Kinh nghiệm của tôi (Du học - Nhân lực chất lượng cao)

14_sumb
By KOKORO(Báo Mainichi+VAIJ;Đơn vị hỗ trợ: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, v.v.)

Gặp gỡ sempai số này

Phạm Kim Hồng

Sinh năm 1979 tại thành phố Hồ Chí Minh
Tháng 6/1997: Tốt nghiệp trường THPT Gia Định
Tháng 9/1997: Vào học Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, Khoa Kỹ thuật Xây dựng, Bộ môn Kỹ thuật Tài nguyên nước
Tháng 7/2002: Tốt nghiệp Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh
Tháng 3/2003: Vào làm việc tại công ty con của Công ty SAWACO
Tháng 2/2005: Thôi việc tại công ty con của Công ty SAWACO
Tháng 4/2005: Nhập học trường tiếng Nhật ở Tokyo
Tháng 3/2007: Tốt nghiệp trường tiếng Nhật ở Tokyo
Tháng 5/2007: Vào làm việc tại Công ty Nhật Việt
Tháng 4/2008: Thôi việc tại Công ty Nhật Việt
Tháng 5/2008: Vào làm việc cho Văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh của công ty Toshin Development
Tháng 10/2015: Thôi việc ở Văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh của công ty Toshin Development.
Tháng 12/2015: Tự mở công ty (thành lập Công ty YUMIYA CONSULTING và làm phiên dịch tự do)

Mail: Hongphamnv12@gmail.com

Mở đầu

Mỗi khi các doanh nghiệp lớn hay cơ quan chính phủ của Nhật Bản tổ chức sự kiện tại Việt Nam, chúng ta thường thấy xuất hiện gương mặt của một số phiên dịch viên quen thuộc. Chị Hồng là một trong số các phiên dịch viên hàng đầu này. Sau khi tốt nghiệp trường đại học hàng đầu tại thành phố Hồ Chí Minh và đi làm, với mong muốn thăng tiến trong sự nghiệp, chị đã quyết định đi du học tại Nhật Bản để trau dồi thêm về ngôn ngữ. Thời gian đó, số người đi du học tại Nhật Bản vẫn còn ít ỏi. Cuộc sống của chị Hồng ở Nhật ra sao, chị đã nỗ lực phát huy và vận dụng như thế nào khả năng tiếng Nhật trong công việc sau khi về nước? Dưới đây là câu chuyện chia sẻ trải nghiệm thực tế của chị Hồng.

Các phiên dịch viên đồng nghiệp và chị Hồng (thứ tư từ trái sang) tại sự kiện giao lưu giữa Nhật Bản và Việt Nam (tháng 10 năm 2019)

Phiên dịch, một công việc đầy sức hấp dẫn

Tôi thường xuyên có cơ hội được phiên dịch hoặc dẫn chương trình cho các buổi họp hay hội thảo do cơ quan chính quyền và doanh nghiệp Nhật Bản tổ chức, các hội giao lưu, sự kiện cầu nối kinh doanh, chương trình đào tạo nội bộ công ty hay lễ khai trương cơ sở mới… Tôi còn từng xuất hiện trong bản tin truyền hình đưa tin về các buổi họp của cơ quan chính quyền, ví dụ như hội nghị giữa thành phố Yokohama và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (về vấn đề nguồn nhân lực), hay hội nghị giữa tỉnh Hiroshima và Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ (về vấn đề môi trường).

Phiên dịch trong diễn đàn về hợp tác trao đổi nhân lực y tế Nhật - Việt (Huế, tháng 12/2018)

Khi phiên dịch, tôi luôn cố gắng hiểu lập trường và nội dung công việc của đơn vị nhờ dịch cũng như mục đích của buổi họp, từ đó chọn lựa cách diễn đạt sao cho có thể truyền tải được câu từ và ý tứ một cách dễ hiểu và chính xác. Nhờ vậy, ngày càng có nhiều khách hàng chỉ định đích danh tôi khi nhờ dịch các lần tiếp theo.

