Blog

Việt Nam OK, Nhật Bản DAME_23: Đừng tự tiện sang nhà hàng xóm

常識非常識23-2
09/11/2021

Ở Nhật Bản, kể cả là đã rất thân với hàng xóm cũng vẫn phải giữ ý nhiều mặt. Dù có đứng nói chuyện hàng giờ ở trước cửa thì cũng không vào nhà nhau. Đóng cửa ra vào, kéo rèm cửa sổ để bên ngoài không nhìn vào và lưu ý không làm ồn, v.v. Chúng ta cùng xem văn hóa hàng xóm láng giềng ở Nhật Bản thế nào nhé.

Đừng tự tiện ghé thăm nhà hàng xóm

“Bán anh em xa, mua láng giềng gần” là một trong những quy tắc ứng xử được truyền lại nhiều đời ở Việt Nam. Với người Việt, hàng xóm láng giềng là một mối quan hệ vô cùng khăng khít, thiêng liêng, tối lửa tắt đèn có nhau. Nhà tôi hiện tại đang ở chung cư. 1 tầng có 10 căn hộ. Ngoại trừ căn hộ của tôi thì 9 căn hộ còn lại đều mở cửa chính gần như cả ngày, người lớn và trẻ con các nhà ra vào nhà nhau rất tự nhiên. Khi thì chạy sang xin quả ớt, lúc lại chạy vào biếu chục trứng, bầu không khí lúc nào cũng sôi động, thân thiện.

Người Nhật thường đứng nói chuyện với nhau…

Tuy nhiên, thói quen này sẽ bị người Nhật coi là kỳ quặc, thậm chí gây phiền hà, khó chịu. Đối với người Nhật, nhất là ở khu vực đô thị thì nhà riêng của họ được mặc định là nơi chỉ có họ và gia đình ra vào, sinh hoạt. Kể cả hàng xóm có thân nhau đến mấy đi chăng nữa cũng không thể tự tiện ra vào nhà nhau như ở Việt Nam. Ở Nhật, những bà nội trợ có thể đứng trước cửa “buôn chuyện” vài tiếng đồng hồ, nhưng bước vào nhà nhau lại là một phạm trù khác hoàn toàn. Chị tôi sống ở Nhật đã hơn 30 năm, giữ mối quan hệ rất thân thiết với hàng xóm, nhưng chị thừa nhận mới vào nhà hàng xóm đúng… 1 lần.

Không để người khác nhìn vào nhà

Bên ngoài những ngôi nhà ở Nhật

Ngoài ra, như vừa miêu tả ở trên thì 9/10 căn hộ ở tầng chung cư nhà tôi thường xuyên mở toang cửa ra vào, rèm cửa sổ cũng luôn được mở để đón ánh nắng và khí trời. Có người làm vậy để hàng xóm tiện ghé thăm, người thì nghĩ rằng điều đó tốt cho sự lưu thông không khí.

Nhưng ở Nhật, đừng ngạc nhiên khi phần lớn các nhà đều luôn kéo rèm kín mít, cửa sổ hiếm khi mở. Ban ngày khi muốn đón ánh nắng người ta sẽ mở rèm dày nhưng lại kéo rèm ren mỏng để bên ngoài không nhìn vào bên trong được, cửa ra vào dĩ nhiên là luôn đóng. Đôi khi đi bộ lang thang trong những khu dân cư Nhật, tôi luôn tự hỏi không biết những ngôi nhà kia có người sinh sống hay không sao mà yên ắng và kín mít vậy ta. Các bạn đừng ngạc nhiên nhé.

Đơn giản là người Nhật không muốn bị ai nhìn vào nhà của mình mà thôi. Vậy nên nếu có đi ngang một cửa sổ chẳng may đang được mở rèm thì cũng đừng nhìn chằm chằm vào nhà người Nhật nhé. Họ sẽ nhanh chóng ra kéo rèm lại mà thôi. Đừng nghĩ người Nhật lạnh lùng hay xa cách nhé. Văn hoá của họ là như vậy.

Gây tiếng ồn ở hành lang

Hành lang yên tĩnh ở một khu chung cư ở Nhật

Tiếp tục liên quan đến chuyện hàng xóm. Về hành lang chung cư, chúng ta tiếp tục có thêm một sự khác biệt rất lớn về văn hoá giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Tôi lại xin lấy hành lang chung cư của bản thân ra làm ví dụ. Cứ chiều chiều, trẻ con các nhà hàng xóm lại ùa ra hành lang đá bóng, chơi đồ, hò hét. Khung cảnh càng đậm chất Việt Nam hơn khi luôn có thêm 2-3 bà cụ đứng ngắm nhìn các cháu chơi một cách mãn nguyện. “Thời dịch, không khí yên ắng quá, có thêm tiếng trẻ con cho vui cửa vui nhà, thêm năng lượng tích cực”, bà cụ tâm sự với tôi.

Dù không thoải mái, nhưng tôi cũng không ý kiến gì cho đến một ngày. Cô giáo người Nhật dạy ở trường Hà Nội – Nhật Bản (con gái tôi đang học trường này sau khi ở Nhật về nước) than phiền với các học sinh rằng, hành lang nhà cô quá ồn ào. Cô đã nhiều lần ý kiến với ban điều hành chung cư nhưng tình trạng này không chấm dứt. Đối với người Nhật, tiếng trẻ em chơi đùa, khi vượt qua mức độ nào đó sẽ trở thành “tiếng ồn” gây phiền toái. Không phải là người Nhật không thích trẻ em mà là do mức độ tiếng ồn mà thôi.

Ở Nhật, trong quy định quản lý của chung cư thường bao gồm và việc gây ra tiếng ồn. Dù có cấm hay không cấm trẻ em chơi đùa, làm ồn ở hành lang hay không thì hầu hết các khu vực công cộng trong nội khu đều tuyệt đối yên tĩnh. Đó là vì “Hạn chế ô nhiễm âm thanh” là một trong những quy tắc ứng xử ngầm được người Nhật tuân thủ mà không cần dựa trên bất kỳ quy định hay văn bản nào.

Thậm chí kể cả bạn đang ở trong phòng của mình mà làm ồn (như nhậu nhẹt, hát karaoke chẳng hạn), gây ảnh hưởng tới hàng xóm thì hoàn toàn có khả năng hàng xóm sẽ báo cảnh sát và cảnh sát có thể sẽ gõ cửa nhắc nhở. Hãy nhớ kỹ quy tắc này để tránh gặp rắc rối nhé.