Văn hoá
Việt Nam OK, Nhật Bản DAME_31: Người Nhật ít ăn sáng ở ngoài
Người Nhật không có thói quen buổi sáng ra ngoài ăn phở như ở Việt Nam. Họ thường ăn sáng ở nhà rồi mới đi làm, đi học. Vì thế hàng quán ở Nhật thường mở cửa từ 11 giờ sáng hoặc từ chiều tối. Rất ít các cửa hàng mở cửa phục vụ ăn sáng. Nhân thể chúng tôi cũng giới thiệu vài loại cửa hàng đặc biệt mở cửa phục vụ từ sáng.
Hiếm có hàng ăn mở cửa từ sáng
Tháng đầu tiên sau khi sang Nhật, gia đình tôi dự kiến sẽ đến một điểm du lịch cách nhà khoảng 50km để tham quan. Để có cả ngày dài thăm thú, cả nhà tôi dậy từ 6h sáng. Kế hoạch là ra phố tìm một quán ăn sáng, sau đó sẽ bắt tàu sớm.
7h rời khỏi nhà. Đường phố gần như không một bóng người. Không có những cụ ông, cụ bà đi bộ tập thể dục, không có những quán ăn nghi ngút khói mở cửa đón khách. Nhà tôi ghé quán cà ri Cocoichibanya và Ramen và nhận ra rằng tận 10 giờ hoặc 11h sáng họ mới mở cửa.
Rốt cuộc cả nhà tôi đành ghé tạm một konbini mua bánh mỳ ăn tạm. Sau lần đó, tôi tò mò hỏi một số người bạn Nhật và biết rằng, người Nhật thường không ăn sáng ở ngoài như người Việt mình.
Ở Việt Nam, từ 4-5h sáng người dân đã tràn ra đường tập thể dục, các quán ăn đun nước dùng xình xịch từ 3-4h sáng để sẵn sàng phục vụ người dân ngay khi mặt trời ló rạng. Thậm chí từ 5-6h sáng bạn đã có thể bắt xe ôm, grab bike, taxi…
Trong khi đó ở Nhật, do công việc bận rộn, di chuyển bằng phương tiện công cộng thường tốn khá nhiều thời gian nên người Nhật ngủ khá muộn. Vài người bạn trong lớp con gái tôi kể rằng, bố mẹ chúng phải 9-10h mới về nhà, 11h mới ăn cơm tối và chuyện lên giường ngủ vào 12h là bình thường.
Do lối sống như vậy mà hiếm có gia đình Nhật nào ăn sáng ở ngoài như thói quen của người Việt. Và chính vì thế là các quán ăn ở Nhật không bán hàng ăn sáng mà chỉ mở cửa từ trưa trở đi mà thôi.
Tuy nhiên, cũng có một vài ngoại lệ. Sau đây là một vài loại hình cửa hàng bán món ăn sáng ở Nhật Bản.
◆ Một vài loại hình cửa hàng phục vụ ăn sáng
Cửa hàng Cafe |
Đa phần cửa hàng café có bán “Morning Set” – Suất ăn sáng. Đa phần là món ăn nhẹ như bánh mì nướng, bánh mì sandwich hoặc bánh mì kẹp xúc xích và kèm theo đồ uống. |
Một số cửa hàng bán món ăn nhanh (fast food) |
Cửa hàng bán Gyudon (cơm tô thịt bò), cửa hàng mì soba, udon, cửa hàng bán hamburger. |
Family Restaurant |
Nhiều cửa hàng trong chuỗi Family Restaurant có phục vụ bữa sáng. |
Cửa hàng ăn của khách sạn lớn |
Các khách sạn nhỏ thì cửa hàng ăn chỉ phục vụ khách lưu trú nhưng các khách sạn lớn nhiều nơi mở cửa cho cả khách bên ngoài. |
Đừng mong người Nhật tương tác thường xuyên trên mạng xã hội
Bình luận trên Facebook, reply trên story, chát chít thâu đêm trên các ứng dụng đã trở thành thói quen rất phổ biến ở Việt Nam kể từ khi các mạng xã hội (SNS) bùng nổ.
Người Việt dùng mạng xã hội vào rất nhiều mục đích khác nhau: Chia sẻ chuyện gia đình, chuyện nghề nghiệp, chuyện đời, bạn bè và với những người đông bạn trên mạng xã hội, các “tút” của họ thường kéo theo lượng tương tác rất lớn.
Tuy nhiên, nếu các bạn sang Nhật, kết bạn với người Nhật và mong họ sẽ tương tác trên mạng xã hội như người Việt thì không có chuyện đó đâu. Sẽ có vài sự khác biệt rất lớn mà các bạn phải chuẩn bị tâm lý như sau:
▶︎ Người Nhật, đặc biệt là các bạn trẻ, rất ít dùng Facebook. Mạng xã hội họ hay sử dụng là Twitter hoặc Instagram và LINE.
▶︎ Người Nhật mỗi khi đăng bài, thường là thông báo hoặc phát đi thông tin gì đó để chia sẻ với tất cả mọi người chứ không chỉ một nhóm người cụ thể nào. Ví dụ như: Hè này tôi sẽ đi du lịch Kyoto, cuối tuần tôi sẽ đi chèo thuyền kayak… Vì tính chất đăng bài chỉ để thông báo nên ai phản hồi thế nào không quá quan trọng.
