Du học - Xin việc

Kinh nghiệm làm thêm của du học sinh_Cửa hàng tiện lợi, khách sạn, xưởng socola v.v.

220607-Arubaito-keiken-5
09/06/2022

Hầu hết các bạn du học sinh ở Nhật thường đi làm thêm. Vậy các bạn ấy thường làm những công việc gì nhỉ? Trong bài viết này, chúng mình sẽ giới thiệu kinh nghiệm của các anh chị từng làm việc ở cửa hàng tiện lợi, siêu thị, khách sạn, nhà trẻ và xưởng. Thông qua việc đi làm thêm, ngoài việc có thêm thu nhập, bạn còn có thêm nhiều cơ hội nói tiếng Nhật và tích luỹ thật nhiều kinh nghiệm quý báu nữa.

Ở bài viết trước, chúng mình đã giới thiệu kinh nghiệm làm thêm tại các nhà hàng – quán ăn, các bạn tham khảo nhé!

external link Kinh nghiệm đi làm thêm của 5 du học sinh_Công việc ở quán ăn

Cách tìm việc làm thêm

Các bạn du học sinh có thể tìm việc làm thêm bằng những cách sau:

・ Trường học giới thiệu
・ Các anh chị khóa trên, bạn bè giới thiệu
・ Trang web của các công ty giới thiệu việc làm
・ Tạp chí giới thiệu việc làm
・ Tờ rơi dán tại các cửa hàng
・ Hellowork
・ Hội nhóm trên các trang mạng xã hội của du học sinh

Các bạn có thể xem thông tin chi tiết ở bài viết dưới đây.

external link KOKORO|★ Thông tin cơ bản: Cách tìm việc làm thêm baito (Bản 2022)

Vậy thì, các anh chị mà chúng mình đã phỏng vấn đã tìm việc như thế nào nhỉ?

Hai chị đã làm việc tại nhà trẻ và xưởng chia sẻ rằng bạn của hai chị ấy đã giới thiệu những công việc này. Với công việc tại cửa hàng tiện lợi, khách sạn, siêu thị, các anh chị đã tự tìm được thông qua các trang web và ứng dụng tìm việc làm (Townwork, Baitoru, LINE Baito, v.v.)

Khi tìm việc làm thêm trên mạng, các bạn cần lưu ý điểm sau đây. Trước khi bấm nút tìm kiếm, các bạn đừng quên tích vào mục 「留学生歓迎」(hoan nghênh du học sinh), hoặc「外国人活躍中」(đang có người nước ngoài làm việc).

WA. SA. Bi. cũng có thể giới thiệu việc làm thêm cho bạn đó! Chúng mình có thể tư vấn bằng tiếng Việt nên nếu có thắc mắc gì, các bạn hãy gửi mail tới địa chỉ này nhé!

go-en@morikosan.co.jp

Cửa hàng tiện lợi

Có thể nói việc làm thêm ở cửa hàng tiện lợi (combini) là một trong những công việc được du học sinh lựa chọn nhiều nhất. Bạn Leong (người Ma Cao) hiện đang làm việc tại công ty của Nhật từ tháng 4 này. Trước đây, khi du học ở một trường đại học ở Osaka, bạn ấy đã làm thêm ở cửa hàng tiện lợi. Leong sẽ chia sẻ về kinh nghiệm đi làm thêm của mình.

Điểm tốt của công việc này

Nhiều cơ hội nói tiếng Nhật: Năng lực tiếng Nhật của mình đã tăng lên rất nhiều nhờ được nói chuyện bằng tiếng Nhật với cả khách hàng lẫn đồng nghiệp. Hơn thế, mình còn học được cách nói theo kiểu Kansai (Kansaiben) đấy.

Được kết bạn với du học sinh nước khác: Mình đã chơi thân với bạn đồng nghiệp là du học sinh người Indonesia.

Làm ca đêm nên có ít khách hàng: Mình làm ca từ 10 giờ đêm ~ 6 giờ sáng. Đây là khoảng thời gian hầu như không có khách nên so với ca sáng và trưa, mình thấy làm ca đêm thoải mái hơn.

Điểm khó của công việc này

Sự mệt mỏi khi làm ca đêm: Ca làm của mình kết thúc lúc 6 giờ sáng. Vào những ngày có tiết học buổi sáng, sau khi về nhà, mình không có thời gian ngủ mà phải đi học ngay. Mình đã rất chật vật trong việc chiến đấu với cơn buồn ngủ trong giờ học.

Mối quan hệ với đồng nghiệp: Làm cùng ca với mình còn có 2-3 người khác. Một ngày làm việc của mình có thoải mái hay không phụ thuộc khá nhiều vào mối quan hệ của mình với những người đồng nghiệp đó.

Môi trường nói tiếng Nhật

Nói chuyện với đồng nghiệp: Có một chú người Nhật khoảng 40 tuổi thường làm cùng ca với mình. Mình rất hay nói chuyện với chú ấy vào lúc rảnh rỗi. Mình vừa được luyện giao tiếp bằng tiếng Nhật, vừa được chia sẻ với chú nhiều câu chuyện thường ngày, khoảng thời gian đó thật vui biết bao.

