

Lễ hội Tanabata trên toàn Nhật Bản
external link https://travel.rakuten.co.jp/mytrip/trend/tanabata

※ Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch vi-rút corona, nhiều lễ hội bị hoãn hoặc bị hủy. Nếu muốn tham dự, các bạn hãy xác nhận kỹ nhé.