Tôi có một người bạn Nhật. Ngoài đời chúng tôi khá thân thiết. Có một lần chị đăng tút về việc đi trượt tuyết. Tôi comment nhưng 1-2 ngày sau chị chẳng like, cũng chẳng reply.
Khi gặp tôi mới hỏi: “Chị chưa đọc comment của tôi trên Facebook à”. Chị rất thản thiên trả lời: “Tôi đọc rồi” với hàm ý “Có vấn đề gì không”.
Ở Nhật, không ít người không có phản ứng gì đối với bình luận của người khác đối với bài đăng trên mạng xã hội. Đơn giản là do khác biệt tính cách của từng người. Hoặc cũng có người không cần nhiều bình luận, chỉ cần có nhiều “thích” là được rồi. Vậy nên các bạn đừng cảm thấy buồn, phật lòng khi kết bạn với người Nhật mà họ không tương tác gì với bạn trên mạng xã hội nhé.
Hãy trật tự và giữ sạch đẹp trong quán café ở Nhật
“Đi café” là một hoạt động rất phổ biến ở Việt Nam. Người Việt tìm tới các quán café vì vô số mục đích: Gặp bạn bè, thư giãn, chụp ảnh, học bài, làm việc… Và một trong những nhu cầu đi café phổ biến bậc nhất ở Việt Nam là “Tám chuyện với bạn bè”.
Ở Việt Nam, các bậc phụ huynh thường bế theo con cái vào quán café, cho các con giao lưu phần các con, bố mẹ giao lưu phần bố mẹ. Những đứa trẻ khi vào quán café theo bố mẹ thường được cho phép chạy chơi tự do, nô đùa với những trẻ con khác khá huyên náo và đầm ấm.
Người Nhật cũng đi café và mục đích ngồi café của họ thường là để một mình thư giãn, hoặc gặp gỡ bạn bè, gặp đối tác bàn công việc. Những quán café bình thường ở Nhật rất hiếm khi có cảnh đưa trẻ em vào giao lưu, và kể cả khi có trẻ em trong quán thì những đứa trẻ đó cũng sẽ tự giác không gây ồn ào, hoặc chạy chơi lung tung.
Ở Nhật, nếu các mẹ bỉm sữa muốn đi café thì thường họ chọn những địa điểm như cửa hàng bán món ăn nhanh hamburger, Family Restaurant. Những địa điểm này thì giả sử trẻ con có ầm ĩ một chút cũng không ai khó chịu lắm.
Mới đây, tại quán café Highlands ở phố Hàm Nghi, Hà Nội, tôi đang làm việc với máy tính thì có một em bé (tầm 2-3 tuổi) chập chững đi về phía tôi, tay với ly cà phê của tôi đặt trên bàn. Thấy vậy tôi vội vàng ngẩng lên tìm bố mẹ cháu thì nhận ra mẹ cháu đang ngồi bấm điện thoại.
Khi phát hiện con mình ra bàn người khác chơi, mẹ cháu chỉ chạy tới bế con mình về chứ không hề xin lỗi vì đã làm phiền tới tôi.
“Trẻ con thì biết gì” là quan niệm phổ thông ở Việt Nam nên không mấy ai để ý đến việc này. Nhưng nếu việc như vậy diễn ra ở Nhật thì bà mẹ chắc chắn sẽ vội vàng chạy ra xin lỗi tôi ngay lập tức.
Ngoài ra, đa phần các quán café ở Nhật đề cao tinh thần tự phục vụ. Khách hàng có ý thức tự dọn dẹp bàn của mình, vứt vỏ nylon hoặc gói đường vào thùng rác, lau khô các vết nước vương lại trên mặt bàn. Các bạn sẽ để ý rằng, ngay cả những học sinh cấp 2 của Nhật cũng đã có ý thức tự dọn bàn của mình trong quán café.
Tất nhiên là nhân viên của quán cũng làm việc rất cẩn thận. Các bạn nhân viên sẽ đi quanh các bàn, nếu thấy một cái bàn vương vãi nước, vỏ nylon, vỏ bánh kẹo, đồ ăn thức uống… thì nhân viên cũng sẽ dọn dẹp.
Những hành động tự giác của người Nhật góp phần giữ gìn sạch đẹp ở những quán café nên có thể nói “Trật tự” và “sạch sẽ” là quy định bất thành văn ở quán café Nhật Bản.