Siêu thị

Bạn Vân hiện đang theo học tại cao học tại Đại học Osaka. Cho tới khi nghỉ hẳn, Vân đã làm ở siêu thị tròn 3 năm rưỡi. Công việc của bạn ấy gồm có: thu ngân, dọn dẹp, tiếp khách v.v.

Điểm tốt của công việc này

Tiếp thu được văn hóa “hiếu khách” (Omotenashi) của Nhật Bản: Dù đã nghe mọi người nói là những cửa hàng ở Nhật Bản luôn đứng đầu thế giới trong việc phục vụ, nhưng cho đến tận khi làm tại siêu thị, mình mới thực sự được trải nghiệm văn hóa này, cũng như thấu hiểu và tiếp thu nó. Nhân viên sẽ đối xử công bằng, lễ phép, thân thiện với tất cả các khách hàng.

Phục vụ khách hàng: Mình đã học cách nói chuyện, cách tiếp xúc với khách hàng và cả cách xử lý khi có vấn đề phát sinh. Ngoài ra, mình cũng quan tâm tới những vị khách lớn tuổi, người khuyết tật, phụ nữ đang mang thai, mình đã giúp họ mang đồ từ quầy thanh toán ra bàn xếp đồ v.v.

Điểm khó của công việc này

Đứng lâu: Vì công việc chính vẫn là thu ngân nên mình phải đứng liên tục suốt 5 tiếng.

Nhiều việc phải nhớ: Mình phải ghi nhớ rất nhiều việc: cách dùng thẻ tín dụng, thẻ tích điểm, quy trình trả hàng, v.v.

Môi trường nói tiếng Nhật

Giao tiếp với khách hàng:Khi làm thu ngân, mình thường nói những câu cố định như “いらっしゃいませ” (kính chào quý khách), “◯◯円になります” (Hoá đơn của anh/chị hết … yên), “レジ袋はご入り用ですか?” (Anh/chị có muốn sử dụng túi nilon không ạ?) v.v.

Vì siêu thị thường bổ sung và sắp xếp lại sản phẩm nên có rất nhiều khách hỏi về vị trí đồ hoặc đồ mà họ đang kiếm có hay không. Mình từng bị hỏi là “みそはどこにありますか?” (Miso ở chỗ nào thế?), “タバスコは置いていますか?” (Có Tabasco không?) v.v. Lúc đầu mình không tài nào nhớ hết được, nhưng vì mình muốn phục vụ khách hàng một cách nhanh chóng nên mình đã cố gắng nhớ tên các loại đồ ăn, thực phẩm.

Khách sạn

Hiện tại Chí đang là nhân viên chính thức ở Tokyo. Hồi còn là sinh viên, bạn ấy từng làm việc tại khách sạn ở Nara. Công việc chính của bạn ấy là chuẩn bị buffet ăn sáng. Chí phụ trách quản lý đồ ăn ở quầy buffet: chuyển đồ ăn từ bếp ra và bổ sung thêm đồ khi đồ ăn đã hết.

Điểm tốt của công việc này

Suất ăn nhân viên tuyệt đỉnh: Suất ăn dành cho nhân viên được gọi là “Makanai”. Sau khi kết thúc công việc, mình có thể nhận suất ăn này. Đồ ăn của mình giống với đồ ăn của khách nên cực kỳ ngon và đầy đủ.

Khách hàng vui thì bản thân cũng vui lây: Ở quầy buffet, khách sạn mình phục vụ sữa tươi (nhiệt độ thường) và sữa chua có kèm hoa quả. Tuy nhiên, nếu khách muốn uống sữa nóng hoặc sữa chua không hoa quả thì mình sẽ phục vụ riêng theo yêu cầu của khách. Có một số khách quen có thói quen ăn uống như vậy nên mình đã mang đồ ra bàn trước khi khách yêu cầu. Những vị khách đó đã rất vui khi thấy mình làm vậy.

Khi tiếp khách, gương mặt tươi cười là chìa khóa rất quan trọng nên khi ở nhà, mình đã tập cười trước gương đấy.

Điểm khó của công việc này

Đồng nghiệp lơ là công việc: Ở khách sạn của mình, 1 người sẽ làm lễ tân, 1 người sẽ đảm nhiệm công việc chuẩn bị bữa sáng. Tuy nhiên, nếu người được phân công làm cùng mình hôm đó trốn việc hoặc không thể làm việc đó thì mình sẽ phải gánh vác hết các nhiệm vụ.

Môi trường nói tiếng Nhật

Nói chuyện với đồng nghiệp: Mình thường vừa chuẩn bị bữa sáng vừa nói chuyện với các cô, các bác làm bếp và làm lễ tân. Ở đây có khá nhiều bác đã lớn tuổi nên mình không mấy khi giao lưu với mọi người ngoài giờ làm việc.

