Blog
“Thủ tục hành chính” của Nhật cũng giống Việt Nam?
Gần đây mình đã “xoay như chong chóng” với “các thủ tục hành chính” liên quan đến việc tiêm vắc xin COVID-19, mỗi nhân viên hành chính lại nói một kiểu, chẳng ai nhận trách nhiệm về mình. Nhật Bản là một đất nước có nhiều dịch vụ tư nhân đa dạng với sự góp mặt của các trung tâm thương mại, hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, v.v. nhưng thật đáng tiếc là một số cơ quan hành chính nhà nước lại làm việc không linh hoạt. Mình sẽ kể lại trải nghiệm của mình qua bài viết này. 〈Vân Hoàng〉
Thủ tục hành chính thiếu linh hoạt
Mình học thạc sĩ ở Đại học Ngoại Ngữ Tokyo tới hết tháng 9 năm 2021 và từ tháng 10 mình bắt đầu làm việc tại một công ty ở Tokyo. Trước khi đi làm, mình sống trong ký túc xá của trường ở thành phố Fuchu (Tokyo) nhưng từ cuối tháng 9 thì mình chuyển đến sống ở quận Kita (cũng thuộc Tokyo).
Vào tháng 8, mình đã nhận được phiếu tiêm chủng vắc xin COVID-19 nên mình đã tiêm mũi đầu tiên tại thành phố Fuchu. Sau khi chuyển nhà, mình định tiêm mũi thứ 2 thì gặp phải khó khăn trong cách xử lý của các cơ quan hành chính. Mình sẽ trình bày chi tiết hơn ở bên dưới.
Sau khi nhận được phiếu tiêm, mình lên kế hoạch như sau:
❶ Ngày 14 tháng 9: Tiêm mũi thứ 1
❷ Ngày 24 tháng 9: Tham dự lễ tốt nghiệp khoá thạc sĩ tại trường
❸ Ngày 26 tháng 9: Làm thủ tục thay đổi địa chỉ chỗ ở (Toà thị chính thành phố Fuchu)
❹ Ngày 30 tháng 9: Chuyển nhà
❺ Ngày 1 tháng 10: Làm thủ tục chuyển đến (Toà thị chính quận Kita)
❻ Ngày 5 tháng 10: Tiêm mũi thứ 2
Kết quả là…
❶ Mình đã tiêm mũi đầu tiên ở thành phố Fuchu vào ngày 14 tháng 9 mà không gặp vấn đề gì. Ở hội trường tiêm, mình đã cho họ xem thẻ bảo hiểm. Sau khi tiêm xong, họ nói với mình là “Mũi thứ 2 cũng tiêm ở đây nhé” và đưa cho mình tờ giấy hướng dẫn.
❸ Vào ngày 26 tháng 9, sau khi làm thủ tục chuyển đi ở toà thị chính thành phố Fuchu, ở quầy phụ trách thẻ bảo hiểm, một nhân viên hành chính lớn tuổi đã nói với mình là “Thẻ bảo hiểm của cháu sẽ hết hiệu lực từ ngày 30 tháng 9, hãy cho thẻ vào phong bì này và gửi lại cho chúng tôi qua đường bưu điện”.
Mình đã hỏi “Cháu định đi tiêm mũi thứ 2 vào ngày 10 tháng 5 ở thành phố Fuchu. Nếu không có thẻ bảo hiểm thì có được tiêm không?”. Bác phụ trách đã trả lời là, “Cháu có mã số cá nhân (My number card) đúng không nào? My number card là một loại thẻ chứng minh danh tính “mạnh” hơn cả thẻ bảo hiểm nên hãy mang nó đến hội trường tiêm để cho họ xem thẻ đó là được”.
❹❺ Nghe vậy, mình yên tâm chuyển đi và làm thủ tục chuyển đến ở toà thị chính quận Kita.
❻ Thế nhưng, vào ngày 5 tháng 10, mình đến hội trường tiêm lần trước, sau khi điền địa chỉ mới vào phiếu khảo sát trước khi tiêm, người phụ trách ở đó nói với mình, “Em không còn là người dân của thành phố Fuchu nên không được tiêm ở đây nữa”. Mình hỏi về việc tiêm chủng trước đó rồi nên mình nghĩ sẽ không có vấn đề gì và trung thực viết địa chỉ mới, vậy mà…
Không kiện ai được…
Mình đã thử lập luận như thế này.
“Mũi 1 và mũi 2 phải đăng kí đồng thời phải không?”
“Khi làm thủ tục chuyển đi ở thành phố Fuchu, nhân viên hành chính đã nói với em là có thể tiêm mũi 2 ở đây.”
“Việc tiêm chủng được thực hiện theo chế độ đặt trước nên vắc xin để tiêm cho em đã được chuẩn bị rồi. Nếu không tiêm cho em thì vắc xin đó sẽ được xử lý như thế nào?”
Thế nhưng, chị phụ trách đó không bàn bạc với ai về thắc mắc của mình mà chị ấy chỉ lặp đi lặp lại câu “theo nguyên tắc, lần này bạn không được tiêm ở đây”.
Chỉ cần người phụ trách thử hỏi ý kiến cấp cao hơn giúp mình thì dù kết quả không có gì thay đổi, mình cũng cảm thấy thuyết phục hơn. Chị ấy nghe mình nói nhưng cũng như không, chỉ lặp đi lặp lại một câu trả lời như cái máy vậy. Mình mới nghĩ trong đầu, “Thế này thì có khác gì thủ tục hành chính ở Việt Nam đâu!”
Mình đành bỏ cuộc. Sau đó, chị ấy có gọi cho Trung tâm tiêm chủng vắc xin của quận Kita để thông báo về trường hợp của mình. Đầu dây bên kia trả lời, “Quận Kita sẽ cấp phiếu tiêm chủng mới, nên hãy đăng kí tiêm mũi 2 ở quận Kita nhé”.