Xếp hạng bài viết phổ biến
-
Lớp học tiếng Nhật online miễn phí 16861 views
-
Không được ăn ốc bắt ở ruộng lúa 15390 views
-
“Đúng giờ” ở Nhật là như thế nào? 12894 views
Platinum Sponsor
Bronze Sponsors
- Global HR Strategy
- Trường Nhật Ngữ EHLE
Đơn vị hỗ trợ
- Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam
- Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam
- Văn phòng JNTO Hà Nội
- Liên đoàn kinh tế vùng Kansai
- Hội Việt Nam (JAVN)
- Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật
- Hiệp hội phát triển giao lưu nguồn nhân lực quốc tế
Đơn vị hợp tác
Tổ chức hỗ trợ du học sinh
Nhật Bản (JASSO)
Mạng lưới luật sư cho lao động người nước ngoài
Bài viết mới
Bài viết liên quan
-
Việt Nam OK – Nhật Bản DAME_05: Cách đi thang cuốn kì lạ
Đứng ở bất kỳ đâu trên thang cuốn, tặng hoa cho người ốm, đưa tiền tip trong khách sạn, nhà hàng, huýt sáo vào buổi tối là những điều hết sức bình thường ở Việt Nam. Nhưng ở Nhật thì dame. Xứ sở hoa anh đào, đất nước mặt trời mọc, mùa thu có lá vàng lá đỏ, xuân về thì hoa anh đào nở rộ… là những nét văn hóa đặc trưng của Nhật Bản, có thể đọc được ở bất kỳ đâu. Tuy nhiên, có những nét văn hóa tồn tại trong đời sống sinh hoạt thường nhật của người dân xứ sở hoa anh đào mà rất ít người Việt để ý. Hãy cùng tìm hiểu về chúng. Khi đi thang cuốn Lê Hoàng An, sinh viên năm nhất đại học Kyushu (Fukuoka), vẫn không quên được thời khắc bị một người đàn ông Nhật vỗ vai đề nghị đứng dịch về bên trái khi đang lên thang cuốn. An hơi giật mình khi nhận ra gương mặt của người đàn ông này không hề dễ chịu chút nào. Theo thói quen thời còn ở Việt Nam, An bước lên thang cuốn và đứng song song với người bạn đi cùng. Tuy nhiên, Nhật Bản đã xây dựng được văn hóa xếp hàng trên thang cuốn cực kỳ chuẩn chỉnh. Thường thì người đứng yên cần phải xếp hàng dịch về bên trái (ở khu vực Kansai thì là bên phải) để dành lối bên phải cho người đang vội có thể đi trước. Tuy nhiên nếu như bạn ở khu vực Kansai như Osaka hoặc Kyoto thì người đi thang cuốn sẽ đứng về phía bên phải, dành lối đi về phía trái cho người nào muốn đi lên trước. Tại sao ở khu vực Kansai lại có quy định ngược như vậy? Lý do cũng có nhiều cách giải thích. Một cách giải thích cho rằng năm 1967 nhà ga Umeda của tuyến đường sắt Hankyu có lắp đặt loại thang cuốn đi bộ và có nhiều người vịn vào phía bên phải do có loa thông báo “Dành lối đi bên trái cho người muốn đi trước”. Từ đó hình thành thói quen đứng bên phải. Theo một cách giải thích khác thì năm 1970, khi Osaka đăng cai tổ chức Hội chợ quốc tế EXPO thì do có nhiều du khách nước ngoài, nên đã hình thành thói quen đứng bên phải cho phù hợp với thói quen của người châu Âu. Khi đi thang cuốn ở Nhật thì người đứng yên cần phải xếp hàng dịch về bên trái (ở khu vực Kansai thì là bên phải) Ở Việt Nam, bạn có thể đứng ở bất kỳ bên nào trên thang nhưng sang tới Nhật, hãy đứng dịch về một bên kẻo lại đụng phải những cái lườm nguýt như An. Tiền tip (tiền boa) Ở Nhật Bản không có văn hóa cho tiền tip. Ở Việt Nam, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh, văn hóa đưa tiền tip cho nhân viên phục vụ tương đối phổ biến. Nhiều người Việt quan niệm đơn giản rằng, khi họ được cung cấp dịch vụ như ý thì một chút tiền tip là cách để thể hiện sự hài lòng. Tặng tiền tip sẽ khiến người Nhật nổi giận !? Tuy nhiên, đừng dại mà đưa tiền tip cho các nhân viên phục vụ ở Nhật nếu bạn không muốn rơi vào tình huống khó xử. Đối với người Nhật thì việc cung cấp một dịch vụ hoàn hảo là điều hiển nhiên. Thậm chí sẽ có nhiều người Nhật cảm thấy việc bạn đưa tiền tip là một sự sỉ nhục. Đối với họ, tiền không phải là thước đo giá trị. Người Nhật cung cấp dịch vụ xuất phát từ lòng hiếu khách chứ không phải để đổi lấy tiền boa. Tặng hoa cho người ốm là…bất lịch sự !? Tiếp theo, bạn có một người bạn Nhật đang nằm viện và nghĩ tới chuyện tới thăm. Theo thói quen của người Việt, bạn nghĩ rằng mình nên mua một vài bông hoa giúp người bệnh cảm thấy vui tươi hơn. Nếu muốn mua hoa, xin hãy lưu ý vài điểm sau: Bản thân việc tặng hoa cho người ốm không có vấn đề gì, nhưng các loài hoa có màu trắng ở Nhật đều liên quan đến đám tang. Vì thế nên tránh các loại hoa màu trắng hoặc hoa cúc, là loại hoa chuyên được cắm bàn thờ phật. Ngoài ra các loài hoa đỏ thì khiến người bệnh liên tưởng tới máu. Vì thế nếu tặng hoa cho người sau khi bị mổ thì ta nên tránh nhé. Ở Nhật tặng hoa cho người ốm là…bất lịch sự? Tệ hơn nữa, nếu bạn tặng cho người ốm những loài hoa được trồng trong chậu thì thê thảm rồi. Bởi hoa trồng trong chậu có