Nhà trẻ

Hiện nay Trâm đang đi làm ở Osaka, hồi còn học đại học, bạn ấy đã làm thêm khoảng 3 năm rưỡi ở một nhà trẻ có nhiều trẻ con người Việt (thành phố Yao, tỉnh Osaka).

Điểm tốt của công việc này

Học được nhiều tiếng Nhật: Công việc chính của mình là dịch các thông báo của nhà trẻ sang tiếng Việt. Mình đã dịch các nội dung liên lạc giữa nhà trường và phụ huynh, các thực đơn cho trẻ v.v. Ngoài ra, mình cũng phụ trách phiên dịch cho các phụ huynh người Việt.

Khi làm việc, mình dùng tiếng Nhật thường xuyên nên năng lực tiếng Nhật của mình tăng lên nhanh chóng. Khi có những từ ngữ mà mình tra từ điển nhưng vẫn không hiểu, mình được các nhân viên người Nhật chỉ bảo rất tận tình.

Cứ như thế, khi bắt đầu làm thêm ở đây vào năm thứ nhất đại học, mình mới chỉ có N3 (JLPT), nhưng khi lên năm thứ hai đại học, mình đã đỗ N1. Hơn thế, mình còn đạt được điểm tuyệt đối cho phần đọc, 60/60 điểm!

Kỹ năng ứng xử trong kinh doanh: Mình cũng đã học được tác phong làm việc và các kỹ năng ứng xử của người Nhật.

Tạo được ấn tượng khi đi xin việc: Việc làm thêm ở nhà trẻ là một việc khá hiếm nên khi viết điều này vào hồ sơ xin việc, mình đã nhận được sự quan tâm từ các nhà tuyển dụng. Trong khi phỏng vấn, mình cũng có thể kể rất nhiều trải nghiệm của bản thân.

Điểm khó của công việc này

Biên dịch: Có những loại thực phẩm mà chỉ Nhật mới có nên mới đầu, mình gặp khó khăn khi dịch thực đơn cho các bữa ăn ở trường.

Kiểm tra phân: Ở nhà trẻ có rất nhiều em bé nên mọi người thường phải kiểm tra phân để xem mình có đang bị nhiễm bệnh dễ truyền nhiễm không. Mình đã gặp khó khăn với việc kiểm tra này.

Chơi với trẻ con: Khi không có việc cần biên dịch, mình sẽ chơi với các bé khoảng 2 tuổi. Ban đầu mình chưa quen chơi với trẻ con nên mình hơi bị bỡ ngỡ, không biết nên tiếp xúc với các bé như thế nào.

Xưởng socola

Ngoài việc làm thêm ở siêu thị, vào cuối tuần, Vân cũng đã làm thêm ở xưởng sản xuất kẹo socola.

Điểm tốt của công việc này

Ca làm linh hoạt: Mình đăng ký ca làm là 17~22 giờ, tuy nhiên mình có thể làm dài hơn số giờ đã đăng ký (mình vẫn đảm bảo việc làm dưới 28 tiếng/ tuần). Ngoài ra, ở đây cũng nhận các bạn chỉ làm vào cuối tuần.

Công việc đơn giản: Ở băng chuyền của mình có 3 công việc chính. Đó là việc thả kẹo lên băng chuyền; kiểm tra xem có cái kẹo nào bị hỏng, bị xấu không; cho các kẹo đã được kiểm tra vào thùng và dán tem. Ba người sẽ cùng phụ trách 1 băng chuyền và cứ 30 phút thì đổi ca 1 lần. Công việc ở đây khá đơn giản nên rất thoải mái.

Môi trường nói tiếng Nhật

Nhiều người Việt: Ở nơi làm thêm của mình, ngoài nhóm trưởng và quản đốc là người Nhật, có khoảng 30 bạn người Việt làm thêm cùng mình. Vậy nên mình thường nói tiếng Việt với các bạn đồng nghiệp, ít có cơ hội được nói tiếng Nhật. Vì thế, vào lúc nghỉ trưa hay lúc rảnh rỗi, mình cố gắng nói chuyện phiếm với nhóm trưởng người Nhật.

Tổng kết

Lần này, chúng mình đã giới thiệu về kinh nghiệm đi làm thêm của các bạn từng làm ở cửa hàng tiện lợi, siêu thị, khách sạn, nhà trẻ, xưởng sản xuất kẹo socola.

Ngoài mục tiêu là kiếm tiền, việc làm thêm còn bạn còn đem lại những ưu điểm sau đây.

・ Tăng cơ hội giao tiếp bằng tiếng Nhật
・ Có thêm nhiều bạn bè
・ Tích lũy nhiều kinh nghiệm

Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp và đi xin việc ở Nhật, bạn sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm để viết vào Sơ yếu lý lịch và Đơn xin ứng tuyển (Entry Sheet). Bạn hãy cố gắng giải thích thật dễ hiểu những khó khăn và những điều bạn đã học được thông qua các công việc làm thêm nhé.