Cách xử lý linh hoạt của phòng khám đã “cứu” mình
Hôm sau, mình tâm sự với đồng nghiệp trong công ty về chuyện tiêm vắc xin. Ngay lập tức, chị ấy giới thiệu cho mình một vài website có thể đặt lịch tiêm online. Trong số đó, có một trang đăng tải danh sách các phòng khám có thể tiêm vắc xin trong quận Kita, nên mình đã thử gọi cho một phòng khám gần nhà. Phòng khám đó trả lời mình là, “Theo nguyên tắc phải đăng kí mũi 1 và mũi 2 đồng thời, bạn không thể chỉ hẹn tiêm mũi 2. Tuy nhiên, nếu có người huỷ tiêm thì chúng tôi sẽ liên lạc lại”.
Sau đó chừng 10 ngày, sáng ngày 15 tháng 10, phòng khám đó gọi cho mình và nói, “Đã có người huỷ lịch hẹn. Bạn có thể đến tiêm vào hôm nay hoặc ngày mai không?”. Và thế là mình đã hoàn thành mũi thứ 2!
Lời nói của nhân viên hành chính mỗi lần một kiểu
Thế nhưng, câu chuyện vẫn chưa kết thúc ở đây. Mình vẫn cần làm thủ tục dán tem chứng nhận đã hoàn thành việc tiêm chủng. Lần đi tiêm mũi 2, phòng khám gọi cho Trung tâm tiêm chủng vắc xin để hỏi về việc này và nhận được câu trả lời là, “Chúng tôi sẽ cấp phiếu tiêm, hãy mang phiếu đó tới phòng khám để họ dán lên giấy chứng nhận”.
Vậy mà, chờ mãi nhưng không thấy phiếu tiêm được chuyển đến, mình tự gọi đến Trung tâm xem sao. Một nhân viên nhận điện thoại khi đó nói là, “Với trường hợp này, nếu không làm thủ tục đăng kí, chúng tôi không thể phát hành phiếu tiêm mới”. Khi được hỏi về thông tin cá nhân, mình cung cấp rất chi tiết và nhờ họ làm thủ tục qua điện thoại.
Sau đó, mình vẫn không thấy phiếu tiêm được chuyển đến, mình gọi lại cho Trung tâm đó một lần nữa vào ngày 11 tháng 11. Mình nhận được câu trả lời là “Sau khi đăng kí, phải mất khoảng 3 tuần mới phát hành được phiếu tiêm, hãy vui lòng đợi thêm 1 tuần nữa”.
Ngay ngày hôm sau, Trung tâm gọi cho mình và nói, “Chúng tôi không thể cấp phiếu tiêm mới vì xác nhận được bạn đã tiêm đủ 2 mũi”. Mình đã quá mệt với cách xử lý mà mỗi người nói một kiểu như thế này, mình đáp lại là, “Vâng, tôi hiểu rồi”.
Tổng kết
Mình xin tóm tắt lại cách giải thích và xử lý không thống nhất trong khâu hành chính như sau:
〈Thành phố Fuchu〉
・ Ngày 26 tháng 9 (Người phụ trách thẻ bảo hiểm):
“Nếu có My number card, cháu sẽ được tiêm mũi thứ 2 mà không gặp vấn đề gì”
・ Ngày 5 tháng 10 (Người phụ trách tại hội trường tiêm)
“Em không còn là người dân của thành phố Fuchu nên không được tiêm ở đây”
〈Trung tâm tiêm chủng vắc xin của quận Kita〉
・ Ngày 5 tháng 10 (Người A)
“Tuần sau chúng tôi sẽ cấp phiếu tiêm mới”
・ Ngày 15 tháng 10 (Người B)
“Trong tuần này phiếu tiêm sẽ được chuyển đến, hãy mang phiếu đó tới phòng khám”
・ Ngày 28 tháng 10 (Người C)
“Đối với những người mới chuyển đến, nếu không làm thủ tục đăng kí thì chúng tôi không thể cấp phiếu mới”
・ Ngày 11 tháng 11 (Người D)
“Việc phát hành phiếu tiêm mới sẽ mất khoảng 3 tuần kể từ ngày đăng kí”
・ Ngày 12 tháng 11 (Người E)
“Bạn đã tiêm đủ 2 mũi rồi nên chúng tôi không thể phát hành phiếu tiêm mới”
Nhìn lại cả quá trình, rõ ràng là mỗi người giải thích theo một kiểu khác nhau, không ai có trách nhiệm với phát ngôn của mình và theo sát đến cùng cả. Mình từng gặp cách xử lý tương tự thế này ở Việt Nam rồi, nhưng ở một đất nước mà dịch vụ tư nhân phát triển và văn minh như Nhật Bản, thủ tục hành chính lại nhiêu khê, kém hiệu quả và thiếu trách nhiệm làm mình khá bất ngờ.
Tuy vậy, các cơ quan hành chính của Việt Nam vẫn có những biện pháp xử lý không “chính thống” cho lắm. Nếu bạn có người quen, rồi nhờ được ai đó có “tiếng nói” một tí, thì vấn đề của bạn sẽ được giải quyết thật dễ dàng chỉ với một cuộc gọi điện thoại. Cơ quan hành chính của Nhật thì không có những chuyện như vậy, nói là “trong sạch” thì đúng là “trong sạch” thật, nhưng bỏ ra nhiều công sức và thời gian mà cuối cùng thì vấn đề vẫn không được giải quyết triệt để.
Kết cục là trên giấy xác nhận của mình vẫn chưa được dán tem đã tiêm mũi 2. Chẳng hạn, khi cần về Việt Nam ngắn ngày, mình cần có chứng nhận đã tiêm đủ 2 mũi nếu định lấy hộ chiếu vắc xin. Họ nói, có thể xin cấp một tờ giấy chứng nhận khác để thay thế bằng cách gửi giấy tờ qua đường bưu điện, nhưng vì chưa làm nên mình vẫn hơi lo không biết thực tế mọi chuyện có suôn sẻ hay không.