rễ, tiếng Nhật đọc là “Netsuku” và từ này dễ làm người ta liên tưởng tới từ “ngủ mãi” trong tiếng Nhật. Bạn đang mong người bệnh ngủ mãi hay sao? Ở một số vùng thì hoa trồng trong chậu sẽ khiến người bệnh nghĩ rằng chúng ta đang chúc họ nằm viện lâu tới mọc rễ. Hơn nữa, tùy theo bệnh viện mà có những nơi người ta không cho phép cắm hoa trong phòng bệnh nên nếu muốn tặng hoa, chúng ta nên hỏi trước xem có được phép không nhé. Bởi những loại hoa có hương thơm mạnh hoặc có phấn hoa… có thể ảnh hưởng tới người bệnh hoặc người nằm cùng phòng. Nên thường thì người ta tránh tặng hoa cho người ốm. Huýt sáo Vào một đêm trăng thanh gió mát, bạn cao hứng và quyết định huýt sáo vài giai điệu cho vui vẻ. Bạn thoải mái làm điều đó ở Việt Nam nhưng ở Nhật thì đừng. Tiếng huýt sáo có rất nhiều giai thoại ở Nhật. Huýt sáo ngoài đường Ở một số vùng, người Nhật quan niệm rằng tiếng huýt sáo là cách kẻ trộm gọi nhau vào ban đêm. Vậy nên chỉ cần nghe tiếng huýt sáo người dân sẽ theo phản xạ lùng xục tìm kẻ gian. Thời xa xưa hơn nữa, sáo là công cụ được sử dụng khi gọi hồn. Vậy nên tiếng sáo vang lên ban đêm sẽ khiến nhiều người cảm thấy rùng rợn, giống như việc có hồn ma nào đó đang được gọi lên. Trẻ con ở nhiều vùng thì được người lớn dạy rằng, nếu huýt sáo thì rắn sẽ vào nhà. Nói tóm lại, tiếng sáo vang lên ban đêm chỉ liên quan tới những điều không tốt. Những nét văn hóa dân gian góp phần tạo nên đặc trưng cho mỗi dân tộc. Vậy nên hãy tìm hiểu và tôn trọng những điều kiêng kị để chí ít thì cũng không bị coi là bất lịch sự trong đời sống hàng ngày.
-
Trò chuyện cùng Sempai_03 Dịch vụ tận tâm Omotenashi của Nhật
Tại các nhà hàng, nhân viên luôn hướng về phía khách hàng, chào thật to và rõ ràng là “Irasshaimase” (xin mời vào), khi đang phục vụ thì chú ý đến tốc độ ăn của khách để mang dần từng món lên. Đó là các trải nghiệm của những sempai làm việc lâu năm trong các nhà hàng ăn uống. Trong loạt bài “Trò chuyện cùng sempai” nói về những cú sốc văn hóa hoặc những trải nghiệm của những người đi trước, hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu về dịch vụ tận tâm Omotenashi của Nhật Bản nhé. Những sempai tham gia cuộc trò chuyện lần này Ngọc Linh: Sang Nhật năm 2016. Hiện sống tại tỉnh Kanagawa, sinh viên năm thứ 4, đại học tư thục. Vũ Hà: Sang Nhật năm 2017. Hiện sống tại tỉnh Osaka. Sinh viên cao học Đại học Osaka. Trọng Dũng: Sang Nhật năm 2008. Sau khi học xong ở Nhật thì mở công ty riêng. Lan Anh: Dẫn chương trình. Thành viên ban biên tập KOKORO. Đã sống ở Nhật trên 30 năm. Dịch vụ tận tâm Omotenashi ーー(LA)Ở Nhật Bản có từ "Omotenashi" để chỉ sự phục vụ tận tình, tận tâm. Các em sống ở Nhật đã lâu, đã có ai được phục vụ như vậy chưa? Ngọc Linh: Em từng đi làm thêm (baito) ở nhiều nơi như làm ở cửa hàng tiện lợi (combini), quán cà phê (ở Akihabara), quán ăn kiểu gia đình (Family restaurant), siêu thị, quán gà nướng (Shibuya), quán bít-tết (ở Shinjuku). Mỗi nơi đều có tiêu chuẩn về "omotenashi" riêng nên em có cảm giác như mình được biết rất nhiều tinh hoa trong dịch vụ ở Nhật. Em đã làm 5 năm ở một quán gà nướng ở Shibuya. Khách hàng của quán thuộc đủ mọi tầng lớp. Trước khi có đại dịch COVID-19, cũng có nhiều khách nước ngoài tới quán. Nơi này đã giúp em trưởng thành rất nhiều. Ví dụ: khi khách hàng vào thì tất cả mọi nhân viên phải nhìn về phía khách hàng và nói Irasshaimase (nghĩa là “Xin mời vào”). Dù lúc đó mình đang rửa bát, đang nhặt rau hay đang pha đồ uống… thì cũng dừng lại hết tất cả mọi việc, nhìn vào khách và nói lời chào. Việc này nhằm tỏ ý biết ơn khách hàng vì họ đã chọn đến quán của mình trong khi xung quanh có rất nhiều các cửa hàng khác. Nếu không quay mặt lại, không nói to và nhiệt tình thì lời chào không có ý nghĩa, không thực sự có tình cảm, thành ý. Lúc khách ra về, mình phải "miokuri" tức là ra tận cửa để tiễn khách. Em có nghe cảm nhận của khách hàng. Họ bảo là đến những quán mà nhân viên chào hỏi nhiệt tình là họ có ấn tượng tốt và muốn quay lại. Dù trong lúc ăn, các món có lên chậm một chút thì khách hàng cũng sẽ nhớ lại ấn tượng ban đầu là được chào hỏi nồng hậu nên có thể bỏ qua cho việc phục vụ chậm. Trong những quán nhậu, mọi người có thấy là toilet thường rất sạch sẽ không? Họ thường đặt sổ để khách hàng ghi ý kiến. Họ quan tâm tới những chi tiết nhỏ như để bông ngoáy tai, tăm, nước súc miệng, thậm chí là để cả một món đồ hơi hơi tế nhị một tí là băng vệ sinh cho khách nữ. Em thấy cái đấy chứng tỏ là họ quá là quan tâm. ーー(LA)Em được làm việc tại một cửa hàng tuyệt vời quá. Nếu được vào một nhà