Học tiếng Nhật
Vượt qua “nỗi sợ kính ngữ”! Hãy nhớ kính ngữ như thế này!
Nếu được hỏi “Khi học tiếng Nhật thì cái gì khó nhất?”, có lẽ đa phần người nước ngoài sẽ trả lời là: “Kính ngữ!”. Mình cũng vậy. Kính ngữ vừa nhiều vừa phức tạp nhỉ. Hơn nữa, chúng mình thường dùng kính ngữ với “người trên” nên mình luôn phải “căng não” suy nghĩ xem kính ngữ mà mình dùng có đúng hay không. Nếu các bạn muốn “vượt qua nỗi sợ kính ngữ” thì hãy tham khảo bài viết này để học cách ghi nhớ và sử dụng kính ngữ chính xác nhé!
Các loại kính ngữ
Vậy bản chất kính ngữ là gì? Kính ngữ thực ra chỉ là những cách nói được dùng để bày tỏ “thái độ tôn trọng đối phương”. Kính ngữ gồm 3 loại chính sau đây.
Tôn kính ngữ (Sonkeigo) |
Được dùng để mô tả hành động của đối phương, nhằm mục đích tôn cao vị thế của họ. Chủ ngữ thường là người trên. |
Khiêm nhường ngữ (Kenjogo) |
Được dùng để mô tả hành động của bản thân, nhằm mục đích hạ thấp mình và nâng cao vị thế đối phương. Chủ ngữ thường là bản thân hoặc người cùng nhóm người với mình. |
Từ ngữ lịch sự (Teineigo) |
Là cách nói lịch sự để thể hiện sự tôn trọng đối phương. So với tôn kính ngữ và khiêm nhường ngữ, từ ngữ lịch sự chỉ thể hiện một chút thái độ tôn trọng. |
Chú ý tới người thực hiện hành động (誰が) và đối tượng mà hành động hướng tới (誰に)
Kể cả có thuộc lòng các loại kính ngữ thì chúng ta cũng tốn kha khá thời gian để có thể phân biệt và sử dụng thành thạo. Vì vậy, khi dùng kính ngữ, đầu tiên, bạn hãy xác định ai là người thực hiện hành động và đối tượng mà hành động hướng tới. Nói cách khác, hãy trả lời hai câu hỏi:「だれが?」(Chủ ngữ là ai?) và「だれに?」(Hành động hướng tới ai?). Chúng ta cùng xem các ví dụ cụ thể nhé.
【Ví dụ】
✕ 社長が私に「いつもありがとう。これからもがんばってね!」と言いました。
◎ 社長が私に「いつもありがとう。これからもがんばってね!」とおっしゃいました。
→→ Chủ ngữ của「言いました」(=だれが)là giám đốc (người trên). Vì vậy, chúng ta sẽ chuyển「言いました」sang tôn kính ngữ.
・ Kính ngữ của「言う」:「おっしゃる」
・ Dạng quá khứ của「おっしゃる」:「おっしゃった」
・ Cách nói lịch sự của「おっしゃった」:「おっしゃいました」
【Ví dụ】
✕ 私は社長に「ありがとうございます!頑張ります!」と言いました。
◎ 私は社長に「ありがとうございます!頑張ります!」と申し上げました。
→→ Chủ ngữ của「言いました」là “tôi” (người nói) và đối tượng hướng đến là giám đốc. Nói cách khác,「言いました」là hành động của người nói, hướng tới đối tượng là người trên nên「言いました」cần được chuyển sang tôn kính ngữ.
・ Tôn kính ngữ của「言う」:「申し上げる」
・ Dạng quá khứ của「申し上げる」:「申し上げた」
・ Cách nói lịch sự của「申し上げた」:「申し上げました」
Các cách nói「おっしゃいました」,「申し上げました」và「言いました」tưởng giống mà lại khác nhau hoàn toàn nhỉ! Chúng ta phải nhớ từng cách sử dụng riêng, khó ghê!
Các lỗi kính ngữ mà người nước ngoài thường mắc phải
Ở phần này, mình sẽ giới thiệu những lỗi kính ngữ mà người nước ngoài chúng mình hay mắc phải. Các bạn có thấy các câu trả lời ở dưới có điểm chưa hợp lý không? Cùng suy nghĩ nhé!
【Tìm lỗi sai】
Đối phương: あなたの弟さんはどこに住んでいますか?
Mình: 私の弟さんは名古屋に住んでいます。
(Câu đúng) 私の弟は名古屋に住んでいます。
(Giải thích) Đối phương dùng cách gọi「弟さん」để thể hiện sự tôn trọng với người nghe (tôi) và em trai của người nghe. Tuy nhiên, “mình” không được thêm「さん」 vào sau cách gọi những người thân của mình. Đây chính là một trong những lỗi mà người nước ngoài hay gặp nhất!
【Tìm lỗi sai】
Một đối tác đã đến công ty của mình và hỏi như sau.
Đối phương: こんにちは。社長さんはいらっしゃいますか?
Mình: いらっしゃいません。あいにく、社長さんは外出しておられます。
(Câu đúng) おりません。あいにく、社長は外出しております。
(Giải thích) 「外出しておられます」là tôn kính ngữ của「外出しています」. Do chủ ngữ là giám đốc – người trên, nên chắc sẽ có nhiều bạn nghĩ mình nên sử dụng tôn kính ngữ để mô tả hành động「外出する」. Tuy nhiên, trong trường hợp trả lời người không thuộc công ty của mình, cách suy nghĩ này là sai. Lí do là vì người ở ngoài công ty cần được đưa lên vị thế cao hơn mình và những người thuộc công ty mình. Bên cạnh đó, việc dùng cách gọi「さん」cho giám đốc (người trong công ty) cũng là không chính xác.
【Tìm lỗi sai】
Một vị khách đã tới cửa hàng mình làm việc và hỏi “Chủ cửa hàng có ở đây không?”. Mình đã mời vị khách đó ngồi và đi thông báo cho chủ cửa hàng biết.
Mình: お客様が参りました。(お客様は)あちらでお待ちしています。
(Câu đúng) お客様がいらっしゃいました。(お客様は)あちらでお待ちになっています。
(Giải thích) Vì chủ ngữ của「来ました」là「お客様」nên chúng ta cần chuyển「来ました」thành「いらっしゃいました」.「参りました」là khiêm nhường ngữ của「来ました」. Khiêm nhường ngữ chỉ được dùng trong trường hợp chủ ngữ là người thân hoặc thuộc cùng một nhóm người với mình. Nếu sử dụng khiêm nhường ngữ để mô tả hành động của khách thì sẽ bị cho là thất lễ đó!
【Tìm lỗi sai】
Mình đến thăm khách hàng/đối tác và được mời ăn bánh ngọt. Sau đó, mình kể lại việc đó cho sếp khi đã quay trở lại công ty.