Xếp hạng bài viết phổ biến
-
Lớp học tiếng Nhật online miễn phí 17028 views
-
Không được ăn ốc bắt ở ruộng lúa 15510 views
-
“Đúng giờ” ở Nhật là như thế nào? 13001 views
Platinum Sponsor
Bronze Sponsors
- Global HR Strategy
- Trường Nhật Ngữ EHLE
Đơn vị hỗ trợ
- Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam
- Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam
- Văn phòng JNTO Hà Nội
- Liên đoàn kinh tế vùng Kansai
- Hội Việt Nam (JAVN)
- Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật
- Hiệp hội phát triển giao lưu nguồn nhân lực quốc tế
Đơn vị hợp tác
Tổ chức hỗ trợ du học sinh
Nhật Bản (JASSO)
Mạng lưới luật sư cho lao động người nước ngoài
Bài viết mới
Bài viết liên quan
-
★ Thông tin cơ bản: Nhật Bản là một đất nước như thế nào?
Khi được hỏi về cảm tưởng của mình đối với Nhật Bản, những người Việt đã từng sinh sống tại đây thường trả lời rằng “đường phố sạch sẽ”, “hệ thống tàu điện tiện lợi”, “con người thân thiện”, “đồ ăn ngon”, “phong cảnh đẹp” v.v. Vậy thì, Nhật Bản là một đất nước như thế nào, có những điểm gì đặc biệt, tất cả sẽ được giới thiệu trong bài viết này. Địa lý Nhật Bản ◆ Diện tích khá giống Việt Nam Nhật Bản có 4 đảo chính là Hokkaido, Honshu, Shikoku, Kyushu và hơn 6.800 đảo nhỏ xung quanh. Diện tích Nhật Bản khoảng 378.000㎢, gấp khoảng 1.14 lần diện tích Việt Nam. Khoảng cách từ Bắc tới Nam Khoảng 3.000 km Khoảng cách từ Đông tới Tây Khoảng 3.000 km Diện tích Khoảng 378.000 ㎢ ◆ 47 tỉnh thành Nhật Bản có 47 tỉnh thành (tiếng Nhật gọi là todofuken). “To” là Tokyoto “Do” là Hokkaido “Fu” là Osakafu, Kyotofu Ngoài ra có 44 khu vực hành chính là “Ken” ◆ 75% diện tích là đồi núi, có nhiều suối nước nóng Núi Phú Sỹ (bên trái) và Suối nước nóng Đồi núi chiếm khoảng 75% diện tích toàn Nhật Bản Có nhiều núi lửa nên nơi nào cũng có suối nước nóng Ngọn núi cao nhất là núi Phú Sỹ (Độ cao 3.776 mét) ◆ Dân số Vào tháng 12 năm 2021, dân số Nhật Bản khoảng 125.470.000 người, nhiều hơn dân số Việt Nam (97.620.000 người – số liệu năm 2020) một chút. Từ năm 2005, dân số Nhật Bản liên tục giảm và đang bị già hoá. Ước tính vào năm 2060, dân số Nhật Bản chỉ còn khoảng 100.000.000 người, ngược lại, dân số Việt Nam đang tăng lên, vào năm 2040, dân số Việt Nam sẽ vượt Nhật Bản. Bảng dữ liệu dưới đây của “Quỹ dân số Liên hợp quốc 2021”. Nhật Bản đứng thứ 11, Việt Nam đứng thứ 15 trong bảng xếp hạng dân số thế giới. Quốc gia Dân số 1 Trung Quốc 1.444.200.000 người 2 Ấn Độ 1.393.400.000 người 3 Mỹ 332.900.000 người 4 Indonesia 276.400.000 người 5 Pakistan 225.200.000 người 6 Brazil 214.000.000 người 7 Nigeria 211.400.000 người 8 Bangladesh 166.300.000 người 9 Nga 145.900.000 người 10 Mexico 130.300.000 người 11 Nhật Bản 126.100.000 người 12 Ethiopia 117.900.000 người 13 Philippines 111.000.000 người 14 Ai Cập 104.300.000 người 15 Việt Nam 98.200.000 người Khí hậu và các mùa Sau đây là đặc trưng về khí hậu của Nhật. Ở nhiều địa phương, vào mùa đông cần có áo khoác ấm. Mùa đông ở Tokyo lạnh hơn mùa đông Hà Nội. ◆ Các đặc điểm chính của khí hậu Nhật Bản Có 4 mùa xuân, hạ, thu, đông, nhiệt độ vào mùa hè và mùa đông chênh lệch lớn Ngoại trừ Hokkaido, tháng 6 ~ tháng 7 là mùa mưa (thời điểm có mưa nhiều) Từ mùa hè tới mùa thu, thường có nhiều bão Vào mùa hè, bên phía biển Đại Tây Dương (Tokyo, Osaka v.v.) có mưa nhiều Vào mùa đông, bên phía biển Nhật Bản (Niigata, Nagano v.v.) có nhiều tuyết rơi Hokkaido – điểm cực bắc Nhật Bản là nơi lạnh nhất (mùa hè rất mát mẻ) Okinawa – điểm cực nam Nhật Bản là nơi ấm áp, mùa đông không lạnh ◆ Bốn mùa Nhật Bản Mùa xuân (bên trái) / Mùa hè (bên phải) Mùa thu ở Kyoto ⒸBáo Mainichi Mùa đông (Gifu) Đô thị của Nhật Khu trung tâm Tokyo Có 12 thành phố của Nhật có số dân hơn 1.000.000 người. Thành phố Dân số 1 23 quận của Tokyo 9,744,534 2 Yokohama 3,778,318 3 Osaka 2,754,742 4 Nagoya 2,333,406 5 Sapporo 1,975,065 6 Fukuoka 1,613,361 7 Kawasaki 1,539,081 8 Kobe 1,527,022 9 Kyoto 1,464,890 10 Saitama 1,324,591 11 Hiroshima 1,201,281 12 Sendai 1,097,196 ※Số liệu năm 2020 Yokohama Osaka Giao thông Vào đêm muộn, các nhà ga ở Tokyo, Osaka v.v. cũng có rất nhiều hành khách ◆ Tàu điện – xe buýt Ở Nhật Bản có rất nhiều đường ray tàu điện với bảng thời gian vận hành rất chính xác. Nhật cũng có đường sắt cao tốc (Shinkansen) chạy từ Hokkaido tới Kyushu. Ở các thành phố lớn còn có cả hệ thống tàu điện ngầm. Việc di chuyển bằng tàu điện, xe buýt rất tiện lợi Thời gian tàu chạy chính xác số 1 thế giới Tàu điện là phương tiện đi làm chủ yếu tại các thành phố lớn Vé tàu có giá cao hơn so với các quốc gia khác [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Tàu điện – xe buýt – xe khách đường dài ◆ Máy bay Các hãng máy bay chính là JAL và ANA Có rất nhiều hãng máy bay giá rẻ như Peach, Jetstar v.v. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Hãng Peach (Trang thông tin bằng tiếng Anh) [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Hãng Jetstar ◆ Đường bộ Tại Nhật Bản, cảnh sát sẽ xử lý rất nghiêm đối với các hành vi vi phạm luật giao thông như vượt đèn đỏ, lái xe quá tốc độ, không cài dây an toàn, không đội mũ bảo hiểm v.v. Xe ô tô và xe máy lưu thông bên trái (ngược với Việt Nam) Có rất nhiều đường cao tốc, phần lớn là có thu phí Xe máy dưới 50 cc không được phép chở thêm người đằng sau Tại Nhật, bạn không thể sử dụng bằng lái xe ô tô do Việt Nam cấp. Để được phép lái xe ở Nhật, bạn phải chuyển đổi bằng lái và phải thi một kì thi khá đơn giản. Với những bạn chưa có bằng lái xe ô tô, các bạn có thể học lại xe ở trường dạy lái xe, sau đó lấy bằng của Nhật. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Mình đã đi học bằng lái xe ô tô nội trú! Sinh hoạt (Trang phục, đồ ăn, nơi ở) ◆ Trang phục Người Nhật thường mặc âu phục giống người Việt. Trong công việc, nam giới thường mặc vest và đeo cà vạt. Từ tháng 5 tới tháng 9, nhiều cơ quan nhà nước và doanh nghiệp áp dụng thời trang “cool business” – không mặc áo vest và không đeo cà vạt. Ở Nhật có rất nhiều cửa hàng quần áo giá rẻ. Ví dụ như “Uniqlo” – hãng thời trang có mặt ở khắp Nhật Bản và cũng nổi tiếng ở Việt Nam. Trang phục truyền thống của Nhật là “Kimono”, Kimono được mặc vào các dịp đặc biệt. Kimono được làm bằng vải tơ tằm. Vào mùa hè, người Nhật thường mặc “Yukata” – được làm bằng vải bông, thiết kế đơn giản hơn so với Kimono. Số người Việt mượn Yukata rồi đi ngắm pháo hoa tại Nhật ngày càng tăng lên. ◆ Đồ ăn Món ramen của Nhật cũng được người Việt rất thích Có rất nhiều người mua nguyên liệu nấu ăn ở siêu thị. Ở Nhật có nhiều siêu thị hơn Việt Nam. Tại các nhà hàng, các món ăn như sushi, sashimi, tempura, ramen v.v. cũng được nhiều người Việt rất thích. Ở Nhật cũng có các quán ăn Việt Nam. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Gợi ý về quán ăn Việt Nam〈Tokyo〉 [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Gợi ý về quán ăn Việt Nam〈Osaka〉 [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Gợi ý về quán ăn Việt Nam〈Fukuoka〉 ◆ Nơi ở Du học sinh thường ở nhà thuê, còn thực tập sinh kỹ năng thì được công ty tiếp nhận chuẩn bị cho ký túc xá. Có nhiều bạn du học sinh ở cùng với bạn để giảm bớt gánh nặng về tiền nhà. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Cách tìm nhà ở Nhật Thể thao – Văn hoá ◆ Thể thao Môn thể thao truyền thống là “Sumo” Môn thể thao có nhiều người hâm mộ nhất là bóng chày chuyên nghiệp Từ sau năm 1998, đội tuyển bóng đá của Nhật Bản đã tham gia 6 giải đấu World cup liên tiếp Đội tuyển bóng bầu dục của Nhật nằm trong top 8 của bảng xếp hạng World cup năm 2019 ◆ Nghệ thuật – Âm nhạc Trong các môn nghệ thuật truyền thống của Nhật, phải kể đến nghệ thuật sân khấu kịch “Noh” và “Kabuki”. Các nhạc cụ truyền thống gồm có sáo, trống Nhật v.v. m nhạc cổ điển cũng rất thịnh hành, tại các địa phương đều có các dàn nhạc, dàn hợp xướng, có nhiều nghệ sỹ đã nhận giải thưởng tại các cuộc thi ở các nước u Mỹ. ◆ Karaoke Karaoke được bắt nguồn từ Nhật Bản. Giới trẻ Nhật Bản rất thích các phòng karaoke (karaoke box). ◆ Anime Vào những năm 1930, Nhật Bản bắt đầu có truyện tranh Manga dành cho trẻ em. Các tập Manga được đăng trên tạp chí hàng tuần và được ghi lại thành truyện, sau đó phát sóng trên tivi dưới dạng phim hoạt hình Anime. Ở Việt Nam cũng có nhiều bộ phim hoạt hình Anime của Nhật được người Việt yêu thích như “Doraemon”, “Shin – cậu bé bút chì”, “Thám tử lừng danh Conan”, “Đảo hải tặc One Piece”, “Pokemon star”, v.v.
-
Huỷ Visa do bán hàng trực tuyến!?