hàng có thái độ phục vụ, lời chào vui vẻ như vậy mình cũng thấy thích thú. “Mình đặt bản thân vào vị trí của khách và phục vụ họ với cả tấm lòng” đó chính là tinh thần của Omotenashi. Ngọc Linh: Dạ. Nhà hàng cũng luôn dạy cho bọn em là “Hãy đứng vào vị trí của khách” để làm việc. Ngoài việc chào hỏi nhiệt tình, khi phục vụ bọn em cũng được dạy phải để ý xem tốc độ ăn của khách ra sao để mang đồ ăn ra đúng lúc để khách có thể thưởng thức hương vị ngon nhất. Chứ nếu món trước chưa ăn xong, mình đã mang món tiếp theo ra thì đồ ăn nguội mất, không còn ngon nữa. Trọng Dũng: Để đạt được trình độ như vậy thì cần có nhiều năm làm việc và đúc kết kinh nghiệm. Việt Nam cũng đang ngày một phát triển nhưng chắc cũng phải mất thời gian mới theo kịp dịch vụ của Nhật. Mong sao ngành dịch vụ của Việt Nam cũng học hỏi những điểm hay của Nhật Bản. Công ty tôi cũng hay phái cử nhân viên tới làm việc tại quầy thu ngân hoặc vận chuyển hàng cho siêu thị. Chúng tôi có tới 50 nhân viên người nước ngoài đang làm việc tại siêu thị. Chúng tôi cũng luôn hướng dẫn các bạn mỗi khi có khách tới thì ngẩng lên chào khách và nói “Irasshaimase” (xin mời vào / xin chào) hoặc “arigatou” (cảm ơn). Phục vụ khách ở siêu thị: Vấn đề cần cải thiện Ngọc Linh: Em cũng làm thêm (baito) tại siêu thị. Hình như siêu thị càng lớn thì việc đào tạo nhân viên lại càng không được cẩn thận lắm. Em thấy mấy bạn người Nhật cùng độ tuổi với em, khi làm việc tại các siêu thị lớn đó thì không thực sự quan tâm tới khách hàng lắm, không thể hiện đủ thái độ omotenashi, mà chỉ làm cho xong việc và nhận tiền. Còn nhân viên lớn tuổi hơn thì họ quan tâm tới khách hàng hơn. Vì được đào tạo kỹ tại quán gà nướng nên em cũng rất quan tâm tới khách khi làm ở siêu thị. Nếu gặp khách hàng lớn tuổi, em tự động bê giỏ đồ cho họ ra tận bàn đóng gói hàng hoá. Nhưng các bạn trẻ người Nhật thì không để ý việc đó. Họ tính tiền xong là xong, không quan tâm tới khách có gặp khó khăn gì không. Các em bé đi siêu thị với cha mẹ thì thích tự mình mua những món đồ như kẹo có hình nhân vật mà mình thích. Bé không muốn đưa đồ vào giỏ hàng cùng với cha mẹ. Trong trường hợp đó, em sẽ tính tiền cho bé trước, như vậy bé sẽ ngoan, mình tính tiền cho cha mẹ bé dễ dàng. Nhưng một số bạn Nhật trẻ hoặc mới đi làm thì không kiên trì trong việc xử lý những việc như thế. Ở siêu thị như thế, bọn em cảm thấy họ không giáo dục nhân viên phải quan tâm chu đáo tới khách mà chỉ quan tâm là mình tính đủ tiền hay không, không bị lỗ là được. Muốn tự mình xem hàng kỹ cũng khó ーー(LA)Vũ Hà có cảm nhận gì về dịch vụ của Nhật Bản không? Vũ Hà: Có ạ. Một hôm em vào một cửa hàng giày. Thế là nhân viên chạy đến ngay và hỏi: "Anh cần cỡ bao nhiêu để tôi giới thiệu". Em thì vừa vào nên bảo: "Để từ từ mình xem mẫu mã đã". Thế là nhân viên họ đứng lùi ra sau nhưng em cảm thấy họ vẫn theo dõi em nên em ra khỏi cửa hàng đó luôn vì không đủ thời gian để xem thì rất khó mua. ーー(LA)Ở những cửa hàng sang trọng hoặc các cửa hàng nhỏ thì nhân viên luôn sẵn sàng lại gần khách hàng để hỏi han, hướng dẫn. Cách thể hiện dịch vụ như vậy cũng khiến nhiều khách hàng hài lòng nhưng nhiều khi cũng khiến khách hàng cảm thấy phiền toái nhỉ. Việc thông báo thông tin trên xe điện, xe buýt ーー(LA)Còn dịch vụ trên các phương tiện giao thông công cộng thì các em thấy thế nào? Ngọc Linh: Hồi tháng 10/2021 vừa qua, ở khu vực Tokyo và các tỉnh lân cận có 1 trận động đất khá mạnh, ảnh hưởng tới nhiều tuyến tàu. Hôm sau, em có đi tàu thì nhiều tuyến vẫn bị ảnh hưởng nên tàu đông và bị chậm chuyến. Nhà ga luôn thông báo tình hình tàu chạy và xin lỗi hành khách vì sự chậm trễ, rồi dặn dò hành khách hãy cẩn thận khi đi lại làm em rất cảm động. Vũ Hà: Ở Việt Nam, xe buýt không dừng hẳn cho người lên xuống mà vẫn đi chậm chậm vì thế người xuống, người lên cũng phải thật nhanh chân mới được. Trọng Dũng: Trên tàu điện hoặc xe buýt ở Nhật đều có những chỗ ngồi ưu tiên. Khi đi xe, lái xe thường xuyên thông báo “Trên xe có ghế ưu tiên. Nếu thấy người lớn tuổi, người khuyết tật hoặc phụ nữ có thai hoặc có trẻ nhỏ thì chúng ta hay nhường chỗ nhé”. Ở Việt Nam, khi đi xe buýt cũng đôi khi thấy thông báo “hãy nhường ghế cho người già hoặc trẻ nhỏ” nhưng tôi ít khi thấy ghế nào đề là ghế ưu tiên cả. Vũ Hà: Ở Osaka thì em thấy là ngoài thành phố Osaka, các tàu điện và xe buýt ít có biển báo hoặc thông báo bằng tiếng Anh nên đối với người mới sang hoặc chưa giỏi tiếng Nhật thì cũng gặp nhiều khó khăn. Em rất mong là có thêm nhiều nơi có nhiều thông tin, biển báo bằng tiếng Anh hơn nữa.
