Giải quyết khó khăn

Sổ tư vấn file 09: Chứng minh mình không “chủ động thôi việc”

【相談】技能実習の1年目、寮に突然やって来た
30/07/2021

Chỉ với việc đi sang tỉnh khác không xin phép mà người xin tư vấn đang là thực tập sinh kỹ năng bị cho thôi việc. Với sự giúp đỡ của các tổ chức hỗ trợ, cô ấy đã tìm được nơi làm việc mới nhưng khi chuyển đổi tư cách lưu trú và bị Cục xuất nhập cảnh hỏi về lý do nghỉ việc thì công ty cũ đã trả lời là “cô ấy tự nghỉ việc”. Nếu tự mình nghỉ thì việc thay đổi tư cách lưu trú sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, cô ấy đã gửi cho Cục xuất nhập cảnh một bức thư, Cục xuất nhập cảnh đã tin là công ty đã nói dối.

Mục Lao động, thực tập kỹ năng

【Người xin tư vấn】
・ Từng là thực tập sinh kỹ năng
・ Nữ giới người Việt, trong khoảng 20~30 tuổi
・ Nơi thực tập: Tỉnh Tokushima

Theo luật lao động, về thời hạn hợp đồng tuyển dụng người lao động như thực tập kỹ năng, nếu không phải vì “hoàn cảnh không thể tránh khỏi (lý do)” thì phía công ty không được sa thải người lao động giữa chừng. Thế nhưng, các công ty đang bắt thực tập sinh nghỉ việc (nghỉ thực tập giữa chừng), bắt thực tập sinh ký vào giấy tờ giả mạo với nội dung “tôi tự muốn nghỉ việc”. Nếu bị như vậy, khi thực tập sinh đã thất nghiệp muốn tìm nơi làm việc mới thì cũng có những trường hợp bị gặp khó khăn do những giấy tờ như thế này hoặc do lời giải thích gian dối từ phía công ty.

“Hãy nghỉ việc rồi về nước đi”


Thực tập sinh đã làm việc chế biến đồ ăn sẵn, cơm hộp ở siêu thị

Ngọc Anh làm thực tập ở một siêu thị tại Tokushima với công việc là chế biến đồ ăn sẵn v.v. Sau khi dịch COVID-19 lan rộng, tháng 11 năm 2020, chị ấy cùng đồng nghiệp xin nghỉ phép (5 ngày) rồi đi đến gặp bạn bè ở tỉnh bên cạnh bằng tàu điện. Ngay sau đó, vào ngày đầu tiên đi chơi, chị nhận được điện thoại từ 1 đồng nghiệp khác với nội dung “Sếp nói là nếu đang đi chơi ở tỉnh khác thì hãy về ngay”.

Khi xin nghỉ phép và bị công ty hỏi thì chị đã trả lời là “không có ý định ra ngoài”, nhưng sau đó, bị người bạn ở Kagawa rủ nên chị đã không nói với công ty mà cứ thế đi gặp bạn. Có lẽ ai đó đã nói sự việc này ở nơi làm việc.

Ngày hôm sau, chị Ngọc Anh và các bạn quay về Tokushima rồi bị cho cách ly 2 tuần tại phòng mà nghiệp đoàn đã chuẩn bị. Với kết quả xét nghiệm PCR âm tính, sau thời gian cách ly, các chị đã quay lại nơi làm việc nhưng khoảng 1 tuần sau đó, vào tầm giữa tháng 12, chị đã bị cấp trên nói là “tôi không thể tin tưởng các cô được nữa, tôi muốn các cô nghỉ việc và về nước” rồi bị yêu cầu ký vào “Bản xác nhận ý muốn”.

Nội dung của “Bản xác nhận ý muốn”


“Bản xác nhận ý muốn” mà công ty đưa ra

Những điểm chính trong “Bản xác nhận ý muốn” mà chị Ngọc Anh đã bị yêu cầu ký tên như sau.

☑ Chúng tôi đã được công ty chỉ đạo là ngoài việc đi đi về về giữa công ty và phòng trọ, cố gắng không đi đâu khác để phòng tránh lây lan COVID-19. Hơn nữa, chúng tôi cũng đã biết là nếu bị nhiễm COVID-19 thì sẽ gây ra ảnh hưởng lớn tới công ty và toàn bộ khu vực mình sinh sống. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn rời khỏi Tokushima và đi đến một nơi đông người mà không được phép.

☑ Tôi sẽ về nước để tạo sự yên tâm cho công ty và người dân địa phương ở đây. Và tôi xin xác nhận là tôi đã nghe công ty giải thích về việc “không cần về nước trái với ý muốn”, tôi không về nước trái với ý muốn.

Nộp đơn xin nghỉ việc mà không thể kháng cự

Đơn xin nghỉ việc mà Ngọc Anh đã nộp

Vì “Bản xác nhận ý muốn” có phần khác với sự thật nên các chị đã từ chối ký tên. Trước khi các chị xin nghỉ, không hề có chỉ thị là “không được sang tỉnh khác”. Hơn nữa, sau khi thực hiện các biện pháp phòng dịch, Ngọc Anh đi đến thành phố Marugame ở tỉnh Kagawa cách chỗ ở khoảng 30 km và chỉ đi có 1 lần, chị ấy nghĩ việc bị sa thải thật là quá đáng.

Thế nhưng, sau đó các chị bị công ty yêu cầu nghỉ việc nhiều lần nên không thể kháng cự mà phải viết “đơn xin nghỉ việc”.