Mình: 私はケーキを召し上がりました。とてもおいしかったです。
(Câu đúng) 私はケーキをいただきました。とてもおいしかったです。
(Giải thích) Ở đây, chủ ngữ của hành động ăn bánh chính là “mình”. Do chủ ngữ là “mình” nên「食べました」cần được chuyển thành khiêm nhường ngữ「いただきました」. 「召し上がる」là tôn kính ngữ của「食べる」nên đừng sử dụng khi người thực hiện hành động là bản thân mình nhé!
【Tìm lỗi sai】
Đối tác: 私がお渡しした資料の動画をご覧になりましたか?
Mình: はい、いただいた資料の動画をご覧になりました。
(Câu đúng) はい、いただいた資料の動画を拝見しました。
(Giải thích) Do chủ ngữ của「見ました」là “mình” nên chúng ta cần sử dụng khiêm nhường ngữ của 「見ました」là「拝見しました」. 「ご覧になりました」là tôn kính ngữ của「見ました」nên đừng sử dụng khi người thực hiện hành động là bản thân mình nhé!
3 bí quyết để dùng kính ngữ chính xác
Vậy thì, để tránh sai kính ngữ, chúng ta cần lưu ý những điểm gì? 3 bí quyết sau đây sẽ giúp bạn dùng kính ngữ một cách thuần thục.
① Luôn xác định chủ ngữ
Nguyên nhân lớn nhất của việc dùng sai kính ngữ là do người nói không xác định chính xác chủ ngữ của câu. Chỉ cần trả lời câu hỏi “Người thực hiện hành động đó là ai?”, các bạn sẽ biết ngay chủ ngữ của câu đó thôi. Sau khi xác định được chủ ngữ rồi, hãy áp dụng các quy tắc sau để giảm lỗi sai kính ngữ nhé!
・ Khi chủ ngữ là đối phương hoặc người khác (đa phần là người trên) → Dùng tôn kính ngữ
・ Khi chủ ngữ là bản thân hoặc những người thân, cùng nhóm với mình →Dùng khiêm nhường ngữ
② Ghi nhớ các loại kính ngữ thường sử dụng
Việc lặp lại và ghi nhớ các câu kính ngữ hay dùng cũng vô cùng quan trọng. Ngoài ra, các bạn cũng có thể chú ý nghe cách sử dụng kính ngữ của những người xung quanh (như ở nơi làm việc chẳng hạn). Việc này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn cách dùng kính ngữ mình đã học đó!
Tôn kính ngữ | Khiêm nhường ngữ | |
Cách nói đề cao đối phương một cách trực tiếp | Cách nói đề cao đối phương bằng việc hạ thấp mình | |
Chủ ngữ | Đa phần là người trên | Bản thân mình hoặc những người xung quanh mình (gia đình, đồng nghiệp, v.v.) |
する | なさる、される | いたす、させていただく |
言う | おっしゃる、言われる | 申す、申し上げる |
行く | 行かれる | うかがう、参る |
来る | いらっしゃる、来られる、お越しになる | 参る、うかがう |
食べる | 召し上がる、お食べになる | いただく |
見る | ご覧になる | 拝見する |
読む | お読みになる | 拝読する |
聞く | お聞きになる | 拝聴する、うかがう |
会う | お会いになる、会われる | お目にかかる |
帰る | お帰りになる、帰られる | おいとまする |
会社 | 貴社、御社(おんしゃ) | 弊社(へいしゃ) |
③ “Tuyệt chiêu” tìm kiếm với Google
Có một phương pháp giúp bạn tra cứu cách dùng kính ngữ chính xác trên Google, bạn đã biết chưa? Ví dụ, bạn muốn kiểm tra câu「ご時間をいただきますでしょうか」có đúng hay không. Khi đó, hãy thêm dấu ngoặc kép “ ” ở đầu và cuối câu rồi thử tìm kiếm “お時間をいただきますでしょうか” trên Google xem sao nhé!
Ngay lập tức, câu “お時間をいただけますでしょうか” sẽ xuất hiện đằng sau chữ “Có phải bạn muốn tìm” (tiếng Nhật là「もしかして」). Thông thường, đề xuất này của Google sẽ là cách nói đúng.
Tổng kết
Nguyên tắc khi sử dụng kính ngữ là xác định người thực hiện hành động (chủ ngữ là ai?). Nếu chủ ngữ là người trên thì dùng tôn kính ngữ, nếu chủ ngữ là mình hoặc người thân – cùng nhóm với mình thì dùng khiêm nhường ngữ.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất khi sử dụng kính ngữ là “Đối phương có cảm nhận được thái độ tôn trọng của mình không?”. Ví dụ, các câu như 「お召し上がりになってください」 và 「お伺いいたします」 đang mắc phải một lỗi sai được gọi là “lỗi lặp kính ngữ” (二重敬語). Tuy nhiên, cách nói này lại giúp thể hiện sự tôn trọng nhiều hơn so với cách dùng kính ngữ chính xác (「召し上がってください」và「伺います」) nên lỗi lặp kính ngữ vẫn “được” rất nhiều người Nhật sử dụng.
Ngoài ra, những lúc không thể “bật ra” ngay câu sử dụng kính ngữ, các bạn cũng đừng nên suy nghĩ quá nhiều mà hãy sử dụng dạng「〜です」,「〜ます」quen thuộc nhé! Chúng ta nên ưu tiên hiệu quả của việc giao tiếp, còn cách dùng kính ngữ thì chúng ta có thể tra cứu sau và ghi nhớ dần dần mà!