Gần đây, nhiều người Việt Nam đang sinh sống tại Nhật đã đăng bài quảng cáo bán sản phẩm, dịch vụ trên Facebook v.v. Đặc biệt, những bài đăng như vậy dễ thấy trên các trang Facebook có nhiều người dùng như Tokyo Baito và Osaka Baito. Các sản phẩm và dịch vụ khác nhau như thực phẩm, quần áo, thẻ SIM, cắt tóc v.v. được bán trên SNS. Nhưng có rủi ro là chúng có thể không thuộc các hoạt động được tư cách cư trú công nhận. Nó cũng vi phạm Đạo luật Thuế thu nhập nếu bạn không nộp thuế theo lợi nhuận của mình. Sau đây chúng tôi xin tóm tắt những điểm cần lưu ý đối với việc bán hàng trực tuyến vì có thể việc này sẽ ảnh hưởng đến việc duy trì và gia hạn tư cách cư trú (thị thực) của bạn. Người thân của tôi cũng đã bán hàng trực tuyến Thành phố Nagoya Một trong số những người thân của tôi sống ở Nagoya đã bán thực phẩm chế biến sẵn và một số hàng tạp hoá trên Facebook. Chồng cô là một kỹ sư, cô và hai con của cô định cư theo diện visa gia đình. Cô tôi đã bán hàng trực tuyến trong khoảng 6 tháng trong năm 2020 để hỗ trợ gia đình. Công việc chủ yếu là đăng các bài viết, ảnh các loại thực phẩm Việt Nam (trái cây khô, mực khô… Việt Nam), gia vị (nước mắm) và các mặt hàng tạp hoá (thuốc lá Việt Nam, thuốc lào) do người nhà gửi từ Việt Nam sang. Nơi đăng là các kênh như Tokyo baito v.v. Và chuyển hàng cho các cá nhân liên hệ đến. Tôi đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy cô đăng tin bán hàng trên Tokyo Baito. Tôi ngay lập tức liên lạc và thuyết phục ngừng bán hàng ngay lập tức. Trong thời gian bán hàng cô đã không khai báo với sở thuế, không khai thuế và cũng không báo cáo với Cục quản lý xuất nhập cảnh, và hoàn toàn không nghĩ điều đó là bất hợp pháp. Có thể dẫn đến việc dừng tư cách tại trú! Bài đăng rao bán điếu cày và thuốc lào(Tokyo baito) Người nước ngoài có thể tự do bán hàng bằng SNS và các trang đấu giá. Tuy nhiên, bạn phải hạn chế với việc chỉ bán những thứ mà bạn không còn cần đến nữa. Nếu bạn mua của người khác để bán lại, thực hiện nhiều lần với mục đích thương mại thì đó là một "hoạt động kinh doanh", vì vậy hãy xem xét tình trạng cư trú của bạn có cho phép không nhé. Bán hàng trực tuyến là các hoạt động được cho phép theo tư cách cư trú (thị thực) "Kinh doanh / Quản lý". Nếu một người có thị thực " Kỹ thuật / nhân văn / nghiệp vụ quốc tế" hoặc “Thực tập sinh kĩ năng” bán hàng trực tuyến sẽ trở thành Hoạt động lao động phi pháp (vi phạm Luật nhập cư). Ngoài ra, đối với sinh viên du học và những người theo diện gia đình có thể làm việc bán thời gian trong vòng 28 giờ một tuần sau khi nhận được “Giấy phép cho các hoạt động ngoài tư cách” từ Cục Quản lý Xuất nhập cảnh. Tuy nhiên, nếu bạn định kinh doanh tư nhân, bạn cần "Giấy phép đặc biệt" thay vì giấy phép chung cho các hoạt động ngoài tư cách nói trên. Vì vậy hãy tham khảo ý kiến trước với Cục Quản lý Xuất nhập cảnh. Nếu bạn không được giấy phép này, bạn sẽ không thể tiếp tục bán hàng trực tuyến một cách hợp pháp. Xin lưu ý rằng thực tế đã có những trường hợp bị thu hồi tư cách tại trú hoặc bị từ chối gia hạn tư cách tại trú do mua bán trực tuyến. Thông báo khai trương kinh doanh và khai quyết toán thuế với cơ quan thuế Đăng video bán quần áo (Osaka Baito) Nếu bạn mua của người khác rồi bán lại, bán nhiều lần với mục đích thương mại thì đó là “hoạt động kinh doanh”. Do đó bạn phải nộp thông báo bắt đầu kinh doanh cho cơ quan thuế và có nghĩa vụ báo cáo quyết toán đến sở thuế. Tờ khai quyết toán là để báo cáo thu nhập kinh doanh (doanh thu trừ chi phí) trong một năm từ tháng 1 đến tháng 12 cho cơ quan thuế địa phương và nộp thuế thu nhập, và thời gian nộp hồ sơ từ ngày 16 tháng 2 đến ngày 15 tháng 3 năm sau. Nếu bạn không có cửa hàng và chỉ bán hàng trực tuyến, bạn có thể nghĩ rằng bạn sẽ không bị phát hiện. Tuy nhiên, cơ quan thuế có một đội chuyên giám sát các giao dịch trực tuyến. Họ cũng có thẩm quyền điều tra các tài khoản ngân hàng. Nếu bạn không khai thuế, một ngày nào đó bạn có thể bất ngờ bị cơ quan thuế liên hệ và bạn không những bị trả số thuế chưa nộp mà còn có thể phải chịu thêm các khoản thuế khác như tiền chậm nộp, tiền thuế bổ sung chưa kê khai. Các giấy phép kinh doanh khác nhau Bài đăng quảng cáo cá câu được(Tokyo baito) Để bán hải sản, thịt và các sản phẩm từ sữa ở Nhật Bản, bạn cần có giấy phép kinh doanh theo Luật Vệ sinh Thực phẩm. Điều này cũng tương tự đối với bán hàng trực tuyến. Nếu ngộ độc thực phẩm xảy ra, trong một số trường hợp, bạn có thể bị bắt vì vi phạm Luật Vệ sinh Thực phẩm. Giấy phép kinh doanh