-
Đường sắt đô thị Hà Nội và tác phong đi tàu ở Nhật Bản
Sau nhiều năm chờ đợi, cuối cùng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông ở Hà Nội đã được chính thức đi vào hoạt động. Do chưa có thói quen đi tàu điện đô thị nên những ngày đầu chạy thử cũng có chút trục trặc. Để cải thiện việc đi tàu tôi muốn các bạn cùng tham khảo tác phong đi tàu ở Nhật Bản, nơi có phong cách đi tàu đã được phát triển lâu đời. 〈※Ảnh trên cùng của Quách Phong〉 Bản đồ đường tàu 〈Nguồn: Hanoimetro.net〉 Ngày 6/11/2021 tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội “Đường sắt Cát Linh - Hà Đông” đã được khai thông. Tuyến đường sắt này được khởi công vào năm 2011 với mục đích để giảm tắc nghẽn giao thông. Dự định ban đầu sẽ khai trương vào năm 2015 nhưng đã bị trì hoãn nhiều lần. Tổng chi phí vào khoảng 18 nghìn tỷ đồng (khoảng 900 tỷ yên). Đây là tuyến đường sắt hoàn toàn trên cao, giá tối thiểu là 8.000 đồng (khoảng 40 yên). Tổng chiều dài từ ga Cát Linh tới ga Hà Đông là 13.1km với 12 ga. Ngày đầu khai trương và những vấn đề cần cải tiến Ảnh Quốc Thái Khác với những tuyến đường xe điện cũ, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông là một phiên bản nâng cấp xịn xò hơn, hiện đại hơn giúp diện mạo thủ đô Hà Nội gọn gàng và mang hơi thở thời đại hơn rất nhiều. Còn đối với những công dân trẻ thời IT (công nghệ thông tin) đã được tiếp xúc với phương tiện công cộng hiện đại thông qua internet hay phim ảnh, rốt cuộc giấc mơ được ngồi tàu đi giữa thủ đô cũng đã trở thành hiện thực. Người dân Hà Nội dĩ nhiên là vui mừng. Rất nhiêu bạn trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên học ở những ngôi trường nằm dọc tuyến tàu chạy, ngồi café nói với nhau về viễn cảnh “ngồi tàu đi học” như trong phim Nhật, phim Hàn. Một gia đình cùng nhau đi tàu 〈Ảnh Cao Minh Ngọc〉 Tuy nhiên, dẫu sao thì hoạt động đi tàu cũng là hoàn toàn mới mẻ với một bộ phận lớn người dân sống tại Hà Nội nên khó tránh khỏi những bỡ ngỡ, chệch choạc. Theo thống kê từ Sở giao thông vận tải Hà Nội, chỉ trong 2 ngày đầu tiên đưa vào hoạt động, tuyến tàu Cát Linh – Hà Đông đã phải “cõng” tới 80.000 lượt hành khách. Đông ắt sẽ có chuyện. Ít nhất thì đã có một vụ ẩu đả xảy ra do người này đứng che mất góc chụp ảnh của người khác. Rất nhiều người dân do quá háo hức trải nghiệm nên có đôi chút chen lấn, xô đẩy giữa người lên và xuống tàu. Nhiều người bạn của tôi thì than phiền về tiếng ồn trên tàu. Những cuộc video call gọi về cho bố mẹ ở quê khoe đang đi tàu diễn ra với âm lượng quá lớn, tiếng trẻ con khóc, gào thét vì đông đúc mệt mỏi… đã tạo nên một bầu không khí hơi huyên náo thái quá so với một ga tàu bình thường. Bãi đỗ xe và những vấn đề phát sinh Bãi đỗ xe ở tầng 1 ga Cát Linh Ngoài ra, theo phản ánh của người dân thì có hiện tượng thu phí cao hơn so với mức giá niêm yết. Tại bãi đỗ xe ở ga Cát Linh, giá quy định là 5.000 đồng đối với xe máy và 25.000 đồng đối với ô tô nhưng đã bị nâng lên 10.000 cho xe máy và 50.000 đồng đối với ô tô. Tuy nhiên, hiện tại thì chỉ ở ga chính Cát Linh mới có bãi đỗ xe còn các ga nhỏ dọc tuyến thì vẫn chưa có những địa điểm chính thức để người dân gửi xe. Trong thời gian sắp tới Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề nghị Ủy ban nhân dân