Xếp hạng bài viết phổ biến
-
Lớp học tiếng Nhật online miễn phí 17028 views
-
Không được ăn ốc bắt ở ruộng lúa 15510 views
-
“Đúng giờ” ở Nhật là như thế nào? 13001 views
Platinum Sponsor
Bronze Sponsors
- Global HR Strategy
- Trường Nhật Ngữ EHLE
Đơn vị hỗ trợ
- Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam
- Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam
- Văn phòng JNTO Hà Nội
- Liên đoàn kinh tế vùng Kansai
- Hội Việt Nam (JAVN)
- Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật
- Hiệp hội phát triển giao lưu nguồn nhân lực quốc tế
Đơn vị hợp tác
Tổ chức hỗ trợ du học sinh
Nhật Bản (JASSO)
Mạng lưới luật sư cho lao động người nước ngoài
Bài viết mới
Bài viết liên quan
-
Số đặc biệt: Các thư viện tuyệt đẹp là địa điểm du lịch nổi tiếng
Trong các thư viện công cộng của Nhật Bản có rất nhiều tòa nhà tuyệt đẹp được đăng tải trên Instagram. Đi đến nơi vui chơi nào cũng phải tốn tiền nhưng nếu là thư viện thì miễn phí. Bạn có thể đến một thư viện gần nhà hoặc ghé qua một thư viện địa phương khi đi du lịch. Ngoài việc chụp hình bên ngoài, bạn cũng có thể tham quan và sử dụng các tiện ích bên trong thư viện miễn phí. Dưới đây là một số thư viện ngoài mục đích sử dụng như trước giờ còn là địa điểm thu hút khách du lịch. 4 thư viện đẹp nhất do KOKORO bình chọn Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu các thư viện ở từng khu vực nên ghé thăm, nhưng trước tiên chúng tôi sẽ giới thiệu về 4 thư viện “đặc biệt có giá trị khi đến tham quan” do ban biên tập KOKORO lựa chọn. Các bạn hãy kiểm tra trang web của từng thư viện để biết ngày và giờ mở cửa nhé. 1. Thư viện Yusuhara Kumonoue (Tỉnh Kochi) Thư viện Yusuhara Kumonoue ở thị trấn Yusuhara, tỉnh Kochi được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng thế giới Kuma Kengo. Các bức tường bên ngoài và nội thất bên trong của thư viện sử dụng rất nhiều gỗ khai thác tại địa phương để hoàn thành cho nên thư viện có mùi hương của gỗ. Ngoài ra còn có một khu vực leo núi nhân tạo miễn phí (mang tất khi sử dụng). ・1212-2 Yusuhara, thị trấn Yusuhara ・0889-65-1900 ・Cách di chuyển: Xe ô tô. Từ ga JR Suzaki đi xe buýt 77 phút. Từ ga JR Uwajima đi xe buýt 90 phút. ・Trang web 2. Thư viện thành phố Toyama – Toà nhà chính (Tỉnh Toyama) Thư viện này nằm trong một cơ sở có tên là "TOYAMA Kirari". Tòa nhà này cũng được thiết kế bởi Kuma Kengo và có một giếng trời lớn bên trong. Bức tường bên ngoài được tạo nên bởi sự kết hợp của kính, nhôm và đá, ánh sáng được phản chiếu ở nhiều góc độ khác nhau để chiếu vào. Bảo tàng Nghệ thuật Thủy tinh Toyama cũng nằm trong cùng tòa nhà. Thư viện có một không gian dành riêng để sử dụng máy tính cá nhân và có thể sử dụng Wi-Fi miễn phí. Ngoài ra còn có các quán cà phê và cửa hàng. ・5-1 Nishicho, thành phố Toyama ・076-461-3200 ・Cách di chuyển: Đi bộ từ trạm xe điện thành phố "Nishicho" hoặc "Grand Plaza-mae" 1-2 phút. Đi bộ từ ga JR Toyama 20 phút. ・Trang web 3. Thư viện Kanazawa Umi Mirai (Tỉnh Ishikawa) Thư viện với đặc trưng là một bức tường bên ngoài với khoảng 6.000 cửa sổ tròn, và đã giành được nhiều giải thưởng liên quan đến kiến trúc và thiết kế. Năm 2014, thư viện này đã được chọn là một trong "20 thư viện hấp dẫn nhất trên thế giới" bởi sách hướng dẫn du lịch của Hoa Kỳ. ※ Kể từ tháng 4 năm 2022, thư viện không được phép vào vì mục đích chụp ảnh như một biện pháp đối phó với virus corona mới. ・1-1 Jichumachi, Kanazawa ・076-266-2011 ・Cách di chuyển: Đi xe buýt từ cửa Tây ga JR Kanazawa ・Trang web 4. Thư viện kỷ niệm Nakajima (Tỉnh Akita) "Thư viện kỷ niệm Nakajima" nằm trong khuôn viên của Đại học Quốc tế Akita đã giành được Giải thưởng Thiết kế Đẹp và được chọn là số 1 ở miền Đông Nhật Bản trong "Bảng xếp hạng Thư viện Đẹp" do các công ty báo chí tổ chức khảo sát. Người dân cũng có thể vào thư viện này. Trong số 83.000 cuốn sách trong bộ sưu tập, khoảng 52.000 cuốn là sách nước ngoài, nhưng trong khu vực sách tiếng Nhật được thiết kế đặt những chiếc ghế sofa. ※ Kể từ tháng 4 năm 2022, việc sử dụng dịch vụ của người dân không phải sinh viên bị tạm ngừng do các biện pháp chống lại virus corona mới. ・Okutsubakidai , Yuwatsubakigawa, Thành phố Akita ・018-886-5907 ・Cách di chuyển: Đi xe buýt từ lối ra phía nam của ga JR Wada 13 phút ・Trang web Thư viện đẹp trên khắp Nhật Bản Chúng tôi đã giới thiệu 4 “thư viện đặc biệt đáng ghé thăm” do ban biên tập KOKORO chọn lọc. Ngoài ra, vẫn còn rất nhiều thư viện đáng ghé thăm khác. Chúng tôi sẽ giới thiệu 12 thư viện trong số đó. Một số thư viện từ chối đến với mục đích tham quan do các biện pháp phòng chống virus corona mới, vì vậy hãy kiểm tra thông tin trên trang web của từng thư viện. Thư viện thông tin thành phố Ebetsu (Hokkaido) ・7 Nopporosuehiro-cho, Ebetsu-shi ・011-384-0202 ・Cách di chuyển: Cách ga JR Nopporo khoảng 15 phút đi bộ. Từ trạm xe buýt JR "trước Thư viện Thông tin" ngay gần đó. ・Trang web Thư viện thành phố Sendai (Tỉnh Miyagi) Thư viện nằm trong cơ sở công cộng "Sendai Mediatheque", có không gian tổ chức sự kiện và phòng trưng bày. Là công trình do kiến trúc sư nổi tiếng thiết kế và xây dựng. ・2-1 Kasugamachi, Aoba-ku, Sendai ・022-261-1585 ・Cách di chuyển: Cách ga JR Sendai khoảng 1,5 km. Cách 550 m từ ga