Chẳng hạn, chính quyền một thành phố lớn của Nhật Bản trong 2, 3 năm liền đã chỉ định tôi đi dịch tới khoảng 10 lần. Tuy nhiên, trong trường hợp được công ty nhân sự hay công ty tổ chức sự kiện giới thiệu đi dịch lần đầu, tôi cũng luôn cố gắng để các lần đi dịch sau cũng là thông qua công ty đó. Tôi luôn coi trọng chữ tín trong những trường hợp như thế này.

Ảnh trái: Dẫn chương trình trong lễ khánh thành nhà máy mới của một doanh nghiệp Nhật Bản (Vũng Tàu, năm 2019)
Ảnh phải: Dẫn chương trình trong hôn lễ của một bạn đồng nghiệp phiên dịch viên (Tp. Hồ Chí Minh, năm 2019)

Ảnh chụp cùng bạn bè là phiên dịch viên trong hôn lễ của một người bạn (Tp. Hồ Chí Minh, tháng 6/2019)

Sau khi du học, làm công việc tư vấn tại một công ty Nhật Bản

Một công việc khác của tôi là nghề tư vấn. Sau khi du học xong và về nước, tôi vào làm cho một công ty nhỏ kinh doanh sản phẩm may đo theo đơn đặt hàng. Giám đốc công ty là một nữ doanh nhân người Nhật, còn tôi, với vai trò là phó giám đốc, đảm nhiệm rất nhiều mảng công việc khác nhau, từ quản lý kế hoạch sản xuất cho đến kế toán v.v… Tuy nhiên, với mong muốn học hỏi về cung cách quản lý doanh nghiệp với quy mô lớn hơn một chút, khoảng một năm sau đó, tôi xin chuyển sang làm việc theo chế độ cán bộ quán lý thuê ngoài và lên công ty không định kì.

Sau đó, tôi vào làm cho Toshin Development, là công ty con của công ty kinh doanh trung tâm thương mại Takashimaya. Tại đây, tôi trực tiếp làm công việc phát triển các trung tâm thương mại và bất động sản. Thời gian đầu, văn phòng đại diện công ty chỉ có 3 người Nhật, nhưng quy mô ngày càng lớn dần và một công ty liên quan có pháp nhân sở tại được thành lập (công ty tư vấn). Tôi với cấp trên người Nhật đã cùng chuyển sang công ty mới này. Tại đây, tôi phụ trách điều tra thị trường và tìm kiếm đối tác bên phía Việt Nam cho các công ty Nhật Bản muốn kinh doanh tại Việt Nam.

Tận dụng suy nghĩ của người Việt Nam và kinh nghiệm bản thân vào công việc tư vấn

Mặc dù có hứng thú với công việc tư vấn, lại nhận mức lương thực lĩnh hằng tháng là 24 triệu đồng, nhưng do cấp trên của tôi quay về Nhật Bản năm 2014, nên tôi quay lại công ty Toshin Development. Tuy vậy, không khí làm việc ở đây cũng đã có nhiều thay đổi, nên năm sau, tôi thôi việc tại công ty. Sau đó, tôi tự lập công ty tư vấn. Do ban đầu khách hàng còn ít, công việc chủ yếu để tồn tại chỉ là phiên dịch. Nhờ được giới thiệu, công việc phiên dịch tăng dần nên tôi đã dành toàn bộ thời gian cho công việc này.

Tuy nhiên, từ năm 2019, tôi bắt đầu dồn thêm tâm sức vào công việc mà tôi rất yêu thích là mảng tư vấn. Chỉ riêng trong năm 2019, tôi đã nhận được một số đơn đặt hàng tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản thành lập pháp nhân ở Việt Nam. Hiện nay, tôi đang nỗ lực hết sức để phát huy được năng lực tiếng Nhật cũng như kinh nghiệm sau khi về nước vào công việc này.

Tại Hội An (Tháng 7 năm 2019)

Các doanh nghiệp Nhật Bản khi phát triển kinh doanh sang Việt Nam thường hay sử dụng công ty tư vấn hoặc cố vấn của Nhật. Tuy nhiên, nhiều trường hợp các công ty tư vấn hay cố vấn này không có kiến thức, cách cảm nhận cũng như hiểu rõ công việc đủ để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Với vai trò là người phiên dịch, tôi đã chứng kiến rất nhiều trường hợp như vậy. Tôi thấy rằng nếu mình đứng ra làm cầu nối, kết nối giữa văn hoá và cách nghĩ của doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Nhật Bản, vận dụng kinh nghiệm trong cả hai nghề tư vấn và phiên dịch, thì nhất định sẽ mang lại được lợi ích to lớn khi thực hiện xúc tiến công việc của khách hàng.