Thế rồi, vì không còn nơi ở, ngày 13 tháng 1 năm 2021, Ngọc Anh đã đi xe khách (xe chạy cao tốc) và shinkansen để đến “Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật” – tổ chức hỗ trợ người Việt ở Tokyo.

Xin tư cách lưu trú mới

Làm giấy tờ ở Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật (người ngồi mép bên trái là Ngọc Anh)

“Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật” là nơi bảo vệ những người Việt không còn chỗ nào để đi, hội còn cung cấp cả thức ăn nữa. Các chị cũng được cho ở lại đây và được người đại diện của hội là Cô Yoshimizu Jiho (tên thường gọi là Rie) tư vấn về chuyện sau này.

Kết quả là các chị đã quyết định xin tư cách “Hoạt động đặc định” với mục đích là tiếp tục tìm việc. Đây là tư cách dành cho các thực tập sinh kỹ năng v.v. đã thất nghiệp do ảnh hưởng của COVID-19, điều kiện xin tư cách này là người xin có mục tiêu hướng tới kỹ năng đặc định.

Khi xin được tư cách này, người xin có thể làm toàn thời gian tối đa 1 năm. Trong thời gian đó, nếu đỗ được kỳ thi kỹ năng của ngành nghề mình muốn làm hoặc đỗ N4 (JLPT) thì có thể xin chuyển sang tư cách “Kỹ năng đặc định”.

Ngọc Anh đã đỗ phỏng vấn của một nhà hàng ở Nagano, chị ấy đã nộp đơn xin chuyển tư cách lưu trú từ “Thực tập kỹ năng” sang “Kỹ năng đặc định” và gửi hồ sơ vào ngày 1 tháng 4 năm 2021 cho Cục xuất nhập cảnh Tokyo. Khi đó, Hội hỗ trợ đã giúp chị làm các giấy tờ viết lại quá trình bị sa thải theo đúng sự thật và gửi cho Cục xuất nhập cảnh.

external link Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật

Bản tường trình nộp cho Cục xuất nhập cảnh


Bản tường trình nộp cho Cục xuất nhập cảnh

Sau khi nộp giấy tờ xong, Cục xuất nhập cảnh đã xác nhận quá trình thôi việc của Ngọc Anh với công ty ở Tokushima. Thế là công ty đã giải thích là “Ngọc Anh vì muốn chuyển sang kỹ năng đặc định nên đã bỏ thực tập kỹ năng giữa chừng”. Cuối tháng 4, Cục xuất nhập cảnh hỏi Ngọc Anh “Có thật sự là vì muốn chuyển sang kỹ năng đặc định nên bỏ thực tập kỹ năng không? Hãy viết lý do bỏ thực tập kỹ năng rồi nộp lại”.

Ngọc Anh đã viết bản tường trình nói rằng “tôi đã bị công ty và nghiệp đoàn ép nghỉ thực tập kỹ năng và yêu cầu về nước nhiều lần”, “việc muốn chuyển sang kỹ năng đặc định nên bỏ dở việc thực tập là không đúng” rồi nộp cho Cục xuất nhập cảnh.

Làm việc ở nhà hàng

Kỳ kiểm tra tay nghề ở nhà hàng

Sau đó, Ngọc Anh đã đổi thành công sang tư cách lưu trú mới (hoạt động đặc định), chị ấy được làm phụ bếp cho một nhà hàng ở Karuizawa (tỉnh Nagano) từ tháng 5. Công việc bây giờ là làm thêm thôi nhưng tháng 7 này chị ấy sẽ thi N4 (JLPT), trong thời gian tới sẽ thi kỹ năng ngành nhà hàng nữa. Nếu thi đỗ chị ấy có thể xin tư cách Kỹ năng đặc định.

Điểm quan trọng: Ép buộc thôi việc là trái pháp luật

Trò chuyện cùng đồng nghiệp (bên trái) và nhân viên của hội hỗ trợ (bên phải) ở ký túc của nhà hàng〈tháng 7 năm 2021〉

Dù người lao động vi phạm quy định của công ty đã đề ra nhưng không có nghĩa là có thể bị sa thải trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Trong luật lao động có nêu rõ về quyền hạn hủy hợp đồng như sau: trong thời gian hợp đồng thực tập kỹ năng v.v. có hiệu lực, nếu không có “hoàn cảnh (lý do) không thể tránh khỏi” thì không thể hủy hợp đồng. Nếu không có lý do chính đáng, công ty không thể bắt người lao động dừng thực tập kỹ năng trái với ý muốn.

Hơn nữa, về việc ra ngoài – ngủ ở ngoài, Luật thực tập kỹ năng có quy định “công ty không có quyền hạn chế và can thiệp vào đời sống và sự tự do cá nhân của thực tập sinh kỹ năng trong đó có việc ra ngoài và những việc khác”. Việc kêu gọi hạn chế đi lại để phòng tránh COVID-19 là việc tốt nhưng chuyện cấm tuyệt đối việc sang tỉnh khác và khi người lao động vi phạm thì quyết định sa thải người đó thì có hợp lý hay không vẫn là một câu hỏi ngỏ.

Nếu thấy mình sắp phải dừng thực tập kỹ năng trái với ý muốn, hãy xin tư vấn của Hiệp hội thực tập kỹ năng quốc tế (OTIT) nhé. Nếu xin tư vấn rồi mà vẫn chưa giải quyết được vấn đề, bạn có thể xin tư vấn từ các tổ chức hỗ trợ khác như “Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật”, “Hỗ trợ thực tập sinh người nước ngoài” v.v.

external link Tư vấn bằng tiếng Việt bởi OTIT

external link Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật

external link Hỗ trợ thực tập sinh người nước ngoài 外国人実習生支援 (FB)