Chikatetsu Kotodai. ・Trang web Thư viện thành phố Hanno (Tỉnh Saitama) ・19-5 Yamate-cho, Hanno-shi ・042-972-2114 ・Cách di chuyển: Cách ga Hanno tuyến Seibu Ikebukuro 15 phút đi bộ. Đi bộ 3 phút từ trạm xe buýt "Tenranzan Iriguchi" từ lối ra phía bắc của ga. ・Trang web Thư viện văn hoá Hibiya quận Chiyoda (Tokyo) Một thư viện hình tam giác tuyệt đẹp ở Công viên Hibiya. Ngoài ra còn có các quán cà phê và nhà hàng. Trong thư viện cấm quay phim chụp ảnh. ・1-4 Hibiyakoen, Chiyoda-ku ・03-3502-3343 ・Cách di chuyển: Đi bộ một đoạn từ ga Tokyo Metro Uchisaiwaicho hoặc ga Kasumigaseki ・Trang web Thư viện tỉnh Yamanashi (Tỉnh Yamanashi) ・2-8-1 Kitaguchi, Thành phố Kofu ・055-255-1040 ・Cách di chuyển: Đi bộ từ ga JR Kofu 3 phút ・Trang web Thư viện thị trấn Obuse-Machitosho Terraso (Tỉnh Nagano) ・1491-2 Obuse, Obuse-cho, Kamitakai-gun ・026-247-2747 ・Cách di chuyển: Cách 130 m từ ga Obuse tuyến tàu điện Nagano ・Trang web Thư viện trung tâm thành phố Gifu (Tỉnh Gifu) Nằm trong một toà nhà văn hóa có tên "Minna no Mori Gifu Media Cosmos", có tầm nhìn từ sân thượng rất đẹp. Ngoài ra còn có không gian dành cho phụ huynh và trẻ em, không gian dành riêng cho thanh niên (YA = học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông), và có phòng để sử dụng máy tính cá nhân. ・40-5 Tsukasamachi, Thành phố Gifu ・058-262-2924 ・Cách di chuyển: Đi xe buýt từ ga JR Gifu ・Trang web Thư viện trung tâm thành phố Komaki (Tỉnh Aichi) ・1-234 Chuo, Thành phố Komaki ・0568-73-9951 ・Cách di chuyển: Đi bộ 2 phút từ lối ra phía tây của ga Meitetsu Komaki ・Trang web Thư viện Nakanoshima phủ Osaka (Osaka) Bên ngoài mang phong cách Phục hưng và không gian bên trong là kiến trúc lịch sử Baroque, được xây dựng vào năm 1904. Đây là một công trình được công nhận là di sản văn hóa quan trọng của quốc gia. Ở tầng hai, có một nhà hàng chuyên món ăn Bắc Âu được các trang dành cho người sành ăn đánh giá cao. ・1-2-10 Nakanoshima, Kita-ku, Osaka ・06-6203-0474 ・Cách di chuyển: ・Trang web Thư viện trung tâm thành phố Yamaguchi (Tỉnh Yamaguchi) ※ Ảnh: Từ trang web chính thức của Thư viện Thành phố Yamaguchi ・7-7 Nakazonocho, Thành phố Yamaguchi ・083-901-1040 ・Cách di chuyển: Đi xe buýt 16 phút từ ga JR Yamaguchi, xuống tại "Trước trung tâm nghệ thuật thông tin". ・Trang web Thư viện Otepia Kochi (Tỉnh Kochi) Thư viện nằm ở trung tâm của Thành phố Kochi và gần các điểm thu hút khách du lịch như chợ Hirome và phố mua sắm Obiyamachi. ・2-1-1 Otesuji, Thành phố Kochi ・088-823-4946 ・Cách di chuyển: Đi bộ khoảng 20 phút từ ga JR Kochi, hoặc khoảng 15 phút đi xe điện trên mặt đất. ・Trang web Thư viện thành phố Takeo (Tỉnh Saga) Không chỉ có ngoại thất đạt giải Thiết kế đẹp mà tầm nhìn trong thư viện cũng rất đẹp. Ngoài Starbucks trong tòa nhà, có một quán cà phê bánh kếp trong thư viện trẻ em thành phố Takeo ngay bên cạnh. ・5304-1 Takeo, Takeo-cho, Takeo-shi ・0954-20-0222 ・Cách di chuyển: cách 1 km từ ga JR Takeo Onsen ・Trang web Tổng kết Có rất nhiều tòa nhà đẹp trong các thư viện Nhật Bản. Tại sao bạn không thử ghé thăm thư viện gần nhà vào cuối tuần và ngày lễ, hoặc ghé qua các thư viện địa phương khi đi du lịch? Hiện tại, một số thư viện đang hạn chế số khách đến thư viện do các biện pháp phòng chống virus corona mới, nhưng bạn có thể ngắm nhìn từ bên ngoài. Ngoài ra, trong thời gian hoạt động bình thường, bạn nên đưa thư viện vào lộ trình tham quan, đến tham quan thư viện và thưởng thức thức uống tại các quán cà phê!
-
Sự khác nhau giữa tàu tốc hành đặc biệt (特急 Tokkyu), tàu tốc hành (急行 Kyuko), tàu nhanh (快速 Kaisoku) ở vùng thủ đô Tokyo
Trải nghiệm bị lạc đường ở các ga lớn hoặc đi nhầm tàu, tới nhầm địa điểm chắc hẳn là một trong những kỉ niệm khó quên đối với nhiều bạn mới chuyển lên Tokyo (và vùng phụ cận) để học tập, sinh sống. Tokyo có hệ thống tàu điện rất phức tạp, nhiều tuyến chạy đan xen, mỗi tuyến lại có nhiều loại tàu nhanh chậm khác nhau nên để chọn được chuyến tàu nhanh hoặc chuyến tàu không mất thêm phụ phí cũng khiến nhiều bạn bối rối. Do đó, trong bài viết này, mình sẽ giới thiệu với các bạn điểm khác nhau của các loại tàu từ tàu tốc hành đặc biệt, tàu tốc hành, tàu nhanh…và loại tàu nào mất thêm phụ phí, loại nào không mất để các bạn có thể dễ dàng sử dụng tàu điện ở Tokyo nhé. 1. Điểm khác biệt của các loại tàu thuộc công ty đường sắt JR Tàu tuyến Yamanote (tàu thường) Trước tiên, cả công ty JR và các công ty đường sắt tư nhân đều có 02 loại tàu chính, đó là tàu nhanh và tàu chậm (hay tàu thường). Các loại tàu tốc hành đặc biệt(特急Tokkyu), tàu tốc hành(急行 Kyuko), tàu nhanh(快速 Kaisoku), tàu nhanh chạy giờ cao điểm(通勤快速Tsukin Kaisoku, tàu chỉ chạy vào giờ cao điểm buổi sáng và tối), tàu khá nhanh(準急, Junkyu, loại tàu dừng ít ga hơn tàu thường nhưng dừng nhiều ga hơn các loại tàu nhanh khác)được phân loại vào nhóm tàu nhanh. Còn lại tàu thường(普通 Futsu, dừng tất cả các ga)được gọi chung là tàu chậm. Nếu xếp các loại tàu của JR theo tốc độ giảm dần thì đầu tiên sẽ là tàu tốc hành đặc biệt>tàu tốc hành>tàu nhanh – tàu nhanh giờ cao điểm> tàu thường. Trong đó tàu tốc hành đặc biệt và tàu tốc hành là những loại tàu phải trả thêm phụ phí. Tàu tốc hành đặc biệt và tàu tốc hành của công ty đường sắt JR Tàu tốc hành đặc biệt