Ăn tối cùng bè bạn (Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 1/2020)

Quyết định đi du học Nhật Bản sau khi đã có việc làm

Sau đây, tôi xin kể thêm về lý do mình đi du học tại Nhật Bản. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi vào làm tại một công ty chi nhánh của SAWACO (Tổng công ty cấp nước Sài Gòn), nhưng tôi cảm thấy ở đây mình sẽ không có nhiều cơ hội để phát triển bản thân. Đúng lúc ấy, tôi nhận được lời rủ của một người bạn đang tuyển sinh cho trường tiếng Nhật ở Tokyo.

Hồi đại học, tôi từng học tiếng Nhật tại một trường tiếng mỗi tuần 3 buổi trong hơn 1 năm và khi đã đi làm, tôi còn theo học một khoá tiếng Nhật hơn 1 năm dành cho người đang đi làm của Trường Nhật ngữ Đông Du. Vì vậy, tôi cho rằng đây là cơ hội để mình trau dồi tiếng Nhật một cách thực sự nghiêm túc, sử dụng được cho công việc sau này và quyết định sang Nhật. Sang Tokyo, tôi ở trong một căn hộ chung cư (một phòng ngủ, có bếp riêng) cùng với 3 bạn người Việt và 1 bạn người Sri Lanka.

Ảnh chụp với các bạn cùng lớp ở trường tiếng Nhật (Năm 2006)

Sổ tay chi tiêu của tôi (Trung bình 1 tháng)

※Từ năm 2005 đến 2007.
※ 100 yên = 21.156 VND (tỉ giá ngày 17/2/ 2020)

Thu nhập (tổng cộng khoảng 120.000 ~ 130.000 yên)

Làm thêm (tại quán nhậu) Khoảng 90.000 ~ 100.000 yên
※Khoản tiền về tay sau khi đã trừ thuế
※Vào các kỳ nghỉ dài hơn, như nghỉ hè, thu nhập cao hơn một chút
Tiền chu cấp từ gia đình 30.000 yên
※Tiền mang từ Việt Nam sang và tiền mẹ chu cấp

Các khoản chi (tổng cộng khoảng 120.000 ~ 130.000 yên)

Tiền nhà, tiền điện, nước, ga 35.000 yên
※Căn hộ 1 phòng ngủ có bếp riêng, 4 người ở chung, 1 phòng có 2 giường tầng
※Bao gồm cả tiền điện, nước, ga
Điện thoại di động 0 yên
※Thời đó điện thoại di động chưa phổ biến
Học phí 65.000 yên
Tiền ăn 20.000 yên
※Tự nấu cơm
Tiền tiêu vặt, chi phí đi lại 5.000 ~ 10.000 yên
※Thỉnh thoảng đi du lịch trong ngày với bạn bè cùng du học

Khoản tiền chênh lệch (tiết kiệm được): Không có

Đi du lịch theo sự kiện do trường tiếng Nhật tổ chức (Mùa Hè năm 2005)

Để nâng cao trình độ tiếng Nhật

Việc làm thêm đầu tiên của tôi ở Nhật là làm tại siêu thị, do trường tiếng Nhật giới thiệu. Công việc của tôi hồi đó là lấy hàng từ trong kho ra bày lên kệ, hoặc dán nhãn giảm giá lên các mặt hàng gần hết hạn sử dụng, nhưng do cơ hội được trò chuyện với người Nhật quá ít nên sau nửa năm tôi đã bỏ công việc này. Tuy nhiên, hồi đó, các nơi nhận du học sinh vào làm thêm còn rất ít, tiếng Nhật của tôi cũng còn khá kém nên dù có xem trên tạp chí tuyển người và gọi điện thoại đến đó thì cũng rất khó vào được đến vòng phỏng vấn.