dựa trên Luật Vệ sinh Thực phẩm cũng được yêu cầu để bán thực phẩm và đồ ngọt được làm tại cửa hàng của riêng bạn hoặc tại nhà. Giấy phép này tách biệt với giấy phép kinh doanh của nhà hàng. Bạn cũng sẽ bị phạt hình sự nếu bạn không có các giấy phép sau đây. ✔︎ Giấy phép kinh doanh đồ cũ …… Cần có khi mua bán đồ cũ nhập từ người bán khác. ✔︎ Giấy phép bán đồ uống có cồn …… Cần có khi bán đồ uống có cồn nhiều lần. Một số chia sẻ từ những cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp Chủ doanh nghiệp bán đồ ăn Việt Sesofoods, anh Phạm Viết An Cung cấp hàng hóa và dịch vụ không phải là một điều xấu. Đáp ứng được nhu cầu của người Việt Nam sống tại Nhật Bản là điều rất đáng được trân trọng và ủng hộ, tuy nhiên bạn phải làm điều đó một cách hợp pháp. Tôi muốn bạn làm việc kinh doanh một cách tự hào và đường đường chính chính sau khi hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết. Gần đây, có rất nhiều tổ chức và nhóm hỗ trợ những người bắt đầu kinh doanh và họ có thể đưa ra nhiều tư vấn càng tốt cho bạn. Nếu là bán đồ ăn, tôi rất sẵn sàng chia sẻ cho bạn một vài lời khuyên. Hãy ngừng kinh doanh trái phép nhé! Chủ doanh nghiệp thương mại, anh Nguyễn Trọng Dũng Các cá nhân bán sản phẩm trực tuyến mà không có giấy phép kinh doanh thường nhập sản phẩm thông qua các con đường không chính quy và có nhiều trường hợp dễ có vấn đề về chất lượng của sản phẩm. Do không thông báo với cơ quan thuế về việc mở cơ sở kinh doanh và không đóng thuế nên họ có thể bán được giá rẻ hơn các đại lý thông thường, nhưng thường họ sẽ không chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố, vấn đề với sản phẩm hoặc tệ hơn nữa là món hàng không về đến tay người tiêu dùng. Vì vậy người tiêu dùng cũng nên cẩn thận với những cá nhân trên, và có lựa chọn hợp lý đối với việc mua hàng của mình. Tổng kết Bán hàng trên SNS và các trang đấu giá được chấp nhận nếu bạn chỉ bán những thứ bạn không cần nữa. Nếu bạn mua của người khác và bán lại hoặc mua bán nhiều lần vì mục đích thương mại thì đó là một "hoạt động kinh doanh" và trong một số trường hợp, điều đó có thể dẫn đến việc bạn bị hủy hoặc không được gia hạn tư cách lưu trú. Ngoài ra, nếu bạn kinh doanh với tư cách cá nhân thì bạn cần phải thông báo với cơ quan thuế về việc mở doanh nghiệp, khai thuế và nộp thuế. Hơn nữa, tùy thuộc vào loại sản phẩm, cần phải có giấy phép kinh doanh theo Luật vệ sinh thực phẩm, giấy phép kinh doanh bán rượu, giấy phép kinh doanh đồ cũ v.v. Và việc kinh doanh trái phép là vi phạm pháp luật (sẽ bị xử lý hình sự). Mọi người chú ý nhé.
-
Liên tục xuất hiện những vụ lừa đảo núp bóng dịch vụ chuyển tiền
“Em muốn gửi càng nhiều tiền càng tốt cho bố mẹ ở Việt Nam, nên đã nhờ một người làm dịch vụ trên Facebook. Sau khi em gửi tiền cho họ, họ không gửi tiền cho bố mẹ em và em cũng không liên lạc được với họ nữa! Hiện tại em không biết phải làm sao.” Những lời kêu cứu như trên liên tục xuất hiện vào thời gian gần đây, thời điểm trước Tết m lịch. Chúng tôi sẽ giới thiệu một số trường hợp bị hại, rất mong cộng đồng chúng ta cảnh giác trước các hành vi lừa đảo này. Bốc hơi 850.000 yên! Bài đăng dịch vụ chuyển tiền thường thấy (Tokyo Baito) Là một trong những đơn vị quản lý KOKORO, "Hội Người Việt Nam tại Nhật Bản (VAIJ)", có đường dây tư vấn cho người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Gần đây, khi Tết đang cận kề, VAIJ nhận được hàng loạt lời kêu cứu về việc lừa đảo chuyển tiền. Một thực tập sinh kỹ năng từ tỉnh Hyogo đã tìm thấy một bài đăng về "dịch vụ chuyển tiền giá rẻ" trên Facebook Tokyo baito. “Tôi muốn gửi một số tiền lớn về nhà bố mẹ đẻ trước Tết. Tôi muốn gửi tiền với mức phí và lãi suất ưu đãi, đồng thời gửi càng nhiều tiền mặt càng tốt.” bạn chia sẻ. Nếu sử dụng các dịch vụ chuyển tiền thông thường như SBI hoặc KYODAI, bạn phải trả một khoản phí nhất định. Các cá nhân làm dịch vụ chui thường đăng trên Tokyo Baito có tỷ giá hối đoái vừa tốt hơn một chút so với công ty giao dịch thông thường, và hầu hết không lấy phí dịch vụ nên thu hút nhiều bạn sử dụng. “Khi em gửi một tin nhắn trong bài đăng, em được yêu cầu chuyển đến một tin nhắn cá nhân, nơi em được cấp một tài khoản Ngân hàng Bưu điện Nhật Bản làm điểm chuyển tiền”. Em đã lập tức chuyển 850.000 yên và được người giao dịch thông báo rằng "Tôi đã xác nhận thanh toán, vì vậy tôi đã chuyển đồng vào tài khoản được chỉ định ở Việt Nam." Tuy nhiên, khi bố mẹ bạn này đến ngân hàng, họ không có số tiền đó. Cô vội vàng cố gắng liên hệ với người chuyển tiền nhưng