và tàu tốc hành đều là loại tàu nhanh, nhưng tàu tốc hành đặc biệt có tốc độ chạy nhanh hơn cả. Loại tàu này chỉ dừng ở các ga lớn, nội thất bên trong tàu cũng tiện nghi, cao cấp hơn so với các loại tàu khác. Bởi vậy mà ngoài chi phí vận chuyển thông thường bạn sẽ phải trả thêm phụ phí để sử dụng loại tàu này. Loại phí này chênh lệch ít nhiều tùy thuộc vào bạn sử dụng dịch vụ đặt ghế trước hay không. Shinkansen cũng được xếp vào một loại tàu tốc hành đặc biệt. Giống như tàu tốc hành đặc biệt, tàu tốc hành cũng chỉ dừng ở một số ga lớn và bạn sẽ phải trả thêm phí khi sử dụng. Tuy nhiên số lượng ga dừng của tàu này nhiều hơn tàu tốc hành đặc biệt nên tốc độ của nó cũng chậm hơn đôi chút. Một số loại tàu tốc hành của công ty đường sắt JR có tên riêng. Ví dụ: Tàu tốc hành đặc biệt của công ty đường sắt JR ・ Tàu Azusa, Kaiji: Chạy trên tuyến Chuo. Dừng ở các ga như Shiojiri, Kofu, Hachioji, Shinjuku・ Tàu Hitachi, Tokiwa: Chạy trên tuyến Joban. Dừng ở các ga như Mito, Iwaki, Sendai・ Tàu Narita Express: Kết nối trung tâm Tokyo với sân bay Narita・ Tàu Odoriko, Shonan: Kết nối Tokyo với khu vực Ito Tàu tốc hành đặc biệt Azusa (Shinjuku – Matsumoto) Trải nghiệm của mình Mình và một vài người bạn có đến thăm thành Matsumoto – một trong những địa danh nổi tiếng của tỉnh Nagano. Bọn mình xuất phát lúc 8h sáng từ ga Shinjuku, di chuyển bằng tàu tốc hành đặc biệt Tokkyu Azusa. Ban đầu tra giờ tàu mình thấy mất 2 giờ 30 phút nhưng do có bạn đi cùng ngồi trên tàu lại thoải mái nên tám chuyện một lúc là đã tới Matsumoto. Giá vé là 6,620 yên cho một lượt, trong đó 4,070 yên là tiền phí vận chuyển và 2,550 yên là tiền phụ phí khi sử dụng tàu tốc hành đặc biệt. Nếu bạn chọn đi tàu nhanh (không phải tàu tốc hành đặc biệt) và đổi tàu một vài lần thì chỉ mất 4,070 yên cho một lượt, hoặc nếu bạn sử dụng vé Thanh xuân 28 (Seishun 18 kippu) vào một số thời điểm trong năm thì còn rẻ hơn nữa nhưng sẽ mất khá nhiều thời gian cho việc di chuyển. Cụ thể là có thể mất khoảng 4 giờ 30 phút cho quãng đường từ Shinjuku tới Matsumoto, do vậy mình quyết định trả thêm 2,550 yên để đi chuyến Tokkyu Azusa và mình nghĩ đây là một sự lựa chọn đúng đắn bởi tàu chạy nhanh và rất thoải mái. Tàu nhanh và tàu thường Trong các loại tàu của công ty đường sắt JR, xếp thứ 3 về tốc độ sau tàu tốc hành đặc biệt và tàu tốc hành là tàu nhanh (bao gồm tàu Tokubetsu kaisoku 特別快速 và tàu Kaisoku 快速). Hai tàu này đều không mất thêm phụ phí khi di chuyển, so với tàu thường thì dừng ít ga hơn nên thời gian di chuyển trên cùng một quãng đường sẽ ngắn hơn. Ngoài ra còn có tàu nhanh chạy giờ cao điểm (通勤快速, Tsukin Kaisoku), tàu này còn dừng ít ga hơn cả tàu nhanh bình thường. Cuối cùng là tàu thường (普通 Futsu ), loại tàu dừng ở tất cả các ga trên tuyến. Tàu nhanh tuyến Chuo 2. Một số loại tàu nhanh, tàu thường có thu phụ phí (ngoại lệ) Toa xe Green trên tàu thường Các loại tàu nhanh, tàu thường thuộc công ty đường sắt JR đa phần không thu thêm phụ phí. Tuy nhiên có một vài trường hợp ngoại lệ, đó chính là các toa xe Green trên một số đoàn tàu nhanh, tàu thường của công ty này. Các toa xe này thường nằm ở vị trí giữa đoàn tàu, có thiết kế khác với các toa xe còn lại do toa xe Green sẽ có 2 tầng ghế ngồi. Trong phạm vi vận hành của công ty đường sắt JR Đông Nhật Bản thì một số tuyến sau đây có dịch vụ toa xe Green: tuyến Tokaido(東海道線), tuyến Yokosuka – Sobu(横須賀線・総武線快速), tuyến Ueno – Tokyo Line(上野東京ライン)hay tuyến Joban(常磐線), tuyến Shonan Shinjuku(湘南新宿線), tuyến Takasaki(高崎線), tuyến Utsunomiya(宇都宮線). Nếu bạn lên những toa xe này bạn cần mua thêm vé toa Green, tức là bạn sẽ phải trả thêm phụ phí. Máy bán vé toa xe Green 3. Tàu của các công ty đường sắt tư nhân Khác với công ty đường sắt JR, mỗi công ty đường sắt tư nhân ở Nhật lại có quy định riêng về tốc độ chạy cũng như số ga dừng của các loại tàu tốc hành đặc biệt(特急 Tokkyu), tàu nhanh(快速 Kaisoku, 快速急行Kaisoku Kyuko), tàu tốc hành(急行Kyuko), tàu khá nhanh(準急Junkyu) và tàu thường(普通Futsu). Đa phần tàu tốc hành đặc biệt sẽ thu thêm phụ phí, còn lại thì đều không phải trả thêm bất kì phí nào. Bảng 1: Các loại tàu thuộc hệ thống đường sắt tư nhân ở vùng thủ đô Tên tuyến Khu vực Tốc độ (giảm dần) Công ty đường sắt Tobu Tuyến Isesaki Asakusa – Tobu dobutsukoen Kaisoku>Kukan kaisoku>Kukan kyuko>Kukan junkyu>Futsu Tuyến Tojo Ikebukur –Ogawamachi Kaisoku>Kyuko>Tsukin kyuko>Junkyu>Futsu Công ty đường sắt Seibu Tuyến Ikebukuro Ikebukuro – Hanno Tokkyu (Chichibu)>Kaisoku kyuko>Kyuko>Tsukin kyuko>Kaisoku>Junkyu>Futsu Tuyến Shinjuku Seibushinjuku – Honkawagoe Tokkyu (Koedo)>Kyuko>Tsukin kyuko>Junkyu>Futsu Công ty đường sắt Keio Tuyến Keio Shinjuku – Hachioji Tokkyu(không phụ phí)>Juntokkyu>Kyuko>Kukan Kyuko>Kaisoku>Futsu Công ty đường sắt Keisei Tuyến Keiseihonsen Keisei Ueno – Sân bay Narita Kaisoku Tokkyu>Tokkyu>Kaisoku>Futsu Công ty đường sắt Tokyu Tuyến Toyoko Shibuya – Yokohama Tokkyu(không phụ phí)>Tsukin Tokkyu>Kyuko>Futsu Công ty đường sắt Keikyu Tuyến Honsen Senkakuji – Uraga Kaitoku>Tokkyu(không phụ phí)>Futsu Công ty đường sắt Odakyu Tuyến Odakyu Shinjuku – Sagamiono Tokkyu (Romancecar)>Kaisoku kyuko>Kyuko>Junkyu>Kukan junkyu>Futsu Tàu tốc hành đặc biệt có thu phụ phí và không thu phụ phí Khác