các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông và Công ty Đường sắt Hà Nội phối hợp, đề xuất các vị trí gửi xe tại các ga tàu đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Đi tàu, nên học tác phong của người Nhật Một sân ga xe điện ở Tokyo Tàu điện là một “sân chơi” khá mới đối với đa phần người Việt nhưng tại Nhật Bản, tàu điện đô thị, tàu điện ngầm có bề dày lịch sử khoảng 150 năm. Tại các đô thị lớn ở Nhật, hệ thống xe điện nổi cộng với hệ thống xe điện ngầm có rất nhiều tuyến đường, đan xen nhau như mạng nhện. Ở Tokyo, chỉ riêng tuyến xe điện ngầm đã có 9 tuyến với tổng cộng 180 nhà ga. Hầu hết những người sử dụng tàu đều đi bộ từ nhà tới ga. Vì vậy ở Tokyo, nhiều người không có xe máy hoặc xe ô tô và chỉ cần sử dụng tàu điện và xe buýt trong sinh hoạt hàng ngày. Chính vì vậy mà người Nhật cũng quen với “bộ quy tắc ứng xử ngầm” khi đi xe điện như không làm nói chuyện qua điện thoại, không ăn uống, không vứt rác, xếp hàng khi tàu đến… khá giống với việc đi máy bay hay đi xe khách. Khi đi tàu, chúng ta có thể tham khảo những tác phong đi tàu của người Nhật mà chúng tôi xin giới thiệu sau đây. Phong cách khi đợi tàu và lên tàu Xếp hàng đợi tàu 〈Ga Osaka, đường tàu JR〉 Khi đợi tàu, văn hoá xếp hàng của người Nhật có nét khác biệt. Họ sẽ xếp thành 2 hoặc 4 hàng và khi tàu đến, họ sẽ đứng dạt sang 2 bên cửa tàu, mở ra một lối đi rộng rãi cho những người từ trên tàu bước xuống hết rồi mới lên tàu. Vào những lúc cao điểm như giờ đi làm buổi sáng và giờ tan tầm buổi chiều, những nhà ga lớn sẽ rất đông khách nhưng thường không có bất kỳ sự chen lấn, va chạm nào ở cửa tàu. Trong 3 ngày đầu chuyến tàu Cát Linh – Hà Đông được đưa vào hoạt động, đã diễn ra tình trạng chen lấn, va đập, thậm chí… ẩu đả. Các bạn thử tưởng tượng xem nhà ga Shinjuku ở Tokyo, mỗi ngày với các tuyến đường của 5 công ty đường sắt khác nhau, mỗi ngày có tới trên 3,5 triệu lượt khách qua lại mà không hề xảy ra vấn đề gì thì đủ thấy tác phong đi tàu của người Nhật đã phát triển đến mức nào. Chúng ta hãy tham khảo tác phong tại các ga xe điện của Nhật để cải thiện dần cách đi tàu ở mình nhé. Đeo ba lô phía trước ngực Ở Nhật, nhiều hành khách đeo ba lô phía trước ngực Để tránh những va chạm không đáng có, ngoài việc tuân thủ chuyện xếp hàng, người Nhật còn luôn lưu ý vào lúc tàu đông mà đeo ba lô to thì thường quay balo về trước ngực thay vì để sau lưng. Việc ôm balo trước ngực sẽ tránh được việc bạn vô tình đập ba lô hoặc vướng vào mặt người lạ. Khu vực dành riêng cho xe lăn và ghế ưu tiên Tàu điện ở Nhật Bản còn có khu vực riêng dành cho người đi xe lăn hoặc người dùng xe đẩy trẻ em để có thể lên xuống dễ dàng với sự giúp đỡ của nhân viên nhà ga. Ngoài ra thì người Nhật rất chú ý đến ghế ngồi dành riêng cho những đối tượng đặc biệt như: Người khuyết tật, phụ nữ có thai, người già… Ghế ngồi này thường có màu khác với các ghế ngồi bình thường, thường được đặt ở cuối hoặc đầu toa, có ghi rõ là “ghế ưu tiên” để mọi người lưu ý nhường chỗ khi cần. Sẽ có rất ít người Nhật bình thường ngồi vào những ghế này, trừ khi tàu rất vắng. Khi tàu đông, cũng có khi có bạn trẻ người Việt Nam không nhận ra nên vô tư dùng các ghế ngồi ưu tiên đó. Hãy chú ý điều này nếu như bạn không muốn bị lườm nguýt ở Nhật nhé.