không được nữa. Em bị lừa mất 500.000 yên! Một thực tập sinh kỹ năng sống ở tỉnh Kanagawa cũng nhìn thấy một quảng cáo tương tự tại Tokyo Baito và nhờ gửi 500.000 yên cho người nhà. Cá nhân cung cấp dịch vụ này cũng đề cập rằng không có hoa hồng, và tỉ giá hối đoái khá tốt. Ngay sau đó, người giao dịch trên đã liên lạc với bạn bị hại và nói rằng “Tôi đã xác nhận thanh toán từ bạn, vì vậy đồng nghiệp của tôi ở Việt Nam đã chuyển tiền vào tài khoản Việt Nam cho bố mẹ bạn”. Ngân hàng cũng đã gửi một tin nhắn SMS cho bố mẹ bạn ấy thông báo rằng số dư tài khoản của họ đã tăng lên. Tuy nhiên, ngày hôm sau, khi bố mẹ người bị hại đến ngân hàng, họ không thấy có số tiền đó trong tài khoản. Tin nhắn SMS là giả, và được gửi bởi điện thoại cá nhân chứ không phải từ ngân hàng. Kể từ đó, cô không liên lạc được với người giao dịch trên nữa. Khi VAIJ hỏi ý kiến cảnh sát, họ nói rằng thiệt hại tương tự là vô cùng phổ biến trên toàn Nhật Bản. Đặc điểm của các dịch vụ bất hợp pháp Thông tin về các dịch vụ chuyển tiền giá rẻ, v.v. xuất hiện tràn lan trên Facebook. Để thực hiện chuyển tiền ra nước ngoài, bạn phải đăng ký với các cơ quan chức năng. Sẽ có những tiêu chuẩn nghiêm ngặt và chỉ những công ty đạt tiêu chuẩn, có giấy phép mới được thực hiện giao dịch. Tuy nhiên, nhiều cá nhân, nhóm đăng bài quảng cáo trên Tokyo Baito và OSAKA BAITO không đăng ký, không giấy phép. Điều này là bất hợp pháp. Nếu là một doanh nghiệp có giấy phép, thì doanh nghiệp đó sẽ được chính phủ giám sát. Khi có vấn đề xảy ra, bạn sẽ được bảo vệ. Nhưng nếu bạn sử dụng dịch vụ kinh doanh bất hợp pháp, kể cả trường hợp bạn là nạn nhân của hành vi lừa đảo này, cơ quan công quyền khó có thể hỗ trợ bạn. Bạn có thể báo cáo thiệt hại cho cảnh sát, nhưng rất khó để xác định tội phạm và đòi lại quyền lợi cho bạn. Vậy làm thế nào để ngăn chặn lừa đảo chuyển tiền VAIJ đã hỏi ý kiến cảnh sát về vụ việc và yêu cầu không để những vụ việc như vậy gia tăng. Tuy nhiên, thông thường, trong tài khoản Facebook có nhiều thông tin cá nhân ảo và tài khoản ngân hàng của nơi cung cấp dịch vụ chuyển tiền là tài khoản có được do mua bán bất hợp pháp. Do đó, việc truy tìm kẻ phạm tội là rất khó khăn. Cách tốt nhất để tránh trở thành nạn nhân của những trò lừa đảo này là nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật. Không sử dụng hoặc hỗ trợ các dịch vụ bất hợp pháp để tránh tiền mất tật mang. Không bán thẻ ngân hàng cho người khác trước khi rời Nhật Bản. Rất mong cộng đồng cùng chia sẻ bài viết này để ngăn chặn nạn lừa đảo đang hoành hành.
-
Mang theo dao đi ngoài đường có thể bị bắt!?
Người Việt Nam ở Nhật rất hay mang theo thực phẩm và dụng cụ làm bếp sang nhà bạn bè hoặc ra ngoài trời để tổ chức liên hoan. Tuy nhiên, những dịp như vậy, nếu bạn mang theo dao, kéo với mục đích nấu nướng thì tuỳ từng trường hợp có thể sẽ bị cảnh sát bắt. Bài viết lần này sẽ chia sẻ những điểm cần chú ý liên quan đến việc mang theo dao làm bếp và dao kéo nói chung đi ngoài đường. Bị đưa về đồn cảnh sát do mang theo dao: Câu chuyện ① Trước đây, thời còn là du học sinh, tôi từng làm thêm (baito) tại một cửa hàng thuộc chuỗi quán nhậu (izakaya) có mặt trên cả nước. Quán này nằm ở Shibuya, Tokyo. Những khi quán chúng tôi quá bận rộn, nhân viên từ quán cùng chuỗi gần đó lại chạy qua hỗ trợ và ngược lại, khi quán ở gần quán mình đông khách thì quán chúng tôi lại cử ai đó sang trợ giúp. Một hôm, vào khoảng 8 giờ tối, trưởng quán chỗ tôi bảo một đồng nghiệp của tôi cũng là du học sinh người Việt rằng “Hãy mang dao sang quán bên cạnh để hỗ trợ”. Đó là con dao dùng để làm bếp. Thời gian đó, chuyện cầm dao đi sang cửa hàng khác làm giúp là phổ biến nên cậu nhân viên đó đã bọc con dao vào giấy báo rồi cứ thế cầm ra khỏi quán. Phố xá sầm uất ở Shibuya Cậu ấy vừa đi khỏi quán được khoảng vài trăm mét thì bị 2 nhân viên cảnh sát chặn lại giữa đường và hỏi về nghề nghiệp. Ở Nhật, chuyện cảnh sát thấy ai đó có dấu hiệu khả nghi và chặn lại rất hay xảy ra. Bạn có thể bị hỏi là làm nghề gì và tuỳ từng trường hợp có thể bị khám xét đồ mang theo. Do cậu nhân viên quán cầm theo con dao bọc trong giấy báo nên đã bị đưa về đồn cảnh sát. Cậu ấy đã giải thích sự thể với cảnh sát, nhưng vì mới sang Nhật năm thứ 2 nên tiếng Nhật còn chưa đủ để trình bày được hết ý. Cuối cùng thì cảnh sát gọi điện thoại đến quán chúng tôi và báo rằng “Nhân viên quý quán cầm dao đi trên phố đông đúc nên đang bị tạm giữ tại đồn cảnh sát”. Trưởng quán đã đi đến đồn cảnh sát để giải trình và cuối cùng cũng được cảnh sát chấp