với công ty JR, mỗi công ty đường sắt tư nhân có chính sách thu phụ phí riêng khi hành khách sử dụng tàu tốc hành đặc biệt. Ví dụ, các chuyến tàu tốc hành đặc biệt của công ty đường sắt Seibu (Tokkyu Chichibu, Tokkyu Koedo) hay công ty đường sắt Odakyu (Tokkyu Romancecar) là những loại tàu bạn phải trả thêm phụ phí khi sử dụng. Trong khi đó cũng có những chuyến tàu tốc hành đặc biệt không cần trả thêm phụ phí với những toa xe có thiết kế, trang thiết bị không có nhiều thay đổi so với các chuyến tàu thông thường. Tàu tốc hành đặc biệt của công ty đường sắt Seibu ( Tokkyu Chichibu) Trải nghiệm của mình Khi mình mới sang Nhật, mình có đi gặp một người bạn ở ga Keio Hachioji. Khi đó, mấy anh khóa trên trong trường có nói với mình rằng nếu chú đi Tokkyu là chú phải trả thêm tiền, mình lại sợ tốn kém nên mình đã chọn tàu nhanh Kaisoku để đi, và mình đã mất 1 giờ 15 phút để di chuyển từ Shinjuku tới Keio Hachioji. Sau khi gặp bạn mình, bạn mình có nói rằng tuyến Keio này Tokkyu không mất phí đâu, cứ lên thoải mái. Do vậy khi trở về mình đã chọn tàu Tokkyu để đi, và quả nhiên chỉ mất 43 phút so với ban đầu, vô cùng nhanh chóng và tiện lợi. Ngược lại, nếu bạn sử dụng tàu Tokkyu Chichibu đi từ ga Ikebukuro (tuyến Seibu) tới Chichibu, ngoài tiền phí vận chuyển là 790 yên bạn sẽ phải trả thêm 710 yên tiền phụ phí, thời gian di chuyển là 1 giờ 17 phút. Trong trường hợp bạn không sử dụng tàu Tokkyu mà đi tàu nhanh bình thường thì bạn chỉ mất 790 yên và 1 giờ 47 phút di chuyển. Tàu Tokkyu có ưu điểm là di chuyển nhanh, thoải mái nhưng chắc nhiều bạn học sinh, thực tập sinh sẽ vẫn chọn đi tàu thường trong trường hợp này bởi lẽ thời gian di chuyển chỉ chênh nhau 30 phút. Tàu tốc hành đặc biệt tuyến Keio (Không thu phụ phí) 4. Tổng kết Trong bài viết này mình đã giới thiệu tới các bạn khái quát về các loại tàu chính, các trường hợp có hoặc không thu phụ phí trên các tuyến ở khu vực Tokyo và phụ cận cũng như những trải nghiệm của bản thân mình. Khu vực Tokyo và phụ cận có dân cư đông đúc nên số lượng tàu cũng nhiều hơn hẳn các vùng khác, do vậy những bạn đã quen sống ở khu vực này có thể sẽ cảm thấy rất thuận tiện khi di chuyển. Tuy nhiên với những bạn mới tới hoặc với khách du lịch nước ngoài thì việc di chuyển bằng hệ thống tàu điện ở khu vực này quả thật là một thách thức lớn đối với họ. Có nhiều cách để biết được thời gian di chuyển, số tiền phải trả cũng như các ga dừng đỗ của tàu, bản thân mình thường ứng dụng Google Map tra trước các thông tin nói trên để chủ động hơn trong mỗi chuyến đi. Ngoài ra ở trong sân ga cũng có các bảng hướng dẫn về giờ tàu, số lượng ga dừng đỗ của từng loại tàu trên toàn tuyến, các bạn có thể tham khảo trước khi lên tàu. Trong trường hợp bạn không thể dùng ứng dụng để tra trước xem chuyến tàu này có mất thêm phụ phí hay không, bạn có thể dùng cách này của mình để phân biệt. Đó là dựa vào thiết kế cũng như trang thiết bị của chuyến tàu đó. Nếu bạn thấy chuyến tàu này có vẻ đẹp hơn, hiện đại hơn các chuyến tàu thường thì đa phần đó là những chuyến tàu tốc hành đặc biệt. Nếu bạn lên những chuyến tàu đó có thể bạn sẽ phải trả thêm phụ phí. Hãy lưu ý điểm này nếu không muốn bị trả thêm một khoản phí không đáng có nhé!
-
Sổ tư vấn file 01: Mang thai và sinh con với người Nhật khi chưa kết hôn
Trong thời gian du học, người xin tư vấn đã sinh con với người yêu người Nhật. Hai người không thể kết hôn, người yêu của cô ấy không công nhận mình là cha của đứa bé. Với sự giúp đỡ của các tổ chức hỗ trợ và luật sư, người xin tư vấn đã nhờ tới toà án, toà đã công nhận anh người Nhật kia là cha của đứa bé. Nhờ thế, cả người xin tư vấn và đứa bé đã xin được tư cách lưu trú ở Nhật. Mục Kết hôn・Ly hôn・Con cái 【Người xin tư vấn】 ・Du học sinh đang học tại trường tiếng Nhật ・Nữ giới người Việt ・Sống tại tỉnh Aichi Muốn nuôi dạy con nhỏ ở Nhật Bản Xin tư vấn của các tổ chức hỗ trợ Người xin tư vấn đang du học tại trường tiếng Nhật. Tuy nhiên, năm thứ hai ở Nhật Bản, cô gái này phát hiện mình đang có thai 3 tháng. Bố đứa bé là bạn trai người Nhật của cô (người này đang là học sinh trường chuyên môn). Cha mẹ của bạn trai cô phản đối không cho hai người kết hôn, cô gái cũng đã từ bỏ việc kết hôn nhưng cô vẫn muốn sinh và nuôi con tại Nhật Bản nên đã xin tư vấn của trường học và các tổ chức hỗ trợ. Tổ chức Gaikokujin Helpline Tokai, Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật và giáo viên ở trường tiếng Nhật đã trợ giúp cho cô. Nội dung trợ giúp Các tổ chức hỗ trợ đã giới thiệu luật sư cho cô gái này và nhờ đó, cô thực hiện được thủ tục thừa nhận cho đứa trẻ. Con của cô được người bố (người Nhật) nhận là con và đã lấy được quốc tịch Nhật Bản. Vì là mẹ của người Nhật nên cô gái đã chuyển được tư cách lưu trú thành “Người định trú”. Hơn nữa, hai mẹ con hiện đang sống tại cơ sở hỗ trợ cuộc sống mẹ và con (kí túc xá mẹ và con), mỗi tháng trang trải cuộc sống bằng vài vạn yên tiền làm thêm baito. Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật (tiếp nhận tư vấn từ khắp cả nước) Điểm quan trọng: Việc nhận con và nhập quốc tịch cho đứa trẻ Quốc tịch, tư cách lưu trú Trường hợp nữ giới người nước ngoài sinh con với người Nhật, đứa trẻ đó có thể lấy quốc tịch Nhật Bản. Ngoài ra, nếu không muốn chuyển sang quốc tịch Nhật Bản thì người phụ nữ đó cũng có thể chuyển tư cách lưu trú thành loại “Người kết hôn với người Nhật hoặc tương tự”. Hơn nữa, nếu có lý do chính đáng thì người mẹ có thể chuyển sang tư cách “Người định trú”. Tuy nhiên, trường hợp chưa kết hôn thì đứa trẻ cần phải được người cha (là người Nhật) thừa nhận là con mình. Việc thừa nhận con Trong trường hợp này, vì người yêu cũ của cô gái không thừa nhận đứa trẻ là con mình nên sau khi sinh con, cô đã nộp đơn lên toà án xin phân xử. Theo phân xử của toà, dựa trên kết quả giám định ADN, đứa trẻ đã được xác nhận đúng là con của anh người yêu cũ này. Nhờ vậy, đứa trẻ đã được nhập quốc tịch Nhật Bản. Thận trọng trong việc lựa chọn quốc tịch cho đứa bé Ban đầu, cô được cơ quan hành chính về bảo vệ trẻ em hướng dẫn lên Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản làm giấy khai sinh để cho đứa bé được lấy hộ chiếu Việt Nam. Tuy nhiên, một khi đã lấy quốc tịch Việt Nam, nếu sau đó muốn chuyển sang quốc tịch Nhật Bản thì thủ tục sẽ vô cùng phức tạp. Các tổ chức hỗ trợ đã khuyên cô suy nghĩ thật kĩ lưỡng và sau đó, cô đã chọn cho con mình lấy quốc tịch Nhật Bản. Điểm quan trọng: Việc nuôi con Cơ sở hỗ trợ mẹ và con Vài tháng sau khi sinh nở, vì cô gái này không có khả năng tự xoay sở trong cuộc sống nên cơ quan hành chính về bảo vệ trẻ em đã dùng biện pháp cưỡng chế đưa em bé đi nuôi dưỡng. Cô gái vì muốn được sống cùng con nên đã nhờ luật sư do các tổ chức hỗ trợ giới thiệu đứng ra đại diện đàm phán với cơ quan hành chính về bảo vệ trẻ em. Song song với việc đàm phán, luật sư đã tìm kiếm cơ sở hỗ trợ cuộc sống mẹ và con (kí túc xá mẹ và con) chịu tiếp nhận hai mẹ con cô gái. Sau đó, cô gái chuyển từ căn hộ thuê sang sống tại kí túc xá mẹ và con, nhờ vậy, luật sư mới có cơ sở để đàm phán rằng cô “đã có đủ điều kiện đảm bảo cuộc sống và mong cho con được về với mẹ” và cuối cùng đứa bé đã được trả về cho cô. 【Cơ sở hỗ trợ cuộc sống mẹ và con là gì?】 Đây là cơ sở cho phép trẻ em chưa tròn 18 tuổi được tạm thời sống cùng với mẹ đơn thân. Sau khi được nhận vào đây, các cơ sở này sẽ tư vấn, hỗ trợ để mẹ và con được ổn định cả về vật chất và tinh thần, đồng thời giúp đỡ để họ có thể sống độc lập. Nhờ được trợ giúp, cô gái đã được sống cùng con nhỏ của mình Điểm quan trọng: Tư cách lưu trú ① Người định trú Như đã trình bày ở phần trên, nữ giới người nước ngoài sau khi sinh con với người Nhật, nếu có lý do chính đáng thì có thể lấy được tư cách lưu trú “Người định trú”. ② Tư cách lưu trú để có thể làm việc Nếu tìm được công việc ở Nhật Bản thì có thể xin tư cách lưu trú liên quan đến công việc đó. ③ Hoạt động đặc định Trong trường hợp các thủ tục toà án liên quan đến việc thừa nhận con hoặc ly hôn v.v... bị kéo dài, có thể xin tư cách lưu trú “Hoạt động đặc định” để ở lại Nhật Bản phục vụ cho việc phân xử. Tuy nhiên, khi việc phân xử tại toà kết thúc thì sẽ không thể xin gia hạn được tư cách lưu trú này. Trong trường hợp này, cô gái trong câu chuyện đã chuyển đổi tư cách lưu trú từ “Du học sinh” sang “Người định trú”. Trên đây là một số lựa chọn khác nhau để xin tư cách lưu trú, còn việc chấp nhận tư cách lưu trú đó hay không sẽ do Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh và Lưu trú quyết định.
-
Tiếng Nhật dùng trong công việc
Khi bắt đầu làm việc ở Nhật, bạn sẽ nhận ra một số cách dùng tiếng Nhật khác với những gì bạn đã được học trong sách vở đấy! Thứ khiến mình bị bất ngờ đầu tiên là “ngôn ngữ chào hỏi”. Một hôm, mình làm thêm từ sáng ở một nhà hàng và đã gặp một chuyện như thế này. Bạn đồng nghiệp người Nhật đến làm vào buổi chiều nhưng khi đó bạn ấy lại chào là “おはようございます”. Mình thấy hơi lăn tăn, buổi chiều mà cũng có thể chào là “おはよう” hay lịch sự hơn là “おはようございます” à? Người Nhật dùng thì chắc là có thể dùng như vậy, tuy nhiên mình vẫn muốn biết rõ nguồn gốc và cách sử dụng đúng nên mình đã ngập ngừng thử hỏi những người xung quanh. 1. Ngôn ngữ chào hỏi trong công ty Dù là buổi chiều cùng chào “おはようございます” Như các bạn đã biết, “おはようございます” là câu chào vào buổi sáng. Nhưng ở một số nơi làm việc, vào buổi chiều, khi gặp đối phương lần đầu tiên, họ cũng chào là “おはようございます”. Đặc biệt là những nhà hàng, quán ăn hay các nơi có liên quan tới nghệ thuật, dù đã tối khuya thì họ cũng có thói quen chào như vậy. Hơn nữa, ngày càng nhiều các bạn trẻ hay các bạn sinh viên hiện nay cất tiếng chào là “おはようございます” với người mình gặp lần đầu vào buổi chiều. Điều này có thể là vì các bạn sinh viên làm thêm tại các nhà hàng, quán ăn v.v. đã bị “ngấm” cách chào của nơi làm thêm nên đã đem cách chào đó vào trường đại học cũng như trường chuyên môn v.v. Thông thường, vào buổi chiều mọi người sẽ chào “こんにちは” nhưng đối với những người thân thiết hay những người ngày nào mình cũng gặp, nếu chào là “こんにちは” thì sẽ có cảm giác xa cách nên hơi khó sử dụng. Vì vậy, thay vào đó, cách chào được sử dụng phổ biến là “お疲れさま”, một số nơi thì chào là “おはよう(ございます)”. Đối với bạn bè, mình có thể chào là “おはよう”, nhưng đối với khách hàng hoặc người lớn tuổi hơn, mình phải chào một cách lịch sự là “おはようございます”. Tuy nhiên, nhiều công ty sử dụng "おはようございます" vào buổi sáng và "お疲れさまです" khi bạn gặp nhau lần đầu tiên vào buổi