Vì vậy, tôi đã tìm đến Hellowork, nhờ người phụ trách gọi điện nói giúp rằng “Hiện nay đang có du học sinh người Việt muốn tìm việc, xin được xem xét”, rồi tôi đến phỏng vấn và được nhận vào làm. Tại quán nhậu, tôi làm công việc ghi chép các món khách gọi và bưng bê đồ ăn.Do có rất nhiều cơ hội luyện tập tiếng Nhật khi trò chuyện với chủ quán và các nhân viên trong quán nên tôi đã làm ở đây cho đến tận khi về nước.

Bắt tay cửa hàng trưởng trong tiệc cuối năm ở nơi làm thêm (siêu thị) (Tokyo, tháng 12/2005)

Ở trường tiếng Nhật, tôi chứng kiến rất nhiều người do quá mệt mỏi với việc làm thêm nên ngủ gật trên lớp, nhưng bản tôi đã xác định đến Nhật Bản du học là để học hỏi, trau dồi tiếng Nhật nên đã cố gắng không ngủ gục. Thêm vào đó, vào ngày thứ Bảy, Chủ Nhật cuối tuần không phải đến trường, tôi thường tranh thủ đến thư viện công cộng gần nhà để học.

Ngoài ra, ở Tokyo, một số người Nhật về hưu đã tình nguyện mở lớp hội thoại tiếng Nhật dành cho người nước ngoài vào ngày thứ Tư hằng tuần, mỗi buổi khoảng 1 tiếng rưỡi đồng hồ. Vào ngày này mỗi tuần, tôi không đăng kí lịch làm thêm để đi đến lớp. Mỗi lớp học có 1 giáo viên người Nhật và chỉ khoảng 4, 5 học sinh người nước ngoài. Ngoài lớp học này ra, tôi còn tham gia lớp dạy nấu ăn tình nguyện miễn phí. Việc luyện tập hội thoại ở các lớp học này cũng như ở chỗ làm thêm giúp cải thiện trình độ tiếng Nhật của tôi rất nhiều. Các bạn du học sinh lứa sau cũng nên cố gắng hết sức để tìm cơ hội nói chuyện với người Nhật nhé!

Lớp dạy nấu ăn tình nguyện miễn phí (Tokyo, tháng 11/2006)

JUACH

Sau khi về nước, tôi được bạn giới thiệu vào Câu lạc bộ Cựu du học sinh Nhật Bản tại thành phố Hồ Chí Minh (Japanese Universities Alumni Club in HCM, gọi tắt là JUACH). Hơn 1.000 thành viên cùng với khoảng vài chục thành viên chính của câu lạc bộ thường hay hỗ trợ JASSO tổ chức và phiên dịch trong các Hội thảo du học, hoặc tổ chức các sự kiện riêng của câu lạc bộ. Hoạt động giao lưu giữa các thành viên câu lạc bộ cũng diễn ra rất sôi nổi.

Cả hai bức ảnh đều là ngày hội đầu năm của JUACH (Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 2/2019)

Ảnh chụp cùng các thành viên JUACH tại Hội thảo du học Nhật Bản của JASSO (Khách sạn Rex, Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 10/2019)

Quang cảnh Hội thảo du học Nhật Bản của JASSO (Tháng 10/2019)

Du học mở đường cho tương lai

Tại Nhật Bản hiện nay, số lượng người Việt Nam vi phạm pháp luật đang gia tăng. Nếu như không chuẩn bị tiếng Nhật cho đầy đủ và đi du học với thái độ hời hợt thì sẽ rất khó kiếm được công việc làm thêm tốt. Các bạn du học sinh gặp khó khăn về tiền bạc rất dễ bị dụ dỗ tham gia các hội nhóm xấu, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như trộm cắp… Để tránh rơi vào tình cảnh đó, trước khi đi du học, các bạn cần suy nghĩ kĩ xem tương lai mình muốn trở thành người như thế nào.

Thay vì chỉ quan tâm đến việc kiếm tiền ngay trước mắt, các bạn hãy nghĩ đến tương lai của bản thân, nghĩ đến gia đình, và nỗ lực đạt được thành quả mang lại ích lợi cho công việc tương lai. Cụ thể nhất là trước tiên hãy cố gắng nỗ lực để có được kết quả học tập cao hơn mức trung bình trong trường tiếng Nhật nhé!

(Cả 2 ảnh) Đi chơi cùng bạn phiên dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh (Tháng 1/2020)