nhận. Tuy nhiên, cả trưởng quán lẫn cậu đồng nghiệp của tôi đều bị cảnh sát nhắc nhở rằng “Đi ngoài đường cầm theo dao trong trạng thái có thể sử dụng được ngay là một điều nguy hiểm”. Từ lúc đồng nghiệp tôi ra khỏi quán cho đến khi được cảnh sát thả cũng đã mất khoảng 2 tiếng đồng hồ. Bị đưa về đồn cảnh sát do mang theo dao: Câu chuyện ② Hoa anh đào đêm ở Công viên Ueno Sống lâu ở Tokyo, tôi thường hay đi liên hoan, ngắm hoa anh đào hoặc lá vàng lá đỏ cùng các bạn người Việt. Những lúc như vậy, chúng tôi thường phân công nhau chuẩn bị đồ ăn, thức uống, hoa quả, bát đũa v.v. Có lần nhóm hơn 20 người chúng tôi rủ nhau đi ngắm hoa anh đào ở Công viên Ueno, Tokyo hồi mùa xuân năm 2017 cũng vậy. Lần đó, một bạn du học sinh được phân công mang theo dao để gọt hoa quả và kéo để cắt thịt. Cậu bạn này cho dao và chiếc kéo to vào túi rồi đi tàu điện và xuống tàu ở ga Ueno. Tuy nhiên, cậu bị cảnh sát ở gần ga chặn lại hỏi nghề nghiệp, và vì trong túi có dao nên cuối cùng bị đưa về đồn cảnh sát. Cậu bạn đó chưa thạo tiếng Nhật nên không giải thích được rõ lý do tại sao lại mang theo dao. Đã thế, do bình thường chỉ liên lạc với bạn bè qua mạng xã hội bằng cách kết nối điện thoại di động với Wi-Fi nên điện thoại của cậu cũng không có thẻ SIM. Vì vậy, lúc ở chỗ cảnh sát, do không có Wi-Fi nên cậu ấy cũng chẳng có cách nào liên lạc được với chúng tôi. Cảnh sát đã phải gọi điện thoại đến trường tiếng Nhật của cậu. Người phụ trách ở trường cùng với người phiên dịch đã phải tới đồn cảnh sát để giải trình và cuối cùng cũng được cảnh sát chấp nhận. Từ lúc cậu du học sinh nọ bị giữ lại hỏi nghề nghiệp cho đến khi được thả mất khoảng 4 tiếng rưỡi đồng hồ. Luật liên quan đến dao kéo của Nhật Ở Nhật Bản có luật cấm mang theo súng và các loại dao kéo. Dao làm bếp và các loại dao khác hay kéo v.v. là những đồ vật cần thiết trong công việc và cuộc sống hằng ngày nên được phép tự do sở hữu. Tuy nhiên, việc cầm theo các đồ vật đó đi ngoài đường mà không có lý do chính đáng lại bị cấm theo luật pháp. Việc cầm theo dao kéo có thể liên quan đến hành vi phạm pháp, nên trong những trường hợp cần thiết, cảnh sát được phép xét hỏi. Luật này quy định rằng đối với các loại dao kéo có phần lưỡi dài hơn 6cm thì “nếu không có lý do chính đáng liên quan đến công việc hoặc mục đích khác thì không được phép mang theo người”. Nếu vi phạm quy định này sẽ bị xử phạt. Ở đây, “lý do chính đáng liên quan đến công việc hoặc mục đích khác” có ý nghĩa như sau. Về lý do “công việc”, ví dụ như trường hợp đầu bếp để dao trong túi mang đến chỗ làm sẽ là “mục đích công việc” nên vẫn hợp pháp. Ngoài ra, “lý do chính đáng khác (ngoài mục đích công việc)” là để chỉ những trường hợp như bạn đi mua dao ở cửa hàng, để dao vào túi trong tình trạng vẫn được đóng gói và mang về nhà. Tuy nhiên, việc mang theo dao ra đường để tự vệ thì không được coi là “lý do chính đáng” và là hành vi vi phạm pháp luật. Việc nhân viên làm thêm của quán nhậu (izakaya) mang theo dao đi sang cửa hàng khác thì đúng là vì mục đích công việc. Tuy nhiên, chỉ bọc dao bằng giấy báo rồi cầm theo ra đường, con dao đó ở trong tình trạng có thể sử dụng được ngay và từ ngoài nhìn vào thì rất nguy hiểm. Do đó, làm như vậy sẽ bị cảnh sát tra hỏi nghiêm ngặt. Dù có cho dao vào trong túi, nhưng lại không cất trong vỏ hay hộp thì lấy từ túi ra vẫn ở trong trạng thái có thể dùng được ngay, cũng cùng mức độ nguy hiểm, nên vẫn có thể bị cảnh sát xét hỏi kỹ lưỡng. Không chỉ thế, ngay cả đối với các loại dao kéo có chiều dài lưỡi dao dưới 6cm vẫn bị cấm theo luật khác và phải có lý do chính đáng mới được mang theo. Nếu mang theo dao kéo đi ngoài đường mà không có lý do chính đáng thì sẽ gây lo ngại cho người xung quanh, và tuỳ từng trường hợp vẫn có thể bị cảnh sát bắt giữ. Có thể nói rằng về cơ bản ở Nhật, không nên mang theo dao kéo ra đường.
Xếp hạng bài viết phổ biến
-
Lớp học tiếng Nhật online miễn phí 17028 views
-
Không được ăn ốc bắt ở ruộng lúa 15510 views
-
“Đúng giờ” ở Nhật là như thế nào? 13001 views
Platinum Sponsor
Bronze Sponsors
- Global HR Strategy
- Trường Nhật Ngữ EHLE
Đơn vị hỗ trợ
- Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam
- Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam
- Văn phòng JNTO Hà Nội
- Liên đoàn kinh tế vùng Kansai
- Hội Việt Nam (JAVN)
- Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật
- Hiệp hội phát triển giao lưu nguồn nhân lực quốc tế
Đơn vị hợp tác
Tổ chức hỗ trợ du học sinh
Nhật Bản (JASSO)
Mạng lưới luật sư cho lao động người nước ngoài