chiều. Các bạn hãy quan sát thói quen chào hỏi tại nơi làm việc nhé. Lời chào vạn năng “お疲れさまです” Có một lời chào vạn năng để giữ vững các mối quan hệ trong đời sống, đó chính là “お疲れさまです(でした)” (bạn đã vất vả rồi). Câu chào này được xếp ngang hàng với những câu như “ありがとうございます” (cảm ơn), “すみません” (xin lỗi) v.v., đây là một trong những lời chào tạo nên mối quan hệ tốt tại nơi làm việc ở Nhật. Tại nơi làm việc, những người ở lại sẽ nói với người về trước là “お疲れさまでした”. Còn bản thân người về trước sẽ nói “お疲れさまでした” hoặc “お先に失礼します” (tôi xin phép về trước). “お疲れさまです” còn có thể sử dụng để nói với sempai (tiền bối), đồng nghiệp khi họ từ bên ngoài về văn phòng, hoặc nói với người mình gặp lần đầu tiên vào buổi chiều. Nếu bạn làm việc bên ngoài công ty vào buổi sáng, sau đó về công ty làm việc vào buổi chiều thì bạn sẽ chào những người trong công ty là “お疲れさまです”. Khi đó những người nhận được lời chào đó cũng sẽ chào lại là “お疲れさまです”. Với những đồng nghiệp thân thiết hoặc kohai (hậu bối), bạn cũng có thể chào ngắn gọn là “お疲れさま”. Không chào là “ご苦労さま” với người trên Có một hôm, sau thi kết thúc công việc và định ra về, mình được sếp chào là “ご苦労さまです” (bạn đã vất vả rồi). Vậy thì “ご苦労さまです” và “お疲れさまです” khác nhau như thế nào nhỉ? Theo nguyên tắc, “ご苦労さまです” không dùng với người trên. Lời chào này thường được người trên (sếp) chào người dưới (nhân viên). Nếu bạn được sếp chào như vậy thì không có vấn đề gì, nhưng bạn đừng chào lại sếp là “ご苦労さまでした” nhé. Ngược lại, “お疲れさまです” có thể dùng để chào cả người ngang hàng mình và người trên. Đối với người trên, nếu bạn chào là “お疲れさまでございます” thì càng lịch sự hơn. 2. Những câu chào hỏi đối với đối tác Cách nói お世話になっております “お世話になっております” là một lời chào được coi như tiêu chuẩn đối với các bên là đối tác kinh doanh. Bạn sẽ thường nghe thấy cách nói này khi bắt đầu một công việc hoặc dự án. Bạn cũng có thể đã từng nghe thấy cụm từ “お世話になります”. Vậy, sự khác biệt giữa hai cách nói này là gì? “お世話になっております” thể hiện lòng biết ơn vì đã "tiếp tục giúp đỡ" chẳng hạn như khi có một giao dịch "đã được giúp đỡ" và “お世話になります”để nói về các giao dịch và mối quan hệ sẽ tới "trong tương lai". Nó được sử dụng để truyền đạt kỳ vọng và lòng biết ơn với đối tác. Ngoài ra, “お世話になっております” và “お世話になります” không chỉ được dùng khi gặp trực tiếp, mà còn được dùng khi gọi điện thoại hoặc gửi email. 3. Cách diễn đạt thường thấy trong email 何卒(なにとぞ)よろしくお願いいたします Khi gửi email cho một đối tác kinh doanh, chúng ta thường sử dụng một câu chào như "いつもお世話になっております" ở đầu câu và một câu nói như "引き続きよろしくお願いいたします" ở cuối câu. Có lần mình đã thấy một email từ một đối tác kinh doanh có ghi là “何卒よろしくお願い申し上げます”. Ơ, "何卒よろしくお願い申し上げます" có nghĩa là gì? Từ này được sử dụng để nhấn mạnh ý nghĩa. Nó có nghĩa tương tự với từ "どうか", nhưng "何卒お願いいたします" phù hợp là một từ dùng trong kinh doanh hơn là "どうかお願いいたします". Ý nghĩa của "よろしくお願いいたします" là vậy nhưng nếu bạn muốn đưa ra một yêu cầu mạnh mẽ, hãy thêm "何卒" vào trước nó. Nhân tiện thì, "よろしくお願いいたします" là một cách diễn đạt lịch sự hơn "よろしくお願いします" đấy. Và cách nói "よろしくお願い申し上げます" là cách nói lịch sự nhất trong tất cả. "申し上げます" là một cách diễn đạt khiêm tốn, đưa cái tôi thấp xuống so với đối phương (khiêm nhường ngữ). 4. Những từ dùng trong giao tiếp qua điện thoại với đối tác Nếu được hỏi điều băn khoăn nhất khi lần đầu tiên làm việc tại Nhật Bản là gì, với mình chính là việc "nhận liên lạc từ đối tác qua điện thoại". Mình lo lắng về việc sử dụng các kính ngữ khác nhau và thường không biết chính xác tên và yêu cầu của đối tác kinh doanh là gì. Ngoài ra, có khi xảy ra những sự nhầm lẫn lên đến đỉnh điểm bởi vì mình không biết sự khác biệt giữa cuộc gọi cần được chuyển tiếp cho người trong công ty và những cuộc gọi chỉ bán hàng quảng cáo. Bạn có thể sử dụng các cụm từ “承知しました” hay “承知いたしました”, “かしこまりました” trong khi trả lời các cuộc gọi điện thoại này. Cả hai đều là cách diễn đạt lịch sự để diễn đạt bạn "đã hiểu" và "đã rõ vấn đề" đối với những giải thích và yêu cầu của đối phương. Tuy nhiên, thay vì tiếp tục trả lời những từ tương tự như かしこまりました lặp lại mọi lúc, hãy thử trả lời bằng cách dùng khác đi các từ hay dùng nhiều như “かしこまりました” hay “承知いたしました”. Từ đó, có thể phát triển cách nói tiếng Nhật kinh doanh một cách tự nhiên hơn. Lần này, mình đã giới thiệu các từ chào hỏi được sử dụng trong các tình huống công việc khác nhau. Hãy quan sát cách những người Nhật xung quanh bạn sử dụng những lời chào bạn và đặc biệt, hãy chú ý họ dùng những từ này "với ai", "khi nào" và "trong tình huống nào" nhé!
Xếp hạng bài viết phổ biến
-
Lớp học tiếng Nhật online miễn phí 17028 views
-
Không được ăn ốc bắt ở ruộng lúa 15510 views
-
“Đúng giờ” ở Nhật là như thế nào? 13001 views
Platinum Sponsor
Bronze Sponsors
- Global HR Strategy
- Trường Nhật Ngữ EHLE
Đơn vị hỗ trợ
- Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam
- Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam
- Văn phòng JNTO Hà Nội
- Liên đoàn kinh tế vùng Kansai
- Hội Việt Nam (JAVN)
- Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật
- Hiệp hội phát triển giao lưu nguồn nhân lực quốc tế
Đơn vị hợp tác
Tổ chức hỗ trợ du học sinh
Nhật Bản (JASSO)
Mạng lưới luật sư cho lao động người nước ngoài