-
Người bạn thân thương ở Nhật của tôi – Máy bán hàng tự động
Gần 4 năm trước, một ngày giữa tháng 8, Nhật nắng chói chang. Sau một chặng đường dài từ sân bay Narita về ký túc xá, tôi mệt mỏi thở dài: “Khát nước ghê!”. Vừa than vãn, người chị khóa trên hướng dẫn đoàn tân sinh viên đã dúi ngay vào tay tôi một chai nước mát lạnh. Đầy bất ngờ, tôi hỏi: “Ở chỗ hoang vắng như thế này, chị mua ở đâu vậy ạ?”. Chị cười, “Ở kia đó”, rồi chỉ về hai chiếc máy bán hàng tự động nằm yên ắng bên đường ray, giữa con đường hẻo lánh. Nhớ ngày cấp 3, cả trường tôi đã từng hò reo hứng khởi khi thấy ở sân bóng của trường xuất hiện một chiếc máy bán hàng tự động. Buồn một nỗi, tiền cho vào máy rồi, nhưng chai nước không “xuất đầu lộ diện”. Ở Nhật thì khác, dù có ở nơi nào, hẻo lánh đến mấy, bạn cũng sẽ tìm được một chiếc máy bán hàng tự động. Có khi còn tìm được cả dãy máy, và tất nhiên chiếc máy nào cũng vận hành rất mượt mà. Tuy Mỹ là đất nước có nhiều máy bán hàng tự động nhất trên thế giới, nhưng xét về mật độ máy bán hàng tự động, không đâu bằng được nước Nhật. Cứ 23 người sẽ có 1 máy bán hàng tự động. Hàng năm, doanh thu từ những chiếc máy bán hàng tự động này là 5 tỷ yên, tương đương hơn 1 nghìn tỷ Việt Nam đồng, giúp Nhật trở thành quốc gia có doanh thu từ máy bán hàng tự động cao nhất thế giới. Nhịp sống hối hả ở Nhật khiến những chiếc máy bán hàng tự động vận hành 24/7 trở thành một phần quan trọng không thể thiếu. Sáng sớm chưa kịp bỏ gì vào bụng, chạy vội vào ga cho kịp chuyến tàu đến công ty hay trường học, mua ngay được cái bánh ngọt ở chiếc máy bán hàng tự động đặt dưới ga tàu. Thế là ấm bụng! Những chiếc máy bán hàng tự động ở Nhật, đương nhiên cũng rất “Nhật”, đầy sáng tạo và tiện nghi. Tuy khởi điểm được phát minh ở Anh vào thế kỷ 19, dùng để bán thuốc lá, bánh kẹo, chiếc máy bán hàng tự động lâu đời nhất ở Nhật Bản, có từ năm 1904, là máy dùng để bán tem và bưu thiếp. Đặc biệt hơn cả, chiếc máy ấy không chỉ bán bưu thiếp và tem, mà còn cho phép bỏ thư từ vào để gửi đi, như một chiếc bốt bưu chính thu nhỏ. Đến giờ, người Nhật vẫn tiếp tục sáng tạo đủ kiểu với những chiếc máy bán hàng tự động của mình. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy những chiếc máy bán hàng tự động bán những món cực đặc biệt như súp ngô, chuối, bánh ngọt, oden (một thức ăn truyền thống của Nhật Bản), trứng lòng đào, kem hay pizza. Bên cạnh đó, máy bán đồ uống ở Nhật có chia hai loại nước: lạnh và ấm. Chỉ cần mua một chai nước chanh mật ong ấm nóng từ máy bán hàng tự động ở nhà ga để mân mê là vừa đủ để xua đi mùa đông lạnh giá. Vẻ ngoài của những chiếc máy bán hàng tự động ở xứ sở hoa anh đào cũng rất đa dạng và thú vị. Có chiếc khoác lên mình chiếc áo Pikachu vàng ruộm. Có chiếc lại tự tin tỏa sáng với hình hài chú robot đỏ rực. Những chiếc bán hàng tự động ở Nhật, với tôi, không đơn giản chỉ là những chiếc máy bán hàng, mà còn là những sứ giả kết nối yêu thương. Nhớ một lần, giữa ngày đông 0 độ C, đi làm về mệt quá, tôi ngủ quên trên chuyến tàu cuối. Tàu bon bon chạy đến bến cuối cùng. Đến lúc mở mắt thì tàu hết, không về được nhà. Ga đó hẻo lánh, không có lấy một cửa hàng mở 24 giờ, xung quanh tối đen như mực. Tôi đã nghĩ mình sẽ co ro đến hết đêm ở sân ga, trong sự đơn độc, lạnh giá và sợ hãi. Nhưng một bác người Nhật cũng kẹt lại khi ấy đã đưa tôi một chai trà nóng mua ở máy bán hàng tự động gần đó và mấy miếng bìa bác xin được ở cửa hàng tiện lợi. Chai trà dù nhỏ bé thôi, nhưng sự quan tâm của một người xa lạ, ở một nơi chốn chẳng mấy thân quen, làm tôi không thôi cảm động. Sự ấm áp truyền đến nơi bàn tay, nơi cổ họng, cũng từ đó được lan truyền đến trái tim, làm tôi thêm yêu nước Nhật, con người Nhật, và cũng yêu hơn những chiếc máy bán hàng tự động ở nơi đây.
Xếp hạng bài viết phổ biến
-
Lớp học tiếng Nhật online miễn phí 16861 views
-
Không được ăn ốc bắt ở ruộng lúa 15390 views
-
“Đúng giờ” ở Nhật là như thế nào? 12894 views
Platinum Sponsor
Bronze Sponsors
- Global HR Strategy
- Trường Nhật Ngữ EHLE
Đơn vị hỗ trợ
- Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam
- Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam
- Văn phòng JNTO Hà Nội
- Liên đoàn kinh tế vùng Kansai
- Hội Việt Nam (JAVN)
- Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật
- Hiệp hội phát triển giao lưu nguồn nhân lực quốc tế
Đơn vị hợp tác
Tổ chức hỗ trợ du học sinh
Nhật Bản (JASSO)
Mạng lưới luật sư cho lao động người nước ngoài